RSS Feed for Thủy điện nhỏ: Nguồn năng lượng sạch và bền vững | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 20:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện nhỏ: Nguồn năng lượng sạch và bền vững

 - Thủy điện nhỏ là một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Với tiềm năng khá lớn, Việt Nam cần triệt để khai thác, phát triển bền vững nguồn tài nguyên này để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện nhỏ, tránh để xẩy ra tình trạng bất cập như trong thời gian vừa qua, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp...

Nên công bằng với thủy điện
Thủy điện La Ngâu, thêm một lần Chính phủ cần phải vào cuộc
Năng lượng Việt Nam và cách mạng công nghiệp 4.0

Phát triển thủy điện nhỏ cần được xem xét trong các kế hoạch tổng thể quốc gia về phát triển năng lượng xanh bền vững.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tình hình phát triển thủy điện nhỏ trên thế giới và khu vực

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), trong Báo cáo về Phát triển Thủy điện nhỏ (TĐN) năm 2016, hiện nay tại các nước đang phát triển cũng như phát triển nhu cầu đối với các nguồn năng lượng sạch và bền vững ngày càng trở nên cấp thiết khi đối mặt với biến đổi khí hậu - trong lúc sự không chắc chắn về địa chính trị, kinh tế đối với các thị trường nhiên liệu hóa thạch làm nổi bật tầm quan trọng của sự đa dạng hóa và độc lập năng lượng.

Trên phạm vi toàn cầu, thủy điện là dạng năng lượng tái tạo được sử dụng rộng rãi nhất, với tổng công suất hơn 1,2 triệu Megawatt (1,2 TW) đã được lắp đặt đang vận hành tại các nước. Tuy nhiên, các dự án quy hoạch và thiết kế không đảm bảo có thể tác động tiêu cực đến môi trường. Để đáp ứng được các yêu cầu phát triển và hoạt động bền vững của thủy điện, một cách tiếp cận dựa trên nguyên tác cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Khi có được sự ủng hộ bằng các chính sách và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, TĐN có thể là một công nghệ năng lượng quan trọng, tham gia vào các chương trình điện khí hóa nông thôn, phát triển công nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và nạn phá rừng. Vì vậy, phát triển TĐN cần được xem xét trong các kế hoạch tổng thể quốc gia về phát triển năng lượng xanh bền vững.

Theo báo cáo về phát triển TĐN năm 2016 của UNIDO, tổng công suất TĐN (công suất đến 10 Megawatt) trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2016 là hơn 78 ngàn Megawatt trong tổng tiềm năng 217 ngàn Megawatt (36%), chiếm khoảng 1,9% tổng công suất các loại nguồn điện, 7% tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), và  6,5% tổng công suất nguồn thủy điện (kể cả thủy điện tích năng). Cơ cấu nguồn NLTT của thế giới năm 2016 được đánh giá như sau.

Tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (%)

100

Trong đó + Thủy điện vừa và lớn

54

Điện gió

22

Điện mặt trời

11

Thủy điện nhỏ

7

Năng lượng sinh học

5

Điện địa nhiệt

1

 

Phát triển thủy điện nhỏ theo châu lục năm 2016

Châu lục

    Tiềm năng (MW)

 Công suất đặt hiện có (MW)

Châu Á

  120.614

50.729

 65%

Châu Mỹ

44.162

7.863

10%

Châu Âu

38.943

18.684

23,7%

Châu Phi

12.197

580 

0,7%

Châu Đại Dương

  1.206

447  

0,6%

 

Năm nước phát triển thủy điện nhỏ hàng đầu thế gới là Trung Quốc, Italy, Nhật Bản, Na Uy và Hoa Kỳ. Tổng công suất TĐN hiện có của 5 nước này chiến tới 67% của toàn thế giới, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 29% (gần 23.000 MW).        

Đối với các nước Đông Nam Á (ĐNA), báo cáo của UNIDO cho biết, tổng công suất lắp đặt TĐN của khu vực này là 2.340 MW, chiếm hơn 17% tổng tiềm năng 13.642 MW, trong đó Việt Nam là quốc gia đứng đầu với tổng công suất lắp máy 1.836 MW (78% toàn khu vực), chiếm gần 26% tổng tiềm năng 7200 MW (53% toàn khu vực).

Hiện trạng phát triển thủy điện nhỏ tại Việt Nam

Như đã nêu trên đây, tiềm năng TĐN của Việt Nam là khoảng 7200 MW (gấp 3 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La - lớn nhất Đông Nam Á). Điều này cho thấy tiềm năng TĐN nước ta rất phong phú, nếu được khai thác hợp lý, quản lý chặt chẽ đúng quy trình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể.

Thực tế, trong thập kỷ vừa qua (2005 -2015), tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi có nguồn thủy năng dồi dào, phát triển TĐN đã trở thành cao trào. Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, do được quản lý chặt chẽ từ khâu quy hoạch, thiết kế đến đầu tư xây dựng nên phát triển TĐN đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Ví dụ điển hình về khai thác TĐN thành công là tỉnh Lào Cai: năm 2015 toàn tỉnh có 34 công trình TĐN (theo phân loại của Việt Nam) với tổng công suất 570 MW, sản lượng 1877 triệu kWh, doanh thu hơn 2000 tỷ VNĐ, nộp ngân sách tỉnh 290 tỷ VNĐ.

Tuy nhiên, do quan niệm về tính "nhỏ" của các dự án TĐN nên nhiều địa phương đã không quan tâm đúng mức đến các công tác từ qui hoạch, thiết kế, thẩm định, đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành… Đã có những nơi, những lúc, có những dự án TĐN mới chỉ được xác định sơ bộ, nhà đầu tư đã được cấp phép đầu tư và xây dựng TĐN đã trở thành "phong trào" mang tính tự phát, thiếu sự quản lý và chỉ đạo thống nhất. Đây chính là nguyên nhân gây ra các tình trạng phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ tràn lan mà không khôi phục lại hiện trường theo quy định, vỡ đập, lụt lội… dẫn đến những sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội và môi trường đối với các cộng đồng dân cư vùng hạ du.

Đặc biệt, trong các năm 2012, 2013, những sự cố nghiêm trọng do TĐN gây ra tại một số tỉnh miền Trung đã trở thành đề tài nóng tại các kỳ họp Quốc hội.

Cũng chính từ những bất cập này mà thời gian gần đây Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại các quy hoạch TĐN, chấn chỉnh các hoạt động thẩm tra, thẩm định, cấp phép, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án TĐN theo thẩm quyền.

Kết luận và kiến nghị

Thủy điện nhỏ là một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Với tiềm năng khá lớn, nước ta cần triệt để khai thác, phát triển bền vững nguồn tài nguyên này để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng này đồng thời tránh những tình trạng bất cập như đã nêu trên đây, cần thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất: Tiến hành phân tích chi tiết tiềm năng tài nguyên TĐN nhằm giảm chi phí cho đầu tư phát triển. Soát xét lại một cách nghiêm túc tất cả dự án TĐN, kể cả các dự án bị loại bỏ thời gian gần đây (hầu hết các địa phương đều loại bỏ khá nhiều dự án), trong các quy hoạch TĐN của các địa phương để có được các quy hoạch TĐN với chất lượng và độ tin cậy cao, làm cơ sở thu hút đầu tư.

Thứ hai: Thu thập chuỗi số liệu thủy văn cho một giai đoạn dài hơn nữa. Để đạt được mục tiêu này cần đầu tư thiết bị kỹ thuật để tạo một mạng lưới quan trắc tại các vị trí trạm TĐN trong tương lai.

Thứ ba: Các báo cáo nghiên cứu khả thi hiện có về các vị trí tiềm năng cần được đánh giá lại do những hiệu ứng thay đổi liên tục về thủy văn, môi trường tại lưu vực. Các điều kiện mới về kinh tế, môi trường pháp lý và cải tiến công nghệ cũng cần được xem xét.

Thứ tư: Tất cả các đối tượng tham gia phát triển TĐN phải thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình TĐN. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thẩm định, cấp phép, thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành các dự án TĐN thuộc phạm vi quản lý của mình.

Tài liệu tham khảo:

1. World Small Hydropower Development Report 2016 (United Nations Industrial Development   Organisation - UNIDO).

2. Quyết định 396/QĐ-BCT 2017 về kế hoạch hành động của ngành Công thương trong lĩnh vực thủy điện.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động