RSS Feed for Thủy điện La Ngâu, thêm một lần Chính phủ cần phải vào cuộc | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 11:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện La Ngâu, thêm một lần Chính phủ cần phải vào cuộc

 - Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), với Dự án Thủy điện La Ngâu do Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu (đơn vị thành viên thuộc VEA) làm chủ đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã không chấp hành các phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trong khi xem xét phê duyệt quy hoạch thủy lợi sông La Ngà; không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ Dự án Thủy điện La Ngâu, chủ đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản và những hệ lụy đến nền kinh tế, xã hội, môi trường...

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 5)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 7)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 8)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 9)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 10)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 11)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 12)

Vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án 

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch liên quan đến Dự án Thủy điện La Ngâu tại văn bản số 1483/CP-CN ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bậc thang sông Đồng Nai, trong đó Dự án Thủy điện La Ngâu là bậc thang cuối trên sông La Ngà (sông nhánh cấp 1 của sông Đồng Nai) thuộc tỉnh Bình Thuận với công suất lắp máy 36 MW. Cạnh đó là Quyết định số 40/2003/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét đến năm 2020, trong đó Thủy điện La Ngâu đưa vào vận hành năm 2006.

Trên cơ sở các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu làm chủ đầu tư Dự án Thủy điện La Ngâu (văn bản số 4770/UBND-ĐTQH ngày 22 tháng 10 năm 2007); cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 48121000129 cho Chủ đầu tư; đã quyết định thu hồi đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Dự án. Sở Công nghiệp tỉnh Bình Thuận đã thông qua Thiết kế cơ sở của Dự án (văn bản số 663/SCN - QLĐ ngày 04 tháng 10 năm 2007). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt; Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa Thủy điện La Ngâu.

Trên cơ sở các văn bản phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư Dự án đã hoàn thành công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án; đã lập xong thiết kế kỹ thuật; cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống giao thông vào công trường, hệ thống cấp điện thi công, đào hố móng giai đoạn 1...

Bằng nguồn vốn tự có, chủ đầu tư đã bỏ kinh phí với tổng giá trị đã thực hiện của dự án khoảng 100 tỷ đồng.

Trong văn bản kiến nghị, VEA đã nêu lên một số vướng mắc của dự án thủy điện La Ngâu và quá trình tháo gỡ. Cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17 tháng 11 năm 2006. Theo đó, trên sông La Ngà sẽ xây dựng dự án thủy lợi hồ La Ngà 3 với mức nước dâng bình thường (MNDBT) là 165m; với MNDBT này, dự án hồ La Ngà 3 sẽ làm ngập toàn bộ Dự án Thủy điện La Ngâu (mức nước hạ lưu lớn nhất là 135 mét). Như vậy, dự án La Ngà 3 không phù hợp với các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nêu tại điểm 1 văn bản này.

Do có sự chồng lấn về các quy hoạch trên sông La Ngà, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 3187/UBND-ĐTQH ngày 09 tháng 7 năm 2010 gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án Thủy điện La Ngâu, tỉnh Bình Thuận trong đó có một số nội dung chính như sau.

Thứ nhất: Dự án thủy lợi Hồ chứa nước La Ngà 3 được quy hoạch do cấp Bộ phê duyệt sau, lại chưa phù hợp và đồng bộ với quy hoạch thủy điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai: Dự án La Ngà 3 sẽ làm ngập 500 ha đất các loại; phải di dân toàn bộ cư dân thuộc xã La Ngâu; làm ngập 6,15 km đường quốc lộ 55 và 30,5 ha đất rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Thứ ba: Hiện nay diện tích đất của huyện Tánh Linh còn rất hạn hẹp, sẽ rất khó khăn trong việc bố trí đất cho công tác tái định canh, định cư dự án La Ngà 3.

Từ những nguyên nhân trên, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét điều chỉnh quy mô công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 để hạn chế thiệt hại và phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ đầu tư Dự án Thủy điện La Ngâu điều chỉnh lại Dự án để phù hợp với quy hoạch dự án La Ngà 3.

Do có sự chồng chéo của các Quy hoạch, theo đề nghị của chủ đầu tư, ý kiến của các UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với  các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận rà soát lại các quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (văn bản số 7804/VPCP-KTN ngày 29 tháng 10 năm 2010).

Tiếp đến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 2556/BTNMT-TNN ngày 14 tháng 7 năm 2011 báo cáo Thủ tướng Chính phủ với các nội dung chính.

Một là: Bộ Công Thương khẳng định Dự án Thủy điện La Ngâu nằm trong danh mục các dự án thuộc Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra hai phương án quy hoạch: (i) Phương án 1: Như quy hoạch đã có, nhưng không có hồ La Ngà 3; (ii) Phương án 2: Như quy hoạch đã có và có hồ La Ngà 3. Cả hai phương án đều có hiệu quả kinh tế, phương án 2 có hiệu quả kinh tế lớn hơn phương án 1, nhưng lớn hơn không nhiều. Phương án 2 chưa tính tới những tác động đến vùng hạ lưu thuộc lưu vực sông Đồng Nai do hồ La Ngà 3 chuyển nước ra khỏi lưu vực.

Ba là: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận: Nếu hồ La Ngà 3 được xây dựng sẽ làm ngập 500 ha đất các loại; phải di dân toàn bộ cư dân thuộc xã La Ngâu; làm ngập 6,15 km đường quốc lộ 55 và 30,5 ha đất rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông; trong khi diện tích đất của huyện Tánh Linh còn rất hạn hẹp, sẽ rất khó khăn trong việc bố trí đất cho công tác tại định canh, định cư khi thực hiện dự án Hồ La Ngà 3.

Bốn là: Từ các kết quả rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai xây dựng công trình thủy điện La Ngâu vì các lý do: Quy hoạch lưu vực sông La Ngà, trong đó có hồ La Ngà 3 chưa xem xét đầy đủ tác động tiềm tàng của hồ La Ngà 3 đến hạ du lưu vực sông Đồng Nai; chưa tính đến tác động xã hội môi trường tỉnh Bình Thuận; hiệu quả kinh tế xây dựng hồ La Ngà 3 lớn hơn không nhiều so với phương án không xây dựng. Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có Dự án Thủy điện La Ngâu. Việc triển khai xây dựng công trình Thủy điện La Ngâu được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Trên cơ sở báo cáo nêu trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo (văn bản số 799/VPCP-KTN ngày 26 tháng 7 năm 2011) với nội dung: "Đồng ý với báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giao Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu tiếp tục triển khai xây dựng công trình thủy điện La Ngâu theo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà cho phù hợp, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản số 1583/BCT-TCNL ngày 01 tháng 3 năm 2012 gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ đạo tiếp tục triển khai xây dựng Dự án Thủy điện La Ngâu, đảm bảo tiến độ phát điện năm 2014 theo Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 1353/UBND-KTN ngày 17 tháng 4 năm 2012 gửi Sở Công Thương Bình Thuận yêu cầu hướng dẫn chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các trình tự thủ tục có liên quan triển khai Dự án Thủy điện La Ngâu, bảo đảm phát điện năm 2014.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện rà soát, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, do đó ngân hàng tài trợ vốn cho dự án (Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), mặc dù đã thẩm định, đồng ý tài trợ 70% vốn cho Dự án, nhưng vấn đề chồng lấn quy hoạch giữa công trình thủy lợi La Ngà 3 và Dự án Thủy điện La Ngâu chưa được giải quyết, nên BIDV vẫn chưa thể giải ngân cho Dự án. Do không có vốn, chủ đầu tư phải thi công cầm chừng, tiến độ thực hiện Dự án đã chậm nhiều theo yêu cầu trong Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất, kiến nghị 

Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản pháp luật, ý kiến của các cơ quan liên quan và Hồ sơ của Dự án, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận thấy một số vấn đề cần giải quyết.

Một là: Về cơ sở pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Dự án Thủy điện La Ngâu đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Dự án phù hợp với quy hoạch bậc thang sông Đồng Nai và Quy hoạch Điện lực Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng công trình; được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Công Thương phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa. Dự án đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình và đã triển khai xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ thi công (đường giao thông, cấp điện nước thi công,…) và xây dựng hố móng công trình từ năm 2008 theo đúng tiến độ trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch thủy lợi sông La Ngà, trong đó có công trình hồ thủy lợi La Nga 3 làm ngập toàn bộ Nhà máy thủy điện La Ngâu. Dự án hồ La Ngà 3 chưa đảm bảo phù hợp với quy hoạch dự án thủy điện La Ngâu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hồ chứa nước La Ngà 3 do cấp Bộ phê duyệt, chưa phù hợp với các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến việc chồng lấn quy hoạch giữa công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 và dự án thủy điện La Ngâu.

Từ tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trên. Tuy nhiên đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa thực hiện rà soát, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà, gây khó khăn trong việc thu xếp vốn, làm cho việc thi công Dự án Thủy điện La Ngâu bị đình trệ, kéo dài.

Như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã không chấp hành các phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trong khi xem xét phê duyệt quy hoạch thủy lợi sông La Ngà; không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 799/VPCP-KTN ngày 26 tháng 7 năm 2011.

Hai là: Các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường của dự án thủy lợi La Ngà 3

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận thấy không thể chấp nhận đề xuất xây dựng dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 với các lý do sau.

Thứ nhất: Về kinh tế: Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án có xây dựng hồ La Ngà 3 (phương án 2) có hiệu quả kinh tế lớn hơn không xây dựng hồ La Ngà 3, nhưng không nhiều (chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế IRR chỉ khác nhau là 0,3%); trong khi phương án 1 chưa đánh giá đến các tác động của dự án La Ngà 3 đến môi trường của tỉnh Bình Thuận và hạ lưu sông Đồng Nai. Trường hợp tính thêm các chi phí, tổn thất do các thiệt hại này, có thể phương án xây dựng hồ La Ngà 3 sẽ không đạt hiệu quả kinh tế.

Thứ hai: Về tác động đến môi trường: Tác động đến môi trường của tỉnh Bình Thuận. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng dự án La Ngà 3 sẽ làm ngập 500 ha đất các loại; phải di dời toàn bộ dân cư xã La Ngâu; làm ngập 6,15 km đường quốc lộ 55 và làm ngập 30,5 ha diện tích đất rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Trong khi diện tích đất cho tái định cư của huyện Tánh Linh còn rất hạn hẹp nên rất khó bố trí đất cho tái định canh, định cư dự án hồ La Ngà 3.

Trường hợp xây dựng dự án hồ La Ngà 3, toàn bộ nước của thượng lưu sông La Ngà (sông nhánh cấp 1 của sông Đồng Nai), tính đến Tà Pao với tổng diện tích lưu vực khoảng 2.000 km2; lưu lượng trung bình Qo = 75,7 m3/s, tương ứng với tổng lượng dòng chảy năm khoảng 2,4 tỷ m3 sẽ được chuyển sang lưu vực các sông, suối thuộc tỉnh Bình Thuận, không trả về lưu vực sông Đồng Nai.

Như vậy, trường hợp xây dựng dự án hồ La Ngà 3 sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của hạ du, cũng như yêu cầu nước cho đẩy mặn, giảm ô nhiễm môi trường ở hạ nguồn sông Đồng Nai.

Hiện nay trên thượng nguồn sông Đồng Nai đã có 2 công trình thủy điện thực hiện chuyển nước của sông Đồng Nai sang lưu vực khác, gồm: (i) Thủy điện Đa Nhim chuyển khoảng 710 triệu m3 nước (lưu lượng bình quân năm của thủy điện Đa Nhim là 22,5 m3/s) sang lưu vực sông Cái thuộc tỉnh Ninh Thuận; (ii) Thủy điện Đại Ninh chuyển khoảng 952 triệu m3 nước (lưu lượng bình quân năm của thủy điện Đa Nhim là 30,2 m3/s) sang lưu vực sông Lũy thuộc tỉnh Bình Thuận.

Như vậy, nếu thực hiện dự án hồ La Ngà 3, tổng lượng nước của sông Đồng Nai chuyển sang lưu vực khác khoảng 4,05 tỷ m3/s; chiếm khoảng 12% tổng lượng dòng chảy trung bình năm của sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai có tổng diện tích lưu vực khoảng 37.330 km2, tổng lượng dòng chảy bình quân hàng năm khoảng 33,65 tỷ m3. Sông Đồng Nai nằm trên địa phận 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh với tổng số dân đến năm 2015 khoảng 19,62 triệu người.

Tổng lượng nước mặt bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai khoảng 1.715 m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân đầu người chung của Việt Nam là 9.560 m3/người, cũng như thấp hơn nhiều so với chuẩn là 10.000 m3/người/năm của quốc gia có tài nguyên nước ở mức trung bình theo quan điểm của Hiệp hội nước quốc tế (IWRA). Lưu vực sông Đồng Nai có nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có dân số lớn nhất trong cả nước, thì lượng nước mặt bình quân nêu trên càng thấp hơn nữa so với nhu cầu nước, nhất là trong các tháng mùa khô.

Như vậy, việc xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3, thực hiện chuyển nước sang lưu vực khác sẽ làm cho tình hình cung cấp nước của các tỉnh, thành phố thuộc hạ du lưu vực sông Đồng Nai càng trầm trọng hơn nữa.

Từ các nội dung trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận thấy việc giải quyết các bất cập trong vấn đề chồng lấn quy hoạch giữa dự án thủy điện La Ngâu và công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện Dự án, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện cho các tỉnh miền Nam, trực tiếp là tỉnh Bình Thuận; gây thiệt hại lớn về kinh tế cho chủ đầu tư, có thể làm doanh nghiệp bị phá sản nếu không được giải quyết kịp thời.

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao tại văn bản số 799/VPCP-KTN ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục chương trình tài trợ vốn cho dự án thủy điện La Ngâu của Công ty Cổ phần Thủy điện La Ngâu theo như thỏa thuận giữa các bên có liên quan để dự án sớm đưa vào hoạt động theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phệ duyệt.

HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động