Đóng góp ý kiến về đàm phán kinh tế, thương mại
08:59 | 19/04/2012
HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM --------------------- Số: 35/CV-HHNL V/v: Góp ý kiến về đàm phán kinh tế, thương mại | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------
Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2010 |
Kính gửi: Đoàn Đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại Quốc tế
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã nhận được Văn bản số 148/ ĐĐPCP-TT ngày 30/9/2010 của Đoàn Đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại Quốc tế kèm theo Tài liệu nghiên cứu khoa học “Tổng hợp các cam kết của Việt Nam trong các thoả thuận khu vực mậu dịch tự do (FTA) đã ký kết” và đề nghị VEA tham vấn ý kiến về tài liệu này.
Do thời gian nhận được tài liệu muộn (6/10/2010) lại rơi vào các Ngày kỷ niệm “Đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội” nên để kịp thời gian yêu cầu của Đoàn là gửi góp ý bằng văn bản trước ngày 10/10/2010, VEA đã chuyển trước Bản góp ý này đến địa chỉ Email: xuanhaiit@gmail.com và nlh192004@yahoo.com.
Nay VEA xin gửi Đoàn Văn bản chính thức này đến Địa chỉ Văn phòng UBQG về HTKTQT Số 2 Phạm Sư Mạnh Hà Nội kèm theo Bản góp ý của VEA.
Trân trọng.
Nơi nhận: - Như trên - Bộ Công Thương - Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) - Trung tâm Thông tin Năng lượng (VEIC) - Lưu VP VEA. | TM. HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM Chủ tịch Đã ký Trần Viết Ngãi |
GÓP Ý VĂN BẢN 148/ĐĐPCP-TT NGÀY 30-9-2010
V/v: Tham vấn ý kiến về đàm phán kinh tế thương mại
Hiệp hội Năng Lượng Việt Nam VEA là tổ chức Ngành nghề, liên quan đến các Ngành hàng trực tiếp phục vụ cho quá trình Sản xuất, Biến đổi, Cung ứng – Phân phối và Tiêu dùng các dạng Năng lượng có yêu cầu tất yếu cho Tồn tại và Phát triển Xã hội.
Mục tiêu trước mắt của Hiệp hội là tạo ra Hạ tầng Cơ Sở Kỹ thuật Năng lượng Mạnh và Bền vững cho Cộng đồng các Dân tộc trên toàn lãnh thổ Việt nam.
Do vậy, VEA có trách nhiệm liên quan trực tiếp, và rất quan tâm đến việc lưu thông hàng hoá cả ngoại thương và trong nước đối với các ngành hàng:
Nhiên – Nguyên liệu sơ cấp đầu vào: Than, Dầu, Khí, Khoáng sản, Chất thải (rắn-lỏng-khí), Sinh khối, các nguồn Quang năng, Động năng, Nhiệt năng khác.
Phương tiện và Thiết bị Sản xuất và Biến đổi Năng lượng: Lò đốt, Lò nung, Lò xấy, Bình hâm, Bình ngưng, Tua bin các loại, Máy phát các loại, Động cơ các loại, Quạt Đèn các loại, panel quang điện, tế bào nhiên liệu (fuel cell), ...
Phương tiện Truyền tải Phân phối và Sử dụng các dạng năng lượng: Dây dẫn điện và kim loại màu, Vật liệu dẫn điện và cách điện, Khí cụ điện, Cáp quang, Đường ống kim loại và phi kim, Bơm và các loại máy tăng áp, biến áp, khí cụ truyền dẫn và điều khiển lưu lượng các dòng năng lượng khác nhau: điện, khí, nước, bùn, hỗn hợp nhiều pha, …; các loại trang bị điện, khí động, thuỷ đông công nghiệp và dân dụng,…
Đây là lần đầu VEA được Tham vấn về đàm phán khung ngoại thương và cam kết ưu đãi đầu tư đối với các ngành hàng liên quan đến Năng lượng, đã và sẽ tham gia mậu dịch tự do và ưu tiên hợp tác trong qúa tình hội nhập của Việt nam, Chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:
I. Nhận xét chung về tài liệu Tổng hợp các Cam kết của Việt Nam.
1. 1. Những thông tin tổng kết của tài liệu NCKH về khu vực tự do hoá thương mại FTA đã được cung cấp cho các hiệp hội ngành hàng:
· Tổng kết đầy đủ các lộ trình tự do hoá thương mại FTA:
- AFTA : Nội bộ ASEAN - Mục 1 Trang 1
- ACFTA : ASEAN với Trung Quốc - Mục 2 Trang 2
- AKFTA : ASEAN với Hàn Quốc - Mục 3 Trang 5
- AIFTA : ASEAN với Ấn độ - Mục 4 Trang 7
- AANZFTA : ASEAN với Úc và New Zealand - Mục 5 Trang 8
· Tổng kết đầy đủ các Nội dung cam kết Đối tác toàn diện CEP:
- AJCEP : ASEAN với Nhật Bản - Mục 6 Trang 15
- EPA : Song phương VIệt Nam – Nhật Bản - Mục 7 Trang 18
- BTA : Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ - Mục 8 Trang 22
· Tổng quát hoá các cam kết Việt nam gia nhập WTO - Mục 9 Trang 25
1. 2 . Những nội dung thông tin chưa được cung cấp trong tài liệu NCKH.
· Danh mục các mặt hàng và dòng thuế tương ứng với lộ trình cắt giảm thuế Việt Nam đã thoả thuận, chưa cung cấp đầy đủ chi tiết cho Hiệp hội ngành hàng, nên khó khăn cho việc góp ý cụ thể của Hiệp hội.
· Chưa phân biệt rõ các yếu tố thô – tinh trong quá trình làm hàng để có lộ trình phù hợp với nền kinh tế Việt nam, tránh cho Việt Nam khỏi tình trạng chỉ tạo được tỉ trọng giá trị gia tăng trong nước quá thấp trong các hoạt động nội địa trước và sau giao thương.
· Chưa làm rõ năng lực kiểm soát các yếu tố bất lợi cho Việt Nam trước những thách thức mới xuất hiện trên toàn cầu, như khủng hoảng và suy thoái, cạn kiệt nguồn năng lượng sơ cấp, nguyên liệu sơ cấp đầu vào, biến đổi khí hậu, …
II. Những góp ý và Đề nghị.
2. 1. Góp ý
· Lộ trình AFTA là ưu tiên số một, cần được thực hiện nghiêm túc và hoàn chỉnh. Trên thực tế các chủng loại hàng liên quan đến Năng lượng (như đã nêu trên), năng lực cung ứng của Việt nam không thua kém gì các nước ASEAN (ví dụ mặt hàng Thiết bị Vật liệu Kỹ thuật điện ta đã chủ động từ 25 năm trước đây với Chương trình 35 kV hợp tác với Liên xô cũ ) Do vậy đến nay, VN nên sẵn sàng mở thông luồng hàng này để các doanh nghiệp chế tạo của VN tiếp tục hoàn thiện công nghệ hiện đại.
· Các lộ trình AKFTA, AIFTA cần tiếp tục thương thảo và đi đến ký kết cụ thể. Hiệp Hội Năng Lượng mong đợi một chuyển biến mạnh trong hợp tác giao thương với các đối tác này mà trong thời gian dài trước đây đã không làm được.
· Rà soát lại lộ trình ACFTA về các sơ hở của Việt Nam. Ngành Điện và Than VN đã chịu rất nhiều thiệt thòi trong giao thương với đối tác này mà chưa thấy được rút kinh nghiệm. Rất nhiều nhà máy Nhiệt điện chạy Than VN đã chậm tiến độ so với Tổng Sơ đồ đã duyệt, và chất lượng hàng hoá không đảm bảo, thi công kéo dài, làm cho tình trạng thiếu điện của Việt Nam từ nay đến 2013 càng thêm nghiêm trọng trong điều kiện thiếu nước chạy thuỷ điện. Thua thiệt vĩ mô như vậy thì Rào cản vĩ mô để tránh thua thiệt này tạo ra ở đâu, để có năng lực hạn chế thua thiệt ?
· Đẩy nhanh và tăng cường chất lương thương thảo và ký kết các thoả thuận cụ thể trong khuôn khổ Hơp tác song phương ETA, BTA để làm nhẹ các rào cản do định kiến lịch sử dẫn tới những tranh chấp bất lợi cho VN khi xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường khó tính này.
2. 2. Đề nghị chung
· Cung cấp liệt kê chi tiết các ngành hàng và dòng thuế tương ứng liên quan đến Năng Lượng (như đã nêu trên) để Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam VEA có thể có những góp ý cụ thể và chi tiết hơn về những điều VN nên cam kết và yêu cầu đối tác cùng cam kết trên hoạt động giao thương và Hợp tác Đầu tư Quốc tế.
· Cần tạo điều kiện để các Hiệp hội Ngành hàng, qua kênh Ngoại giao và Ngoại thương mở được các mối liên kết nghề nghiệp trực tiếp hơn với các đồng nghiệp quốc tế nhằm tạo được cân bằng lợi ích cho doanh nghiệp các bên tham gia FTA và WTO, trong đó các doanh nghiệp của VN thoát khỏi mọi thua thiệt không đáng có do không có đầy đủ thông tin.