RSS Feed for Kiến nghị giải quyết tiến độ các  dự án năng lượng của đất nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 02:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị giải quyết tiến độ các dự án năng lượng của đất nước

 - Nội dung văn bản:

 

 

HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

…………………………….

Số: 106 /VBKN-VEA

V/v: Giải quyết tiến độ các

dự án năng lượng của đất nước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------

 

                   

                       Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2011

      

             

                 Kính gửi:  - Tổng Bí thư

                                         - Chủ tịch nước                            

                                               - Chủ tịch Quốc hội

                                                     - Thủ tướng Chính phủ

 

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) xin gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, lời chào trân trọng!

Trước sự chậm trễ của các dự án năng lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, VEA đã tổ chức hội thảo “Bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng của đất nước” để lấy ý kiến tham luận, phản biện của các chủ đầu tư, các nhà thầu, các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng…

Tại diễn đàn này, các đại biểu đã đi sâu phân tích nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án, như tình hình thu xếp nguồn vốn đầu tư, tác động của trượt giá lạm phát, thẳng thắn nhìn nhận khách quan những vấn đề còn tồn tại trong các cơ chế, chính sách gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như kìm hãm đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng… Kiểm điểm, phân tích làm rõ các nguyên nhân gây nên sự chậm trễ các dự án điện trong Quy hoạch điện (QHĐ) VI, đề xuất các giải pháp thực hiện QHĐ VII và các dự án khai thác, chế biến than, dầu khí sẽ được triển khai trong những năm tới.

Sau khi kết thúc hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học - VEA đã họp bàn, xem xét, phân tích, cân nhắc các ý kiến và đưa ra một số kiến nghị tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, như sau:

I. Đặc điểm tình hình

Các Quy hoạch phát triển giai đoạn 2006-2015 có xét triển vọng đến năm 2025 của ngành năng lượng bao gồm các chuyên ngành điện, than, dầu khí được Chính phủ phê duyệt và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Các Quy hoạch và Chiến lược này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là “Năng lượng phải luôn được phát triển trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

 Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đồng thời cũng rất vinh quang của ngành năng lượng và để hoàn thành tốt toàn ngành phải có sự nỗ lực vượt bậc. Ngành năng lượng là ngành kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế quốc dân mang tính đặc thù rất cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và có công nghệ phức tạp, thời gian thực hiện đầu tư xây dựng dài. Do đó, ngoài việc thu xếp nguồn vốn thì vấn đề đảm bảo tiến độ thực hiện dự án phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Việc đưa vào vận hành thương mại các dự án năng lượng đúng tiến độ sẽ góp phần tác động tích cực đến phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời nói lên việc thực hiện nghiêm túc các Quy hoạch và Chiến lược đã đề ra được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

II. Đánh giá công tác triển khai đầu tư phát triển các dự án năng lượng giai đoạn 2006-2010

1. Các dự án nguồn điện

1.1. Hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI đều bị chậm tiến độ như các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ…; nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1…; trong đó các nguồn điện phải điều chỉnh tiến độ chậm lại 1-2 năm là phổ biến, thậm chí đến 3 năm trở lên như các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Mạo Khê, Nông Sơn, Vũng Áng 1, Ô Môn 1…

Đặc biệt các dự án do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân như Kiên Lương… đều bị chậm, có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2 - 3 năm, lý do chậm là do năng lực nhà thầu yếu.

Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ, chưa nói chất lượng thiết bị của Trung Quốc không bằng thiết bị của các nước phát triển, do đó dẫn đến việc triển khai các dự án vừa chậm trong xây dựng và cả chậm trong quá trình hoàn chỉnh để đưa dự án vào vận hành. Ngoài ra, có dự án nhà thầu Trung Quốc đưa toàn bộ người Trung Quốc sang làm, không thuê kỹ sư, công nhân của Việt Nam nên không tận dụng được lao động nội lực, tạo công ăn việc làm cho các địa phương có dự án.

1.2. Nhìn lại QHĐ VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 và đã thực hiện kết thúc giai đoạn 5 năm 2006-2010. Trong giai đoạn này hệ thống nguồn điện nước ta đã được tăng thêm, nhưng tỷ lệ thực hiện thực tế so với Quyết định phê duyệt là rất thấp, năm cao nhất là 87,8%, những năm còn lại dưới 70%, trong đó năm 2007 có tỷ lệ thực hiện thấp nhất là 61,9%.

2. Các dự án lưới điện

Sau 5 năm thực hiện QHĐ VI, lưới điện truyền tải được xây dựng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 50% so với yêu cầu của QHĐ VI. Việc rất nhiều công trình lưới điện bị chậm tiến độ từ 1 - 3 năm, cá biệt có công trình kéo dài hơn đã gây rất nhiều khó khăn cho vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng đến an toàn cấp điện.

III. Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án điện, than, dầu khí

1. Các dự án nguồn điện

(1) Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo quy định như hiện nay là quá dài trong các bước: lập quy hoạch địa điểm (1-2 năm), lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư xây dựng công trình, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (2-3 năm).

(2) Trong giai đoạn thực hiện đầu tư bắt đầu ngay sau khi có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền và theo trình tự phải thực hiện (khoảng 1 năm). Thủ tục xin giao đất và đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC, nhà thầu tư vấn đối với gói thầu EPC (1-2 năm). Thực hiện hợp đồng EPC giai đoạn thi công xây lắp, đây là gói thầu chính có giá trị lớn nhất của dự án, thời gian thực hiện cũng dài nhất (4-5 năm).

(3) Việc thực hiện hợp đồng EPC bị chậm có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là đàm phán giá mua bán điện và điều kiện khởi công công trình. Việc ký được hợp đồng mua bán điện với EVN trong thời gian ngắn với giá điện hợp lý, đảm bảo lợi ích của bên bán, bên mua vẫn là điều rất khó khăn. Nếu tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc dự án chỉ được khởi công khi có hợp đồng mua bán điện với EVN, thì các dự án điện của các chủ đầu tư ngoài EVN sẽ không xác định được thời điểm khởi công, dẫn đến toàn bộ dự án chậm tiến độ.

(4) Việc chọn tổng thầu EPC có nhân lực và thiết bị nguồn gốc từ các nước phát triển thời gian qua chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ thu hồi dự án.

(5) Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than, chạy dầu, nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy khí, hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế nên phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, chủ yếu là tiêu chuẩn Trung Quốc. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do phải dịch thuật, thẩm định, trình duyệt.

 (6) Trong một số trường hợp, các văn bản pháp lý (Quy chế, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Quyết định) của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực đầu tư không đồng bộ, thậm chí trái ngược nhau đã dẫn đến các chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian làm lại các thủ tục, hoặc phải chờ xin ý kiến hướng dẫn.

  2. Các dự án lưới điện

(1) Tiến độ xây dựng phát triển lưới điện truyền tải trong QHĐ VI bị chậm so với quy hoạch có các nguyên nhân như: thiếu vốn đầu tư, giá cả vật tư thiết bị tăng cao, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, yếu kém trong quản lý dự án, đặc biệt khâu tư vấn và năng lực nhà thầu thi công.

(2) Nguồn vốn của các tổng công ty phân phối điện hiện nay chủ yếu là nguồn vốn vay nước ngoài, tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại (chiếm 55-61% tổng giá trị kế hoạch vốn đầu tư xây dựng). Tuy nhiên, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi kể từ kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2010 chỉ còn chiếm một tỷ trọng rất ít (khoảng 0,8%) tổng giá trị kế hoạch vốn đầu tư xây dựng.

(3) Đối với nguồn vốn vay nước ngoài có nhiều ưu đãi nhưng các doanh nghiệp lại không được phép chủ động tìm kiếm nguồn vốn này. Mặt khác, các hiệp định vay sẽ có thời hạn giải ngân rất cụ thể, hết thời hạn giải ngân sẽ không được giải ngân tiếp, cho dù hạn mức vay vẫn còn và dự án vẫn chưa hoàn thành.

(4) Các ngân hàng trong nước không cho vay tiếp đối với các dự án đã được cho vay bởi một nguồn vốn vay khác, mặc dù khối lượng còn lại của dự án chưa được giải ngân là khá lớn. Điều này đã gây khó khăn cho việc cân đối vốn để thanh toán cho các nhà thầu nhằm hoàn thành dự án.

3. Các dự án khai thác than

Các dự án khai thác than bao gồm mở rộng và nâng công suất các mỏ than hiện có cũng như phát triển các mỏ than mới, phát triển Dự án Than đồng bằng Sông Hồng, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng các mỏ…

(1) Theo quy định tại Nghị định số: 09/2009/NĐ-CP, ngày 05/9/2009 ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và các quy định hiện hành về hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ không quá 3 lần vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước là rất thấp, trong khi đó cơ chế của nhà nước lại quy định các đơn vị chỉ được chủ động huy động vốn trong giới hạn nợ phải trả không vượt quá 3 lần vốn điều lệ.

(2) Tại Mục c, Khoản 2, Điều 53 - Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12: nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản yêu cầu: có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Do các dự án phát triển mỏ đặc biệt là dự án nhóm A, B có tổng mức đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng và thường mỗi mỏ có nhiều dự án khác nhau, trong khi đó lại không linh động điều chỉnh giảm tỉ lệ phần vốn chủ sở hữu hợp lý để có điều kiện triển khai các dự án một cách nhanh nhất.

(3) Giá bán than trong nước và giá than xuất khẩu còn chênh nhau rất lớn, đây là một bất cập dẫn đến các hiện tượng gian lận thương mại và buôn lậu than gây tổn thất tài nguyên, do đó cần nghiên cứu và thực hiện cơ chế giá than để bảo đảm giá xuất khẩu và giá bán trên thị trường trong nước chênh lệch ở mức phù hợp để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm than, đổi mới công nghệ và ngăn chặn việc gian lận, buôn lậu than…

(4) Khó khăn về huy động vốn của ngành than lớn, để đáp ứng được nhu cầu phát triển thì từ năm 2011 trở đi, hàng năm Vinacomin cần huy động một lượng vốn khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,3 - 1,6 tỷ USD) trong đó cho năng lượng (than, điện) chiếm đến 70-80% nhu cầu.

4. Các dự án dầu khí

(1) Thủ tục pháp lý cho phép đầu tư là điều kiện tiên quyết cho công tác thực hiện các dự án dầu khí, nhưng khi thực hiện thì nảy sinh những vấn đề chưa thống nhất về cơ chế, chính sách giữa các cấp, các ngành, các địa phương và chủ đầu tư.

(2) Quá trình chuẩn bị nguồn vốn đầu tư và dự báo biến động thị trường ngoại tệ, đây là vấn đề thường gặp khi tiến hành các dự án dầu khí. Do các dự án này cần có vốn đầu tư lớn và thiết bị nhập khẩu nhiều, cho nên chịu sự chi phối bởi biến động tỷ giá đồng ngoại tệ, dẫn đến phải phê duyệt lại tổng mức đầu tư, hoặc điều chỉnh thiết kế để phân kỳ, hay cắt giảm hạng mục, làm chậm tiến độ và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính - xã hội của các dự án. 

(3) Các dự án lớn do công ty nước ngoài làm tổng thầu, họ thường giao lại cho các công ty trong nước các gói có giá trị không lớn, hoặc cắt giảm công việc, làm cho các đơn vị trong nước khó phát huy được thế mạnh và tiếp cận với công nghệ mới để có thể đảm đương và thay thế nhà thầu nước ngoài khi tham gia các dự án tương tự khác.

IV. Một số chính sách tín dụng có ảnh hưởng đến công tác huy động vốn và giải ngân cho các dự án năng lượng

(1) Do quy mô của các dự án năng lượng rất lớn, nằm ngoài khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Một số dự án năng lượng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối, ràng buộc của nhiều yếu tố, vượt quá năng lực thẩm định của các ngân hàng Việt Nam.

(2) Một số dự án thủy điện vừa và nhỏ được quản lý triển khai thực hiện chưa tốt đã gây lo ngại cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính tài trợ vốn do các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính này không thể kiểm soát hết các vấn đề về kỹ thuật của dự án, trong khi dự án thường có vòng đời và thời gian vay vốn dài.

(3) Quy định chỉ được phép cho vay tối đa 15% vốn tự có đối với mỗi doanh nghiệp và sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn tối đa 30% đã làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho các dự án năng lượng.

(4) Một số dự án, đặc biệt là các dự án điện trọng điểm, cấp bách do thực hiện trong thời gian dài, gặp nhiều biến động về giá cả, tỷ giá… đã làm cho tổng mức đầu tư biến động theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và khả năng trả nợ đối với các ngân hàng. Đồng thời, để thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng kiểm soát việc tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống thông qua việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu tín dụng, với mức tăng trưởng tín dụng được thắt chặt. Do vậy, việc xem xét các khoản vay mới (khoản vay phát sinh/bổ sung do tăng tổng mức đầu tư, khoản vay đã có cam kết/ủy nhiệm nhưng chưa ký hợp đồng tín dụng) là rất khó khăn.

(5) Theo yêu cầu của ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn đối ứng Việt Nam trong gói thầu EPC phải được giải ngân trước và giải ngân hết mới thực hiện giải ngân nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, do chính sách thắt chặt tín dụng nên ngân hàng trong nước không thể giải ngân được nguồn vốn này đã dẫn đến nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài cũng không được giải ngân, do vậy chủ đầu tư không có tiền thanh toán cho các nhà thầu. 

V. Kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA

Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, phê duyệt QHĐ VII, trong đó mục tiêu từ nay đến năm 2020 là phải xây dựng được 75.000 MW điện. Trong đó, nhiệt điện chạy than là 26.000 MW (chiếm 75%), lượng than cần dùng là 67,3 triệu tấn than/năm. Hiện tại đất nước chúng ta mới có khoảng 24.000 MW, trong 10 năm nữa chúng ta phải xây dựng gấp 3 lần số công suất điện hiện có, nếu tính đến năm 2030 tổng công suất điện cả nước là 146.800 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 76.000 MW (chiếm 51,6%), lượng điện than tiêu thụ 171 triệu tấn than/năm… những con số đó nói lên tầm vĩ mô hết sức lớn trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện. Nếu để tình trạng điều hành, quản lý, xây dựng cùng với các chính sách, chế độ như từ trước đến nay thì QHĐ VII không thể nào thực hiện được như ý muốn.

1. Đối với các dự án nguồn điện

(1) Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét việc đơn giản hoá một số thủ tục đầu tư, nhằm tăng tính tự chủ cho các chủ đầu tư. Đồng thời cho phép thực hiện song song nhiều công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để giảm bớt thời gian chờ đợi giữa các thủ tục như: lập thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu, kể cả đàm phán hợp đồng EPC (nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu).

(2) Chính phủ xem xét việc giao công tác giải phóng mặt bằng cho các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương các cấp để đảm bảo theo thủ tục công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

(3) Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong Luật Đấu thầu theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn thiết bị có chất lượng cao, nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển, nhà thầu tư vấn (kể cả việc chỉ định trực tiếp nhà thiết kế, chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC, tư vấn mà chủ đầu tư đã biết rõ năng lực kinh nghiệm). Xây dựng Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện chu trình hỗn hợp, nhà máy điện hạt nhân…

(4) Phát huy khả năng của các đơn vị tư vấn ngành năng lượng của Việt Nam đảm bảo lựa chọn được thiết bị có chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý (cần phân biệt rõ về tiêu chuẩn chế tạo và địa điểm chế tạo); (iii) Cách xác định năng lực nhà thầu EPC để đảm bảo chọn được nhà thầu có kinh nghiệm quản lý dự án tốt, năng lực về kỹ thuật và tài chính mạnh; (iiii) Tỷ lệ nội địa hóa về chế tạo thiết bị tại Việt Nam.

(5) Thực hiện các dự án điện theo hình thức khác EPC (có thể E, P, C hoặc EP và C), trong đó điểm mấu chốt là các đơn vị tư vấn của Việt Nam cần phát triển năng lực thiết kế của mình để đảm nhiệm toàn bộ khâu thiết kế (E) các công trình công nghiệp nói chung và các nhà máy nhiệt điện nói riêng (hiện các đơn vị tư vấn trong nước mới chỉ giới hạn ở lập dự án đầu tư, lập tổng dự toán).

2. Đối với các dự án lưới điện

(1) Chính phủ chỉ đạo các địa phương cho phép sử dụng bản đồ địa hình do tư vấn lập để phục vụ công tác thu hồi đất đối với các dự án lưới điện, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc thực hiện thủ tục cấp đất và giảm giá thành công trình.

(2) Chính phủ có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách và các chính sách ưu đãi khác tạo điều kiện cho các dự án năng lượng nông thôn đạt được hiệu quả và tài chính.

3. Các dự án khai thác than

(1) Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có xét triển vọng đến 2030 để Vinacomin có cơ sở triển khai đầu tư các dự án trong những năm tới.

(2) Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh hệ số nợ phải trả của các doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

(3) Chính phủ chỉ đạo công tác nghiên cứu và thực hiện cơ chế giá than để bảo đảm giá xuất khẩu với giá bán trên thị trường trong nước chênh lệch ở mức phù hợp để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm than, đổi mới công nghệ, ngăn chặn việc gian lận, buôn lậu than…

4. Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư

(1) Chính phủ có những cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho dự án như bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, được sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng trong nước…

(2) Chính phủ giải quyết đề nghị của các ngân hàng thương mại về việc cho vay vượt 15% vốn tự có khi tham gia đầu tư các dự án năng lượng trọng điểm.

(3) Chính phủ có chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư huy động các nguồn vốn đầu tư với lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài như vốn vay nước ngoài, vốn ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khác, đặc biệt là đối với các dự án lớn, cấp bách và có tính chất phức tạp; khuyến khích tạo điều kiện cho các chủ đầu tư vận động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia vào các dự án.

(4) Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho EVN ký kết các khoản vay thương mại, vay ưu đãi để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện do EVN làm chủ đầu tư (kể cả vốn tăng thêm do trượt giá) với lãi suất hợp lý, không phải thẩm định và thế chấp. Mở rộng bổ sung thêm đối tượng áp dụng vay vốn ưu đãi trong nước cho tất cả các dự án điện.

(5) Chính phủ cho phép sử dụng cả 2 nguồn vốn vay nước ngoài và vay tín dụng thương mại với các tổng công ty điện lực miền và các thành phố lớn; cho phép được chủ động tìm kiếm các nguồn vốn vay nước ngoài, trực tiếp ký các hiệp định vay lại với các tổ chức nước ngoài thông qua các bộ chức năng, nhằm tạo thế chủ động, linh hoạt cho các tổng công ty, giảm bớt gánh nặng cho EVN trong thu xếp nguồn vốn đầu tư.

(6) Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn kịp thời về các thủ tục thanh toán các loại vật tư, vật liệu chủ yếu và giá nhân công khi có biến đổi tăng giá, giảm thiểu rủi ro cho chủ đầu tư và nhà thầu.

(7) Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện điều chỉnh giá điện công khai, mỗi lần điều chỉnh phải có sự tham gia giám sát, phản biện độc lập.

(8) Chính phủ chỉ đạo việc hoàn thành và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí trên cả nước; với khí hóa lỏng, cần đẩy nhanh công tác nhập khẩu để bù đắp lượng khí thiếu hụt trong nước, đáp ứng khoảng 70-80% tổng lượng khí cấp cho thị trường điện.

(9) Chính phủ chỉ đạo việc giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án kho chứa, khai thác dầu mỏ, dịch vụ dầu khí nhằm phát huy tối đa nội lực trong nước.

(10) Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư các dự án năng lượng mới tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối…) như giảm giá thuê đất, thuế nhập khẩu các loại vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất được, thuế VAT, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng khung giá năng lượng tái tạo hợp lý nhằm đảm bảo được lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

(11) Chính phủ chấp thuận và công nhận tính hợp pháp của các bảng tiêu chí đánh giá, xếp hạng các dự án năng lượng… do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam công bố. Hệ thống tiêu chí đánh giá công bố xếp hạng các dự án năng lượng nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động cấp tín dựng cho dự án và giúp cho chủ đầu tư rút ngắn thời gian tiếp cận nguồn vốn vay.

(12) Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực Trung ương thành lập Ban chỉ đạo, điều hành cung ứng điện và triển khai thực hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm (nhất là tiết kiệm điện) hiệu quả.

5. Một số kiến nghị khác

(1) Động viên, khuyến khích các nhà thầu, các nhà đầu tư trong nước kể cả tư nhân có vốn, đủ điều kiện liên danh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu Âu) để đầu tư phát triển mạnh các nguồn nhiệt điện chạy than.

(2) Khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng các hình thức BOT, BOO, nếu xét thấy họ có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài chính nên lựa chọn các nhà đầu tư các nước phát triển (châu Âu, hoặc G7).

(3) Với tốc độ tăng trưởng nêu trên của QHĐ VII, gấp 3 - 4 lần hiện nay, nếu không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả 2 hình thức đầu tư và tổng thầu EPC nên cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia càng nhiều càng tốt.

(4) Nên thực hiện Quy chế đấu thầu, lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn nhà thầu bằng cách đấu giá như trong thời gian qua.

(5) Nên hạn chế các nhà thầu Trung Quốc, chỉ cho họ tham gia các hạng mục phụ trợ nếu như họ trúng thầu theo quy định.

VEA tin tưởng Chính phủ sẽ có các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh sự nghiệp phát triển năng lượng quốc gia, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng năng lượng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn!


 

 Nơi nhận:

         - Như kính gửi;

         - PTT Hoàng Trung Hải;

         - Văn phòng Chính phủ;

         - BT Bộ Công Thương;

         - BT Bộ Nội vụ;

         - BT Bộ Tài chính;

         - Bộ KH&ĐT;

         - Uỷ ban Kinh tế Quốc hội;

         - Các hội viên VEA.

TM. HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch

 

Đã ký

 

Trần Viết Ngãi

 

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động