RSS Feed for Đóng góp ý kiến về phát triển hạ tầng năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 11:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đóng góp ý kiến về phát triển hạ tầng năng lượng

 - Nội dung văn bản:

 

 

HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

…………………………….

Số: 130 /VBĐGYK-VEA

Vv: đóng góp ý kiến

Đề án KCHT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------

                   

 

                       Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011

      

 

                 Kính gửi: - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

                          - Văn phòng Chủ tịch nước

                     - Bộ Kế hoạch - Đầu tư

 

 

Lời đầu tiên, thay mặt Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), xin được cảm ơn Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia đóng góp ý kiến về Đề án: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - giai đoạn 2011-2020”.

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của VEA là tập trung vào những hoạt động liên quan đến ngành năng lượng, đây là ngành hạ tầng rất quan trọng bởi nó gắn kết chặt chẽ với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tại cuộc họp này, VEA xin được đề cập đến một số nội dung sau:

1. Bổ sung các chuyên ngành Than, Dầu khí và năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng

Trong Báo cáo của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ đề cập đến chuyên ngành điện. Thực tế các chuyên ngành điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo luôn gắn kết với nhau trong một hệ thống - là hệ thống năng lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Nói đến hệ thống năng lượng là phải bao hàm tất cả các chuyên ngành nêu trên.

Dưới đây VEA xin tóm tắt định hướng và mục tiêu của các chuyên ngành thuộc hệ thống năng lượng của Việt Nam:

(1) Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (QHĐ VII), mục tiêu từ nay đến năm 2020 phải xây dựng được 75.000 MW điện, với nguồn vốn đầu tư bình quân 5,5 tỷ USD/năm (nguồn điện 32,5 tỷ USD, lưới điện 16,3 tỷ USD); Trong đó, nhiệt điện chạy than là 36.000 MW, chiếm tỷ lệ 46,8% và điện lượng là 154,44 tỷ kWh, lượng than cần dùng là 67,3 triệu tấn than/năm. Hiện tại hệ thống điện Việt Nam mới có khoảng 24.000 MW, trong 10 năm nữa chúng ta phải xây dựng gấp hơn 3 lần số công suất điện hiện có. Nếu tính đến năm 2030 tổng công suất điện cả nước sẽ là 146.800 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 76.000 MW (chiếm 51,6%), lượng điện than tiêu thụ lên tới 171 triệu tấn than/năm… Những con số đó nói lên tầm vĩ mô hết sức lớn trong việc đầu tư xây dựng phát triển điện của nước ta. Nếu để tình trạng điều hành, quản lý, xây dựng cùng với các chính sách, chế độ như từ trước đến nay thì QHĐ VII không thể nào thực hiện được như ý muốn.

Ngoài 2 dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, với tổng công suất 4.000MW, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào các năm 2020 - 2021, Từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 48 dự án nguồn điện, với tổng công suất 22.748MW/59.469MW (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới của Quy hoạch Điện VI) và hệ thống lưới điện đồng bộ với tổng vốn đầu tư ước tính 715 nghìn tỷ VNĐ (tương đương gần 40 tỷ USD).

(2) Theo yêu cầu của Chính phủ đến năm 2015 ngành Than phải đạt sản lượng khai thác 100 triệu tấn và năm 2020 là 150 triệu tấn. Như vậy, từ năm 2011 trở đi, hàng năm ngành Than cần phải mở thêm 4-5 mỏ mới, với suất đầu tư 300 triệu USD/mỏ (khoảng 1,5 tỷ USD/năm). Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng trên cơ sở hoàn thành thử nghiệm một số dự án theo cả hai công nghệ (khí hóa than và khai thác hầm lò), đồng thời phải hoàn thành 13 dự án nhiệt điện than và 1 dự án thủy điện (Đồng Nai 5, công suất 140 MW) với tổng công suất 7.092 MW, có tổng mức đầu tư ước tính lên tới 10 tỷ USD.

(3) Theo quy hoạch phát triển ngành Dầu khí, sản lượng khai thác dầu khí giai đoạn 2011 - 2015 là 16~18 triệu tấn dầu thô trong nước và 1,2~3 triệu tấn ở nước ngoài, 11~15 tỷ m3 khí; giai đoạn 2016 - 2025 là 13~15 triệu tấn dầu thô trong nước và 3,5~5,5 triệu tấn ở nước ngoài, 15~16 tỷ m3 khí. Kế hoạch đầu tư từ 2011 - 2015, tổng nhu cầu vốn của ngành dầu khí khoảng 75 tỷ USD, riêng phần vốn phải thu xếp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khoảng 20 tỷ USD, trong đó phần vốn vay chiếm một nửa. Riêng 5 nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 6.000MW mà PVN sẽ đưa vào vận hành các năm từ nay đến 2020 và 1 nhà máy thủy điện (Luang Prabang, công suất 1.100MW) đã cần một nguồn vốn tới gần 11 tỷ USD.

(4) Phát triển năng lượng mới và tái tạo đã được nêu trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007 là phấn đấu tăng tỷ lệ nguồn năng lượng này lên khoảng 3% tổng sản lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050. Nguồn vốn đầu tư vào các dự án này là rất lớn, nói riêng về suất đầu tư của các dự án điện gió hiện nay khoảng 2.500 - 3.000 USD/kW.

Quy hoạch và chiến lược trên đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là “Năng lượng phải luôn được phát triển trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, có cơ chế linh hoạt nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư từ xã hội ở trong nước và quốc tế, phát huy tối đa nội lực Việt Nam trong các dự án, có bộ máy điều hành quản lý đủ mạnh, lựa chọn được các nhà thầu có năng lực tài chính tốt, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại… Nếu không các dự án năng lượng được triển khai trong giai đoạn tới sẽ không đáp ứng được tiến độ đã đề ra. Theo tính toán của các chuyên gia thì 1 dự án nguồn điện công suất 600 MW, nếu chậm tiến độ 1-2 năm thiệt hại có thể lên tới 100-150 tỷ đồng, do phải trả thêm lãi vay, trượt giá vật tư, tỷ giá tăng cao, lạm phát… Và như vậy, trong những năm qua Việt Nam đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng từ các dự án chậm tiến độ, chưa kể đến những thiệt hại cho nền kinh tế - do thiếu nguồn nên nhiều cơ sở sản xuất đình đốn, gián đoạn.

Trong đầu tư xây dựng hệ thống nguồn và lưới điện của Việt Nam đã cho thấy, dự án nào có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, có cơ chế thông thoáng, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, thiết bị tiên tiến, bộ máy điều hành quản lý dự án đủ mạnh… thì dự án đó đảm bảo chất lượng, vận hành ổn định, đạt tiến độ, thậm chí vượt tiến độ đề ra. Ví dụ, hệ thống đường dây tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam (mạch 1), Nhà máy Thủy điện Sơn La…

2. Một số đề xuất của VEA nhằm xây dựng vững mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng:

(1) Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện gần như đã hết, sau thủy điện Lai Châu chỉ còn lại tiềm năng các thủy điện nhỏ, bổ sung không đáng kể cho hệ thống nguồn điện Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ nguồn năng lượng này lên mức 8% vào năm 2020 thay cho 5% trong QHĐ VII. Chúng có nhiều lợi thế về tiềm năng (gió, mặt trời, sinh khối) để thực hiện được mục tiêu đó. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư, xây dựng khung giá năng lượng tái tạo hợp lý với các thành phần: mức giá tối đa EVN có thể mua, giá hỗ trợ của Nhà nước và giá bán phát thải khí nhà kính (CER) theo các chuyên ngành: gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… đảm bảo có lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

(2) Như chúng ta đã biết, kể từ năm 1975, (sau 36 năm) đất nước ta giành được độc lập, đến năm 1986 (sau 25 năm) đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, với sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân cho phát triển điện, nhưng công suất nguồn điện đến nay mới chỉ đạt con số 24.000 MW. Trong khi đó, mục tiêu chúng ta đề ra là: 75.000 MW vào năm 2020 (có nghĩa là còn 51.000 MW chỉ thực hiện trong 9 năm) - một con số quá lớn trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Thực tế là, nguồn vốn huy động trong nước đang gặp khó khăn, đồng thời chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ khiến các chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay càng khó khăn hơn. Nguồn vốn huy động nước ngoài cũng không mấy sáng sủa, bởi thu xếp các khoản vay lớn từ quốc tế đòi hỏi sự tổng hợp vốn của rất nhiều ngân hàng khác nhau, trong khi đó vấn đề thủ tục và đàm phán phức tạp. Còn hình thức vay tín dụng xuất khẩu, lại đòi hỏi phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến thời điểm hiện tại chúng ta mới chỉ có 2 dự án nguồn điện, đó là Nhà máy điện Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2. Hình thức đầu tư: “hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao” (BOT) trong hơn một thập kỷ qua (từ năm 1997 đến nay) nước ta không có thêm một dự án BOT đầu tư nước ngoài nào được đưa vào vận hành. Hiện nay đang hy vọng phát triển thêm 2 dự án BOT là Mông Dương 2 và Hải Dương, song mới thoả thuận về nguyên tắc hợp đồng mua điện, 2 dự án này sẽ vận hành trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh. Do vậy, cần phải sớm đưa giá năng lượng, đặc biệt là giá điện theo cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư. Cùng với việc điều chỉnh giá điện, cần phải điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu; giá than bán cho điện, cũng như các hộ xi măng, giấy, phân bón… ở mức thấp hơn giá xuất khẩu (tối đa là 10%) trong năm 2012.

(3) Trong giai đoạn 2011 - 2020, đồng bộ với hệ thống nguồn điện, cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện (đường dây tải điện và trạm biến áp) ở các cấp điện áp 220kV và 500kV. Có chính sách ưu tiên phát triển lưới điện đến với vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng các giải pháp công nghệ cột nhiều mạch và các trạm treo để giảm hành lang tuyến, giảm diện tích chiếm dụng đất.

(4) Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khai thác bể than Sông Hồng nhằm giảm áp lực nguồn than nhập khẩu cho sản xuất điện, Nhà nước cần sớm chỉ đạo việc hoàn thành và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí trên cả nước. Cần đẩy nhanh công tác nhập khẩu để bù đắp lượng khí thiếu hụt trong nước, đáp ứng khoảng 70-80% tổng lượng khí cấp cho thị trường điện đạt 17-21 tỷ m3/ năm vào năm 2015 và 22-29 tỷ m3/ năm trong giai đoạn năm 2016-2020.

(5) Từ thực tế triển khai các dự án năng lượng trong những năm qua đã cho thấy, cần thiết phải hạn chế các nhà thầu kém chất lượng khi tuyển chọn các tổng thầu EPC và doanh nghiệp cung cấp thiết bị. Vì vậy, phải bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn Nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, trong các dự án phải sử dụng nguồn vật tư, thiết bị mà trong nước có thể chế tạo, sản xuất được đảm bảo chất lượng cao. Điều quan trọng là phải sử dụng tối đa lao động trong nước, từ đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí nội địa hóa, đưa doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao và giảm nhập siêu trong những năm sắp tới.

3 Một số góp ý cụ thể về Báo cáo do Ban cán sự Đảng bộ Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự thảo:

(1) Về kết quả đạt được hạ tầng năng lượng (trang 2):

Đề nghị sửa chuẩn lại như sau: “…từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thủy năng, nguồn than đến nay đã cơ cấu được hệ thống năng lượng với nguồn đa dạng bao gồm: điện (thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân), than, dầu khí và năng lượng tái tạo… Riêng về điện, tổng lượng điện sản xuất tăng 3,76 lần, từ 26,6 tỷ kWh năm 2000 lên 100,071 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện bán cho Campuchia) năm 2010.

(2) Về nhận định những yếu kém của hạ tầng năng lượng (trang 3, dòng 3 từ dưới lên) bỏ chữ: “tuy nhiên” thì mới hợp lý.

(3) Về phương hướng phát triển hệ thống cấp điện (trang 12)

“…. Các nhà máy điện hạt nhân đảm bảo đến năm 2020 và 2030 đưa vào vận hành 2 tổ máy 4.000 MW…”. Viết theo nội dung này là không đúng vì: công suất tổ máy điện hạt nhân khoảng 1.000 MW và khoảng 1.350 MW (chứ không phải là 4.000 MW).

Đề nghị chữa lại như sau: QHĐ VII đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trong giai đoạn 2020 - 2030 sẽ đưa vào vận hành 5 nhà máy điện hạt nhân là Ninh Thuận 1:  2 x 1.000 MW (2020 - 2021), Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2: 2 x 1.000 MW (2020 - 2021), Nhà máy điện hạt nhân Số 3: 2 x 1.000 MW (2022 - 2023), Nhà máy điện hạt nhân Số 4: 2 x 1.000 MW (2026 - 2027) và Nhà máy điện hạt nhân miền Trung: 2 x 1.350 MW (2028 - 2030). Tổng công suất của 5 nhà máy điện hạt nhân sẽ phát lên trong giai đoạn 2020 - 2030 là 10.700 MW.

(4) Về tập trung đầu tư phát triển cấp điện (Trang 16)

Chữa lại như trên khi diễn tả “Việc tập trung đầu tư phát triển điện hạt nhân đảm bảo đến 2020 và 2030 đưa vào vận hành 2 tổ máy 4.000 MW làm nền tảng để phát triển công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng cao của nền kinh tế” là chưa chính xác và không phù hợp với QHĐ VII.

(5) Về danh mục các dự án, chương trình ưu tiên đầu tư phát triển KCHT:

- Không thấy có danh mục các dự án dầu khí, than, năng lượng tái tạo.

- Hạ tầng cấp điện.

- Chỉ thấy nêu nguồn điện (các công trình có công suất từ 1.000 MW trở lên).

Đề nghị xem lại thời gian KCHT (không phù hợp với QHĐ VII):

Ví dụ: Thái Bình II (2014 - 2015); Quảng Trạch I (2018 - 2019); Vĩnh Tân III (2017 - 2020); Long Phú I (2015 - 2016); Sông Hậu (2017 - 2018); Điện hạt nhân Ninh Thuận I và II (2020 - 2021);

- Xem lại Duyên Hải II là dự án BOT do Janakusa (Malaysia) làm chủ đầu tư.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu Tổng sơ đồ điện VII

Năm 2020, đạt 75.000 MW, với sản lượng 330 tỷ kWh, hiện toàn hệ thống mới đạt 24.000 MW, chỉ còn 9 năm phấn đấu thêm được 51.000 MW là rất khó, nếu xét đến năm 2030 phải đạt 146.800 MW, thời gian còn 9 năm. Bình quân xây dựng 1 nhà máy điện là 7-8 năm với điều kiện tốt nhất, nếu không phải mất hàng chục năm.

Một số biện pháp

1.     Vấn đề quy hoạch các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện tu bin khí phải tiến hành ngay.

2.     Phân công nhiệm vụ cho các doanh nghiệp trong nước và cho nước ngoài tham gia.

3.     Xác định địa điểm đặt các nhà máy điện.

4.     Tổ chức khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư và tổ chức đấu thầu (hoặc chỉ định thầu).

5.     Triển khai thực hiện và chỉ đạo thực hiện.

6.   Xác định rõ tiến độ dự án để có biện pháp chỉ đạo.

7.  Vấn đề cung cấp than, khí, dầu, đặc biệt cung cấp than, theo TSĐ VII, năm 2020 cần có 67,3 triệu tấn than, hiện tại than mới cấp cho điện khoảng 10 triệu tấn than, như vậy, theo TSĐ VII thiếu 57,3 triệu tấn than cấp cho điện. Nếu đạt được mục tiêu 75.000 MW điện vào năm 2020 thì bình quân sản lượng điện đầu người là trên 2.000 kWh/năm, đó là chỉ tiêu đánh giá một nước đạt CNH.

8. Xây dựng lưới điện đồng bộ và cải tạo lưới điện cũ, các trạm biến áp, các đường dây truyền tải và phân phối, ngầm hoá các đường dây nổi ở các thành phố lớn.

9. Giảm tổn thất điện năng xuống 5-6%, hiện nay là 11%.

10. Có chủ trương chính sách, có chế tài và tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm điện) để giảm hệ số đàn hồi giữa GDP và công suất điện.

11. Tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân để cuối năm 2020 có thêm 4.000 MW công suất.

12. Yêu cầu vốn để phục vụ TSĐ VII

- Về nguồn điện cần 150 tỷ USD

- Về lưới điện cần 50 tỷ USD (kể cả xây dựng mới và cải tạo)

Như vậy, vốn cho TSĐ VII là khoảng 200 tỷ USD, vấn đề thu xếp vốn là cực kỳ quan trọng, ngoài huy động nguồn lực trong nước, cần huy động nước ngoài bằng cách kêu gọi nước ngoài đầu tư bằng hình thức BOT, BOO, BTO, đồng thời yêu cầu họ cung cấp than cho dự án đó.

13. Cuối cùng cần có bộ máy chỉ đạo kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh để đảm bảo tiến độ.

Rút kinh nghiệm xây dựng đường dây siêu cao áp Bắc Nam 500 kV đầu tiên của Việt Nam do TT. Võ Văn Kiệt chỉ đạo, lẽ ra công trình phải xây dựng mất 7-8 năm, nhưng Thủ tướng chỉ đạo đã làm trong 2 năm và kết quả thực hiện đúng 2 năm.

14. Cần quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Trong Tổng sơ đồ điện VII chỉ đặt ra 4% là quá thấp, có nghĩa là tới năm 2020 năng lượng gió chỉ đạt 3.000 MW, theo chúng tôi, năng lượng gió tối thiểu cũng phải đạt 8 - 10%, lúc đó chúng ta được 7.000 -8.000 MW điện gió.

Trên thế giới các nước đã và đang tập chung phát triển năng lượng gió và mặt trời, có nước đạt trên 30.000 MW như Pháp, Đức, Mỹ, Hà Lan chưa nói đến năng lượng gió, mặt trời là năng lượng sạch.

Đất nước chúng ta có rất nhiều vùng có gió tốt, kể cả mặt trời, như dọc duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Phú Quốc, Côn Đảo, Tây Bắc…Vấn đề là cơ chế, chính sách đối với dạng năng lượng này là hết sức quan trọng. Vì suất đầu tư của dạng năng lượng này là rất cao, giá điện phải đạt từ 9-10 Cen/kWh thì mới đầu tư được dạng năng lượng này.

Những năm tới, đời sống nhân dân còn thấp, còn phải kiềm chế lạm phát nên khả năng điều chỉnh giá điện nói chung, năng lượng mặt trời, gió nói riêng chưa thực hiện được, do vậy cần phải có một lộ trình tăng giá điện một cách hợp lý để khai thác tốt các tiềm năng về năng lượng của đất nước. Giá điện của chúng ta hiện nay là thấp nhất so với khu vực và thế giới.

15. Vấn đề đấu thầu hoặc chỉ định thầu, đối với các dự án đấu thầu quốc tế cần lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, có tài chính để thực hiện dự án đúng tiến độ, với chất lượng thiết bị tốt nhất, tránh tình trạng những năm qua chúng ta tham giá rẻ (gọi là đấu giá) do đó hàng loạt dự án nhà máy nhiệt điện chạy than đều do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, hầu hết các nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực, tài chính, chất lượng thiết bị kém, chưa nói họ đưa toàn bộ người Trung Quốc sang xây dựng, do đó rất nhiều nhà máy bị chậm tiến độ, có dự án kéo dài 5-6 năm nhưng vẫn chưa đưa vào khai thác được.

Việc chậm tiến độ như vậy gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước chúng ta. Chưa nói chất lượng thiết bị của các nhà máy sẽ gây trục trặc trong quá trình vận hành sau này.

16. Vấn đề nội địa hoá cơ khí trong các nhà máy điện

Các hạng mục cơ khí chiếm tỷ trọng 50-60% trong các nhà máy điện, có nghĩa là chiếm hàng trăm triệu đô la trong một dự án, do vậy khi đấu thầu, tách gói thầu cơ khí giao cho người Việt Nam thực hiện sẽ đưa lại một nguồn lợi lớn cho đất nước.

17. Vấn đề nhân lực: Các nhà thầu nước ngoài trúng thầu (tổng thầu EPC) họ chỉ cần đưa chuyên gia giỏi sang hướng dẫn, chỉ đạo, còn toàn bộ phần xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị cần dành cho kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.

18. Vấn đề xét chọn cho các nhà đầu tư nước ngoài được xây dựng các nhà máy điện ở Việt Nam, theo hình thức BOT, IPP, BTO… thì chỉ cần xem xét nhà đầu tư nào có đủ năng lực, có đủ kinh nghiệm, tài chính tốt thì nên chỉ định thầu cho họ thực hiện, vấn đề là Chính phủ giao cho một nhóm chuyên gia giỏi tính toán và xác định được giá trị đầu tư cho dự án đó là hợp lý nhất.

Thời gian thực hiện Tổng sơ đồ VII chỉ còn 9 năm mà khối lượng công việc còn quá lớn, năng lực các nhà đầu tư trong nước chỉ thực hiện được 30%  - 40% còn lại tranh thủ sự đầu tư nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nơi nhận:

- Như kính gửi;

- Lưu: VP.

TM. HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch

Đã ký

Trần Viết Ngãi

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động