RSS Feed for Ý kiến của Chính phủ về "vốn cho các dự án điện" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 01:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến của Chính phủ về "vốn cho các dự án điện"

 - Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số: 1311/VPCP-KTN, ngày 28/2/2014 tuyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" theo kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (Văn bản số 11/VBKN-VEA ngày 17/2/2013) gửi Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó nêu một số phân tích, đánh giá và kiến nghị về vốn đầu tư, cũng như chính sách đối với các dự án điện.

>> Kiến nghị “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 1)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 2)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 3)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 4)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 5)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 6)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 7)

Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) trong quá trình chỉ đạo thực hiện các dự án nguồn và lưới điện thuộc Quy hoạch điện VII; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước sự chậm trễ của các dự án nguồn và lưới điện hiện nay có nguyên nhân từ tình trạng thiếu vốn trầm trọng, thậm chí một số dự án còn chưa rõ nguồn vốn gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, ngày 13/12/2013, VEA đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách”.

Hội thảo đã được Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam truyền và giải đáp trực tuyến trên NangluongVietnam.vn với hàng trăm nghìn lượt bạn đọc ở trong nước và nước ngoài quan tâm theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến.

Sau khi kết thúc hội thảo, VEA đã cùng với các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học - VEA để họp bàn, xem xét, phân tích, cân nhắc các ý kiến và đưa ra một số phân tích, nhận định tình hình và kiến nghị tới các các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội...

Trong Văn bản, VEA đã phân tích về thực trạng nguồn vốn cho các dự án điện hiện nay, cũng như nguyên nhân cản trở việc tiếp cận vốn tại các dự án điện, từ đó đưa ra các kiến  nghị như sau:

1. Kiến nghị với Chính phủ:

(1) Chính phủ hỗ trợ cho EVN và một số nhà đầu tư khác được vay vốn ODA với lãi suất thấp và bảo lãnh vay vốn các ngân hàng quốc tế như: WB, ADB và các tổ chức tín dụng khác... Chính phủ hỗ trợ huy động các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Đặc biệt ưu tiên đủ vốn cho các dự án cấp bách về nguồn và lưới điện để EVN, PVN, TKV có đủ vốn đảm bảo tiến độ các dự án đã và đang triển khai xây dựng cũng như xây dựng các dự án mới từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020.

(2) Chính phủ tiếp tục có những chính sách đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho các dự án điện như: được phép cho vay vượt mức hạn chế theo quy định.

(3) Hiện tại để xây dựng một dự án nhiệt điện: 1.200 MW cần tới 1,8 - 2 tỷ USD, theo đó vốn đối ứng từ 25%-30% thì EVN cần phải có 500-600 triệu USD làm đối ứng, và rất nhiều dự án như vậy kể cả nguồn, lưới điện thì EVN cần nhiều tỷ USD vốn đối ứng để phục vụ cho việc vay đủ vốn thực hiện các dự án như đã trình bày trên thì bức tranh tài chính của EVN hết sức khó khăn. Bởi vì với giá điện như hiện tại thì số lợi nhuận hàng năm của EVN là rất ít, lý do là cường độ tiêu thụ điện của Việt Nam hiện nay rất lớn, thể hiện ở hệ số đàn hồi (tăng trưởng điện năng/tăng trưởng GDP) đang là 2, trong đó các nước trên thế giới đều dưới 1 làm cho áp lực đầu tư, quy mô đầu tư phát triển điện tăng cao so với GDP hàng năm đất nước đạt được.

Thực tế các nước đang phát triển trên thế giới giống như nước ta như: Philippin, Malaysia, Mianma, Campuchia... quá trình này do kinh tế yếu kém, công nghệ lạc hậu, thiết bị lạc hậu, sử dụng điện lãng phí... nên giá điện của họ đều từ 20-30 cen/kWh, trong lúc đó hiện tại giá điện của nước ta mới trên 7 cen/kWh chưa phải là cao; do đó Hiệp hội kiến nghị với Chính phủ tiếp tục cho tăng giá điện. Mặt khác EVN cần giảm chi phí trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất kinh doanh, giảm tổn thất điện năng và quan tâm nhiều tới tiết kiệm điện để làm tăng lợi nhuận hàng năm đảm bảo đủ vốn đối ứng để thực hiện quá trình vay cho các dự án.

2. Kiến nghị với các bộ, ngành:

(1) Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tăng cường thu xếp nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức nước ngoài nhằm giảm áp lực thu xếp vốn của các tổ chức tín dụng, tài chính trong nước để thu xếp đủ vốn cho các dự án, đặc biệt là dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia.

(2) Trong điều kiện khó huy động vốn từ các nguồn ODA và FDI, các khoản vay hỗ trợ tín dụng xuất khẩu (ECA - Export Credit Assistance) đã trở thành một hướng đi có thể giải quyết nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn để triển khai các dự án có vốn đầu tư lớn; các bộ, ngành cần bổ sung những quy định liên quan nhằm đảm bảo tiến trình thu xếp vốn đầu tư.

(3) Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước về nguồn vốn qua việc cho vay tái cấp vốn với thời hạn dài, lãi suất hợp lý. Trình Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo đảm tiền vay… cho các dự án điện trọng điểm quốc gia. Đồng thời miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện lớn khi cho vay, vì các dự án nguồn điện đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ, hoặc các bộ liên quan phê duyệt.

3. Một số kiến nghị khác:

(1) Trước thực tế khu vực miền Nam thiếu điện một cách nghiêm trọng, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để 3 dự án cấp bách gồm: Long Phú 1, Duyên Hải 3 MR và Vĩnh Tân 4 và một số đường dây và trạm 220 kV, 500 kV đồng bộ thực hiện đúng tiến độ nhằm giảm căng thẳng nguồn cung điện khu vực này. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu hoàn thành việc hiệu chỉnh Quy hoạch Điện VII, có một số ý kiến cho rằng, miền Bắc và miền Trung đang thừa điện là hoàn toàn không chuẩn xác. Bởi vào mùa khô, các nhà máy thủy điện của miền Bắc và miền Trung trong đó có các nhà máy thủy điện lớn như: Thác Bà, Sơn La, Lai Châu, Ialy... không có nước thì chắc chắn miền Bắc và miền Trung vẫn thiếu điện. Cần đánh giá lại năm 2013 là năm thừa điện bởi vì các nhà máy thuỷ điện có đủ nước, nền kinh tế suy thoái nên sản xuất công nghiệp bị giảm sút (điện thương phẩm cung cấp cho công nghiệp chiếm tới 70% tổng lượng điện quốc gia). Việc đề xuất loại bỏ, hoãn, giãn tiến độ một số dự án nguồn điện tại miền Bắc và miền Trung cần phải được xem xét một cách thận trọng.

Điều quan trọng là để đến năm 2020, đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì ngành năng lượng nói chung và EVN nói riêng bằng mọi biện pháp tìm ra những khâu đột phá mới, có đủ nguồn vốn để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu của QHĐ VII, đạt được 75.000 MW điện, tương ứng với 360 tỷ kWh/năm. Đưa sản lượng điện đầu người từ 1.000 kWh như hiện nay lên khoảng 3.000 kWh vào năm 2020. Đó là một trong những tiêu chí hàng đầu của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

(2) Hiện nay, 3 dự án nhà máy nhiệt điện là: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Quỳnh Lập 1 của QHĐ VII đã được Thủ tướng cho phép thực hiện chủ trương nội địa hóa theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012, nhưng triển khai rất chậm; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ khó khăn trước mắt là phải giải quyết được nguồn vốn và sớm chỉ định được các tổng thầu EPC để từ đó chọn ra được các nhà thầu trong nước thực hiện nội địa hóa.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Lúa gạo của bà Yingluck thành "quả đắng"
Tay chơi nghiệp dư trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương
Nga sẽ mở căn cứ quân sự ở Cam Ranh?
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động