Đề xuất giải pháp chiến lược về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
15:37 | 26/09/2014
Kiến nghị “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”
Kiến nghị phát huy nội lực Việt Nam trong các dự án điện
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 1)
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 2-3)
Phản biện, kiến nghị chính sách phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Phần 1)
Ý thức được rằng “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” là nội dung hết sức quan trọng cần đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt ở nước ta, nhưng chưa được đề cập cụ thể và đầy đủ tại các văn bản đã trình nêu trên, ngày 21/08/2014 dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, VEA đã phối hợp với Tổng cục Năng lượng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” tại Hà Nội. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong cả nước có chức năng liên quan đến chủ đề này. Với những tư liệu, thông tin thu thập được từ các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, VEA đã xem xét, phân tích, nhận định và lập báo cáo trình lên Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc với nội dung chính sau:
1.Quá trình đổi mới đất nước trong gần 30 năm qua là quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng Việt Nam
1.1. Tính đến cuối năm 2013, tổng công suất đặt nguồn điện của Hệ thống điện Quốc gia đạt 30.473 MW, sản lượng điện hàng năm đạt 130.992 tỷ kWh; 98% số xã và trên 96% hộ dân trong cả nước đã có điện; phát triển điện nông thôn được đẩy mạnh, điện đã về vùng sâu, vùng xa, hải đảo; sản lượng điện bình quân đầu người tăng từ 300-400 kwh trước đây, nay là 1.600 kWh /người/năm.
1.2. Ngành dầu khí đạt 25 triệu tấn/năm dầu quy đổi (dầu 16 triệu tấn/năm, khí 9 tỷ m3/năm), đã đóng góp từ 25-30% vào Ngân sách Nhà nước, cung cấp khoảng 30% lượng xăng dầu cho nền kinh tế.
1.3. Ngành than đạt 40 triệu tấn/năm, cho đến thời điểm này đã cung cấp đủ than cho ngành điện và các ngành kinh tế khác.
1.4. Ngành năng lượng nói chung đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền KT-XH trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.
1.5. Nhà nước cùng các tập đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho việc xây dựng các dự án, cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng.
2. Một số thành quả đạt được trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và những vấn đề tồn tại.
Ngày 14/4/2006, Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (CT MTQG về SDNLTKHQ) giai đoạn 2006-2015 và ngày 2/10/2012 phê duyệt Chương trình này giai đoạn 2012-2015.
Ngày 1/1/2011, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành.
2.1. Bộ Công Thương:
- Ban hành nhiều thông tư, quy chế, chỉ đạo các Sở Công Thương về SDNLTKHQ, thành lập nhiều Trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các địa phương để triển khai thực hiện CTMTQG về SDNL TKHQ.
- Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bán lẻ sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao. Hỗ trợ vay vốn để phát triển các dự án TKNL.
- Xây dựng các chương trình đào tạo. Tổ chức dán nhãn, mác các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
- Năm 2013, chỉ đạo Tổng cục Năng lượng tổ chức đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của một số ngành công nghiệp; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành hóa chất, thực phẩm, dệt may...
2.2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
- Phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG về SDNLTKHQ và Luật SDNLTKHQ trong toàn ngành đạt hiệu quả cao. Từ năm 2011 đến năm 2013, bình quân đã tiết kiệm điện năng được khoảng 1,9 tỷ kWh/ năm.
- Hỗ trợ vật chất cho việc triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng tại các địa phương như: phát miễn phí hàng triệu bóng compact cho các hộ gia đình nghèo trong các chương trình thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho chương trình sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời…
- Đã đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, trên các phương tiện thông tin báo chí, truyền hình về sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả, khoảng 180 tỷ đồng/năm. Hiện nay, EVN đang triển khai thí điểm mô hình Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) để hỗ trợ tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp, các địa phương và hộ tiêu dùng.
- Đã giảm được tổn thất điện năng từ 24% năm 1993 xuống còn dưới 8,8% năm 2013. Hàng năm đã tổ chức tốt việc phát động “giờ trái đất”.
- Tận dụng và khai thác tối đa các nguồn điện, trong đó có nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ và một số nguồn điện gió; giảm điện tự dùng tại các nhà máy nhiệt điện…
2.3. Các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tận thu các sản phẩm trong quá trình khai thác sản xuất, chế biến, vận hành, vận chuyển đã mang lại một số kết quả lớn.
Những vấn đề tồn tại thực hiện chủ trương SDNL TKHQ còn những điểm chính sau:
- SDNL TKHQ chưa được quán triệt từ đầu vào đến đầu ra, tức trong suốt cả quá trình từ khâu khai thác, sản xuất vận tải, truyền tải đến khâu phân phối và sử dụng năng lượng.
- Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức có chức năng, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tuyên truyền của các cơ quan truyền thông phải coi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là quốc sách chưa được mạnh mẽ và đồng bộ, ý thức của người dân về chính sách này chưa cao.
- Tồn tại lớn nhất hiện nay nước ta là sử dụng năng lượng còn hết sức lãng phí, nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì hiệu suất sử dụng năng lượng của ta rất thấp, cường độ tiêu thụ năng lượng trên 1 đơn vị sản phẩm còn rất cao, gấp 5-7 lần so với các nước trên thế giới, làm cho cường độ năng lượng (CĐNL- kgOE/USD) và hệ số đàn hồi (HSĐH của ta rất cao, thể hiện tại bảng so sánh dưới đây:
Hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy phát điện | Việt Nam: 28 ÷32% Các nước phát triển: 40% |
Hiệu suất của các lò hơi công nghiệp | Việt Nam: 60% Thế giới: ≥ 80% |
Cường độ năng lượng các ngành công nghiệp | Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia: 1,5 ÷ 1,7 lần |
Hệ số đàn hồi (Nhu cầu NL/GDP) | Việt Nam: 2 Thế giới: ≤1 |
Cường độ năng lượng (Tiêu thụ năng lượng/ 1.000 USD GDP) | Việt Nam: 600kg OE Thai Lan: 400kg OE Thế giới: 300kg OE |
Nguyên nhân của tình trạng này là việc cải tạo, nâng cấp và đổi mới công nghệ, thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng tại nhiều DN và cơ sở sản xuất kinh doanh đã không được quan tâm đúng mức, thực hiện triệt để. Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư mới quá trình xem xét thẩm định và cấp phép, các tính năng kỹ thuật, công nghệ và hiệu suất năng lượng chưa được đánh giá đúng mức, dẫn đến nhiều dự án tiêu thụ nhiều năng lượng như: luyện kim, xi măng, hóa chất… với công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, nhưng vẫn được đầu tư xây dựng.
Mặt khác, nhiều dự án xây dựng công nghiệp, dân dụng trong thời gian qua sử dụng các sản phẩm dây, cáp điện không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn hàm lượng đồng, nhôm và tiêu chuẩn tiết diện… dẫn đến tổn thất điện năng lớn và không an toàn trong quá trình sử dụng.
3. VEA đề xuất một số giải pháp chiến lược nhằm thực hiện tốt sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
3.1. Tổ chức xây dựng Quy hoạch Năng lượng tổng thể quốc gia, nội dung mà trong Luật Điện lực sửa đổi 2013 đã yêu cầu, tạo bước đột phá trong công tác quy hoạch, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch các phân ngành điện, than, dầu khí… hợp lý, hài hòa, khắc phục những bất cập nói trên. Việt Nam hiện nay có đủ điều kiện nhân tài, vật lực để thực hiện; vấn đề quan trọng là từ chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện của Bộ Công Thương, cũng như các cơ quan chức năng khác.
Mục tiêu cần nghiên cứu Quy hoạch Năng lượng tổng thể quốc gia cho giai đoạn vài chục năm tới là: Giảm cường độ tiêu hao năng lượng, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển. Trước mắt triển khai ngay việc hiệu chỉnh QHĐ VII và xây dựng quy hoạch các phân ngành than, dầu-khí, năng lượng tái tạo để tạo bước phát triển hài hòa, cân đối khai thác tài nguyên tối đa và tối ưu trong tiết kiệm năng lượng.
3.2. Nghiên cứu xác định cơ cấu hợp lý các ngành kinh tế quốc dân, đảm bảo phát triển bền vững có giá trị gia tăng cao mà giảm được cường độ năng lượng, đây là bài toán cân đối tối ưu liên ngành, mang tính vĩ mô, phát huy hàm lượng khoa học, thực hiện chủ trương của Nhà nước về tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo cơ sở cho phát triển bền vững. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, phối hợp một số bộ, ngành liên quan cùng thực hiện.
3.3. Xây dựng chính sách giá năng lượng đảm bảo hợp lý, hài hòa, minh bạch về giá năng lượng trên nguyên tắc bình đẳng giữa người bán, người mua về giá trị sản phẩm, để giá năng lượng thực sự là đòn bẩy của hoạt động sản xuất và tiết kiệm năng lượng, góp phần đắc lực phát triển thị trường năng lượng lành mạnh. Đảm bảo mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2015 tiết kiệm 5-8%, đến năm 2020 đạt 8-10%, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ này.
3.4. Cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, cải tạo trang thiết bị, nhằm giảm tiêu hao năng lượng; miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho những cơ sở sản xuất thực hiện tốt Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3.5. Tiết kiệm năng lượng ở đây được hiểu là tiết kiệm từ công tác lập hồ sơ, quy hoạch, khảo sát, thiết kế, tổng dự toán đấu thầu, QLDA, khai thác, sản xuất, chế biến, vận hành, vận chuyển, truyền tải đến tiêu thụ các sản phẩm năng lượng… Đề nghị Nhà nước bổ sung thêm nội dung này vào trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và CTMTQG về SDNLTKHQ.
3.6. Bộ Công Thương cần phải có một cơ quan tổ chức xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, công sở và các hộ tiêu dùng. Trên cơ sở định mức đó để đánh giá được việc tiết kiệm năng lượng của từng tháng, quý, năm và kèm theo chế tài thưởng phạt.
3.7. Đề xuất Bộ Công Thương quản lý chặt đầu vào sản phẩm dây, cáp điện đảm bảo dây dẫn đạt chất lượng cao, tiết kiệm điện và an toàn trong sử dụng. Mặt khác, cần nghiên cứu việc cấp chứng nhận chất lượng cao; dán nhãn dây, cáp điện tiết kiệm điện để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phân biệt các sản phẩm trên thị trường. Đề nghị cho sử dụng rộng rãi máy biến áp sử dụng thép vô định hình hiệu suất vận hành cao (có thể giám tới 70% so với máy biến áp dùng thép silic truyền thống) nhằm giảm tổn thất điện năng.
3.8. Bộ Xây dựng cần phải đưa ra những thiết kế xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng; Bộ Giao thông Vận tải cần có chính sách loại trừ các phương tiện ô tô, xe máy cũ kỹ, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải khí CO2 nhiều; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải có chính sách đầu tư cho việc xây dựng khai thác các hầm Biogas trong chăn nuôi; Đồng thời phối hợp với các tập đoàn kinh tế lớn như EVN, PVN để sản xuất ra nhiên liệu sinh học Ethanol. Cần nghiên cứu đề tài dùng nguyên liệu rơm, rạ, thân cây cỏ voi… để sản xuất cồn Ethanol sử dụng công nghệ của Đức…
3.9. Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi (không phải quy định 5 tỷ cho một doanh nghiệp như trước đây) mà tùy theo số vốn doanh nghiệp yêu cầu để đầu tư vào việc đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng cao hiệu quả trong công tác tiết kiệm năng lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém như hiện nay. Hàng năm tổ chức kiểm toán về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
4. Để đạt được mục tiêu Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, VEA kiến nghị lên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc các nội dung sau:
4.1 Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện CTMTQG về SDNLTKHQ, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để từ đó đề ra chủ chương chính sách mới, triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả tốt hơn.
4.2 Cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho ngành than để xây dựng thêm nhiều mỏ than mới ở khu vực Quảng Ninh và Đông Bắc, tăng sản lượng than hàng năm để phát triển kinh tế theo yêu cầu mới, đặc biệt là nhu cầu than cho điện
4.3 Cần thực hiện hiệu quả Kết luận số 41 của Bộ Chính trị về Phát triển ngành Dầu khí đến năm 2025, đảm bảo đạt 40 triệu tấn dầu quy đổi, muốn vậy cần có các giải pháp về vốn, công nghệ, thiết bị để thăm dò khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu; Đẩy mạnh công tác lọc hóa dầu tạo thành chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực này.
4.4 Cần sớm xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, mặt trời, vì tiềm năng gió của Việt Nam rất lớn, có thể xây dựng được nhiều nghìn MW điện thay thế cho năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, đồng thời cải thiện được ô nhiễm môi trường.
4.5 Cần thành lập Bộ Năng lượng, giúp Chính phủ quản lý chỉ đạo ngành năng lượng, trong đó có việc chỉ đạo thực hiện tốt Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và CTMTQG về SDNLTKHQ.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một quốc sách cần được thực hiện thường xuyên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước bền vững.
NangluongVietnam.vn