RSS Feed for Kiến nghị phát huy nội lực Việt Nam trong các dự án điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 20:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị phát huy nội lực Việt Nam trong các dự án điện

 - Trước thực trạng phần lớn các dự án năng lượng trong nước đều do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, còn các nhà thầu trong nước lại đứng ngoài cuộc, dẫn đến Việt Nam mất một lượng ngoại tệ lớn, mất khả năng hành nghề của các nhà thầu... Trong khi đó, các nhà thầu trong nước có đủ khả năng (hoặc liên doanh, liên kết) để làm tổng thầu các dự án thì lại không được lựa chọn. Để hạn chế bớt tình trạng nêu trên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước có công ăn việc làm, nâng trình độ tay nghề, nâng khả năng trong việc chế tạo các thiết bị cơ khí trong các dự án năng lượng của đất nước, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, về việc cho phép các đơn vị cơ khí được tham gia thực hiện một số phần việc xây dựng các dự án nhiệt điện trong Tổng sơ đồ điện VII. Tòa soạn NangluongVietnam.vn trân trọng giới thiệu nguyên văn nội dung Văn bản.

>> Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 1)
>> Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam (Phần 2-3)
>> Phản biện, kiến nghị chính sách phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Phần 1)

"Theo Tổng sơ đồ điện VII tới năm 2020 chúng ta phải xây dựng được 75.000MW công suất điện (hiện tại chúng ta mới có gần 30.000MW) trong đó ngoài các dự án thuỷ điện, nhiệt điện đã xây dựng. Chúng ta cần tiếp tục xây dựng mới 52 dự án nhiệt điện than, và điện nguyên tử, cần một số lượng vốn trên 56 tỷ USD. Đây là một thách thức rất lớn đối với sự nghiệp phát triển điện lực, nhằm đáp ứng đủ điện cho đất nước tới năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hiện nay, các tập đoàn: EVN, PVN, TKV đang đầu tư xây dựng nhiều dự án nhiệt điện than và chuẩn bị khởi công hai dự án điện nguyên tử. Do tình trạng thiếu vốn nên các tập đoàn phải vay vốn của các nhà thầu nước ngoài bằng hình thức “xuất khẩu tín dụng”, với điều kiện đó thì nhà thầu cho vay vốn trở thành nhà tổng thầu EPC để thực hiện các dự án đó.

Từ lâu Đảng, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng phát triển ngành cơ khí trong nước. Ngày 29 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước một số thiết bị của các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 - 2025. Trong đó, có nêu cụ thể 3 dự án nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Quỳnh Lập 1, và giao Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung một số dự án khác thực hiện theo cơ chế này.

Thực tế trong nhiều năm qua ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực trong việc chế tạo các thiết bị cơ khí thuỷ công, các van cung, cần cẩu nâng hạ, hệ thống đường ống, cho nhiều dự án thuỷ điện, được thực hiện theo cơ chế 797 Chính phủ giao cho EVN làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn cung cấp và xây dựng một số kết cấu thép, thiết bị phụ trợ cho một số nhà máy nhiệt điện làm tăng nguồn thu cho Nhà nước, làm giảm được ngoại tệ cho việc nhập thiết bị ở nước ngoài (giảm nhập siêu).

Gần đây, ngày 17 tháng 10 năm 2013, Văn phòng Chính phủ có thông báo số: 8710/VPCP-KTN về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét giao cho Công ty cổ phần Thành Long được tham gia một số hạng mục phụ trợ về cơ khí của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3.

Công ty cổ phần Thành Long trong nhiều năm qua đã có những bước phát triển tốt phục vụ ngành điện, ngành giao thông như: chế tạo hàng nghìn cột thép cho các đường dây 220kV, 500kV của EVN và làm một số cầu vượt lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay, Công ty cổ phần Thành Long đã liên danh với các tập đoàn xây dựng các nhà máy điện của Ukraina, Nhật Bản, phía nước ngoài sẽ cung cấp công nghệ, chuyên gia giúp Thành Long từ khâu thiết kế đến chế tạo, lắp đặt, vận hành thử nghiệm các hệ thống phụ trợ của các nhà máy nhiệt điện than như: toàn bộ kết cấu thép, thiết bị cung cấp than, thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị thải xỉ...

Hiện tại Công ty cổ phần Thành Long liên danh với Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) để tham gia một số dự án nêu trên.

Công ty cổ phần Thành Long là một thành viên của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đang được các chuyên gia của Hiệp hội chỉ đạo việc nghiên cứu, hợp tác với nước ngoài trong việc chế tạo các thiết bị cơ khí nêu trên của các dự án nhiệt điện.

Công ty cổ phần Thành Long có đội ngũ kỹ sư giỏi, có trình độ kỹ thuật, kết hợp với chuyên gia nước ngoài và chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, có khả năng tham gia một số phần việc nội địa hoá của các nhà máy nhiệt điện than.

Hiệp hội xin kiến nghị với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội một số vấn đề sau:

1. Nên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước có công ăn việc làm, nâng trình độ tay nghề, nâng khả năng trong việc chế tạo các thiết bị cơ khí trong các nhà máy điện than của nước ta.

1.1. Các dự án nếu do các tổng thầu EPC của nước ngoài thực hiện, Nhà nước cần can thiệp (giao cho các chủ đầu tư) để cho các nhà thầu cơ khí trong nước được tham gia một số hạng mục chế tạo cơ khí, kết cấu thép, lắp đặt, xây dựng mà không cần đến việc nhập khẩu của nước ngoài hoặc sử dụng công nhân, kỹ sư nước ngoài.

1.2. Các dự án tổ chức đấu thầu thì nên chia ra nhiều gói thầu, trong đó có những gói các nhà thầu cơ khí của Việt Nam có thể làm được thì nên được chỉ định thầu cho các nhà thầu Việt Nam.

2. Trong những năm qua, Việt Nam đã có một số nhà thầu có đủ trình độ làm tổng thầu EPC như: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã làm tổng thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Uông Bí (mở rộng), công suất 300MW, hiện tại đang làm tổng thầu EPC nhiệt điện Vũng Áng, công suất 1.200MW. Tổng công ty Xây lắp Dầu khí của PVN đang phối hợp với nhà thầu nước ngoài để làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, nhiệt điện Thái Bình 2... nhưng thực chất các nhà tổng thầu này phải dựa vào chuyên gia nước ngoài là chính.

2.1. Nên tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Thành Long liên danh với Narime và phối hợp với một số nhà thầu cơ khí trong nước để thực hiện:; Hoặc được liên danh với các nhà thầu nước ngoài để làm tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện than; Hoặc được Nhà nước cho phép làm tổng thầu EPC một số dự án nêu trên.

2.2. Nhà nước cần có chủ trương, cơ chế mạnh dạn cho phép các nhà thầu cơ khí trong nước được tham gia bằng nhiều hình thức nêu trên trong việc thực hiện xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nằm trong Tổng sơ đồ điện VII.

Số vốn lên tới hàng chục tỷ đô la để đầu tư cho các nhà máy điện trong thời gian tới là hết sức to lớn. Chúng ta không nên để cho các nhà thầu nước ngoài hưởng hết phần lợi, trong khi đó hầu hết các nhà thầu trong nước thì đứng ngoài cuộc, việc đó sẽ dẫn tới mất ngoại tệ, mất nhân lực, mất khả năng hành nghề của các nhà thầu trong nước. Trong lúc đó hầu hết các doanh nghiệp cơ khí, các nhà thầu xây dựng trong nước đang thiếu việc làm một cách nghiêm trọng. Có mạnh dạn giao cho các nhà thầu trong nước được trực tiếp tham gia các dự án nhiệt điện than nêu trên thì mới có cơ hội để cho các nhà thầu trong nước tiếp cận, học tập, tự sản xuất, chế tạo các thiết bị cũng như lắp đặt, xây dựng… các dự án nhiệt điện, tiến tới làm tổng thầu EPC được các dự án nhiệt điện than.

Có như vậy chúng ta sẽ không mất một lượng ngoại tệ lớn chảy ra nước ngoài, lại còn được một đội ngũ cán bộ, công nhân, kỹ sư giỏi không những làm tổng thầu EPC các dự án trong nước mà còn vươn ra cả nước ngoài".

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nga và chiến lược bao vây Trung Quốc
Báo Ấn Độ: ‘Cuộc chơi’ ở châu Á không thể thiếu Việt Nam
Bảy kịch bản đồng minh Trung Đông trở mặt với Mỹ
Giới chuyên gia khuyên Trung Quốc phải coi trọng Việt Nam
Ông Vũ Đức Đam và đường đến "Sao Mai chính trường"

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động