RSS Feed for Kỳ 1: Phát triển hạ tầng công nghiệp khí Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 10:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kỳ 1: Phát triển hạ tầng công nghiệp khí Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp

 - Trong bối cảnh các năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt, các năng lượng thay thế chưa chắc chắn, xu hướng sử dụng khí ngày càng gia tăng, với tỷ trọng tiêu thụ lớn (đứng thứ ba sau dầu mỏ, than đá - chiếm 25% tổng tiêu thụ năng lượng thế giới), tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ở mức cao so với các loại khác khoảng 1,7%/năm. Để bạn đọc nhìn nhận sâu hơn về tiềm năng, hiện trạng, những thuận lợi, thách thức, cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị liên quan tới việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển hệ thống đường ống dẫn khí ở Việt Nam từ nay đến 2025, Trang thông tin điện tử NangluongVietnam giới thiệu bài viết của các tác giả: Nguyễn Thị Thanh Lê, Trần Thị Liên Phương, Lê Việt Trung (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí - Viện Dầu khí Việt Nam).


Kỳ 1: Hiện trạng, mục tiêu của ngành công nghiệp khí Việt Nam

Việc phát triển thị trường khí đòi hỏi phải đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa nguồn cung cấp và nhu cầu tiêu thụ khí.

Để thực hiện được điều đó, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển và chế biến khí đồng bộ, từ khâu thăm dò, khai thác, đến vận chuyển, xử lý, tàng trữ, phân phối tiêu thụ khí. Là cầu nối giữa nguồn khí khai thác từ mỏ đến với các hộ tiêu thụ - hệ thống đường ống có ảnh hưởng chi phối đối với qui mô sản lượng khai thác các mỏ khí tự nhiên (KTN), mức độ thâm nhập của KTN trong nền kinh tế, đưa ra được tín hiệu rõ ràng cho tiêu dùng và đặc biệt kích thích các nhà đầu tư.

Cũng như thực tiễn hoạt động dầu khí thế giới, lịch sử xây dựng và phát triển hệ thống đường ống Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển khai thác các mỏ dầu -  khí và trữ lượng các nguồn khí sẽ quyết định mức độ, quy mô của hệ thống đường ống.

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng dầu khí vào loại trung bình trên thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, với triển vọng về khí thiên nhiên cao hơn dầu.

Mặc dù hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí Việt Nam được tiến hành từ cuối những năm 50, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, phải đến năm 1981 mới bắt đầu có những hoạt động khai thác đầu tiên ở quy mô nhỏ tại mỏ khí Tiền Hải C, Thái Bình.

Công nghiệp khí Việt Nam chỉ thực sự phát triển ở quy mô công nghiệp kể từ sau năm 1995, với việc thu gom khí đồng hành từ các mỏ dầu ở bể trầm tích Cửu Long và lần lượt khai thác khí tại các bể: Nam Côn Sơn (2003), Malay - Thổ Chu ngoài khơi khu vực Nam Bộ.

Nhờ có các hệ thống đường ống, từ những dòng khí ít ỏi đầu tiên đưa vào sản xuất, dân sinh tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đến nay, khí đang ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng cho nhiều ngành nghề ở quy mô rộng lớn tại nhiều vùng, miền.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với khu vực và thế giới (năm 2011 là 5,8%), nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng mạnh và phải nhập khẩu ròng dầu.

Khí đang khẳng định vị trí quan trọng trong bức tranh năng lượng quốc gia và có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tiêu thụ khí hiện chiếm 15% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp, với mức tăng trưởng bình quân 26% (giai đoạn 2002-2010), dự kiến mức tăng khoảng 10% (giai đoạn 2011-2020) và đạt quy mô gấp đôi năm 2010, khoảng 20 tỷ m3/năm.

Chính vì vậy, trong các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, bên cạnh việc đẩy mạnh thăm dò, khai thác nhằm gia tăng trữ lượng khí, mở rộng các hộ và khu vực thị trường tiêu thụ khí, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương tăng cường phát triển hệ thống đường ống dẫn khí làm cơ sở kết nối hài hòa các hoạt động sản xuất kinh doanh khí.

Hiện trạng các hệ thống đường ống dẫn khí

Cho đến nay, ở nước ta đã hình thành các hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển, phân phối KTN trên bờ, ngoài khơi ở miền Bắc và miền Nam. Ở miền Bắc hiện có duy nhất 1 hệ thống quy mô nhỏ trong phạm vi một huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Ở miền Nam, các hệ thống đường ống được phát triển đồng bộ, đầy đủ ở quy mô lớn, nhưng còn phân tách theo các khu vực Đông, Tây Nam Bộ.

(Chi tiết thông tin về các hệ thống đường ống được liệt kê trong bảng kèm theo)

Bảng 1. Thông tin chi tiết về các hệ thống đường ống hiện có tại Việt Nam, Nguồn: EMC-VPI

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở hệ thống công nghiệp khí - huyết mạch cho thị trường khí phát triển. Sự sẵn sàng của hệ thống đường ống đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, đóng góp đáng kể cho NSNN (tính đến năm 2011 khoảng 20 ngàn tỷ đồng).

Cho đến hết năm 2011, hơn 60 tỷ m3 khí đã được vận chuyển và xử lý thành công qua các hệ thống đường ống cung cấp nhu cầu nhiên liệu cho phát điện (tổng công suất phát điện khí là 7.300 MW, chiếm gần 40% công suất lắp đặt của cả nước, góp phần sản xuất khoảng 40% sản lượng điện), sản xuất 35% lượng đạm, 20% lượng LPG và 90% lượng condensate cho nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.

Thứ hai, hình thành các tổ hợp công nghiệp lớn, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương. Khí là nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện, đạm, hóa chất, các ngành công nghiệp VLXD, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, giấy, chế biến thực phẩm, các hoạt động thương mại, dân sinh tại các vùng, địa phương như: huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, các tỉnh Đông Nam Bộ và tỉnh Kiên Giang, Cà Mau phía Tây Nam Bộ.

Thứ ba, tạo công ăn việc làm, xây dựng lực lượng lao động và nâng cao chất lượng/trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Quá trình đầu tư xây dựng, vận hành và quản lý đường ống khí đầy khó khăn, thử thách đã không tránh khỏi những vướng mắc do đây là một ngành công nghiệp mới mẻ ở Việt Nam, đòi hỏi trình độ công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, trình độ quản lý phức tạp.

Tuy nhiên, qua từng dự án, ngành Dầu khí Việt Nam đã khắc phục được những hạn chế trong quá trình phê duyệt, thẩm tra hồ sơ, đàm phán EPC; những yếu kém trong công tác đầu tư, mua sắm thiết bị, xây lắp, vận hành thử (như thiếu đầu bài thiết kế chi tiết, thiếu thông số đặc trưng, thiếu sự đồng bộ chất lượng thiết bị, thay đổi, thiếu hụt các gói thầu, sai khác lớn giữa dự toán và thực tế); những lúng túng trong quá trình thi công (đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện kế hoạch, tổ chức và vận hành bộ máy quản lý, thu hút lao động)...

Việt Nam hiện đã tự chủ trong hoạt động đầu tư và vận hành đường ống từ quy mô công suất nhỏ trong phạm vi hẹp một huyện, đến quy mô công suất lớn trên phạm vi rộng một khu vực, một vùng.

Thứ tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (thông qua trực tiếp các dự án đầu tư xây dựng và vận hành các hệ thống đường ống, gián tiếp các dự án phát triển mỏ).

Thứ năm, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí, các ngành công nghiệp thân thiện môi trường (phát thải sạch), thu hút và tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, công suất vận chuyển một số đường ống hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận và vận chuyển sản lượng khí.

Ví dụ, hệ thống đường ống Bạch Hổ - Rạng Đông chưa thu gom hết khí đồng hành trên mỏ Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông - Phương Đông, STV-STĐ, một số mỏ trong bể Cửu Long chưa có hệ thống thu gom và nén khí về bờ. Hay như hệ thống đường ống Nam Côn Sơn, với công suất hiện tại sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển khí dự kiến sẽ thu gom/khai thác.

Ngoài ra, có hệ thống đường ống Tiền Hải qua sử dụng gần 30 năm đến nay đã lạc hậu và xuống cấp, khả năng vận hành của hệ thống đường ống này được đánh giá là không đạt hiệu quả trong một vài năm tới và không có khả năng tận dụng sau khi mỏ Tiền Hải C đã cạn kiệt.

Những hạn chế trên sẽ kìm hãm công tác phát triển mỏ, cũng như mở rộng khu vực thị trường, nếu không có sự đầu tư kịp thời và thích đáng cho hệ thống đường ống.

Mục tiêu phát triển

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 386/QĐ-TTg ngày 09/3/2006 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, giai đoạn năm 2006 - 2015, định hướng đến năm 2025”, Quyết định số: 223/QĐ-TTg ngày 18/2/2009 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn năm 2006 - 2015, định hướng đến năm 2025”, Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến 2015, định hướng đến năm 2025” đều khẳng định:

Phát triển công nghiệp khí đồng bộ, hiệu quả từ khâu đầu tới khâu cuối, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng khí, cụ thể là: hoàn thành hạ tầng công nghiệp khí khu vực miền Nam, hình thành và phát triển hạ tầng công nghiệp khí khu vực miền Bắc và miền Trung, từng bước triển khai hệ thống nối mạng liên vùng…

Kế hoạch thực hiện

Để thực hiện mục tiêu chiến lược Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã lập kế hoạch chi tiết cho việc đầu tư xây dựng hệ thống đường ống trên bờ và ngoài khơi (giai đoạn đến 2015).

Cụ thể là:

  • Đường ống Lô 102 - 106, lô 103 - 107/4 (Hàm Rồng, Thái Bình, Hồng Long, Bạch Long) về Thái Bình và các tỉnh lân cận - phát triển công nghiệp khí Bắc Bộ.
  • Đường ống phân phối khí Thái Bình 1 - 3 tỷ m3/năm.
  • Đường ống Báo Vàng - Quảng Trị 120 km, 1 - 3 tỷ m3/năm - hình thành công nghiệp khí Trung Bộ.
  • Các hệ thống đường ống thu gom khí bể Cửu Long (Thăng Long/Đông Đô - Emerald, Ruby, Pearl, Topaz, Diamond, Jade, Emerald…).
  • Đường ống Nam Côn Sơn 2, dài 325 km, công suất 7 tỷ m3/năm thu gom khí bể Nam Côn sơn (Hải Thạch, Mộc Tinh, Thiên Ưng… ) và bể Tư Chính - Vũng Mây.
  • Đường ống Phú Mỹ - Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2, cấp khí cho KCN Nhơn Trạch, Hiệp Phước, Thủ Thiêm.
  • Đường ống kho LNG - GDC Phú Mỹ.
  • Hệ thống phân phối khí thấp áp toàn quốc.
  • Đường ống Đông - Tây Nam Bộ, 2 - 5 tỷ m3/năm 180 km.
  • Đường ống Lô B - Ô môn, dài 246km, công suất trên 6 tỷ m3/năm.

Giai đoạn 2016-2025

  • Đường ống Phú Khánh - Bạch Hổ/Bình Thuận 1,5 tỷ m3.
  • Vận chuyển trữ lượng gia tăng của lô B&48/95, 52/97 và lân cận.
  • Đường ống lô 117, 118,119 - Quảng Ngãi/Quảng Nam 2 - 4 tỉ m3.
  • Đường ống nhập khẩu khí qua hệ thống TRANS-ASEAN.
  • Đường ống Phú Mỹ - Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đưa khí tới KCN Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương và nhà máy Điện Thủ Đức.
  • Đường ống Hiệp Phước - Bình Chánh - Đức Hòa.
  • Đường ống Thái Bình - Hải Phòng - Hà Nội, xem xét kết nối kho LNG Nghi Sơn (Thanh Hóa) công suất 1-2 tỷ m3/năm.
  • Nghiên cứu đầu tư đường ống Quảng Trị - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi/Quảng Nam.

Hình 1. Quy hoạch phát triển CSHT khí cả nước đến 2025

Nguồn: EMC - VPI
 

Nguyễn Thị Thanh Lê, Trần Thị Liên Phương, Lê Việt Trung (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí - Viện Dầu khí Việt Nam).

(Kỳ tới: Phản biện - kiến nghị chính sách phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn 2012 - 2025).


 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động