RSS Feed for Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 12:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ cuối]

 - Căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới; thực trạng các nguồn tài nguyên năng lượng, ngành năng lượng, cũng như nền kinh tế Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học... TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM xin kiến nghị 8 nhóm vấn đề cần ưu tiên thực hiện trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị dưới đây. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.



Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 1]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 2]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 3]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 4]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 5]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 6]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 7]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 8]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 9]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 10]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 11]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 12]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 13]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 14]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 15]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 16]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 17]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 18]




KỲ CUỐI: ĐỀ XUẤT NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC ƯU TIÊN (NGẮN VÀ TRUNG HẠN) TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 là cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; Cường độ năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045, chúng tôi xin đề xuất các vấn đề cần ưu tiên thực hiện như sau:

Vấn đề thứ nhất: Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch điện và quy hoạch các phân ngành năng lượng.

Vì rằng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có trước, còn Quy hoạch phát triển năng lượng có sau và Nghị quyết 55 đã đề ra mục tiêu tổng quát của ngành năng lượng, trong đó nêu rõ “cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân”.

Điều đó có nghĩa là việc phát triển ngành năng lượng phải có bổn phận đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế quốc dân, còn việc phát triển hay hạn chế phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng và việc đổi mới công nghệ, thiết bị trong các ngành, lĩnh vực để tiết kiệm năng lượng trên cơ sở giảm mức tiêu hao năng lượng là thuộc nội dung nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu như đã đề ra trong Nghị quyết 55 là “Cường độ NLSC năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP”.

Theo tinh thần đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải đề ra định hướng:

1/ Hạn chế phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, chỉ phát triển tối đa đến mức đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nhằm đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, không, hoặc giảm thiểu tối đa phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm xuất khẩu tiêu hao nhiều năng lượng.

2/ Tăng cường điện khí hóa trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và đời sống, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải hạn chế dần phương tiện, thiết bị chạy xăng dầu.

3/ Định hướng các ngành, lĩnh vực, công trình, kể cả trong ngành năng lượng, triệt để tiết kiệm tiêu hao năng lượng trên cơ sở tăng cường đầu tư đổi mới, hiện đại hóa, sử dụng công nghệ, thiết bị tiêu hao ít năng lượng, loại bỏ dần công nghệ, thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng. Cùng với đó là đề ra lộ trình cụ thể loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu thông qua triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

4/ Phân bố lại không gian phát triển công nghiệp và đô thị trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương nhằm phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng linh hoạt theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số địa phương.

Vấn đề thứ hai: Phải nắm chắc tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước (bao gồm than, dầu, khí, thủy điện và các dạng năng lượng tái tạo) trên cơ sở tăng cường tập trung đầu tư nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thăm dò, đánh giá để xác định một cách tin cậy trữ lượng khả dụng (khả thi về kỹ thuật và kinh tế) các nguồn tài nguyên năng lượng phục vụ cho việc huy động lập các dự án đầu tư phát triển trong quy hoạch (QH).

Việc tăng cường đầu tư nghiên cứu, khảo sát, thăm dò cho việc nắm chắc tài nguyên năng lượng (bao gồm than, dầu, khí và các nguồn năng lượng tái tạo) phải theo tinh thần “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” và “đảm bảo tin cậy, an ninh năng lượng là trên hết” với mục tiêu đảm bảo quy mô trữ lượng được xác định đủ cho lập các dự án trong 10 năm của QH. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo nâng cao chất lượng và mức độ tin cậy của QH, tránh tình trạng như lâu nay QH được lập trên cơ sở tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng thiếu tin cậy do được xác định theo kiểu “đếm cua trong lỗ”. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến QH chưa đảm bảo chất lượng, thường xuyên phải điều chỉnh và gây ra các hệ lụy về sự mất cân đối và bất ổn cho hệ thống năng lượng.

Đặc biệt, hiện nay các nguồn năng lượng tái tạo có mức độ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, xác định tiềm năng kỹ thuật - kinh tế còn hết sức hạn chế, chủ yếu đang dựa vào số ngày, số giờ có nắng, có gió mà chưa xác định rõ địa điểm, diện tích trên thực địa có thể khai thác, lập dự án với quy mô công suất cụ thể. Việc nắm chắc tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng cũng là cơ sở quan trọng cho việc đề ra cơ chế, chính sách thích hợp để khai thác, sử dụng chúng một cách hợp lý và hiệu quả cả trong trước mắt và lâu dài.

Cùng với chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, Nhà nước cần đóng vai trò chính trong đầu tư tìm kiếm, thăm dò, xác định tiềm năng trữ lượng các nguồn tài nguyên năng lượng, vì chúng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, hoạt động này có nhiều rủi ro nên doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác chỉ tham gia ở mức có hạn.

Vấn đề thứ ba: Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, giải pháp thực hiện nhập khẩu năng lượng và đầu tư khai thác năng lượng ở nước ngoài, nhất là than, khí hóa lỏng theo hướng đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo chắc chắn các nguồn than, khí hóa lỏng, v.v... nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là phục vụ cho sản xuất điện. Cụ thể là:

Nhập khẩu than: Theo các tính toán, nhu cầu nhập khẩu than cho điện dự kiến là (triệu tấn): 2025: 50; 2030: 80; 2035: 88.

Như vậy, đến năm 2030-2035 sản lượng than nhập khẩu sẽ cao khoảng gấp đôi sản lượng than trong nước. Để đảm bảo việc nhập khẩu than ổn định, chắc chắn với giá cả hợp lý, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy cần phải:

1/ Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, giải pháp đồng bộ thực hiện nhập khẩu than và đầu tư khai thác ở nước ngoài, kể cả đầu tư mua mỏ than.

2/ Đảm bảo sự đồng bộ trên tất cả các phương diện: Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ.

3/ Sự hài hòa giữa các chính sách ngoại giao năng lượng, thương mại, đầu tư, tài chính và hợp tác với các nước có tài nguyên than và các tổ chức khai thác, xuất khẩu than.

4/ Đảm bảo đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu.

5/ Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics phụ vụ nhập khẩu than (từ đội tàu viễn dương, cảng trung chuyển, kho bãi lưu giữ, phối trộn, chế biến và năng lực vận tải thủy, bộ nội địa đến các trung tâm nhiệt điện than).

6/ Việc cung ứng than nhập khẩu cho các hộ sản xuất điện thực hiện theo hợp đồng dài hạn đảm bảo đáp ứng ổn định ở mức 60÷70 % nhu cầu; phần còn lại thực hiện theo phương thức đấu thầu cạnh tranh và ký kết hợp đồng trung và ngắn hạn.

Nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG): Ngoài các vấn đề tương tự như nhập khẩu than nêu trên, cần phải:

1/ Sớm quy hoạch các trung tâm nhiệt điện khí LNG một cách phù hợp cả về địa điểm, quy mô công suất (từ 3.000 MW tới trên 5.000 MW) và thời gian đưa vào vận hành trên cả 3 miền.

2/ Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, giải pháp thực hiện nhập khẩu LNG đảm bảo đồng bộ và toàn diện. Cụ thể là phải xúc tiến nghiên cứu, đàm phán thương mại và ký kết các hợp đồng nhập khẩu LNG trong trung, dài hạn (3 - 5 năm) trên cơ sở đa dạng hóa nguồn khí LNG nhập khẩu. Mặt khác, phải quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống cảng (thuận tiện cho các tàu chở LNG trên 100.000 DWT tiếp cận) - kho dự trữ - hệ thống tái hóa khí - đường ống và xây dựng đội tàu viễn dương chở LNG đảm bảo đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045. Đặc biệt là cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong việc xây dựng hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu LNG.

Còn vấn đề nhập khẩu điện năng và liên kết lưới điện với các nước xung quanh, chúng ta cần xây dựng chiến lược hợp tác phát triển thuỷ điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn và trao đổi điện năng với các nước xung quanh khi nguồn điện năng lượng tái tạo có quy mô công suất lớn nhằm tận dụng tối đa công suất khả dụng của các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Vấn đề thứ tư: Đảm bảo nguồn cung năng lượng gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn, ổn định, hiệu quả kinh tế - xã hội và giảm phát thải trên cơ sở đi đôi với nhập khẩu năng lượng và đầu tư khai thác ở nước ngoài cần tăng cường đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn để nâng cao tính tự chủ trong cung cấp năng lượng. Cụ thể là:

Đối với khai thác than: Để thực hiện mục tiêu sản lượng than đã đề ra trong quy hoạch than cần phải:

1/ Quy định trên cùng một địa bàn ưu tiên thực hiện quy hoạch than trước, các quy hoạch khác không được chồng lấn, hoặc gây cản trở việc thực hiện quy hoạch than, hoặc ưu tiên khai thác tận thu than trước khi xây dựng các công trình kiên cố trên mặt theo các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất khác.

2/ Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo Quy hoạch than được phê duyệt; cấp phép khai thác xuống đáy tầng than để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động đầu tư thăm dò, khai thác than với mục tiêu khai thác tận thu tối đa.

3/ Đổi mới chính sách thuế phí theo hướng giảm xuống mức tối thiểu như kinh nghiệm của các nước, nhằm tạo điều kiện khai thác tận thu tối đa tài nguyên than theo quy định của Luật Khoáng sản và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất sử dụng than.

4/ Tăng cường tái chế chất thải trong quá trình khai thác, chế biến than, nhất là đất đá thải (làm vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng), nước thải mỏ và phát triển kinh tế rừng trên các bãi thải, khu vực mỏ đã kết thúc khai thác.

5/ Việc cung ứng than cho sản xuất điện thực hiện theo hợp đồng dài hạn.

Đẩy mạnh phát triển điện năng lượng tái tạo: Ngoài việc tăng cường công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng kỹ thuật - kinh tế như đã nêu trên, đẩy mạnh khuyến khích đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là điện gió, điện mặt trời (chú trọng điện gió ngoài khơi và điện mặt trời trên mái nhà) và điện sinh khối (gồm cả rác thải làm nhiên liệu), ưu tiên phát triển các dự án gần vùng có nhu cầu phụ tải tập trung. Quy mô phát triển các nguồn NLTT phải phù hợp, đồng bộ với khả năng truyền tải; khuyến khích phát triển các dự án phát điện phân tán, không cần lưới truyền tải.

Việc phát triển điện gió, điện mặt trời phải quan tâm tới xác định đúng đắn hiệu quả đầu tư (bao gồm cả chi phí sử dụng đất, nguồn điện, tích trữ điện, lưới truyền tải đi theo, đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống điện và xử lý các loại chất thải, nhất là các tấm pin điện mặt trời, các vật tư, thiết bị tích trữ điện sau khi hết hạn sử dụng) để đảm bảo có giá điện phù hợp. Cần thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch nguồn và lưới điện kèm theo, trong đó tính toán nhu cầu truyền tải tối đa năng lượng từ các nguồn NLTT, tính toán các giải pháp ổn định hệ thống để có cơ sở khoa học - pháp lý triển khai hỗ trợ các nguồn NLTT.

Đi đôi với sớm ban hành cơ chế giá FIT mới, cần xây dựng và ban hành kịp thời cơ chế đấu thầu các dự án NLTT để áp dụng ngay sau khi hết thời hạn áp dụng FIT nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của các nguồn điện NLTT.

Sớm đưa các nhà máy điện khí sử dụng nguồn khí sản xuất trong nước vào vận hành. Trong tương lai, Việt Nam là nước có tiềm năng khí nhiều hơn dầu. Đặc điểm các dự án điện khí đòi hỏi triển khai đồng bộ nhiều dự án của nhiều đơn vị tham gia, từ phát triển, khai thác, đường ống vận chuyển, nhà máy xử lý khí, nhà máy điện, đường truyền tải điện. Do mâu thuẫn lợi ích giữa các đơn vị nên chuỗi dự án này thường chậm triển khai, vừa đe dọa tiến độ chung của quy hoạch điện, vừa làm giảm hiệu quả của các các dự án và của toàn chuỗi.

Hiện tại có 2 chuỗi dự án Ca Voi Xanh và Lô B với tổng công suất lên tới 6-7 GW có xu thế chậm nhiều so với kế hoạch. Bộ Công thương và các cơ quan chức năng cần có chính sách giá phù hợp, cơ chế điều hành linh hoạt, chia sẻ quyền lợi và rủi ro giữa các bên tham gia, nhằm thúc đẩy triển khai quyết liệt các dự án này, cũng như các dự án phát triển nguồn khí nội địa trong tương lai.

Tiếp tục quan tâm nghiên cứu đầu tư phát triển điện hạt nhân: Điện hạt nhân (ĐHN) là một nguồn cung cấp điện năng ổn định, có tính cạnh tranh kinh tế, ít phát thải cacbon, thân thiện với môi trường. Công nghệ ĐHN ngày càng được hoàn thiện với sự ra đời của những công nghệ lò thế hệ III+ và IV. An toàn ĐHN ngày càng được nâng cao với việc sử dụng những hệ thống an toàn chủ động và thụ động.

Việt Nam với nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp hữu hạn, không còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện trong nước, cho nên cùng với sự tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, ĐHN sẽ là một nguồn điện ổn định, bền vững, đồng hành với các nguồn điện năng lượng tái tạo, đồng thời góp phần tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam đang bị ảnh hưởng trầm trọng. Do vậy, Nhà nước cần có chủ trương tiếp tục nghiên cứu phát triển điện hạt nhân và triển khai thực hiện khi hội tụ đủ điều kiện.

Vấn đề thứ năm: Thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường, giảm phát thải trong ngành năng lượng.

Tăng cường tái chế chất thải, sản xuất vật liệu không nung từ các loại chất thải rắn, bao gồm tro xỉ nhà máy điện than, các chất thải rắn và nước thải trong quá trình khai thác, sàng tuyển, chế biến than, chế biến dầu khí. Theo đó, có biện pháp quyết liệt hạn chế và giảm dần sản xuất VLXD bằng công nghệ nung, thúc đẩy sản xuất năng lượng từ việc đốt rác thải.

Các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải) cần sớm hoàn thành xây dựng và ban hành hệ thống đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tro xỉ và VLXD từ tro xỉ, đất đá thải trong quá trình khai thác, chế biến than để bảo đảm việc sử dụng tro xỉ, đất đá thải làm VLXD, vật liệu san lấp được triệt để, xác định hợp chuẩn, hợp quy cho các loại VLXD được sản xuất từ tro xỉ, đất đá thải.

Đối với nhiệt điện than, nên xem xét thay thế quy định của Luật thuế BVMT đánh vào than bằng quy định đánh phí phát thải trực tiếp đối với khí thải CO2 và các chất thải khác, phù hợp với thực tế phát thải của nhà máy điện, nhằm buộc các chủ đầu tư đổi mới công nghệ đối với nhà máy hiện có và đầu tư xây dựng nhà máy mới với công nghệ tiên tiến để giảm mức phát thải, đáp ứng mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045 đề ra trong Nghị quyết 55.

Đề nghị tổ chức nghiên cứu, đo đạc để có bản đồ quốc gia về sự lan tỏa ra môi trường không khí theo các thời điểm khác nhau, đặc biệt là các thời điểm đặc trưng về gió, về mưa tại các tháng khác nhau trong năm, ở các độ cao khác nhau. Trong khi chưa lập được bản đồ quốc gia về sự lan toả này thì tư vấn lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án nhà máy nhiệt điện than cụ thể, cần phải lập bản đồ lan tỏa kể từ ống khói nhà máy theo các thời điểm trong năm.

Cũng như vậy, cần thiết phải lập các bản đồ lan tỏa nhiệt độ nước thải nước làm mát ra sông, ra biển, sự lan tỏa các gốc sunfit và sunfat khi sử dụng nước biển để khử SO2 trong khói khi lập ĐTM cho mỗi dự án đầu tư NMNĐ than.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện BVMT tại các công trình năng lượng từ khâu chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng và vận hành, đồng thời phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc nhằm chấm dứt triệt để các hành vi vi phạm.

Vấn đề thứ sáu: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển năng lượng. Cụ thể là:

Đối với ngành than:

1/ Sửa đổi quy định vốn đối ứng bằng 30% tổng mức đầu tư của dự án khai thác theo hướng quy mô đầu tư lớn thì tỉ lệ vốn đối ứng giảm xuống mức tối thiểu là 15%.

2/ Cấp phép khai thác xuống đáy tầng than để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động đầu tư thăm dò, khai thác than.

3/ Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư thăm dò than một cách thích hợp để đảm bảo nguồn trữ lượng than cho phát triển các dự án khai thác than theo quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng và hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than.

4/ Có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến than với mục tiêu khai thác tận thu tối đa nguồn than, thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn.

5/ Giá bán than khai thác trong nước phải đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý được xác định trên cơ sở khai thác tận thu tối đa nguồn than và hiệu quả kinh tế - xã hội.

6/ Hiện nay, khai thác than chủ yếu chỉ để phục vụ trong nước và giá thành tăng cao do điều kiện khai thác khó khăn nên chính sách thuế phí tăng cao là “lấy gạch ghè cả 2 chân mình” (cả bên khai thác, cả bên sử dụng) vừa góp phần gây tổn thất than (do giá thành cao hơn giá bán nên phải bỏ lại), vừa làm giảm hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành sử dụng than.

Do vậy, để đảm bảo quy định về khai thác tận thu tối đa tài nguyên than theo quy định của Luật Khoáng sản, đề nghị Nhà nước xem xét gộp thuế tài nguyên và thu tiền cấp quyền khai thác, xem xét giảm thuế tài nguyên đối với than xuống mức tối thiểu và giá tính thuế tài nguyên là giá tại cửa mỏ bằng giá FOB của từng chủng loại than trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển từ mỏ ra nhà máy tuyển và cảng tiêu thụ.

7/ Cần có chính sách đặc thù về tiền lương, bảo hiểm, thâm niên, nhà ở, chăm sóc y tế đối với công nhân khai thác than hầm lò là đối tượng làm nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, nhằm thu hút lao động.

Đối với ngành dầu khí: Nhà nước cần sớm điều chỉnh đồng bộ các luật: Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan cho phù hợp với tình hình mới của ngành dầu khí trong nước và ngành dầu khí trên thế giới trên nguyên tắc:

1/ Luật Dầu khí điều chỉnh toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài, dành ưu đãi phù hợp để có được đối tác chiến lược quốc tế sẵn sàng chịu rủi ro, đi với Dầu khí Việt Nam đến cùng trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu.

2/ Các luật khác điều chỉnh sao cho đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dầu khí được linh hoạt, phản ứng kịp thời với biến động thị trường và điều kiện tài nguyên dầu khí.

3/ Khung pháp lý cần phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng sản xuất, kinh doanh; tách bạch các trách nhiệm xã hội với nhiệm vụ bảo toàn vốn, phát triển doanh nghiệp cùng với chính sách tài chính, thuế, phí hợp lý.

4/ Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có quyền tự chủ cần thiết và đủ nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu đầu tư tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và chế biến dầu khí.

Đối với phát triển năng lượng tái tạo:

1/ Có cơ chế, chính sách tài chính và giá cả thích hợp thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

2/ Để lưới truyền tải điện vừa đảm bảo nhu cầu truyền dẫn cho phát triển NLTT, vừa được nâng cấp về chất lượng, an toàn, liên tục, cần thiết có cơ chế khuyến khích về tài chính đối với việc đầu tư các dự án lưới điện truyền tải NLTT, do đặc thù loại nguồn này có số giờ sử dụng thiết bị thấp nên lưới điện đi theo cũng chậm hoàn vốn.

Đối với cơ sở hạ tầng năng lượng:

1/ Cần quy hoạch đảm bảo cơ cấu hợp lý theo vùng, miền, địa phương và theo từng thời kỳ các hạ tầng cơ sở năng lượng, nhất là hạ tầng nhiên liệu, các nhà máy điện và lưới truyền tải.

2/ Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc cơ chế đấu thầu cạnh tranh đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm than, dầu khí, điện và năng lượng tái tạo.

3/ Sớm cụ thể hóa cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện chủ trương của Nghị quyết 55 về “Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Vấn đề thứ bảy: Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách phát triển ngành cơ khí năng lượng, nhất là ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện và ngành công nghiệp chế tạo vật tư, thiết bị năng lượng tái tạo nhằm nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và hiệu quả kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu “tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng” đã đề ra trong Nghị quyết 55.

Trước mắt, kiến nghị Chính phủ cho thành lập Ban nghiên cứu xây dựng ngành công nghiệp cơ khí năng lượng ở Việt Nam. Ban này có nhiệm vụ tiến hành khảo sát ngành công nghiệp chế tạo nhà máy điện (nhiệt điện, thủy điện), công nghiệp chế tạo vật tư, thiết bị năng lượng tái tạo và công nghiệp chế tạo thiết bị khai thác, chế biến dầu khí, than ở các nước, đánh giá hiện trạng ở Việt Nam, từ đó đề xuất các hình thức đầu tư để sớm hình thành được ngành công nghiệp này của đất nước. Đây là ngành công nghiệp luôn luôn có nhu cầu, có thị trường.

Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo năng lượng được hình thành sẽ thúc đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng nói chung và các phân ngành năng lượng nói riêng theo hướng tăng cường tính tự chủ và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội như tạo việc làm cho hàng chục vạn người, sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các ngành khác phát triển, kể cả chế tạo phương tiện vận tải chạy điện, từ đó nâng cao trình độ khoa học công nghệ của đất nước.

Vấn đề thứ tám: Đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch năng lượng, nhất là quy hoạch điện phù hợp với nền kinh tế thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng, luôn có sự biến động thuận và trái chiều với biên độ mạnh do các nhân tố thị trường, phi thị trường trong, ngoài nước, cũng như tác động của biến đổi khí hậu cực đoan và khoa học, công nghệ phát triển ngày càng nhanh.

Trong bối cảnh nêu trên của nền kinh tế, cho dù sử dụng phương pháp, công cụ nào thì cũng không thể dự báo các yếu tố trong tương lai đảm bảo chính xác 100%, do đó sự bất định của quy hoạch không thể khắc phục được triệt để mà chỉ có thể giảm thiểu. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch năng lượng như sau:

Về tư duy lập quy hoạch (QH): Lập quy hoạch theo tinh thần "Để đi tới đích thành công, không chỉ tìm ra đường đi mà phải có các giải pháp phòng xa mọi rủi ro suốt dọc đường". Theo đó, đổi mới tư duy lập quy hoạch theo hướng thay vì cứ kiểu chạy theo đuôi các bất định xảy ra để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thực hiện thì chuyển sang chủ động ứng phó theo kiểu "đón lõng" chúng ngay từ khi lập quy hoạch.

Về cách tiếp cận và phương pháp lập QH: Đi đôi với tư duy mới nêu trên là thực hiện cách tiếp cận, phương pháp lập QH ứng phó với sự bất định về cầu và cung ngay từ khi lập QH như sau:

Một là: Ứng phó với sự bất định về cầu cần xác định miền tối thiểu - tối đa (min - max) về nhu cầu năng lượng - tức là xác định giới hạn mức thấp nhất và giới hạn mức cao nhất về nhu cầu năng lượng có thể xảy ra trong tương lai (dạng hình cánh quạt) với mục tiêu đảm bảo rằng nhu cầu năng lượng trong tương lai chỉ xảy ra và biến động trong miền đã dự báo. Xây dựng 3 phương án (P/a) đáp ứng nhu cầu gồm: P/a max, P/a min và P/a cơ sở (là P/a thực hiện) đảm bảo các tiêu chí: Chi phí hợp lý; an toàn, tin cậy, ổn định và đáp ứng quy định về môi trường. Dự kiến các tình huống biến động so với P/a cơ sở (khả năng tăng lên theo hướng P/a max, hay giảm xuống theo hướng P/a min và khả năng xảy ra các biến động đó theo thời gian và địa bàn. Theo đó, xây dựng các kịch bản ứng phó một cách phù hợp tương ứng với từng tình huống biến động.

Hai là: Ứng phó với sự bất định về nguồn cung, vì rằng, ngoài nguyên nhân biến động về cầu nêu trên còn có:

1/ Do sự thiếu tin cậy, chưa rõ ràng, chưa chắc chắn về trữ lượng các nguồn tài nguyên năng lượng huy động vào QH làm cho việc xác định các nguồn năng lượng, cũng như huy động chúng thiếu tin cậy, không chắc chắn cả về quy mô công suất, sản lượng, địa điểm phân bố, thời điểm đưa vào hoạt động, hiệu quả kinh tế, v.v...

2/ Do tiến bộ khoa học - công nghệ cho phép khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng mới hiệu quả hơn.

3/ Do các nguồn nhập khẩu năng lượng bị biến động, kể cả khai thác ở nước ngoài (bị tắc nghẽn, hay giảm thiểu, hoặc có nguồn khác có lợi thế hơn) do nguyên nhân thị trường và phi thị trường (biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu cực đoan kéo dài, v.v...).

Để ứng phó với các tình huống bất định nêu trên của các nguồn cung năng lượng cần xây dựng các kịch bản dự phòng tương ứng về từng nguồn năng lượng (tương tự như cách lập các kịch bản ứng phó với biến động về nhu cầu). Trong đó đặc biệt ưu tiên thay thế các nguồn năng lượng chi phí cao, phát thải cao, hay kém lợi thế bằng các nguồn năng lượng khác có lợi thế hơn (về hiệu quả kinh tế, tính ổn định, tin cậy, địa điểm, thời điểm hợp lý hơn, sạch hơn, v.v...).

Sau này trong quá trình thực hiện QH, nếu mọi sự biến động xảy ra nằm trong các kịch bản đã dự kiến (kể cả cầu và cung) thì chỉ việc điều chỉnh theo các kịch bản đã định liệu trước.

Như vậy, với 2 nhóm kịch bản ứng phó với sự biến động về cầu và cung nêu trên, chắc chắn rằng QH năng lượng và các phân ngành năng lượng được phê duyệt sẽ phù hợp hơn với thực tế, sẽ thực sự đóng vai trò định hướng cho việc thực hiện trong thực tế, đảm bảo hiệu quả, an toàn, tin cậy, ổn định, tránh được các hậu quả, hệ lụy phát sinh do phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh QH một cách bất thường như thời gian qua.

Cương quyết khắc phục, hoặc tránh tình trạng thay đổi, bổ sung, điều chỉnh QH không có căn cứ xác đáng, nhất là mang tính tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, v.v.../.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động