RSS Feed for Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Tạm kết) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 15:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Tạm kết)

 - Nhu cầu than của nền kinh tế và cho sản xuất điện nói riêng ở nước ta sẽ tăng cao trong thời gian tới là tất yếu, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được và có tính khả thi (xét trên phương diện sự cần thiết, khả năng đáp ứng và mức độ phát thải khí nhà kính). Tuy nhiên, để hiện thực hóa khả năng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để khai thác tài nguyên than trong nước và nhập khẩu than từ nước ngoài, kể cả đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước.

Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 1)
Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 2)

KỲ 3: GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Đối với doanh nghiệp

1/ Đẩy mạnh đầu tư thăm dò một cách hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn và nâng cao chất lượng (mức độ tin cậy) của công tác thăm dò nhằm thực hiện mục tiêu nắm chắc tài nguyên.

Tập trung đẩy mạnh công tác thăm dò bể than Đông Bắc nhằm nâng cấp tài nguyên, trữ lượng than từ mức -300m trở lên và chuẩn xác tài nguyên, trữ lượng than dưới mức -300m để chuẩn bị đủ trữ lượng và tài nguyên than tin cậy phục vụ huy động vào khai thác theo Quy hoạch đã duyệt, cũng như gối đầu cho kỳ quy hoạch tiếp theo.

Cạnh đó, kiên quyết tìm cách nâng cao chất lượng thăm dò bằng cách tăng cường áp dụng công nghệ, thiết bị, phương pháp thăm dò tiên tiến, hiện đại và giám sát chặt chẽ quá trình thăm dò theo đúng phương châm "đảm bảo độ tin cậy cao là số 1" nhằm nâng cao mức độ tin cậy của trữ lượng huy động vào lập dự án, thiết kế, đầu tư, khai thác để giảm thiểu rủi ro cho quá trình đầu tư. Thông qua đó giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng mỏ, đảm bảo công suất thiết kế và nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo đó,

2/ Đẩy mạnh đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao vật tư và tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác.

Cụ thể là tăng cường thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ cơ giới hóa. Nhất là cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò và công nghệ chế biến than một cách hiệu quả hơn, chủ động hơn trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới cách làm theo hướng thay vì chủ yếu dựa vào nhập khẩu thiết bị chuyển sang tự chủ sản xuất, chế tạo thiết bị trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư và với các đối tác nước ngoài thông qua phương thức cùng hợp tác đầu tư chế tạo thiết bị tại Việt Nam.     

3/ Nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ khai thác tài nguyên, trữ lượng than dưới các công trình trên bề mặt cần bảo vệ, các khu vực chứa nước đảm bảo an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

4/ Nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả để xem xét huy động phần tài nguyên, trữ lượng than trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định.

5/ Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ cần tận dụng tối đa khả năng khai thác lộ thiên ở các khu vực mỏ có điều kiện cho phép để tận thu tối đa tài nguyên than.

6/ Tăng cường nghiên cứu khai thác tận thu khoáng sản đi kèm và thu hồi, tái chế các chất thải của quá trình khai thác than vừa giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tác động môi trường và khai thác tận thu tối đa tài nguyên.

7/ Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuyển tận thu than từ xỉ thải và bùn than của các nhà máy sàng, tuyển than. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò xuống 20% và sau năm 2020 dưới 20%, tỷ lệ tổn thất than khai thác lộ thiên xuống 5% và sau năm 2020 dưới 5% như mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch than 403/2016.

8/ Tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động theo tinh thần kiên định với mục tiêu "Tai nạn bằng không". Thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về công tác an toàn, nâng cao ý thức chấp hành quy trình kỹ thuật, quy phạm và biện pháp an toàn, kỷ luật lao động của người lao động, nhất là công nhân hầm lò. Đẩy mạnh thực hiện văn hóa an toàn thợ mỏ "An toàn là số 1".

Cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tổ chức (bộ máy và nhân lực) làm công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với quy mô, điều kiện hoạt động sản xuất của từng mỏ và toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn lao động.     

Đặc biệt là tăng cường mọi nỗ lực để áp dụng các giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát được các yếu tố rủi ro gây mất an toàn trong quá trình khai thác than như: cháy nổ khí, phụt khí, bục nước, sập đổ lò, trượt lở tầng, sạt lở bãi thải, nổ mìn, điện giật... và các yếu tố có hại như nóng, bụi, ồn, rung, hoá chất độc hại, bức xạ... Để từ đó có biện pháp phòng tránh phù hợp và giảm thiểu tối đa tai nạn lao động.

9/ Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, xây dựng các giải pháp đồng bộ phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, thời tiết, địa chất thủy văn ở từng mỏ và vùng mỏ để chủ động ứng phó một cách hiệu quả đối với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Cụ thể: Đối với các mỏ hiện có cần nghiên cứu, thiết kế bổ sung các giải pháp ứng phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, bão lớn dài ngày, lũ quét, vv... Đến năm 2020, bên cạnh việc sử dụng băng tải thay thế ô tô vận chuyển ngoài mỏ, tiếp tục đổi mới đồng bộ thiết bị mỏ theo hướng tiên tiến, công suất lớn để tăng năng suất, giảm phát thải. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Sử dụng thuốc nổ tiên tiến ít phát thải khí nhà kính. Thực hiện các giải pháp giảm khí nhà kính trong khí mỏ thải ra môi trường.

Đối với các mỏ mới, ngay từ đầu trong thiết kế phải tính đến các giải pháp ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, kể cả nguy cơ ngập nước do nước biển dâng. Đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với mưa bão, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống thiên tai khác.

Ngoài ra, ngành than cần tăng cường đầu tư để giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn các tác động xấu của hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than đối với môi trường. Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

10/ Tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có chính sách, biện pháp thích đáng thu hút công nhân hầm lò và chuẩn bị nhân lực cho đầu tư khai thác than ở nước ngoài.

Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động ngành than có chất lượng cao, đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu của từng doanh nghiệp. Trung đầu tư đào tạo công nhân hầm lò chất lượng cao và khẩn trương xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đồng bộ và lành nghề phục vụ cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than.   

Phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp cho tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo - bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ. Đặc biệt, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thợ mỏ, tăng cường chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng... nhất là đối với công nhân hầm lò.

Phấn đấu đến năm 2020, năng suất lao động bình quân theo sản lượng quy đổi đạt khoảng 555 tấn than/người/năm; năm 2025 khoảng 640 tấn than/người/năm; năm 2030 khoảng 740 tấn than/người/năm như đã đề ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành than Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 12750/2015/QĐ-BCT ngày 20/11/2015 của Bộ Công Thương.

11/ Tăng cường hợp lý hóa sản xuất và công tác quản trị chi phí để tận dụng tối đa tài nguyên than, giảm tiêu hao vật tư, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trên cơ sở giảm thất thoát, lãng phí trong sử dụng vật tư, giảm tồn kho, quay nhanh vòng vốn.

12/ Căn cứ vào nhu cầu than của thị trường và đặc điểm tài nguyên than của từng mỏ, từng vùng mỏ xây dựng kế hoạch khai thác và pha trộn than hợp lý trên phạm vi từng vùng và toàn ngành để tận dụng tối đa các nguồn than có chất lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh cao và giá thành cao, nhất là than vùng miền Tây Quảng Ninh.

13/ Tăng cường công tác quản trị một cách đồng bộ ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư (từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quản lý kết quả kinh doanh) nhằm giảm thiểu các lãng phí, thất thoát.

14/ Hoàn thiện, đổi mới hệ thống quản trị chi phí theo công đoạn. Tăng cường áp dụng các giải pháp thích hợp để quản lý chặt chẽ phương tiện vận chuyển than trong mỏ và trên đường tiêu thụ. Giảm tồn kho sản phẩm và vật tư.

15/ Thiết lập một hệ thống hữu hiệu các quy trình, phương pháp nhận dạng, đánh giá, phòng ngừa, xử lý rủi ro trong các công đoạn sản xuất than theo mô hình quản trị rủi ro "Hai phòng tuyến bốn nhóm giải pháp". Trong đó, Phòng tuyến 1 gồm nhóm giải pháp phòng ngừa rủi ro và nhóm giải pháp khắc phục rủi ro khi rủi ro xảy ra và Phòng tuyến 2 gồm nhóm giải pháp phòng ngừa thiệt hại khi rủi ro xảy ra và nhóm giải pháp khắc phục thiệt hại xảy ra do rủi ro.

16/ Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, bền vững, hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than và các hộ sử dụng than, nhất là các nhà máy điện chạy than trên các mặt dưới đây.

Thứ nhất: Hợp lực với nhau trong việc nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân nói chung và cho sản xuất điện nói riêng.

Thứ hai: Cần đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng tài nguyên than và cơ hội đầu tư, pháp luật quốc tế về thương mại, đầu tư, văn hóa bản địa, nguồn nhân lực, vv... của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước có tiềm năng tài nguyên than như: Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi, vv... Trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than với sự hợp tác, hợp lực chặt chẽ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh than, các đơn vị sử dụng than, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy than và tổ chức tài chính.

Thứ ba: Các hộ sử dụng than phải tăng cường đổi mới công nghệ sử dụng than theo hướng công nghệ sạch giảm thiểu phát thải bụi, khí nhà kính (CO2), tái chế tro xỉ, chất thải từ than và giảm thiểu các tác động xấu khác trong quá trình sử dụng than.

Thứ tư: Cam kết cung cấp than và sử dụng than theo đúng hợp đồng dài hạn mà đôi bên đã ký kết, tránh tình trạng "ăn xổi, ở thì" với chiêu bài thị trường "đâu trả giá cao thì bán", hoặc ngược lại "đâu giá rẻ thì mua". Vì hòn than không phải như mớ rau ngoài chợ có thể thay thế bằng rau này rau nọ, hoặc để khai thác được hòn than phải mất hàng mấy năm trời, thậm chí cả chục năm từ thăm dò, chuẩn bị đầu tư và xây dựng mỏ. Việc phải ngừng khai thác than để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với mỏ và nguồn nhân lực; sau đó muốn khôi phục lại đòi hỏi thời gian dài, chi phí rất lớn.

17/ Có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư để góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư khai thác than.

18/ Đi đôi với giải pháp tạo vốn đầu tư từ nội bộ của sản xuất than, các doanh nghiệp ngành than cần phải đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm huy động mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư phát triển than.

"Xã hội hóa đầu tư" đối với doanh nghiệp khai thác than được hiểu là "doanh nghiệp kêu gọi" và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thực hiện một hoặc một số công đoạn, tiểu công đoạn, công việc trong chuỗi giá trị sản phẩm than thay vì doanh nghiệp phải đầu tư từ A đến Z. Việc thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc "cái gì xã hội làm được và làm có hiệu quả hơn thì để xã hội làm", các doanh nghiệp khai thác than chủ yếu chỉ nắm quyền chỉ huy, điều hành và nắm đầu ra thông qua nắm quyền chủ mỏ.

19/ Tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập và tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài thực sự có tiềm lực mạnh trong việc: (1) đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến than, nhất là công nghệ khai thác than Đồng bằng Sông Hồng, công nghệ khai thác tài nguyên than tại vùng than Đông Bắc nằm dưới các khu vực cần bảo vệ các công trình trên bề mặt như thành phố, khu dân cư, hệ thống đường giao thông, sông suối, hồ nước, khu di tích, khu  bảo tồn, làng mạc, đồng ruộng; (2) đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao; (3) nâng cao an toàn lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) nhập khẩu than và hợp tác đầu tư khai thác than ở nước ngoài.

Đối với Nhà nước

1/ Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương khắc phục các vướng mắc để đẩy nhanh việc cấp phép thăm dò; khắc phục những bất cập, chồng chéo trong một số quy hoạch của địa phương gây cản trở đối với việc thực hiện quy hoạch than, nhất là tại Quảng Ninh nhằm tạo điều kiện triển khai kịp thời các hoạt động thăm dò, khai thác phần tài nguyên, trữ lượng than đang bị vướng các quy hoạch của địa phương.

2/ Nâng cao chất lượng cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh than theo đúng quy hoạch phát triển than đã phê duyệt và quy định của pháp luật.

3/ Kiên quyết khắc phục triệt để các hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép dưới mọi hình thức, nhất là tại vùng than Quảng Ninh.

4/ Nhà nước cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, nhà ở, bảo hiểm để thu hút lao động vào làm tại các mỏ than hầm lò.

5/ Nhà nước xem xét giảm thuế, phí một cách hợp lý phù hợp với đặc điểm của khai thác than vừa để tạo điều kiện cho ngành than có lợi nhuận đủ trích lập quỹ đầu tư phát triển, vừa khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên theo đúng chính sách về khai thác tài nguyên khoáng sản.

Trước hết, Nhà nước cần bỏ khoản tiền cấp quyền khai thác vì thực chất khoản thu này trùng với thuế tài nguyên và xem xét giảm thuế tài nguyên xuống mức tối thiểu để khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên: đối với than hầm lò là 4% và than lộ thiên là 6%.

6/ Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và PVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017, việc cấp than từ các hộ khác cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động SXKD than. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí để tạo điều kiện cho các đơn vị ngành than tiêu thụ hết sản lượng than sản xuất theo kế hoạch được giao.

7/ Cho phép và tạo điều kiện ngành than xuất khẩu một cách ổn định, lâu dài một số loại than không phụ thuộc vào hạn ngạch mà trong nước không, hoặc có nhu cầu thấp theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế và ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước khi cần thiết.

Về biện pháp nâng cao năng lực nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài:

1/ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có biện pháp, chính sách thích hợp đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu các tiềm năng tài nguyên than và cơ hội đầu tư, pháp luật quốc tế về thương mại và đầu tư, văn hóa bản địa, nguồn nhân lực, vv... của các nước có tiềm năng tài nguyên than, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

2/ Nhà nước thực hiện, hoặc có chính sách, giải pháp thích hợp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và hậu cần phục vụ sản xuất kinh doanh và cung ứng than, kể cả phục vụ nhập khẩu than.

3/ Có biện pháp thúc đẩy, liên kết và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than hợp tác, hợp lực với các doanh nghiệp sử dụng than trong nước và các tổ chức tài chính trong việc nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

4/ Có biện pháp, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị ngành than đẩy mạnh hội nhập và tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài.

Về biện pháp phát triển thị trường than trong nước gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia:

1/ Xây dựng lộ trình, các điều kiện và tái cơ cấu ngành than để phát triển thị trường than vận hành theo yêu cầu công khai, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

2/ Xây dựng lộ trình thực hiện sản xuất kinh doanh than theo cơ chế thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

3/ Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia nhằm đảm bảo cung cấp than ổn định cho nền kinh tế, đặc biệt là các hộ sử dụng than trọng điểm trong bối cảnh thị trường than, dầu mỏ và tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, khó lường.

Về biện pháp tăng cường sử dụng than hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và phát triển nhiệt điện than đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường:

1/ Ban hành chính sách sử dụng than hợp lý, nhất là về chủng loại và chất lượng phù hợp cho các hộ sử dụng than: điện, xi măng, phân bón, giấy và các hộ khác. Đặc biệt ưu tiên sử dụng than khai thác trong nước nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành than ổn định sản xuất than và đầu tư phát triển than bền vững trong lâu dài.

2/ Có biện pháp chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án nhiệt điện than ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch theo tiến độ đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tóm lại, nhu cầu than của nền kinh tế và cho sản xuất điện nói riêng ở nước ta sẽ tăng cao trong thời gian tới là tất yếu, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được và có tính khả thi xét trên phương diện sự cần thiết, khả năng đáp ứng và mức độ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khả năng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để khai thác tài nguyên than trong nước và nhập khẩu than từ nước ngoài, kể cả đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. “Đề án Tái cơ cấu ngành than Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” phê duyệt tại Quyết định số 12750/2015/QĐ-BCT ngày 20/11/2015 của Bộ Công Thương.

3. Điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2016.

4. Khái quát Quy hoạch than 403/2016 và cập nhật nhu cầu than cho nền KTQD đến năm 2030, những khó khăn và thách thức, đề xuất các giải pháp. Tập thể tác giả. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế - Hiện trạng và giải pháp” của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Công Thương, tháng 8/2017.

5. BP Statistical Review of World Energy June 2017.

6. Niên giám Thống kê Việt Nam 2016.

7. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường. Kỷ yếu hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ơe Việt Nam” do Ủy ban KH,CN & MT Quốc hội và Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2017.

8. Phan Ngô Tống Hưng: Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 13.35h ngày 23/8/2017.

9. Phan Ngô Tống Hưng: Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 7.3h ngày 18/8/2017.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động