RSS Feed for Cần làm rõ vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 01:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần làm rõ vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam

 - Hiện đang có nhiều ý kiến tranh luận về vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn cần phát triển điện than bởi tính khả thi và đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội. Không ít ý kiến cho rằng, điện than gây ô nhiễm, gây chết người, đi ngược xu thế quốc tế, đã đến lúc phải "cáo chung"... Còn theo các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Đây là vấn đề lớn, phức tạp, để chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng cần nghiên cứu tổng thể, không thể nói vo, định tính. Bài viết dưới đây không nhằm phản biện với từng ý kiến cụ thể, mà chỉ xin tóm tắt những điểm chính của hai quan điểm, từ đó kiến nghị việc xác định vai trò nhiệt điện than trong thời gian tới.

Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?
Trao đổi với Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về "đổi mới" năng lượng Việt Nam
Vì sao năng lượng tái tạo chưa thể thay thế nhiệt điện than?



PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những ý kiến phản đối nhiệt điện than

Những  bài viết, báo cáo hội thảo của tổ chức, cá nhân với quan điểm phản đối nhiệt điện than (NĐT), chủ yếu tập trung tại các hội thảo do Liên hiệp các Hội KH&KT và Trung tâm Phát triển xanh GreenID tổ chức và một số chuyên gia, tựu trung với những lý do:

1/ NĐT gây ô nhiễm và phát thải nhiều CO2, gây biến đổi khí hậu, mà Việt Nam đang và sẽ sử dụng với tỷ trọng lớn.

2/ Nếu tính đủ chi phí ngoại biên cho sản xuát điện từ NĐT, thì giá điện từ NĐT cao hơn cả điện từ năng lượng tái tạo (NLTT).

3/ Giá điện sản xuất từ mặt trời, gió hiện tại đã giảm nhiều, cạnh tranh đựơc với NĐT.

4/ NĐT sử dụng nước làm mát rất lớn và trở lại môi trường với nhiệt độ trên 40 độ C, làm ảnh hưởng môi trường, hủy diệt thủy sinh.

5/ Nguồn than Việt Nam có hạn, phải nhập nhiều, mất an ninh năng lượng.

6/ Tro xỉ từ NĐT chưa có cách xử lý, gây bụi và chiếm đất làm bãi thải...

Các ý kiến nói chung nghe qua đều có lý, nhưng chưa đủ cơ sở, thiếu định lượng, chưa thể sử dụng để đánh giá, tính toán ra quyết định. Lại càng không thể lấy tư liệu ở một số nước áp đặt cho Việt Nam.

Thực tế cho thấy, các ý kiến thường thiên về ưu điểm của NLTT. Lấy thí dụ tỷ trọng NĐT ở các nước châu Âu hiện nay thấp mà Việt Nam cần phải theo; giá điện than Việt Nam nếu tính đủ cao hơn cả điện tái tạo; điện sản xuất từ mặt trời, gió đã rẻ, vv… Những thông tin này được đưa ra, nhưng chưa rõ nguồn! Ai tính? Bằng phương pháp nào? Được thẩm định ra sao?, vv...

Bên cạnh đó còn có nhiều thông tin không chính xác, thái quá, như số người chết vì NĐT ở Việt Nam trên 4000 người/năm (thậm chí có thông tin nói là "hàng triệu người") và nước tuần hoàn ở một số nhà máy nhiệt điện làm cá, tôm chết hàng loạt...

Cũng có những thông tin nói rằng, có hàng trăm nhà máy NĐT ở Mỹ và Trung Quốc đã bị đóng cửa do thực hiện chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng thực ra số nhà máy đóng cửa chủ yếu do quá tuổi thọ, vv… 

Những ý kiến ủng hộ tiếp tục sử dụng nhiệt điện than

Thứ nhất: Chúng tôi xếp chương trình NĐT từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đã được duyệt tháng 3/2016 [4] là ý kiến quan trọng ủng hộ tiếp tục sử dụng NĐT. Theo đó, tổng điện năng sản xuất so với Quy hoạch điện VII, được điều chỉnh giảm khoảng 20%. Cụ thể năm 2015: 164 tỷ; 2020: 265; 2025: 400; 2030: 575 tỷ kWh. Vào 2030 NĐT giảm từ 77.300MW còn 55.200MW, nhưng vẫn có tỷ trọng lớn, trên 50% tổng sản xuất điện, thủy điện giảm từ 25 xuống 12,4%, điện từ khí đốt ở mức 17-19%, điện tái tạo tăng 6,5-6,9% giai đoạn 2020-25 lên 10,7% vào 2030; rút điện hạt nhân khỏi quy hoạch. Điện sản xuất đầu người năm 2015 là 1800kWh/người; dự báo năm 2020: 2800; 2025: 4100; 2030: 5200 kWh/người.

Với một số điều chỉnh như trên, nhiều ý kiến nhận thấy vẫn chưa ổn, năm 2017 Bộ Công Thương đã yêu cầu xây dựng Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đền 2035. Báo cáo dự thảo được Viện Năng lượng thực hiện xong vào tháng 6/2017 [5], nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét. Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, tính toán bổ sung nhiều nội dung, tỷ trọng NĐT không mấy thay đổi.

Các quy hoạch nói trên được Viện Năng lượng chuẩn bị với những tính toán tương đối hệ thống, các tài liệu, số liệu phục vụ tính toán cân đối chung khá công phu. Tuy nhiên, còn một số nội dung về phương pháp, tính cập nhật và thẩm định của số liệu,… cần được thảo luận tiếp để phục vụ xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia và Quy hoạch điện VIII sắp tới.

Thứ hai: Một nhóm ý kiến thể hiện quan điểm cần duy trì và phát triển nhiệt điện than đăng tải trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam (Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? - Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm), với những nội dung khá toàn diện sau:

1/ Một số bài trình bày xu thế sử dụng than và NĐT trên thế giới.

2/ Công nghệ NĐT đương đại và xu thế hoàn thiện.

3/ Cập nhật tình hình và công nghệ NLTT.

4/ Phương pháp và sự cần thiết xây dựng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.

5/ Giá đầu tư, giá than, giá điện từ NĐT, tính kinh tế của NĐT.

6/ Ảnh hưởng môi trường và phát thải KNK từ NĐT quốc tế và Việt Nam.

7/ Thải xỉ từ NĐT và biện pháp giải quyết.

8/ Nhu cầu khối lượng và yêu cầu quy định nhiệt độ nước làm mát ở NĐT.

9/ Tình hình, kinh nghiệm từ một số nước về sử dụng than và NĐT.

10/ Một số bài phản biện về những ý kiến phản đối NĐT.

Nội dung các bài viết trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã cung cấp cho các chuyên gia, người quan tâm từ phương pháp luận, những thông tin số liệu cơ bản về nhiên liệu than, phân tích ưu nhược điểm của NĐT cũng như NLTT, đến thực trạng, xu thế sử dụng NĐT trên thế giới, trong khu vực, công nghệ, đầu tư, hoạt động thực tế NĐT ở nước ta.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ những bài viết trên Tạp chí, chưa thể trình bày chi tiết các tư liệu, số liệu, các tính toán định lượng, hiệu quả tổng hợp về vai trò, tỷ trọng NĐT trong thời gian tới. Đây là bài toán xác định cơ cấu nguồn điện tối ưu, cần được nghiên cứu tính toán trong Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.

Mặt khác, để thực hiện công việc này phải tổ chức, chỉ đạo các viện chuyên ngành phối hợp xây dựng và có kinh phí đủ lớn.

Thứ ba: Gần đây, hội nghị khu vực châu Á "Lộ trình hướng tới chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội" [ 6], với sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác CHLB Đức, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/9/2017. Đại biểu từ khoảng 15 nước tham dự, với nhiều tham luận, thống nhất cao ủng hộ quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng khoáng sản sang NLTT; và nhất trí cần có lộ trình hợp lý xuất phát từ điều kiện tài nguyên, nhu cầu, tài chính, công nghệ, môi trường của từng quốc gia và đảm bảo công bằng xã hội. Qua tài liệu và ý kiến thảo luận tại hội nghị cho biết: hiện tại các nước Đông Nam Á đang có khoảng 600 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động và dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 1000 nhà máy - nghĩa là còn tăng lên.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án "Tích hợp các mục tiêu NLTT vào Hệ thống điện Việt Nam" do World Bank giúp Bộ Công Thương thực hiện [7], Báo cáo kết quả sơ bộ tại hội thảo Hà Nội ngày 30/5/2018 cho thấy, các chuyên gia quốc tế đã có tính toán khá chi tiết tích hợp NLTT với hệ thống điện Việt Nam, trên cơ sở Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Nếu giảm 25% CO2, than 10%, phải đầu tư thêm 45 tỷ USD cho NLTT, để ổn định hệ thống điện cần đầu tư thêm 12 tỷ USD cho công suất dự trữ cho đến 2035. Các tính toán lấy Quy hoạch điện VII điều chỉnh làm cơ sở, mà chưa tính toán cơ cấu nguồn nói chung, kết quả được đánh còn phiến diện, chưa tổng thể.

Chính các chuyên gia quốc tế thực hiện cũng thừa nhận ngay tại hội thảo: Đây mới chỉ là "bài tập", kết quả là "lời nhắn", góp phần tiếp tục xây dựng Quy hoạch điện VIII tới đây.

Kết luận và kiến nghị

1/ Các ý kiến dù ủng hộ, hay phản đối NĐT đều rất đáng trân trọng, góp phần giúp các cơ quan có trách nhiệm xem xét nhiều khía cạnh để nghiên cứu tính toán tốt hơn.

2/ Các ý kiến nhìn chung còn thiếu những tính toán, luận chứng khoa học cụ thể để có thể xác định tỷ trọng tối ưu/hợp lý về nhiệt điện than.

3/ Nói chung và kể cả người viết bài này đều mong muốn chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nhưng nhất thiết phải tổ chức tính toán khoa học, không thể cảm tính, hay "nói vo".

Kiến nghị: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các viện chuyên ngành tổ chức nghiên cứu Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia theo đúng luật Việt Nam đã có. Theo đó, xuất phát từ tiềm năng năng lượng, nhu cầu năng lượng, khả năng tài chính, yêu cầu bảo vệ môi trường của đất nước, sử dụng các phương pháp khoa học mà Việt Nam đã nghiên cứu và được chuyển giao sử dụng để xác định cơ cấu các nguồn năng lượng Việt Nam cho giai đoạn vài chục năm tới trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời làm rõ một cách định lượng tỷ trọng hợp lý nhiệt điện than mà chúng ta đang tranh luận.

Hà Nội, tháng 8/2018

Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam bằng văn bản.



Tài liệu tham khảo:

1/ Tài liệu Hội thảo khu vực châu Á: Lộ trình hướng tới chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội, HN 20-7-2017

2/ TL một số Hội thảo của LH các HKH &KTVN  2017 và 2018

3/ Loạt bài về NĐT trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam 2016,2017, 2018

4/ QHĐ VII-ĐC 2016  

5/ Dự thảo QHNL Quốc gia, Viện Năng lượng, 2017

6/ Bùi Huy Phùng-Quy hoạch NLTTQG là cơ sở khoa học và pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng - Tạp chí Năng lượng Việt Nam ,5 năm 2013

7/ BC HT -Lộ trình hướng tới chuyễn dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội, Hà Nội, 9-2017

8/ BC Hội thảo: Tích hợp các mục tiêu NLTT với HTĐ Việt Nam, kết quả sơ bộ, World Bank Group và Bộ CT, Hà Nội 30-5-2018

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động