RSS Feed for Điện mặt trời Trung Quốc (Bài học thứ nhất): Kiến tạo của Chính phủ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 19:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện mặt trời Trung Quốc (Bài học thứ nhất): Kiến tạo của Chính phủ

 - Nhận lời mời của Hiệp hội Năng lượng Sạch Quốc tế, các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có chuyến khảo sát toàn diện về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ở Trung Quốc (bao gồm các cơ sở sản xuất/chế tạo tế bào quang điện, pin mặt trời, các cơ sở sản xuất chế tạo biến tần, biến áp, các cơ sở nghiên cứu R&D...). Để bạn đọc có góc nhìn đa chiều về kinh nghiệm thực tế, bài học thành công của của quốc gia này trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ "dựa trên các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo", chúng tôi xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết với chủ đề: "Năng lượng mặt trời Trung Quốc: Các bài học thành công" để bạn đọc cùng tham khảo.

Điện mặt trời 4.0 ở Trung Quốc [Phần 1]
Điện mặt trời 4.0 ở Trung Quốc [Tiếp theo và hết]




Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, được ghi nhận là một quốc gia đang thành công trong việc chuyển đổi từ nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo. Sự chuyển đổi này có quy mô lớn và có ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về năng lượng đang diễn ra ngày càng nhanh và có hiệu quả ở quốc gia này.

Nếu nguồn năng lượng tái tạo mới (mặt trời và gió) là tương lai của ngành năng lượng - "chiếc cầu bắc tới tương lai" đó đang được xây trên hai trụ cầu chính: "Trụ cầu đầu tiên" là công nghệ tế bào quang điện và sản xuất pin mặt trời PV; "trụ cầu thứ hai" là công nghệ biến tần và chuyển đổi điện năng từ DC sang AC.

Nhưng theo chúng tôi, trước hết, đó là bài học về sự kiến tạo ở tầm vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc. Sau đó, rất quan trọng và mang tính quyết định là những bài học về sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp. Họ biết "đứng trên vai những người khổng lồ" để đi tắt đón đầu trong việc áp dụng công nghệ mới, để phát triển kinh doanh đa ngành theo hướng năng lượng sạch, dựa trên nguyên lý về "tính kinh tế của quy mô", tận dụng tối đa thị trường trong nước để vươn lên chiếm lĩnh những ngôi đầu bảng trên thị trường thế giới về điện mặt trời cũng bằng phương châm: "Nhanh, nhiều và rẻ".


BÀI HỌC THỨ NHẤT: SỰ KIẾN TẠO VĨ MÔ CỦA CHÍNH PHỦ

Theo số liệu nghiên cứu của HIS Markit và GTM Research (một tổ chức thuộc Wood Mackenzie): Từ năm 2016, lần đầu tiên trên thế giới, năng lượng mặt trời đã phát triển nhanh hơn năng lượng gió.

Năm 2017, các nền kinh tế lớn của thế giới gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã chiếm tỷ trọng khoảng 73% của thế giới về tổng công suất lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời (PV). Cũng kể từ đó, Trung Quốc đã và đang trở thành "người điều khiển luật chơi" trên thị trường PV toàn cầu. Trong lĩnh vực chinh phục năng lượng mặt trời, Trung Quốc đã lần lượt "qua mặt" Đức, Nhật, Mỹ và hiện đang dẫn đầu trong sản xuất các tế bào quang điện, các cấu kiện của pin mặt trời và các modul PV.

Một trong những mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc trong lĩnh vực điện năng là giảm phát thải CO2, nâng cao hiệu suất năng lượng, tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, nước, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt). Nhiệm vụ quan trọng nhất là kìm hãm điện than (do hàng năm quốc gia này vẫn đang phải sử dụng tới 3,5 tỷ tấn than đá để đáp ứng hơn 62% nhu cầu tiêu dùng năng lượng).

Theo kế hoạch được Chính phủ Trung Quốc công bố: Đến năm 2020, các dự án trị giá 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 364 tỷ U$) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ được triển khai. Chương trình đầu tư này nhằm đạt mục tiêu gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cân bằng năng lượng của quốc gia này lên 20% (360 GW) vào năm 2030 (hiện nay con số này là 11%). Việc cải tiến công nghệ sẽ đảm bảo hoạt động ổn định cho các trạm PV phát điện trong các điều kiện khí hậu khắc nhiệt (sa mạc, núi, v.v...). Đồng thời cũng tạo ra 13 triệu việc làm mới (chủ yếu là cho các thợ mỏ sau khi được đào tạo lại).

Trong kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), Chính phủ Trung Quốc đã dự kiến đóng của hàng trăm nhà máy nhiệt điện chạy than (công nghệ cũ, hiệu suất thấp). Kể từ năm 2017, ở Trung Quốc, tổng mức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã vượt tổng mức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí).

See the source image

Theo ước tính, thị trường toàn cầu của thiết bị sản xuất năng lượng mặt trời hiện ước tính khoảng 100 tỷ đô la. Khối lượng của nó sẽ tăng trưởng nhiều lần nhờ một làn sóng can thiệp đầu tư mới do Trung Quốc thực hiện.


Sự thống trị của than trong thời kỳ "tăng trưởng kinh tế nóng" đã tạo ra gánh nặng nghiêm trọng cho môi trường và hiện nay, hệ sinh thái đang là một trong những thách thức nội bộ chính cho sự phát triển của Trung Quốc. Từ những năm 2000, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu theo đuổi một cách có hệ thống chính sách giảm tỷ trọng than trong cân bằng năng lượng của đất nước và nhà nước trợ cấp cho sự phát triển của các ngành năng lượng tái tạo.

Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã luôn dẫn đầu thế giới về công suất điện mặt trời được lắp đặt. Đến 2016, tổng công suất lắp đặt PV của Trung Quốc đã đạt 34,2GW. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng công suất điện mặt trời sẽ tăng thêm 110 GW. Theo tiến độ, trong giai đoạn 2017-2020, tổng công suất lắp đặt PV tại Trung Quốc đạt mức bình quân khoảng 40 GW/năm. Nhưng, chỉ đến giữa năm 2017, quốc gia này đã hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) với tổng công suất PV đạt 105 GW.

Ngoài ra, còn 8 GW công suất PV mới được lắp đặt theo Chương trình xóa đói giảm nghèo. Theo đánh giá của Asia-Europe Clean Energy (Solar) Advisory (AECEA), Trung Quốc đã đạt kỷ lục về tiến độ lắp đặt công suất điện mặt trời mới đạt mức 53GW/năm vào năm 2017. Từ đó đến nay, tuy có xu hướng chững lại, nhưng chỉ tính đến hết tháng 9 năm 2019, tổng công suất lắp đặt PV ở TQ đã đạt 190 GW. 

Như vậy, trên thực tế, tốc độ phát triển điện mặt trời ở Trung Quốc còn cao hơn cả con số dự báo 188 GW điện mặt trời vào năm 2020 của Trung tâm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Trung Quốc (China National Renewable Center-CNREC) - Phân hiệu của Viện nghiên cứu Năng lượng thuộc Ủy ban Nhà nước về Cải cách và Phát triển (National Development and Reform Commission). Và, với nhịp độ phát triển như hiện nay, Trung Quốc sẽ bỏ xa Nhật Bản trong lĩnh vực điện mặt trời (theo Hiệp hội Năng lượng mặt trời Nhật, đến năm 2030 tổng công suất lắp đặt của các trạm điện PV của Nhật chỉ đạt 100GW).

Hơn thế nữa, trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai - một con đường" Trung Quốc còn có kế hoạch xuất khẩu khoảng 40 GW/năm điện mặt trời sang các nước đang phát triển (tạo ra những thị trường mới với quy mô đạt 7,5 tỷ U$/năm cho các nhà sản xuất PV trong nước).

Theo Emit Ronen - Giám đốc Viện Năng lượng Mặt trời (thuộc Đại học George Washington), chỉ trong vòng các năm 2010-2012, giá của một tấm pin mặt trời sản xuất tại Trung Quốc đã giảm 80%. Hiện nay, 4 trong 5 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng mặt trời là một món quà cho tất cả nhân loại. Trong năm 2010-2012 Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ 42 tỷ đô la tiền trợ cấp của Chính phủ và các khoản vay lãi suất thấp cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời trong nước.

Việc đầu tư hàng trăm tỷ đô la vào điện mặt trời, người Trung Quốc đã đảm bảo cho mình vị trí dẫn đầu thế giới trong hàng chục năm tới. Việc trợ cấp của Chính phủ đã tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ và lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất PV của quốc gia này. Giá PV "made in China" đã giảm tới 80% chỉ trong vòng 2 năm. Từ đầu năm 2017, do không cạnh tranh được với Trung Quốc, hai hãng sản xuất PV nổi tiếng của Mỹ là "Suniva" và "SolarWorld" đã bị phá sản. Các công ty này đã phải kiến nghị với Tổng thống Trump thắt chặt thuế nhập khẩu đối với các PV của Trung Quốc.

Người đứng đầu Công ty SolarWorld - ông Jürgen Stein đã viết: "Hoa Kỳ không thể bỏ qua một thị trường quyết định tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo". Từ năm 2012, Mỹ đã áp dụng mức thuế 78% đối với các PV sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng các PV sản xuất tại TQ đã được lắp ráp để nhập khẩu vào Mỹ thông qua các nước thứ ba không bị áp thuế.Vì vậy, tháng 6/2017, Mỹ đã cảnh báo với Tổ chức Thương mại Quốc tế rằng: "Sẽ áp đặt thuế đối với hàng PV nhập khẩu từ các nước có các công ty của Trung Quốc hoạt động".

Công nghệ điện mặt trời đã được sáng tạo ở Mỹ từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Từ đó đến trước năm 2013, người Mỹ đã luôn dẫn đầu thế giới trong công nghiệp chế tạo PV. Nhưng với các khoản trợ cấp của Chính phủ trị giá hàng tỷ đô la, Trung Quốc đã "hất cẳng" Hoa Kỳ khỏi thị trường pin mặt trời một cách hiệu quả. Hơn nữa, người Trung Quốc đang tận dụng tối đa thế mạnh thị trường đã được hình thành của hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng (đứng đầu thế giới) và diện tích lãnh thổ rộng lớn gần 9,598 triệu km2 (thứ 3 trên thế giới). Các hộ gia đình tư nhân và các công ty trong nước đã lắp đặt hàng triệu tấm pin mặt trời. Nhu cầu đối với PV liên tục tăng - đó là những gì các nhà sản xuất Trung Quốc đang tận dụng để phát triển.

Từ sau 2013, cứ mỗi 60 phút,tổng diện tích PV được lắp đặt ở Trung Quốc tương đương với 1,5 sân bóng đá.

Một ví dụ điển hình khác: Công nghệ phát điện bằng các PV nổi trên mặt nước không phải do người Trung Quốc sáng tạo ra. Trước đây, các dự án PV nổi đã được triển khai ở Nhật, Israel, và ở Anh. Người Anh đã lắp đặt 23.000 tấm PV trên hồ chứa nước gần London, nhưng với lượng điện chỉ đủ cung cấp cho một nhà máy làm sạch nước sông Thêm. Thế nhưng, từ năm 2017, chính Trung Quốc đã đưa vào hoạt động dự án điện PV nổi "3 trong 1" lớn nhất thế giới (40MW - đủ để cấp điện cho một thành phố cỡ trung bình) ở tỉnh An Huy, với tổng số 160.000 tấm PV được lắp đặt. Dự án PV nổi này được lắp đặt ngay trên bề mặt của một hồ nước từng được sử dụng cho các mục đích kỹ thuật của các mỏ than nằm cách đó không xa, nhưng đã bị đóng cửa theo chương trình giảm sử dụng than của Chính phủ.

Trong các năm tới, nhu cầu năng lượng mặt trời sẽ tăng bình quân 15%/năm. Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường toàn cầu của thiết bị sản xuất năng lượng mặt trời hiện ước tính khoảng 100 tỷ đô la. Khối lượng của nó sẽ tăng trưởng nhiều lần nhờ một làn sóng can thiệp đầu tư mới do Trung Quốc thực hiện./.

Kỳ tới : Bài học thứ hai: Sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp


PHAN NGÔ TỐNG HƯNG; NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

http://en.tbeapower.com/case.php?cat_id=1342

https://www.linkedin.com/company/tbea-solar-ltd-uk-

http://photovoltaics.dupont.com.

www.dupont.com

https://www.altenergymag.com/news/2016/05/25/latest-high-power-solar-panel-manufactured-by-spic-xi%C3%A2%E2%82%AC%E2%84%A2an-solar-power-co-ltd-will-be-featured-at-dupont-snec-2016-booth/23744/

https://www.pv-tech.org/news/jolywood-and-huanghe-hydropower-establish-n-type-bifacial-technology-partne

https://www.dupont.com/content/dam/dupont/products-and-services/solar-photovoltaic-materials/solar-photovoltaic-materials-landing/documents/DPVS-Field-Study-2018.pdf


 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động