RSS Feed for Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 07:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [2]

 - Năng lượng bền vững trở thành mối quan tâm chính khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Báo cáo "Triển vọng năng lượng quốc tế 2016" của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, trong vòng 3 thập niên tới, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới - nhất là các quốc gia châu Á sẽ tăng lên đáng kể. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là 2 quốc gia có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn nhất.

Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [1]
"Lời nguyền tài nguyên" và cách Na Uy quản lý ngành dầu khí

KỲ 2: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG Ở CHÂU Á

Khi các nguồn năng lượng không thể tái sinh dần cạn kiệt, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế bền vững chính là để "khai thông" con đường phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với việc tiêu thụ nguồn năng lượng khổng lồ, do đó, ở các quốc gia phát triển nóng, nhu cầu năng lượng gia tăng đột biến. Khi các quốc gia phát triển và đời sống được nâng lên, nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng tăng theo nhanh chóng.

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển, các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang dịch chuyển từ các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng sang các ngành công nghiệp dịch vụ. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển ở châu Á phụ thuộc nhiều vào năng lượng truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) trong nghiên cứu "Tương lai năng lượng bền vững của Đông Á", tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và quá trình đô thị hoá mạnh mẽ dẫn đến 2 thách thức trong khu vực: bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Trong 20 năm trở lại đây, lượng phát thải khí CO2 do tiêu thụ năng lượng trong khu vực đã tăng hơn 3 lần, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến biến đổi khí hậu. Hơn nữa, nhiều quốc gia trong khu vực chưa đủ khả năng sản xuất đủ năng lượng, phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu xăng và gas. Trong bối cảnh đó, năng lượng bền vững được cho là giải pháp thân thiện với hệ sinh thái, nền kinh tế và xã hội.

Với hiệu suất cao và sự thân thiện với môi trường, năng lượng bền vững đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều,... đang là những nguồn năng lượng mới đầy tiềm năng.

Để đáp ứng được nhu cầu năng lượng của tương lai, các quốc gia cần chuyển từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch. Phát triển năng lượng bền vững, năng lượng sạch, hay năng lượng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia tại châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a... Các nguồn năng lượng tái sinh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt được khai thác dựa trên lợi thế tự nhiên của mỗi quốc gia. Tốc độ và quy mô triển khai của mỗi nước phụ thuộc vào các chính sách phát triển, năng lực đầu tư tài chính của chính phủ và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Nếu không nhanh chóng hành động, cơ hội phát triển năng lượng bền vững sẽ trở thành thách thức với các quốc gia này.

Nhận thức được nhu cầu tất yếu về năng lượng bền vững, các quốc gia châu Á đang nỗ lực thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ năng lượng mới. Các chính phủ một mặt ban hành chính sách, chiến lược, đồng thời tăng cường đầu tư tài chính cho phát triển năng lượng bền vững. Theo thống kê trong "Báo cáo Tài chính năng lượng mới" của Bloomberg, năm 2010, các quốc gia trên thế giới đầu tư gần 243 tỷ USD để phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, xe hơi điện tăng 30% so với năm 2009. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia chi cho phát triển năng lượng bền vững nhiều nhất - với 51,1 tỷ USD.

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái sinh. Năm 2013, nước này sản xuất được 378GW điện từ các nguồn năng lượng tái sinh như năng lượng thuỷ điện và năng lượng gió.

Theo số liệu của Giáo sư Giôn A. Ma-thiu (John A. Mathews) và Cao Tấn hiện giảng dạy tại Ôxtrâylia, từ năm 2005 đến năm 2014, hoạt động sản xuất pin mặt trời ở Trung Quốc đã mở rộng 100 lần. Hai ông cho rằng, khi quy mô sản xuất tăng lên, giá các thiết bị năng lượng tái sinh giảm xuống. Quy mô của thị trường và quy mô sản xuất là ưu thế của Trung Quốc trong việc giảm chi phí phát triển năng lượng bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc ban hành, thực hiện nhiều chính sách khác nhau nhằm thúc đẩy đầu tư cho năng lượng bền vững. Luật Năng lượng tái sinh ban hành năm 2005 quy định rõ: phát triển và sử dụng năng lượng tái sinh là lĩnh vực được ưu tiên. Chính phủ cũng triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính, công nghệ và thị trường để khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng xanh, sạch. Những nỗ lực này của Trung Quốc được cho là nhằm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ còn chặng đường rất dài trước mắt khi lượng phát thải khí từ các nguồn năng lượng truyền thống còn rất lớn.

Cũng là quốc gia có hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng khổng lồ, Ấn Độ dành những khoản đầu tư lớn cho phát triển năng lượng bền vững. Năm 2009, Ấn Độ xếp thứ 10 trong nhóm G20 về đầu tư năng lượng sạch của khu vực tư nhân và dự báo vươn lên vị trí thứ ba trong năm 2019.

Đầu tư cho năng lượng sạch ở Ấn Độ dự báo tăng 369% từ năm 2010 đến năm 2020. Đến năm 2027, Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng sản xuất được 275GW điện từ các nguồn năng lượng tái sinh.

Vivien Foster - nhà kinh tế năng lượng của WB cho rằng: "Ấn Độ là quốc gia điển hình về năng lượng sạch cho thấy, đây không phải là gánh nặng mà là cơ hội". Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Ấn Độ Piyush Goyal cho rằng, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu buộc Ấn Độ triển khai các biện pháp triệt để hơn để chuyển hóa ngành năng lượng. Việc phát triển năng lượng bền vững không chỉ giải quyết bài toán phát triển của quốc gia mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường. Việc phát triển năng lượng bền vững sẽ giúp gần 300 triệu người dân trong tổng dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ chưa được tiếp cận điện có cuộc sống tốt hơn.

Từ năm 2016, Ấn Độ bắt đầu cho thay thế 770 triệu đèn đường, đèn gia đình bằng các bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và có tuổi thọ cao, đồng thời đưa điện lưới đến hàng ngàn hộ gia đình ở các vùng nông thôn.

Ấn Độ được Tạp chí Địa lý Quốc gia (Mỹ) đánh giá là đang phát triển năng lượng tái sinh và năng lượng mặt trời với "tốc độ ánh sáng". Sự phát triển nhanh chóng của thị trường và công nghệ năng lượng mặt trời đã giúp giá điện giảm mạnh từ 12 cent/kW còn 4 cent/kW, rẻ hơn nhiều so với sản xuất điện từ than. Ông Piyush Goyal nhận định: "Năng lượng xanh không quá tốn kém, hay khó tiếp cận nữa, trong khi rất phù hợp với nhu cầu của chúng tôi".

Việc phát triển năng lượng bền vững ở các quốc gia châu Á đồng thời hướng tới 3 mục tiêu: (1) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, (2) giảm thiểu biến đổi khí hậu và (3) cải thiện an ninh năng lượng. Điều này đòi hỏi chính phủ các quốc gia châu Á sớm chuyển hoá ngành năng lượng, tiến tới sử dụng các công nghệ năng lượng bền vững. Đây là nhu cầu tất yếu và nếu không hành động nhanh chóng, các quốc gia trong khu vực sẽ rơi vào tình trạng phụ thuộc vào năng lượng truyền thống lâu dài như cảnh báo của WB: "Cánh cửa cơ hội đang khép lại rất nhanh".

Kỳ 3: OPEC và bài toán nâng giá dầu

PHAN LƯƠNG - THANH VÂN - THANH NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động