RSS Feed for Điều chỉnh thuế tài nguyên: Doanh nghiệp không còn lãi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 17:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điều chỉnh thuế tài nguyên: Doanh nghiệp không còn lãi

 - Góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất tài nguyên ngày 8-9, không có ý kiến nào đồng ý tăng thuế tài nguyên vào thời điểm này.

Cơ chế ưu đãi giúp TKV giải quyết khó khăn

Ngày 25-11-2009, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH 12 và có hiệu lực thực thi từ ngày 1-7-2010. Luật thuế này quy định khung thuế suất đối với các loại tài nguyên chịu thế và giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên cho từng thời kỳ cho phù hợp.

Ngày 16-12-2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13, thay thế Nghị quyết 928/2010/UBTVQH, về việc ban hành Biểu thuế suất tài nguyên, có hiệu lực từ ngày 1-2-2013, trong đó quy định mức thuế suất cụ thể cho từng loại tài nguyên trên cơ sở Biểu khung thuế suất tài nguyên do Quốc hội quy định.

Hơn 100 đại diện các ban ngành, doanh nghiệp ngành công nghiệp khai khoáng và các tổ chức nước ngoài tham gia hội thảo góp ý dự thảo thuế suất tài nguyên do VCCI tổ chức. Ảnh: Hải Vân

Sau hơn một năm thực hiện, Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 712 nhận định, về cơ bản các quy định về mức thuế suất tài nguyên đã đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Nghị quyết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia.

Tổng thu thuế tài nguyên bình quân giai đoạn 2011-2014 khoảng 39,1 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong đó, thu từ dầu thô khoảng 31 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 79% tổng số thu thuế tài nguyên; thu từ tài nguyên khác khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng chiếm 21% tổng số thu thuế tài nguyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng đưa ra nhận định: “mức thuế suất tài nguyên hiện hành vẫn chưa thực sự phù hợp”.

“Chính sách này nếu áp dụng từ 1-2016 sẽ ảnh hưởng ngay trong năm tới. Bộ Tài chính cân nhắc lộ trình điều chỉnh thuế tài nguyên, để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp”, bà Phạm Thị Hạnh, Phó vụ trưởng, Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ.

Mức thuế suất tài nguyên hiện hành chưa góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.

Việc khai thác chế biến một số khoáng sản kim loại chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến, chưa chế biến sâu khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc “nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất tài nguyên đối với khoáng sản kim loại”, để góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả thuế suất tài nguyên trước bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất tài nguyên, do Bộ Tài chính soạn thảo, khung thuế suất thuế tài nguyên đối với than antraxit hầm lò và than khác 4-20%, thuế suất hiện hành 7%; đối với than antraxit và than nâu, than mỡ 6-20%, thuế suất hiện hành là 9%.

Áp lực giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do, được dự thảo cho là một trong những lý do chính của lần điều chính thuế tài nguyên này.

Việt Nam đã đàm phán khoảng 10 Hiệp định tự do thương mại, trong đó, đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đã hoàn tất, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sắp kết thúc.

Thực thi các hiệp định tự do thương mại, một trong những yêu cầu là xóa bỏ thuế xuất khẩu, bởi đây là một hình thức bảo hộ cho sản xuất trong nước, không bình đẳng trong quan hệ thương mại quốc tế.

Dự thảo cũng dẫn chứng việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Indonesia khi dự kiến cắt giảm thuế xuất khẩu nguyên liệu thô về 0%, từ tháng 1-2015 đã tăng thuế tài nguyên đối với công ty không xây dựng lò nấu chảy kim loại và thuế tài nguyên sẽ được tăng hàng năm cho đến 60% vào năm 2017.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh từ giữa năm 2014, Liên bang Nga đã giảm thuế xuất khẩu dầu từ 54USD/thùng xuống 38 USD/thùng để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp khai thác dầu. Đồng thời tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng, trong đó có sản phẩm từ dầu mỏ.

Trong các phương án đàm phán thuế xuất khẩu trong các hiệp định thương mại, ông Phạm Đình Thi, thành viên Ban soạn thảo dự thảo thuế tài nguyên cho rằng, khả năng Việt Nam chỉ giữ được thuế xuất của một đến hai mặt hàng, thậm chí phải xóa bỏ thuế xuất khẩu toàn bộ. 

Mặt khác, hiện nay, nhiều loại tài nguyên là nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, là vật liệu không thể thiếu của ngành xây dựng trong nước (sắt, măng-gan, đồng, chì, kẽm, cát thủy tinh, đá, sỏi, apatit, than…) nhưng có sản lượng xuất khẩu hàng năm tương đối cao, hoặc thuế xuất khẩu đang ở mức cao, hoặc mức trần trong khung thuế suất.

Vì vậy, khi thực hiện xóa bỏ thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế, số thu ngân sách nhà nước chắc chắn bị tác động, trong khi khai thác các loại tài nguyên này cho xuất khẩu có thể sẽ tăng mạnh, không đảm bảo được nguồn tài nguyên sản xuất trong nước.

Trước tình hình đó, để đảm bảo tiếp tục phát huy nguồn tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, cần phải rà soát, điều chỉnh lại nguồn thu nội địa đối với tài nguyên, trong đó, việc nghiên cứu điều chỉnh mức thu thuế suất tài nguyên cho phù hợp là cần thiết.

Đồng tình với chủ trương điều chỉnh thuế tài nguyên để tăng thu ngân sách của Quốc hội, Chính phủ, nhưng ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho rằng: “Điều chỉnh tăng không phù hợp với thực tế”.

Ông Biên cho biết, từ bốn năm qua sản lượng ngành than không tăng, chỉ xung quanh số 300 triệu tấn, nếu tiếp tục tăng thuế tài nguyên, sẽ tác động xấu đến sản lượng than khai thác.

Hiện nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, việc điều chỉnh thuế tài nguyên, ông Nguyễn Văn Biên nói "phải bám sát tình hình thực tế”.

Nếu điều chỉnh thuế tài nguyên như mức nêu trong dự thảo, ông Biên cho rằng "thu ngân sách có thể tăng lên nhưng sau một năm nữa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không còn lãi".

Việt Nam đàm phán các hiệp định thương mại nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Song bà Phạm Thị Hạnh, Phó vụ trưởng, Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ nói rằng "không thể tạo ra chính sách cản trở môi trường kinh doanh, phải có sự hài hòa cân bằng lợi ích nhà nước và doanh nghiệp".

Vấn đề đặt ra, thu thuế tài nguyên như thế nào để nhà nước không bị thiếu hụt ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển?

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập môi trường tự do kinh doanh, bà Hạnh cho rằng: “Chính sách thuế phải dựa trên sự cân bằng giữa chính sách thu thuế nội địa, thu ngân sách và các chính sách về hội nhập”.

Một điểm nữa bà Hạnh lưu ý Ban soạn thảo cần lưu ý trình độ phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng của nước ta. Hiện nay, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không có chính sách thuế tài nguyên phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển, doanh nghiệp ngành này sẽ rất thiệt thòi trong cuộc chơi hội nhập.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động