RSS Feed for An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 19/01/2025 01:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ cuối]

 - Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những khó khăn, thách thức, nhằm tạo sự đồng thuận trong bối cảnh giá dầu giảm. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ những bất cập trong quá trình phát triển những năm vừa qua, cái gì chưa hoàn thiện về cơ chế chính sách, cái gì là hạn chế yếu kém trong quản lý ở giai đoạn đầu của ngành dầu khí nước nhà, cũng như trách nhiệm của các tập thể và cá nhân. Với mục tiêu hướng tới khắc phục, tập trung nguồn lực, tạo cơ chế, chính sách hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế...

An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia (Kỳ 1)
An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia (Kỳ 2)

PGS, TS. VŨ VĂN HÀ - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CỘNG SẢN

KỲ 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH DẦU KHÍ QUỐC GIA

Trước hết, để có thể bảo đảm năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế cần đổi mới quan điểm phát triển. Trước đây, quy mô, cũng như trình độ phát triển nền kinh tế còn khiêm tốn, đồng thời khả năng khai thác cũng như dự trữ nguồn năng lượng còn dồi dào, nên kinh tế phát triển đến đâu, chúng ta đều bảo đảm được cơ bản nguồn năng lượng. Tuy nhiên, trong vài năm lại đây, do biến động thị trường năng lượng, cùng với dự trữ nguồn than ngày càng giảm, nên vấn đề tự cân đối gặp nhiều khó khăn. Chúng ta từ nước xuất khẩu than đã chuyển thành nước nhập khẩu than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với nguồn dự trữ có hạn, trong khi đó quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trở thành một trong những vấn đề then chốt cho duy trì tăng trưởng. Nếu chúng ta không đổi mới quan điểm phát triển, theo hướng giảm ngành sử dụng than, dầu, chuyển mạnh sang phát triển các ngành sử dụng các dạng hình năng lượng khác, đồng thời với sử dụng tiết kiệm năng lượng, sẽ rất khó bảo đảm an ninh năng lượng.

Mặt khác, cần chú trọng hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng nhưng không tăng tiêu thụ năng lượng. Chẳng hạn như Đan Mạch, mặc dù kinh tế quốc gia này đã tăng hơn 75% trong gần 30 năm qua, nhưng mức tiêu thụ năng lượng vẫn giữ nguyên và lượng khí thải CO2 - tác nhân gây biến đổi khí hậu đã giảm.

Hiện nay, trong cơ cấu năng lượng, riêng dầu khí chiếm tới 1/3 trong tổng tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế nước ta. Do vậy, việc đầu tư phát triển ngành dầu khí có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng nước nhà, nhất là trong khi ngành than khả năng gia tăng khai thác gặp nhiều khó khăn. Theo chúng tôi, trong nhiều việc phải làm để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí theo Nghị Quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trước mắt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

1/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những khó khăn, thách thức, nhằm tạo sự đồng thuận trong bối cảnh giá dầu giảm. Tuyên truyền cần làm rõ mặt được và hạn chế, đâu là do nguyên nhân chủ quan và đâu là do nguyên nhân khách quan. Đặc biệt cần làm rõ đặc tính kinh tế - kỹ thuật đặc thù của ngành dầu khí, nhất là trong khâu khai thác thăm dò.

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ những bất cập trong quá trình phát triển những năm vừa qua, cái gì do chưa hoàn thiện về cơ chế chính sách, cái gì là do hạn chế yếu kém trong quản lý ở giai đoạn đầu của ngành dầu khí nước nhà, cũng như trách nhiệm của các tập thể và cá nhân. Với mục tiêu hướng tới khắc phục, tập trung nguồn lực, tạo cơ chế chính sách hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Ngành Dầu khí Việt Nam không thể tách rời thị trường dầu khí toàn cầu, muốn phát triển phải xây dựng được ngành dầu khí hiện đại, hoạt động hiệu quả phải tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật quốc tế.

2/ Tập trung nguồn lực khắc phục khó khăn khách quan từ sự cạnh tranh trên thị trường dầu khí do giá cả giảm. Muốn vậy, phải có giải pháp để tiết kiệm chi phí thông qua áp dụng công nghệ mới, hợp lý hóa tổ chức trên quy mô tập đoàn cũng như trong từng đơn vị thành viên để có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trên cơ sở đầu tư nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hệ số thành công trong thăm dò, hệ số thu hồi, sử dụng tài nguyên một cách tối ưu… Chỉ có như vậy mới giảm được giá thành trung bình cho 1 tấn trữ lượng thăm dò và khai thác, qua đó mới có khả năng cạch tranh trong điều kiện giá dầu thấp, cũng như tạo nguồn lực để tiếp tục duy trì thăm dò khai thác, từ đó nâng cao tiềm năng và trữ lượng dầu khí. Nếu không duy trì được thăm dò khai thác, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu công việc khác trong Tập đoàn, chẳng hạn như lĩnh vực dịch vụ vệ tinh, các ngành công nghiệp sử dụng dầu khí như nguyên liệu đầu vào.

3/ Đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nói chung, trong đó có dầu khí. Cần nâng cao ý thức tiết kiệm trong tiêu dùng, cũng như triển khai các giải pháp công nghệ mới trong quá trình sản xuất để nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng.

Trên thực tế khả năng khai thác dầu thô dự báo đến năm 2020 sẽ sụt giảm, chỉ còn bảo đảm được ở mức 16-17 triệu tấn/năm. Chính vì vậy, để bảo đảm nhu cầu gia tăng, đáp ứng kịch bản tăng trưởng, việc mở rộng hợp tác khai thác ở nước ngoài cần đi liền với sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn năng lượng dầu khí trong sản xuất. Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân về ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, đẩy mạnh việc thực hiện "Chương trình quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng".

4/ Cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại các lĩnh vực hoạt động của PVN, tập trung phát triển đồng bộ các khâu của ngành công nghiệp dầu khí, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Việc tái cơ cấu PVN cần theo hướng tạo cơ chế bảo đảm sự liên thông về các nguồn lực trong toàn Tập đoàn, để có thể tập trung khi triển khai các nhiệm vụ mục tiêu lớn có tính trọng điểm

5/ Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Cơ chế chính sách chính là nguồn lực cho pháp triển. Các định hướng cơ bản đã được xác định trong Nghị quyết 41-NQ/TW, vấn đề cần cụ thể hóa và lãnh đạo triển khai thực hiện. Trong điều kiện giá dầu giảm, ảnh hưởng không chỉ đến nguồn thu mà còn ảnh hưởng đến quá trình tái đầu tư. Ngành dầu khí đòi hỏi nguồn đầu tư ban đầu rất lớn, nếu không có cơ chế, chính sách cho việc trích lập quỹ tái đầu tư hợp lý, đủ tạo nguồn cho đầu tư thăm dò, và sau là khai thác chế biến, sẽ không thể tạo được năng lực và sức cạnh tranh hiện nay trong thị trường dầu khí quốc tế, vì ở đó có các công ty truyền thống với tiềm lực rất mạnh, thậm chí nếu không kịp thời có thể chúng ta thua ngay trên sân nhà, chứ chưa nói mở rộng khai thác, cạnh tranh trên các thị trường bên ngoài.

6/ Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài trong thăm dò khai thác dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các thị trường bên ngoài. Trên thực tế trong những năm qua, ngành dầu khí đã tích cực tham gia vào thị trường dầu mỏ toàn cầu, hợp tác khai thác với Mông Cổ, Ma-lai-xia, An-gie-ri, Cam-pu-chia, Nga, Cu-ba… Trong các dự án này đã có dự án cho sản phẩm, đóng góp vào nguồn thu chung của ngành dầu khí. Để tiếp tục định hướng này, một mặt cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp dầu khí, mặt khác cần cơ chế chính sách khuyến khich, hỗ trợ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

(Mời quý vị đón đọc chuyên đề phản biện: "Dầu khí Việt Nam: Tính đặc thù và những bất cập của cơ chế hiện nay" trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam trong những ngày tới)

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị Quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

2. Vũ Quốc Minh: Đánh giá vai trò của khí đốt tự nhiên trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam giai đoạn đến 2015, Đại học Bách khoa Hà Nội, H.2008.

3. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Một số giải pháp về an ninh năng lượng Việt Nam, Web: nangluongvietnam.vn, 26/6/2014.

4. TS. Nguyễn Thành Sơn: Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển, Web: Nangluongvietnam.vn, 31/5/2017.

5. Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai, Báo Công Thương, 8/5/2017.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động