RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: "An toàn hệ thống điện" và "ý tưởng siêu dự án" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 20:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'

 - Bình luận đầu tiên của "Nhật ký Năng lượng" xin được nêu ra hai sự kiện: Sự cố đường dây 500kV ở miền Nam và ý tưởng siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD dự kiến đầu tư ở Bình Định. Hai sự kiện này, nghe qua thì có vẻ như không ăn nhập gì nhau, nhưng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì nó lại có mối quan hệ "huyết thống".

Bình luận tuần thứ nhất:

NGUYỄN HOÀNG LINH

Vấn đề an toàn hệ thống điện quốc gia...

Lần đầu tiên sau 20 năm vận hành, đường dây 500kV đã gặp sự cố, khiến cả nước quan tâm. Vào lúc 14h19 đã xảy ra sự cố trên ĐD 500kV Di Linh - Tân Định. Sự cố đường dây 500kV trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết HTĐ 500kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong HTĐ miền Nam, dẫn tới HTĐ miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9.400 MW). 

Qua điều tra cho thấy, sự cố do xe cần cẩu đi vào hành lang đường dây 500kV để cẩu cây, cây đập vào đường dây 500kV gây ra chập mạch, gần trạm biến áp 500kV Tân Định. Hiện tại hệ thống điện ở miền Nam đã vận hành an toàn và ổn định, tuy nhiên sau sự cố hy hữu này, rõ ràng còn có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện của đất nước trong những năm sắp tới.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đã có những phân tích, bình luận về Sự cố đường dây 500kV và vấn đề an toàn hệ thống điện và khẳng định: Sau khi xây dựng xong đường dây siêu cao áp 500kV (mạch 1), Bộ Năng lượng đã ban hành quy phạm về an toàn bảo vệ đường dây cũng như các trạm biến áp, hành lang của đường dây 500kV có mặt cắt ngang là 40m, chạy suốt từ Bắc vào Nam, độ võng từ đường dây tới mặt đất tuỳ theo từng địa hình được xây dựng đảm bảo khoảng cách an toàn. Những quy định về an toàn hành lang lưới điện cao áp được quy định rất cụ thể tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 17/8/2005) hướng dẫn thi hành Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Thực tế cho thấy, đường dây 500kV (mạch 1), sau gần 20 năm và đường dây 500kV (mạch 2), sau gần 10 năm đều vận hành an toàn, chưa hề xảy ra sự cố có tính chất nghiêm trọng nào. Cả hai đường dây này hàng ngày đã, đang truyền tải lượng điện từ Bắc vào Nam trên 3.000 MW, bổ sung lượng điện thiếu hụt của miền Nam vào các tháng mùa khô.

 

Với sự cố xảy ra tại khu vực Tân Định (tỉnh Bình Dương), ngày 22/5 vừa qua, có thể khẳng định rằng, hệ thống bảo vệ của đường dây và trạm biến áp đã làm việc rất tốt, do đó, chỉ sau hơn 3 giờ, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chỉ đạo CBCNV tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố và đóng điện kịp thời, trả lại hệ thống điện hoạt động bình thường cho các tỉnh bị mất điện.

Sau sự cố này, Chính phủ cũng đã quan tâm hơn trong công tác đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải. Trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp để phòng những trường hợp tương tự trong thời gian tới? Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Cần đầu tư thêm lưới điện đấu nối vào hệ thống 500kV. Theo Bộ trưởng Đam, ngoài lý do mang tính sự cố, đây cũng còn lý do mang tính kỹ thuật, đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt, các đầu nối dẫn vào hệ thống 500kV còn ít. Nếu đúng ra, với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, chúng ta phải có nhiều đầu dẫn vào hệ thống, có nghĩa là, tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm lưới điện đấu nối vào hệ thống 500kV, cũng như đầu tư thêm một số nguồn điện được phân bổ hợp lý.

Rõ ràng, sau sự cố 22/5, có lẽ là câu chuyện quy hoạch, câu chuyện chính sách giá năng lượng và câu chuyện cơ chế cho ngành năng lượng Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Để có một hệ thống điện thực sự an toàn và có tính bền vững, cần phải thực hiện hoàn thành các dự án nguồn điện, cũng như đường dây truyền tải điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu thực hiện được như vậy, sẽ có 52 nhà máy điện được bố trí đều khắp từ các miền Bắc - Trung - Nam. Bên cạnh đó là việc xây dựng các đường dây 500kV và các trạm biến áp nối từ các nhà máy phát điện lên đường dây 500kV Bắc - Nam và xây dựng đường dây và trạm 220kV phục vụ cho từng khu vực của từng nhà máy, lúc đó hệ thống được kết nối mạch vòng đường dây và trạm 220kV, đặc biệt là kết nối mạch vòng đường dây và trạm 500kV.

Nhưng vấn đề quan trọng là nguồn vốn đầu tư ở đâu và bằng cơ chế chính sách nào cho các tập đoàn năng lượng Việt Nam và các nhà đầu tư BOT quốc tế thực hiện các dự án? Thực tế đã cho thấy, trong Quy hoạch điện VII có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT của các nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký, nhưng đến nay chưa có dự án nào triển khai và có khả năng bỏ cuộc, bởi lý do giá điện Việt Nam còn thấp, các nhà đầu tư sẽ không có lợi nhuận và không thu hồi được vốn.

Trước thực trạng hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam và hệ thống điện miền Nam đang trong thời gian vận hành căng thẳng, miền Nam tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung - cầu ở một số thời điểm trong năm - tại cuộc họp ngày 29/5, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, trong thời gian tới, sẽ ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống điện cả dự án nguồn và lưới tại miền Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, qua diễn biến thực tế, đặc biệt là sau sự cố hệ thống truyền tải ngày 22/5, càng cho thấy tính mất cân đối về năng lượng và yêu cầu cấp bách, cần tập trung cho việc cung cấp điện ở phía Nam. Đồng thời, sẽ phải tăng cường quản lý, đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải từ phía Bắc để đảm bảo khả năng truyền tải cao, an toàn cho cung cấp hệ thống điện toàn quốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu ưu tiên trong đầu tư, nâng cấp hệ thống điện cả dự án nguồn và lưới tại miền Nam trong thời gian tới.

Ban Chỉ đạo Quy hoạch điện VII cần chỉ đạo EVN tăng cường các biện pháp, tập trung ưu tiên đầu tư năng lực truyền tải trên giao diện Bắc - Trung - Nam. Đồng thời, sớm đôn đốc thúc đẩy các dự án nguồn, đặc biệt các dự án điện than, điện khí đang và sẽ triển khai, vận hành ổn định các tổ máy mới.

Trong các giải pháp, vấn đề thu xếp vốn, sự phối hợp tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án của các bộ, ngành được đặc biệt nhấn mạnh.

Trở lại sự cố đường dây 500kV và nhìn rộng hơn trên toàn cầu cho thấy, nhiều nước cũng đã để xảy ra những sự cố mất điện trên quy mô rộng, không những ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, chính trị xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm triệu người dân... Chúng tôi xin thống kê ra đây Những vụ mất điện lớn nhất thế giới để bạn đọc tham khảo. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi sự cố mất điện, các quốc gia đã chọn cho mình một hướng đi mới. Ví dụ như Ấn Độ, sau sự cố mất điện cuối tháng 7/2012, quốc gia này đã tuyên bố sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành năng lượng toàn cầu thông qua việc tiên phong trong lĩnh vực phát triển một nguồn năng lượng hạt nhân mới từ Thorium. Quyết tâm của Ấn Độ rõ ràng đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên, hoài nghi và cả những nhận định: Ngành năng lượng Ấn Độ chọn hướng đi nào sau sự cố mất điện?

Khu vực mất điện (màu đỏ đậm và nhạt) trong sự cố lịch sử năm 2012 tại Ấn Độ

... và ý tưởng siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD ở Bình Định

Câu chuyện siêu dự án lọc dầu ở Bình Định cũng được NangluongVietnam nhắc lại trong tuần này, bởi một thông tin mang tính phát hiện mới, đó là  'PTT chỉ là bên nêu ý tưởng siêu dự án 27 tỷ USD'

Với ý tưởng siêu dự án lọc dầu ở Bình Định đương nhiên là không có trong quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 (trên cơ sở dự báo để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của Việt Nam đến năm 2025 và các năm tiếp theo) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi phân tích, đánh giá về quy hoạch tổng thể, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước trong dài hạn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những khuyến cáo mang tính chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia (giai đoạn sau năm 2020) và đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý dự án lọc dầu của PTT, với số vốn đầu tư lên tới  trên 27 tỷ USD. Bởi dự án này không nằm trong quy hoạch chung của ngành dầu khí Việt Nam. Mặt khác, ngành Dầu khí Việt Nam hiện đã có nhà máy Dung Quất, chiếm 30% thị phần cung cấp xăng dầu trong nước, đang triển khai nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn và một số cơ sở lọc dầu khác nữa. Theo kế hoạch các nhà máy lọc dầu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi công suất trong những năm sắp tới.

Do đó, ông Trần Viết Ngãi khẳng định, nhu cầu trong nước không đòi hỏi thêm một nhà máy như vậy. Ngoài ra, nhà máy của PTT sẽ nhập dầu thô từ các quốc gia khác về lọc và sản phẩm sẽ xuất đi nước khác thì giá trị gia tăng Việt Nam thu được không cao.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PetroVietnam lưu ý: Chúng ta nên nhớ rằng, dự án lọc dầu Nghi Sơn đang xây dựng, công suất chỉ có 10 triệu tấn/năm mà phải có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, từ Kuwait, Nhật Bản, Việt Nam, và đều là những nhà đầu tư có tiềm năng. Với tổng nguồn vốn đầu tư 9 tỷ USD, nhưng cũng phải đi vay 5 tỷ USD. Còn với dự án của PTT, tôi nghĩ nếu họ làm thì ít nhất cũng phải đi vay khoảng 20 tỷ USD.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA khẳng định: PTT chỉ là bên nêu lên ý tưởng, họ còn phải kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư khác nữa để đủ số vốn 27 tỷ USD. Theo tôi, dự án lọc dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu, chứ không phải quyết định được ngay.

Nhưng với chính quyền tỉnh Bình Định lại có quan điểm riêng. Hồi đầu tháng Năm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng lại lạc quan khẳng định: Với góc độ của người trực tiếp tìm hiểu, đàm phán dự án này, tôi cho rằng dự án nhà máy lọc hóa dầu của PTT là khả thi.

Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) chỉ là bên nêu lên ý tưởng. Ảnh: minh họa

Đến đây, nhiều người lại nhớ đến bài học "Nghề thổi kèn bắt rắn". Chuyện bắt đầu từ các cổ đông của ngân hàng nọ hồi mới thành lập. Họ ví rằng việc thành lập ngân hàng tựa như những người làm nghề thổi kèn bắt rắn. Hãy mua một cái kèn. Hãy nghiên cứu những giai điệu khiến loài rắn mê mẩn. Hãy luyện hơi cho tốt. Hãy tìm nơi nào loài rắn thích sinh sống. Thế là việc bắt được rắn như trong tầm tay.

Chẳng biết việc ví von này đúng sai đến đâu nhưng dường như cái nghề thổi kèn bắt rắn này có thể áp dụng với nhiều nghề khác, kể cả nghề "vẽ" dự án.

Cách đây hơn 2 năm, Công ty cổ phần Cienco 5 Land ký hợp đồng vay 200 tỷ đồng và giao quyền phân phối một số diện tích đất tại dự án khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông) cho Công ty 1/5. Sau khi có được “cái kèn” này, với kỹ năng bơm vá thông tin, giá đất ở đây tăng lên từng ngày, từ 13 lên 19 đến 24 triệu đồng/m2. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 500 khách hàng mê mẩn vì tiếng kèn ma quái, đã đem đến cho Công ty 1/5 trên 650 tỷ đồng.

Một vài vụ bê bối gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho thấy cái nghề thổi kèn bắt rắn này nó “hiểm” như thế nào? Một số cổ đông sáng lập vừa góp vốn vào ngân hàng đã tìm mọi cách rút hết vốn một cách phi pháp. Cái vỏ ngân hàng kia chỉ còn tựa như cái kèn dụ khách hàng đến gửi tiền.

Liệu PTT có đang áp dụng bài học này không nhỉ?

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...
Trò 'ngoại giao sức mạnh' của Trung Quốc sẽ trả giá đắt
Biển Đông: Sau 45 phát súng của Philippines!
Tập Cận Bình đang mạo hiểm với “Giấc mơ Trung Hoa”?
Muốn hiểu Trung Quốc hãy coi lịch sử Việt Nam
Hàn Quốc chọn đối sách nào cho vấn đề Triều Tiên?

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động