RSS Feed for Giải pháp năng lượng châu Á - bài học cho Việt Nam [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 14:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp năng lượng châu Á - bài học cho Việt Nam [Kỳ 1]

 - Nhu cầu năng lượng của châu Á dự báo chiếm 40% tổng nhu cầu thế giới và chi phí đầu tư trong lĩnh vực năng lượng lên tới 68 nghìn tỷ USD năm 20401. Mức tiêu dùng năng lượng tại khu vực châu Á sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2035 do phát triển kinh tế năng động của khu vực, dân số gia tăng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu vốn chiếm lượng lớn trong số người tiêu dùng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA), châu Á cần khoản đầu tư hơn 10.000 tỷ USD vào ngành năng lượng trong giai đoạn (2012-2020)2.

Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết) 

KỲ 1: THỰC TRẠNG TIÊU DÙNG NĂNG LƯỢNG CHÂU Á

PGS, TS. PHẠM THANH BÌNH - VIỆN KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

Mặc dù các nền kinh tế châu Á đóng góp khoảng 11% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, nhưng thực tế châu Á lại tiêu tốn khoảng 21% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và thậm chí nhiều hơn. Điều này dẫn đến gần một nửa nhu cầu dầu mỏ của khu vực châu Á phải nhập khẩu từ bên ngoài và 4% GDP của khu vực châu Á dành để chi cho việc đảm bảo cung ứng năng lượng.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á đã tiêu thụ 34% năng lượng của thế giới (2010) và dự báo sẽ tăng lên 56% (2035). Châu Á sẽ trở thành nhà tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới trong thập niên (2010-2030). Nếu chỉ mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng mà không có sự thay đổi về cách thức tiêu dùng năng lượng, châu Á sẽ tiêu dùng gấp đôi dầu mỏ, gấp ba khí tự nhiên và cần thêm 81% than đá vào năm 2035.

Sự trỗi dậy với tốc độ cao trong 3 thập kỷ (1980-2010) của Trung Quốc không phải không bị trả giá. Mức tiêu hao năng lượng để tạo ra GDP của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư vốn, nhân lực và vật lực. Tiêu hao năng lượng cho một đơn vị GDP của Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao gấp 3-4 lần bình quân của thế giới, với mức tiêu thụ 46% lượng thép; 16% lượng năng lượng và 52% lượng xi măng toàn cầu sản xuất, nhưng chỉ tạo ra chưa đến 8% GDP toàn cầu3.

Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) xét về tiêu thụ năng lượng. "Cơn khát" năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế, sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số, mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người đang gia tăng và đô thị hoá không ngừng.

Theo IEA, lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030. Thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ trở thành những thiếu hụt nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ tiêu dùng trong nước.

Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2030, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đến năm 2030. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, dầu mỏ có tỉ trọng ngày càng tăng. Trung Quốc hiện đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới (với mức độ tiêu thụ hiện nay gần 10 triệu thùng/ngày). Dự báo, khoảng 13-14 triệu thùng/ngày (2025), trong đó lượng nhập khẩu chiếm 70% tổng nhu cầu. Lượng dự trữ than đá của Trung Quốc đứng thứ 7 thế giới, trong khi  sản lượng tiêu dùng than đá của Trung Quốc lại đứng đầu thế giới4.

Quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng ở Hàn Quốc đã làm tăng mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp. Mức tăng khá ngoạn mục, tới hơn 300% trong giai đoạn (1985 - 1996). Theo ước tính, ngành công nghiệp Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 56% tổng mức tiêu thụ năng lượng, giao thông 20%, truyền thông và quảng cáo 15%, và hộ gia đình 9%.

Việt Nam nằm trong Top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ cao của Việt Nam giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020). Trong đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp tăng nhanh: từ 4,36 triệu tấn quy dầu TOE(2000) lên đến 16,29 triệu tấn quy dầu TOE (2010); 23,74 triệu tấn quy dầu TOE (2015) và 33,12 triệu tấn quy dầu TOE (2020).

Mức độ sử dụng năng lượng của Việt Nam cao gấp 2 lần so với các nước trong khu vực. Để tạo ra 1.000 USD GDP, Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gấp 2 lần mức bình quân của thế giới. Trong giai đoạn (2010-2020), nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần.

Do vậy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. 

Hiệu suất sử dụng năng lượng của Việt Nam trong các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28% - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Tỷ suất năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm của Việt Nam cao hơn nhiều không chỉ so với các nước phát triển, mà so cả với những nước trong khu vực.  

Dự báo khoảng hơn 4 thập kỷ nữa thế giới sẽ cạn kiệt nguồn dầu mỏ, 6 thập kỷ nữa sẽ cạn kiệt nguồn khí tự nhiên và hơn 1 thế kỷ nữa sẽ cạn kiệt nguồn than đá6.

Năm 2015, thế giới có khoảng 550 thành phố có quy mô hơn 1 triệu người. Năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người (chiếm 60% dân số thế giới) sinh sống tại các thành phố lớn. Cùng với việc tăng dân số, các thành phố lớn sẽ tiêu tốn 75% nguồn năng lượng, đồng thời sản sinh 70% lượng phát thải nhà kính, chủ yếu là khí CO27. Một trong những yêu cầu cơ bản cho một thành phố phát triển bền vững là có nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả, phát thải thấp. Thế giới sẽ phải cần 10,5 nghìn tỷ euro đầu tư cho ngành năng lượng.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố 2 kịch bản mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong giai đoạn 2010-2030 như sau:

Kịch bản thứ nhất (kịch bản rất xấu). Theo kịch bản này, tình trạng tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp nối các xu hướng tiêu thụ hiện tại. Dự báo, tổng mức tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên 16 tỷ tấn quy dầu TOE (2030), trong đó năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỉ trọng lớn.

Kịch bản thứ hai (kịch bản khá tốt). Với tình trạng tiêu thụ năng lượng duy trì ở mức của các nước OECD những năm 1980, mức tiêu thụ năng lượng sẽ vào khoảng 6 tỷ tấn quy dầu TOE (2030). Mức năng lượng tiết kiệm được gần như tương đương với tỷ trọng dầu lửa trong tiêu thụ hiện nay.

Điều này cho thấy, tiềm năng tiết kiệm thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả là rất lớn. Trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại nhất, mức tiêu thụ năng lượng của thế giới năm 2050 sẽ tương đương với mức tiêu thụ hiện nay.

Năm 2050, châu Á có thể chiếm tới một nửa sản lượng thương mại và đầu tư toàn cầu. Muốn giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng này, châu Á phải bảo đảm nguồn năng lượng và thay đổi hướng phát triển truyền thống nhiều các-bon, lãng phí tài nguyên, hướng tới tăng trưởng ít các-bon và thật sự bền vững.

Kỳ 2: Giải pháp đảm bảo nguồn năng lượng ở châu Á

Ghi chú:

1. Châu Á trước những thách thức an ninh năng lượng. Theo PetroTimes ngày 11/12/2012.

2.Theo UNESCAP trong đối thoại về nguồn năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực, tổ chức tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) ngày 27/4/2016.

3. Trung Quốc dựa vào điều gì để vượt Mỹ? Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 6/3/2013.

4. Phạm Sỹ Thành (2011), Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 -2009), NXB ĐHQG Hà Nội.

5. TOE (Ton of Oil Equivalent): Bảng hệ số quy đổi sang tấn đầu tương đương - áp

dụng cho một số loại nhiên liệu phổ biến.

6. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong bài "Some Economic Aspects of Energy Security" của tác giả Xavier Labandeira and Baltasar Manzano, trong Tạp chí Economics for Energy xuất bản năm 2012, University of Vigo.

7. Theo đánh giá của ông Lothar Herrman- Tổng giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Tài liệu tham khảo chính:

- Xavier Labandeira and Baltasar Manzano (2012), Some Economic Aspects of Energy Security, Economics for Energy, University of Vigo.

- APERC (2007), A Quest for Energy Security in the 21 st Century: Resources and Constraints. Asia Pacific Energy Research Center.

- Bùi Huy Phùng (2013), Phát triển năng lượng và chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học năng lượng, số 1/2013.

- An ninh năng lượng, giá dầu tăng cao và sự tác động tới tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN. Tạp chí Hội nhập và phát triển, số 36/2005.

- Military and Security Development Involving the People's Republic of China 2013.  Office of the Secretary of Defense. Tài liệu tham khảo số 6-7/2013, Thông tấn xã Việt Nam.

- China’s Green Revolution energy, environment and the 12th Five - year Plan, Ebook001, 2011.

- Nguyen Duc Thanh, (2011), “The Rise of China and the Economic Divergence of the Southeast Asian Countries”, Singapore, August, 2011.

- Phạm Sỹ Thành (2011), Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 - 2009), NXB ĐHQG Hà Nội.

- TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, tháng 2/2011.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động