RSS Feed for Mười sự kiện nổi bật của ngành Năng lượng Việt Nam năm 2019 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 16:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mười sự kiện nổi bật của ngành Năng lượng Việt Nam năm 2019

 - Song hành với những thành tựu phát triển kinh tế ngoạn mục, trong năm qua ngành Năng lượng Việt Nam cũng có những điểm nổi bật cả về chính sách mới của Chính phủ, những thành công đáng ghi nhận ở tầm khu vực và cả những mối quan tâm lớn về đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng trong dài hạn, khi mà lượng nhập khẩu than, dầu thô cùng tăng cao. Hành trình bước vào năm mới - 2020, sau khi phân tích, cân nhắc dữ liệu từ các chuyên ngành (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo...), các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật, quan trọng của ngành Năng lượng Việt Nam năm 2019 để bạn đọc cùng tham khảo.

Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng sạch Việt Nam năm 2019






 

 

1/ Lần đầu tiên nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng Việt Nam (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) được Chính phủ giao thực hiện.

Với việc tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành TW Đảng về chiến lược phát triển ngành năng lượng và những nét chính của Chiến lược phát triển năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1743/ QĐ-TTg ngày 3/12/2019 giao Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Nhiệm vụ này cũng được giao hầu như đồng thời với nhiệm vụ lập Quy hoạch điện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Việc lần đầu tiên lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng Việt Nam thể hiện sự đáp ứng mong mỏi của nhiều chuyên gia, nhà quản lý ngành năng lượng lâu nay, về sự cần thiết cân đối, hài hòa, tương hỗ trong phát triển các phân ngành than, điện, dầu khí và năng lượng tái tạo của Việt Nam.

2/ Tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) vượt 5.000 MW, đứng đầu ASEAN.

Với mốc thời gian năm 2013 Việt Nam chỉ có 46 MW điện gió và 4 MW điện mặt trời (ĐMT), thì đến năm 2019 Việt Nam đã có tổng cộng 5.039 MW công suất hai loại nguồn này, tăng 100 lần và chiếm tỷ lệ 9,2% tổng công suất đặt nguồn điện (bao gồm 274 MW điện gió và 4.765 MW ĐMT, trong đó 325 MW là ĐMT trên mái nhà).

Theo ASEAN Post, hiện nguồn điện mặt trời của Việt Nam chiếm gần 44% khối ASEAN, vượt xa Thái Lan là nước đứng thứ 2 với 2.715 MW.

Trong các nguồn ĐMT, công trình điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi với công suất 47,5 MWp cũng được đưa vào vận hành năm 2019. Đây là loại hình ĐMT tận dụng một phần nhỏ diện tích mặt hồ chứa công trình thủy điện - thủy lợi, làm tăng hiệu quả bức xạ nhiệt mặt trời do được hơi nước làm mát tấm pin, ngăn bớt sự bay hơi nước, tránh sử dụng đất đai và còn sử dụng phối hợp với lưới điện của nhà máy thủy điện, giảm chi phí đầu tư lưới truyền tải.

Điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi cũng là công trình có quy mô chỉ đứng sau ĐMT nổi lớn nhất thế giới 150 MW tại tỉnh An Huy của Trung Quốc.

3/ Tổng công suất nguồn điện Việt Nam đạt mốc 54.880 MW, quy mô đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 trên thế giới.

Trong cơ cấu nguồn, thủy điện chiếm tỷ lệ 30,8%, nhiệt điện than 36,1%, tua bin khí 13%, các nguồn điện dầu và khác 3,3%, nhập khẩu 1%. Đặc biệt, nguồn điện năng lượng tái tạo - NLTT (bao gồm thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối) đạt mốc 15,8%.

Nếu theo cách thống kê thông lệ của các nước, NLTT bao gồm cả thủy điện lớn và vừa, thì Việt Nam có tỷ lệ công suất nguồn điện NLTT rất cao, chiếm tới trên 46%.

Trong cơ cấu chủ sở hữu các nhà máy điện, EVN và các Genco (trực thuộc và cổ phần) chiếm 53,6%, còn lại là các chủ đầu khác và nhập khẩu.

Kiểm điểm mấy thông số chính theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cho thấy: Năm 2019 điện thương phẩm ước đạt 209,4 tỷ kWh, thấp hơn 2,17%; công suất cực đại đạt 38.250 MW (đạt xấp xỉ Quy hoạch điện VII - điều chỉnh là 38.415 MW); công suất nguồn thấp hơn 1% so với dự kiến 55.450 MW. Mặc dù một số nguồn điện lớn chậm tiến độ như: Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 2... nhưng các nguồn điện mặt trời, điện gió phát triển bùng nổ đã bù lại công suất.

Tín hiệu đáng mừng là nguồn NLTT tăng, nhưng đáng lo là tình trạng lưới không theo kịp, gây quá tải, nguồn dự phòng thiếu ở miền Nam và công tác vận hành rất khó khăn.

4/ Dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 của EVN được thực hiện tại Trung tâm hành chính công, hoặc Cổng thông tin dịch vụ công tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, từ ngày 24/12/2019, khách hàng chỉ cần truy cập địa chỉ trang web: www.dichvucong.gov.vn để có thể đăng ký 12 dịch vụ điện năng:

1/ Cấp điện mới từ lưới điện trung áp.

2/ Cấp điện mới mới từ lưới điện hạ áp.

3/ Thanh toán tiền điện.

4/ Thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha.

5/ Thay đổi vị trí thiết bị đo đếm.

6/ Thay đổi mục đích sử dụng điện.

7/ Thay đổi định mức sử dụng điện.

8/ Thay đổi chủ thể Hợp đồng mua bán điện.

9/ Thay đổi thông tin đã đăng ký.

10/ Thay đổi hình thức thanh toán tiền điện.

11/ Gia hạn Hợp đồng mua bán điện.

12/ Chấm dứt Hợp đồng mua bán điện.

Với các dịch vụ điện này, khi thực hiện giao dịch qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, mọi hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện.

Đây là một tiến bộ đáng ghi nhận của ngành công nghiệp nói chung và ngành điện lực nói riêng. Đồng thời năm 2019 cũng cho thấy 'Chỉ số tiếp cận điện năng' của Việt Nam đạt 88,2/100 điểm tăng 0,24 điểm so với năm 2018 và duy trì thứ hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 6 năm (2013-2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 129 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.

5/ Khởi công Kho LNG đầu tiên của Việt Nam tại Thị Vải.

Ngày 28/10/2019, tại xã Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Công trình Kho chứa 1 triệu tấn LNG nhập khẩu tại Thị Vải.

Dự kiến kho LNG Thị Vải sẽ cung cấp khí đốt hóa lỏng nhập khẩu cho các dự án nhà máy tua bin khí hỗn hợp (CCGT) Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất 1.500 MW.

Dự án này đã nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển các kho cảng LNG trên toàn quốc, được Chính phủ phê duyệt vào năm 2014, nhưng bị chậm mấy năm vì nhiều lý do. Đây là mốc đánh dấu quan trọng đầu tiên về đa dạng hóa nguồn nhiên liệu năng lượng, tăng cường an ninh cung cấp năng lượng trong điều kiện Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng từ 2015.

Cũng trong năm nay, Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý cho triển khai đầu tư vào Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2 (3 x 750 MW) và Kho cảng nhập khí hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ, dự kiến hoàn thành vào khoảng 2024 - 2025, tiếp tục đánh dấu cho việc LNG sẽ dần đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.

6/ Tổng kết 10 năm hoạt động thành công của Biển Đông 01.

Dự án Biển Đông 01 xuất phát từ 2 lô dầu khí Hải Thạch - Mộc Tinh trước đây ký với các công ty nước ngoài. Sau này, 2 lô được hợp nhất lại do Công ty BP điều hành và Việt Nam có tham gia một phần nhỏ thông qua Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Năm 2009 PVN đã tiếp nhận lại Biển Đông 01 từ Công ty BP.

Với sự dũng cảm, nỗ lực, được PVN chỉ đạo sát sao, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC) và các nhà thầu là Tổng Công ty CP dịch vụ Dầu khí (PTSC), Liên doanh Việt Nga (Vietsopetro), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đã triển khai đồng bộ tất cả các hoạt động thiết kế, chế tạo, xây dựng và khoan, tăng cường năng lực thiết kế và chế tạo, trình độ năng lực đội ngũ. Kết quả cụm giàn khai thác và xử lý tại mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, được chúng ta chế tạo, đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe nhất về kỹ thuật, an toàn tuyệt đối, hoàn toàn có thể cạnh tranh được ở lĩnh vực này trong khu vực và trên thế giới.

Biển Đông 01 có nhiều đặc điểm nổi bật:

Thứ nhất: Được đánh giá là hiệu quả nhất của PVN. Trong 10 năm qua khai thác tuyệt đối an toàn hơn 10 tỷ m3 khí và hơn 17 triệu thùng condensate; tổng doanh thu đã đạt hơn 2,8 tỷ USD trên tổng mức đầu tư và chi phí vận hành cho tới thời điểm hiện nay là hơn 2,9 tỷ USD.

Thứ hai: Đây là công trình dầu khí hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, xây lắp và vận hành.

Thứ ba: Ở cách xa đất liền nhất (320 km tính từ Vũng Tàu).

Thứ tư: Khai thác dầu - khí ở độ sâu nhất (145 mét nước).

Thứ năm: Cấu tạo địa chất ở hai mỏ này là phức tạp và khó khăn nhất thế giới - Chưa một công ty dầu khí nào dám khai thác khí và dầu ở độ sâu gần 4.000 mét, có áp suất 850 atmosphere và nhiệt độ đến 1.750C.

Thứ sáu: Có khối lượng thiết bị xây lắp lớn nhất từ trước tới nay (tổng trọng lượng của hai giàn khai thác Hải Thạch và Mộc Tinh và một giàn xử lý khí là 70 ngàn tấn).

7/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được nhất trí giao nhiệm vụ Thư ký ASCOPE giai đoạn 2019-2024.

Kỳ họp lần thứ 45 Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASEAN Council on Petroleum - ASCOPE) đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ trì tổ chức thành công tại Hà Nội ngày 29 tháng11 năm 2019. Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo cấp cao của các công ty dầu khí ASEAN về các chủ đề mang tính thời sự như: Chuyển đổi năng lượng toàn cầu, thách thức cho phát triển bền vững và giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng vì sự phát triển bền vững. Chủ đề chính của Kỳ họp năm nay là “Hợp tác khu vực vì sự phát triển bền vững”. Tham dự Kỳ họp là người đứng đầu các công ty dầu khí/cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí của 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Lần đầu tiên trong lịch sử, PVN được nhất trí giao nhiệm vụ Thư ký ASCOPE giai đoạn 2019-2024, thể hiện sự tin tưởng và hỗ trợ của tất cả các quốc gia thành viên.

8/ Triển khai chuỗi dự án đường ống dẫn khí Sao Vàng Đại Nguyệt và Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 (NCS2).

Có 2 dự án song song trong chuỗi dự án này đã triển khai các phạm vi công việc từ tháng 10 năm nay: 

Thứ nhất, dự án thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, gồm đường ống từ giàn nén Sao Vàng kết nối với đường ống NCS2 hiện hữu, đồng thời kết nối với mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng nhằm thu gom, vận chuyển khí các mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt và Thiên Ưng - Đại Hùng về NCS2.

Thứ hai, đường ống dẫn khí NCS2 giai đoạn 2 là tuyến ống 118 km đấu nối với đoạn đường ống giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2015 để hoàn chỉnh đường ống Nam Côn Sơn 2, đưa khí các mỏ vừa kể tên về bờ kết nối với nhà máy xử lý khí. Dự kiến khi hoàn thành công trình vào cuối quý III/2020, sẽ đưa sản lượng khí khoảng 2-3 tỷ m3/năm vào bờ, bổ sung nguồn khí cho khu vực Đông Nam bộ.

Chuỗi dự án đường ống dẫn khí NCS2 và Sao Vàng Đại Nguyệt có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam, đồng thời bổ sung nguồn khí đốt đáng kể trong lúc nhiều mỏ khí hiện hữu đang trong giai đoạn suy giảm nhanh.

9/ Nhập khẩu than và dầu mỏ tăng cao đột biến, qua đó cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của Việt Nam vào nhập khẩu năng lượng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã vượt qua mức ước tính ban đầu là 6,6% - 6,8%, lên đến 7,02%, kéo theo tăng trưởng về nhu cầu năng lượng, đặc biệt là nhu cầu than và dầu mỏ.

Sản lượng than nguyên khai đạt thấp so với Quy hoạch than điều chỉnh 403/2016 được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho sản lượng than nhập khẩu tăng cao đột biến. 

Tổng cộng sản lượng than nguyên khai toàn ngành năm 2019 ước đạt đạt 47,3 triệu tấn, trong đó sản lượng than hầm lò khoảng 28 triệu tấn, chiếm khoảng 59,2%. Như vậy, so với Quy hoạch than điều chỉnh 403/2016, sản lượng than nguyên khai toàn ngành giảm 9 triệu tấn, trong đó hầm lò giảm hơn 6 triệu tấn. Nguyên nhân chính làm cho sản lượng than không đạt mục tiêu sản lượng của Quy hoạch 403 là do tài nguyên, trữ lượng than trong thực tế không có đủ như dự kiến trong QH 403. 

Nhập khẩu than, trong 10 tháng đầu năm 2019 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2018 lên 36,8 triệu tấn. Ước tính cả năm 2019 sản lượng than nhập khẩu sẽ đạt khoảng 42-44 triệu tấn, vượt mốc sản lượng than nhập khẩu 40,3 triệu tấn đề ra cho năm 2020 trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Như vậy, từ năm 2019 sản lượng than nhập khẩu cân bằng với sản lượng than khai thác trong nước trên thị trường than nội địa, đánh dấu bắt đầu một giai đoạn mới của thị trường than nội địa sẽ nghiêng dần về than nhập khẩu. Theo đó việc sản xuất và tiêu thụ than sẽ tuân thủ nghiêm ngặt hơn cơ chế thị trường.

Nhập khẩu dầu thô đã tăng 80,6% so với cùng kỳ, lên 6,8 triệu tấn trong giai đoạn 10 tháng vừa qua. Ước tính cả năm sản lượng dầu thô nhập khẩu đạt trên 8 triệu tấn.

10/ Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3).

Nhận thức tầm quan trọng về tiết kiệm năng lượng, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Việt Nam đã tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (VNEEP). Theo đó, Chương trình VNEEP 1 (giai đoạn 2006 - 2010) mức tiết kiệm năng lượng đạt được là 3-4%, tương đương 4,9 triệu TOE; Kết quả của Chương trình VNEEP 2 (giai đoạn 2012 - 2015) mức tiết kiệm năng lượng đạt được là 5,65%, tương đương với 11,2 triệu TOE.

Nhiều năm qua, các chuyên gia ngành năng lượng đã phân tích, đánh giá rằng: Tiết kiệm được 1 đơn vị năng lượng tiêu thụ có thể giảm được gánh nặng đầu tư cho nhà nước và xã hội để sản xuất ra 3-4 đơn vị năng lượng, đồng thời hình thành - nâng cao văn hóa, thói quen sử dụng tiết kiệm - hiệu quả năng lượng cho mọi doanh nghiệp, người dân, hướng tới sự phát triển bền vững.

Với việc kiểm điểm, đánh giá kết quả các Chương trình VNEEP 1 và VNEE 2, nhận định những tiềm năng trong lĩnh vực này còn lớn, cần thiết có chính sách  thúc đẩy thêm việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tình hình Việt Nam đã chuyển thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015,  ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2019 - 2030).

Mục tiêu của VNEEP 3 là: Đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc (trong giai đoạn từ 2019 - 2025), trong đó giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; Đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc (trong giai đoạn 2019 - 2030), trong đó giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6%.

Trong VNEEP 3 đã quy định các chỉ tiêu giảm tiêu hao năng lượng trong nhiều phân ngành kinh tế theo các giai đoạn nêu trên, đồng thời cũng chỉ ra các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình, huy động kinh phí thực hiện; còn các giải pháp thực hiện Chương trình được giao cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương, cũng như các tổ chức sử dụng năng lượng và kêu gọi trách nhiệm của cả cộng đồng./.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động