RSS Feed for Trong tương lai gần, Ninh Thuận sẽ là trung tâm điện tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 21:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trong tương lai gần, Ninh Thuận sẽ là trung tâm điện tái tạo

 - Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, với tổng số giờ nắng trung bình 2.843 giờ/năm, cao nhất cả nước, lượng bức xạ thực tế hàng năm là 161,6 kcal/cm2, trung bình ngày tương đương với 5,221 kWh/m2, chênh lệch về lượng bức xạ mặt trời giữa các mùa không cao. Ninh Thuận đang phấn đấu sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo trong cả nước.

Cơ chế nào cho năng lượng tái tạo Việt Nam?
WB đề nghị Việt Nam sửa đổi hợp đồng mua bán điện tái tạo
“Siêu” dự án điện mặt trời Ninh Thuận khởi công trong năm nay
Điều chỉnh quy hoạch sản xuất muối kết hợp năng lượng sạch

LÊ KIM HÙNG - GIÁM ĐỐC SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NINH THUẬN

Từ trước năm 2000, ngành Bưu điện đã có ứng dụng điện mặt trời (độc lập) để cấp điện cho các bưu cục ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nơi chưa có lưới điện quốc gia. Năm 2006-2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện mặt trời (độc lập) cung cấp điện cho các vùng đặc thù và trang trại chăn nuôi chưa có lưới điện đi qua tại tỉnh Ninh Thuận. Quy mô công suất 2 kWp cho 2 trang trại nông nghiệp, 10 hộ dân ở huyện Ninh Sơn và đèn tín hiệu khu vực bãi rùa đẻ ở huyện Ninh Hải, với kinh phí đầu tư 237,4 triệu đồng (suất đầu tư 168,7 triệu đồng/kwp).

Năm 2010, Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Kim Đỉnh (Hà Nội) đã tài trợ lắp đặt tại Quảng trường 16 Tháng Tư 2 trụ đèn chiếu sáng, công suất 35 Wp/trụ ứng dụng điện mặt trời và điện gió tại Phan Rang - Tháp Chàm. Ngày 17-12-2012, khánh thành công trình hệ thống phát điện sử dụng năng lượng mặt trời (nối lưới), công suất 10 kWp do Công ty Hanvit (Hàn Quốc) tài trợ cho thôn Đá Hang (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ngày 30-12-2012, trạm điện mặt trời (hỗn hợp) tại khu vực Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận đã được bàn giao đưa vào sử dụng, với công suất 14,82 kWp; kinh phí đầu tư thiết bị là 1.482,66 triệu đồng (suất đầu tư 100 triệu đồng/kWp).

Năm 2013, từ nguồn kinh phí tài trợ 100 triệu đồng của Công ty Holcim, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện mô hình tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời cho hộ nông dân thuộc xã An Hải (Ninh Phước), với công suất 0,8 kWp. Năm 2016, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang đưa vào sử dụng hệ thống bơm tưới mía bằng năng lượng điện mặt trời tại huyện Ninh Sơn, với công suất 3,52 kWp để chạy bơm nước 3 pha, 380V, 2,2 kW, kinh phí đầu tư 67,7 triệu đồng (suất đầu tư 19,2 triệu đồng/kWp) và hệ thống năng lượng điện mặt trời hòa lưới phục vụ khối văn phòng công ty, với công suất 38,4 kWp, kinh phí đầu tư 838,8 triệu đồng (suất đầu tư 21,8 triệu đồng/kWp), vv...

Phát triển các dự án điện mặt trời có quy mô công nghiệp (công suất bằng, hoặc lớn hơn 1 MW) thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển các dự án điện mặt trời phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đây là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất nhỏ hơn 1 MW. Việc triển khai nhân rộng ứng dụng điện mặt trời sắp tới có nhiều thuận lợi.

Về cơ chế, chính sách đã đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện dư theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm, hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được EVN mua với giá bán điện theo quy định (2.086 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh); Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12-9-2017 Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/10/2017.

Hiệu quả kinh tế đầu tư hệ thống điện mặt trời ngày càng tăng cao. Về công nghệ sản xuất tấm pin mặt trời có hiệu suất hiện nay là 12-16%, sẽ tăng lên tới 25% vào năm 2030. Thời gian sử dụng tấm pin mặt trời hiện nay là 20 năm, dự báo sẽ tăng từ 25 năm đến 40 năm, dẫn tới giá thành điện mặt trời sẽ thấp.

Suất đầu tư điện mặt trời ngày càng thấp và giảm rất nhanh. Thực tế tại Ninh Thuận vào năm 2006 suất đầu tư 168,7 triệu đồng/kWp; năm 2012 là 100 triệu đồng/kWp; năm 2016 từ 19,2-21,8 triệu đồng/kWp. Giá mua điện của EVN (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 1-6-2017 đến 30-6-2019 là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố).

Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đã có chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương cho đấu nối hai chiều với lưới điện hạ áp 1 pha hoặc 3 pha của quốc gia, sẽ phát huy hiệu quả kinh tế cao so với hệ thống điện mặt trời độc lập (tích điện năng qua bình ắc-quy). Hiện Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã sản xuất được công tơ điện tử 2 chiều 1 pha DT01P80-RF, với giá bán 620.000 đồng/cái chưa có VAT và công tơ điện tử 2 chiều 3 pha DT03P80-RF, với giá bán 2.200.000 đồng/cái chưa có VAT.

Về lợi ích bảo vệ môi trường, giảm phát sinh khí nhà kính của dự án điện mặt trời được nhiều nhà tài trợ trong và ngoài nước quan tâm. Tỉnh cũng sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển điện mặt trời phục vụ sản xuất (nhất là trong nông nghiệp) và sinh hoạt (ở vùng khó khăn). Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay đó là chưa có sự vào cuộc của EVN chỉ đạo các công ty điện lực tỉnh thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2017/TT-BCT.

Cụ thể, chỉ đạo công ty điện lực tỉnh ký kết hợp đồng mua bán điện và phối hợp với các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để lắp đặt công tơ hai chiều, ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ và sản lượng điện mặt trời sản xuất hàng tháng và quyết toán theo năm. Chi phí đầu tư công tơ hai chiều do công ty điện lực tỉnh và hộ gia đình cùng chi trả.

Theo chúng tôi, khắc phục được vướng mắc này, trong tương lai gần chắc chắn Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và việc ứng dụng năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất và sinh hoạt sẽ được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động