RSS Feed for Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông về điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 01:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông về điện hạt nhân

 - Chuỗi hội thảo “Định hướng nghề nghiệp điện hạt nhân” vừa được tổ chức từ ngày 25-28/3 tại 4 địa phương là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng chính là cơ hội để hướng nghiệp cho các học sinh tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về ngành năng lượng nguyên tử.

>> Việt Nam đóng góp tích cực trong an ninh hạt nhân toàn cầu
>> 500 triệu USD xây dựng cơ sở nghiên cứu hạt nhân Việt Nam
>> "Điện hạt nhân giúp củng cố nền tảng công nghiệp quốc gia"

Sự kiện do Bộ Giáo dục - Đào tạo, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp tổ chức đã thu hút được rất nhiều học sinh khối lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn 4 tỉnh kể trên quan tâm đến dự.

Tại buổi hướng nghiệp, một số chuyên đề cơ bản đã được các chuyên gia trình bày như: “Kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử; ứng dụng của hạt nhân trong đời sống kinh tế - xã hội”; “Nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”; “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành điện hạt nhân; về công tác đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài”.

Câu hỏi của các em học sinh gửi đến các chuyên gia xung quanh các vấn đề như: thi chuyên ngành điện hạt nhân ở trường nào là phù hợp; điều kiện xét đi học cũng như việc hỗ trợ trong quá trình học tập; thủ tục đăng ký học; chế độ đãi ngộ; cơ hội hội nghề nghiệp sau này…

Mọi thắc mắc của các em đã được đại diện các đơn vị tổ chức trả lời cặn kẽ và chuẩn xác. Cùng với đó, các học sinh còn được nghe các sinh viên, chuyên viên vật lý hạt nhân đã và đang học tập tại Liên bang Nga chia sẻ về điều kiện ăn ở, học tập cũng như quá trình nghiên cứu chuyên ngành điện hạt nhân tại nước ngoài. Nhờ đó các em hiểu hơn về ngành năng lượng nguyên tử, thông tin tuyển sinh, chế độ ưu đãi học các ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân của các trường đại học trong nước và ngoài nước.

Ông Trần Ngọc Ánh - Phó giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, việc tổ chức hướng nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân nhằm mục đích thu hút học sinh khá, giỏi đến từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đăng ký dự thi, học tập và nghiên cứu ngành điện hạt nhân, cũng như thu hút nguồn lực đầu cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong  tương lai.

Trong năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tuyển sinh 80 chỉ tiêu để tiếp tục cử đi đào tạo các ngành điện hạt nhân tại Liên bang Nga. Các em học sinh được ký cam kết với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để được hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các em làm việc lâu dài với EVN.

Cũng theo ông Ánh, việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm nhiều ngành đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực về quản lý và vận hành các nhà máy với số lượng khoảng 2.200 người.

Từ năm 2006 - 2009, Ban quản lý đã gửi 30 học sinh đi học ở nước ngoài. Hiện nay đã có 9 em làm việc tại Ban quản lý dự án, số còn lại đang học ở Nga và Pháp. Từ năm 2010 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đưa 258 em vào học ngành điện hạt nhân và đã có 161 em ký cam kết làm việc với Ban quản lý cũng như làm việc trong nhà máy. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia đi học các khoá đào tạo ngắn hạn ở Nga và Nhật Bản để phục vụ cho nhà máy sau này.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, sau 40 năm phát triển, đến nay, ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam mới có khoảng 800 cán bộ khoa học tập trung ở 3 đơn vị năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử. Ở EVN, số lượng cán bộ chuyên ngành về hạt nhân và liên quan chỉ khoảng 100 người. Trong khi đó, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 4.355 người cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử; trong đó, riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người. Một khi hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận bước vào giai đoạn sắp hoàn thành thì đây là nơi thu hút hầu hết đội ngũ chuyên môn về năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Hiện Việt Nam chỉ có 5 trường đại học và một viện nghiên cứu chuyên ngành được phép đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân là Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Chính phủ đã dành 2.000 tỷ đồng để đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân từ trình độ cao đẳng đến đại học và sau đại học. EVN cũng dành khoảng 1.000 tỷ đồng để đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành nhà máy điện hạt nhân. Đây là một trong những cơ sở để tháo gỡ những khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển điện hạt nhân của Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.

NGUYỄN TÂM (tổng hợp)

SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
"Canh bạc" toàn cầu của Hoa Kỳ đang thu nhỏ
Người Nga đang nghĩ gì về Tổng thống Putin?
Nguồn gốc của "căn bệnh Thái Lan"
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của người "vú em"
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động