RSS Feed for Thảm họa Fukushima và bài học an toàn điện hạt nhân Mỹ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 17:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thảm họa Fukushima và bài học an toàn điện hạt nhân Mỹ

 - Các nhà máy điện hạt nhân Mỹ cần phải chuẩn bị tốt hơn cho việc đối phó với những thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần và lũ lụt! Đây là nhận định của bản báo cáo mang tên "Các bài học được rút ra từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima để cải thiện độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Mỹ" do Viện khoa học quốc gia, một tổ chức phi chính phủ gồm các chuyên gia hàng đầu chuyên đưa ra các khuyến nghị về khoa học và chính sách, thực hiện theo sự phân công của Quốc hội Mỹ.

Tháo dỡ các thanh nhiên liệu urani và plutoni tại lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 18/11/2013. 

Các tác giả của báo cáo trên cho rằng cách tiếp cận hiện nay đối với vấn đề quy định an toàn hạt nhân không phù hợp để ngăn chặn các tai nạn hạt nhân và giảm các hậu quả của nó.

Theo họ, đến nay, các quy định về an toàn hạt nhân của Mỹ vẫn dựa trên việc đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân có thể xử lý được các sự cố về trang thiết bị, mất điện và các trục trặc khác liên quan đến hoạt động vận hành của nhà máy - nói cách khác là các sự cố liên quan đến thiết kế. 

Tuy nhiên, quá khứ cho thấy các tai nạn hạt nhân lớn nhất, như vụ tai nạn tại nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản và vụ Chernobyl ở Nga, đều xuất phát từ những sự cố nằm ngoài thiết kế. Các sự cố đó - bao gồm các thảm họa thiên nhiên, lỗi của con người và mất điện - có thể gây ảnh hưởng tới cả một khu vực địa lý rộng lớn và lan ra nhiều nhà máy khác. 

Đơn cử như thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 tại Nhật Bản đã làm ba lò phản ứng hạt nhân thiệt hại nặng nề, thải ra một lượng phóng xạ lớn, buộc nhà chức trách Nhật Bản phải tiến hành sơ tán dân cư và dẫn đến đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.

Các nhà khoa học đề nghị các nhà máy điện hạt nhân và các nhà hoạch định chính sách cho lĩnh vực hạt nhân Mỹ nghiên cứu những dữ liệu khoa học mới nhất về rủi ro và dựa vào đó để điều chỉnh kế hoạch. 

Theo họ, các nhà máy hạt nhân cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống phản ứng với một thảm họa thiên nhiên lớn có thể phá hỏng kết cấu hạ tầng và giải phóng một lượng lớn chất phóng xạ ra môi trường ngoài phạm vi 16km của vùng quy hoạch khẩn cấp. 

Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị các nhà máy hạt nhân nên kiểm tra các kế hoạch khẩn cấp đối với các nguồn điện dự phòng, các hệ thống an toàn giám sát lò phản ứng và các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng. Báo cáo đề xuất nâng cao việc đào tạo đối với những người điều hành các nhà máy hạt nhân, những người cần phải có khả năng đối phó với các thảm họa bất ngờ. Báo cáo còn kêu gọi chính phủ đưa các khái niệm rủi ro mới vào các quy định an toàn hạt nhân.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh nguy cơ từ các thảm họa thiên nhiên không hẳn sẽ nghiêm trọng hơn trước, song nay các chuyên gia cần nhận thức rõ ràng hơn về những tác động tiềm tàng của chúng để đưa ra những biện pháp đối phó và xử lý kịp thời.

Hiện tại, nước Mỹ có tổng cộng 100 nhà máy điện hạt nhân và Ủy ban Hoạch định Hạt nhân Mỹ là cơ quan giám sát an toàn của các nhà máy này.

Mỹ thông qua thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam
Phát triển điện hạt nhân: Kinh nghiệm và thách thức

Nguồn: TTXVN/ AFP

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động