RSS Feed for Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 05/04/2025 13:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?

 - Phân tích đa chiều dưới đây của chuyên gia pháp quy hạt nhân [*] viết cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề cập đến “an toàn của nhà máy điện hạt nhân”, và trả lời cho câu hỏi: Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên? Rất mong nhận được sự chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ trì dự án Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi), chủ đầu tư, chuyên gia và bạn đọc.
Công ước quốc tế về hạt nhân và các dự án nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam Công ước quốc tế về hạt nhân và các dự án nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam

Không giống như các nguồn năng lượng khác, điện hạt nhân (gần như duy nhất) cần đáp ứng đầy đủ các quy định giám sát và hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân. Đây là một cơ chế góp phần giúp các nhà máy điện hạt nhân đấu nối vào hệ thống điện quốc gia một cách an toàn, hoạt động hiệu quả, đảm bảo tính bảo mật và có trách nhiệm... Vì vậy, Việt Nam (cũng như các quốc gia lần đầu phát triển nguồn điện này) nên nghiên cứu, xem xét để có thể tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về hạt nhân.

Tóm tắt:

Chúng ta có nhận thức rõ ngay từ đầu: Đồng thời với những lợi ích to lớn mang lại cho con người, thì điện hạt nhân cũng có những tai nạn có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng giống như các ngành công nghiệp khác, công nghiệp điện hạt nhân đã rút ra những bài học hữu ích trong quá khứ để hoàn thiện thiết kế và vận hành, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn, tránh hậu quả lớn cho con người khi chúng xảy ra. Với tích lũy hơn 18.500 lò x năm kinh nghiệm vận hành của các lò phản ứng điện hạt nhân thương mại tại 36 quốc gia trên thế giới (tính đến tháng 8/2024), năng lượng hạt nhân đã chứng tỏ là phương tiện an toàn để tạo ra điện.

Bài viết sẽ đi sâu phân tích các giải pháp quản lý, kỹ thuật, hợp tác quốc tế đang ngày càng làm cho rủi ro tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân giảm dần và thấp hơn so với các loại hình sản xuất điện khác. Dù có những thăng trầm trong sáu thập kỷ (kể từ ngày ra đời), biểu đồ số lượng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đang tăng dần. Điện hạt nhân trở thành giải pháp quan trọng để loài người được sống trên Trái đất xanh hơn, sạch hơn.

Quản lý rủi ro truyền thông:

Không có ngành nào miễn nhiễm với tai nạn. Quan trọng là tất cả các ngành đều phải rút ra được bài học từ tai nạn đã xảy ra. Trong ngành hàng không dân dụng, tai nạn xảy ra hàng năm và mỗi vụ đều được phân tích tỉ mỉ. Trong ngành công nghiệp hóa chất và dầu khí, các vụ tai nạn lớn cũng dẫn đến việc cải thiện an toàn. Công chúng rộng rãi chấp nhận rằng: Những rủi ro liên quan đến các ngành công nghiệp này là sự đánh đổi có thể chấp nhận được để chúng ta thụ hưởng các sản phẩm và dịch vụ của các ngành đó.

Với năng lượng hạt nhân, năng lượng cao cũng hàm chứa các mối nguy tiềm ẩn và điều này luôn được tính đến khi thiết kế các nhà máy điện hạt nhân. Đã xảy ra một số ít vụ tai nạn (mặc dù hậu quả về con người là không đáng kể), nhưng việc phải sơ tán quy mô lớn, đã khiến các vụ tai nạn điện hạt nhân được đưa tin nhiều hơn so với các vụ tai nạn công nghiệp khác, gây ra tác động tâm lý lớn đối với người dân và xã hội.

Vì vậy, công tác truyền thông phải được đặt ra ngay từ đầu đối với các quốc gia bước vào kỷ nguyên khai thác sức mạnh to lớn của năng lượng hạt nhân. Truyền thông phải chỉ ra rằng: Chính năng lượng hạt nhân đã, đang và sẽ cứu sống con người bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp sản xuất điện.

Khai thác sức mạnh của năng lượng hạt nhân:

Sau các nghiên cứu sử dụng trong quân sự, vào những năm 1950, sự chú ý chuyển sang khai thác sức mạnh của năng lượng hạt nhân theo cách có kiểm soát để tạo ra điện. Những mối lo ngại về tai nạn và những tác động có thể xảy ra với năng lượng hạt nhân giảm dần - khi người ta nhận ra rằng: Sự an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố giống như trong bất kỳ ngành công nghiệp tương đương nào (lập kế hoạch thông minh, thiết kế phù hợp với biên độ bảo thủ, hệ thống dự phòng, các thành phần chất lượng cao, văn hóa an toàn) được phát triển tốt trong hoạt động. Tuổi thọ hoạt động của lò phản ứng phụ thuộc vào việc duy trì biên độ an toàn của chúng.

Một kịch bản tai nạn hạt nhân cụ thể là mất khả năng kiểm soát phản ứng phân hạch, mất khả năng làm mát dẫn đến tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân, mất khả năng ngăn chặn làm cho phóng xạ bị phát tán ra ngoài. Người ta hiểu rằng: Sự tan chảy của lõi lò sẽ tạo ra mối nguy hiểm lớn cho công chúng và nếu không được kiểm soát, một tai nạn thương tâm có khả năng gây ra nhiều trường hợp tử vong. Vì vậy, những người chịu trách nhiệm về công nghệ điện hạt nhân đã nỗ lực để đảm bảo rằng: Sự tan chảy của lõi lò phản ứng sẽ không xảy ra.

Sau đây là ba vụ tai nạn đáng kể sẽ được phân tích trong bài viết này để rút ra những bài học cần thiết bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Đó là:

1. Three Mile Island (TMI, Hoa Kỳ 1979) - nơi lò phản ứng bị hư hại nghiêm trọng, nhưng bức xạ đã được kiểm soát và không có hậu quả xấu nào đối với sức khỏe, hoặc môi trường.

2. Chernobyl (Ukraine 1986) - nơi lò phản ứng bị phá hủy do nổ hơi nước và hỏa hoạn khiến 2 người thiệt mạng ban đầu và 28 người khác bị nhiễm phóng xạ trong vòng ba tháng, và có hậu quả đáng kể về sức khỏe, môi trường.

3. Fukushima Daiichi (Nhật Bản 2011) - nơi ba lò phản ứng cũ (cùng với lò thứ tư) đã bị phá hủy sau khi các tác động của việc mất khả năng làm mát do một trận sóng thần lớn không được kiểm soát đầy đủ. Không có trường hợp tử vong, hoặc thương tích nghiêm trọng nào do phóng xạ, mặc dù có khoảng 19.500 người đã thiệt mạng do sóng thần.

Trong tất cả các tai nạn và sự cố, chỉ có tai nạn Chernobyl và Fukushima gây ra liều lượng bức xạ cho công chúng lớn hơn liều lượng do tiếp xúc với các nguồn tự nhiên. Tai nạn Fukushima làm cho một số công nhân tại nhà máy bị nhiễm xạ, nhưng không đến mức đe dọa sức khỏe của họ, không giống như Chernobyl. Các sự cố khác (và một ‘tai nạn’) đã hoàn toàn giới hạn trong nhà máy.

Ngoại trừ Chernobyl, chưa có công nhân hạt nhân, hay công chúng nào tử vong do tiếp xúc với bức xạ từ sự cố lò phản ứng hạt nhân thương mại. Hầu hết các trường hợp tử vong và thương tích nghiêm trọng do phóng xạ xảy ra hàng năm (2-4 ca tử vong và nhiều trường hợp tiếp xúc vượt quá giới hạn quy định) là do các nguồn bức xạ lớn không được kiểm soát (chẳng hạn như thiết bị y tế, hoặc công nghiệp bị bỏ hoang).

Cần nhấn mạnh rằng: Lò phản ứng điện thương mại không thể phát nổ như bom hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào, bởi lẽ nhiên liệu không được làm giàu quá 5%, mà để có thể tạo ra chất nổ thì cần phải làm giàu ở mức cao hơn nhiều.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được Liên Hợp Quốc thành lập vào năm 1957. Một trong những chức năng của IAEA là hoạt động phối hợp bảo đảm an toàn hạt nhân thế giới, và vai trò này đã tăng lên đáng kể sau vụ tai nạn Chernobyl. IAEA quy định các thủ tục an toàn và báo cáo ngay cả những sự cố nhỏ. Vai trò của IAEA đã được tăng cường kể từ năm 1996. Mọi quốc gia vận hành nhà máy điện hạt nhân đều có một cơ quan kiểm tra, giám sát an toàn hạt nhân và tất cả các cơ quan này đều hợp tác chặt chẽ với IAEA.

Chúng ta đều hiểu rằng: Không có hoạt động công nghiệp nào có thể được coi là hoàn toàn không có rủi ro. Các sự cố và tai nạn có thể xảy ra, và giống như trong các ngành công nghiệp khác, công nghiệp điện hạt nhân cũng có những bài học rút ra để dần cải thiện về an toàn. Những cải thiện đó nằm ở cả thiết kế mới và nâng cấp các nhà máy hiện có.

An toàn của nhân viên vận hành là mối quan tâm hàng đầu trong các nhà máy điện hạt nhân. Phơi nhiễm bức xạ được giảm thiểu bằng cách sử dụng thiết bị xử lý từ xa cho nhiều hoạt động trong lõi lò phản ứng. Các biện pháp kiểm soát khác như: Che chắn vật lý và hạn chế thời gian công nhân làm việc ở những khu vực có mức độ bức xạ đáng kể. Những biện pháp này được hỗ trợ bằng cách theo dõi liên tục liều lượng cá nhân và môi trường làm việc để đảm bảo phơi nhiễm bức xạ ở mức rất thấp so với các ngành công nghiệp khác.

Việc sử dụng năng lượng hạt nhân để phát điện có thể được coi là cực kỳ an toàn. Hàng năm, có hàng trăm người chết trong các mỏ than để cung cấp nhiên liệu cho con người. Ngoài ra, còn có những tác động đáng kể đến sức khỏe và môi trường phát sinh từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đạt được sự an toàn từ lõi lò phản ứng:

Đến cuối những năm 1970, các phân tích chi tiết và thử nghiệm quy mô lớn, tiếp theo là sự cố tan chảy lõi lò phản ứng TMI (năm 1979) đã làm rõ rằng: Ngay cả tai nạn tồi tệ nhất có thể xảy ra trong một nhà máy điện hạt nhân được thiết kế an toàn thụ động, thì nhiên liệu của nó cũng không có khả năng gây ra tác hại nghiêm trọng cho công chúng. Fukushima đã minh chứng rằng: Sự cố tan chảy lõi lò không gây tử vong, hoặc liều lượng bức xạ nghiêm trọng cho bất kỳ ai (dù hơn 200 người vẫn tiếp tục làm việc tại chỗ để giảm thiểu tác động của tai nạn).

Chương trình thử nghiệm và phân tích kéo dài hàng thập kỷ cho thấy rất ít phóng xạ thoát ra khỏi nhiên liệu nóng chảy so với giả định ban đầu. Do đó, ngay cả khi cấu trúc bao quanh tất cả các nhà máy điện hạt nhân hiện đại bị vỡ (như trường hợp của một trong những lò phản ứng Fukushima), thì nó vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn chặn phóng xạ thoát ra.

Một chỉ số an toàn bắt buộc là tần suất có thể xảy ra được tính toán của các tai nạn lõi lò bị suy thoái, hoặc lõi lò tan chảy. Ủy ban Pháp quy Hạt nhân Hoa Kỳ (NRC) yêu cầu: Các thiết kế lò phản ứng phải đáp ứng tần suất hư hỏng lõi lò lý (thuyết là 1 trên 10.000 năm), nhưng các thiết kế hiện đại vượt quá con số này.

Ngoài những tai nạn này và thảm họa Chernobyl, đã có khoảng 10 vụ tai nạn tan chảy lõi lò, chủ yếu là ở các lò phản ứng quân sự, hoặc thử nghiệm. Tuy nhiên, không có vụ nào gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào bên ngoài nhà máy từ việc tan chảy lõi lò, mặc dù trong một trường hợp đã có sự giải phóng bức xạ đáng kể do đốt nhiên liệu trong than chì nóng (tương tự như Chernobyl), nhưng quy mô nhỏ hơn. Tai nạn Fukushima cũng nên được xem xét trong bối cảnh đó, vì nhiên liệu đã bị hư hỏng nặng và có sự giải phóng bức xạ đáng kể ra bên ngoài nhà máy.

Việc phê duyệt cấp phép cho các nhà máy mới hiện nay yêu cầu: Tác động của bất kỳ sự cố tan chảy lõi lò phản ứng nào cũng chỉ giới hạn trong phạm vi nhà máy, mà không cần phải sơ tán cư dân gần đó.

Đạt được sự an toàn hạt nhân tối ưu:

Một nguyên tắc cơ bản của hoạt động nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới là tổ chức vận hành chịu trách nhiệm về an toàn. Trong khi cơ quan pháp quy quốc gia chịu trách nhiệm đảm bảo (1) chỉ các nhà máy có thiết kế được phê duyệt mới được xây dựng và (2) chỉ khi các tổ chức vận hành được cấp phép, thì nhà máy mới được hoạt động. Cơ quan pháp quy có sứ mệnh bảo vệ con người và môi trường.

Có sự hợp tác quốc tế giữa các cơ quan pháp quy quốc gia ở nhiều mức độ khác nhau và có một số bộ quy tắc, tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng, an toàn được chia sẻ, hỗ trợ việc phê duyệt thiết kế lò phản ứng.

Với các thiết kế lò phản ứng mới được thiết lập trên cơ sở hợp tác quốc tế nhiều hơn kể từ những năm 1990, cả ngành công nghiệp và các cơ quan pháp quy đều đang tìm kiếm sự chuẩn hóa thiết kế lớn hơn, cũng như sự hài hòa về mặt quy định. Các quốc gia đi sau về điện hạt nhân có thể tìm hiểu vai trò của Nhóm công tác Đánh giá và cấp phép thiết kế lò phản ứng (CORDEL) của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới và Chương trình đánh giá thiết kế đa quốc gia (MDEP) của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân OECD (NEA).

Một báo cáo của OECD-NEA năm 2010 chỉ ra rằng: Tần suất tính toán lý thuyết cho một lượng lớn phóng xạ phát ra từ một vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân nghiêm trọng đã giảm đi 1.600 lần giữa các lò phản ứng Thế hệ 1 ban đầu được xây dựng và các nhà máy Thế hệ 3/3+ đang được xây dựng ngày nay. Tuy nhiên, các thiết kế trước đó đã được nâng cấp dần dần trong suốt thời gian hoạt động của chúng.

Thực tế (bao gồm cả Fukushima) đã chỉ ra hậu quả của một vụ tai nạn hạt nhân có thể ít nghiêm trọng hơn nhiều so với hậu quả từ các nguồn công nghiệp và năng lượng khác.

Phòng thủ theo chiều sâu:

Để đạt được sự an toàn tối ưu, các nhà máy điện hạt nhân vận hành theo phương pháp “phòng thủ theo chiều sâu”, với nhiều hệ thống an toàn bổ sung cho các đặc điểm tự nhiên của lõi lò phản ứng. Các khía cạnh chính của phương pháp này là:

1. Thiết kế và thi công chất lượng cao.

2. Thiết bị ngăn ngừa sự gián đoạn hoạt động, hoặc lỗi của con người gây ra sự cố.

3. Quan trắc toàn diện và kiểm tra thường xuyên để phát hiện lỗi thiết bị, hoặc lỗi của người vận hành.

4. Hệ thống dự phòng và đa dạng để kiểm soát thiệt hại cho nhiên liệu, ngăn ngừa phát tán phóng xạ đáng kể.

5. Quy định nhằm hạn chế tác động của thiệt hại nghiêm trọng về nhiên liệu (hoặc bất kỳ vấn đề nào khác) đối với chính nhà máy.

Những điều này có thể được tóm tắt thành 3 nhóm như sau: Phòng ngừa, quan trắc và hành động để giảm thiểu hậu quả của sự cố. (Xem bảng 1).

Bảng 1: Các mức phòng thủ theo chiều sâu đối với nhà máy điện hạt nhân đang vận hành:

Mức

Mục đích

Bản chất công cụ sử dụng

1

Ngăn ngừa vận hành bất thường và hư hỏng

Thiết kế bảo thủ và chất lượng cao trong xây dựng và vận hành

2

Kiểm soát vận hành bất thường và phát hiện hư hỏng

Các hệ thống kiểm soát, giới hạn và bảo vệ; các tính năng giám sát

3

Kiểm soát sự cố trong cơ sở thiết kế

Các tính năng an toàn công nghệ và quy trình khi có sự cố

4

Kiểm soát điều kiện nghiêm trọng của nhà máy, bao gồm cả ngăn ngừa phát triển sự cố và giảm thiếu hậu quả sự cố nghiêm trọng

Các biện pháp bổ sung và quản lý sự cố

5

Giảm hậu quả bức xạ khi có phát tán nhiều vật liệu bức xạ

Ứng phó khẩn cấp ngoài cơ sở

Các quy định về an toàn yêu cầu phải có một loạt các rào cản vật lý giữa lõi lò phản ứng phóng xạ và môi trường, việc cung cấp nhiều hệ thống an toàn, mỗi hệ thống đều có dự phòng và được thiết kế để thích ứng với lỗi của con người. Cũng như các khía cạnh vật lý của an toàn, có các khía cạnh hành chính không kém phần quan trọng.

Các rào cản điển hình (bao gồm nhiên liệu ở dạng viên gốm rắn - UO2) là sản phẩm phân hạch phóng xạ vẫn chủ yếu ở trong các viên này khi nhiên liệu bị đốt cháy. Các viên được đóng gói bên trong các ống hợp kim zirconi kín để tạo thành các thanh nhiên liệu. Chúng được giới hạn bên trong một bình chịu áp suất bằng thép lớn với các bức tường dày tới 30 cm. Hệ thống đường ống làm mát nước chính (vòng tuần hoàn chính) cũng rất chắc chắn. Tất cả những thứ này lại được bao bọc bên trong một cấu trúc bê tông cốt thép chắc chắn với các bức tường dày (ít nhất một mét). Điều này tương đương với ba rào cản quan trọng xung quanh nhiên liệu, bản thân nhiên liệu này ổn định ở nhiệt độ rất cao. (Xem hình 1 và hình 2).

Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?
Hình 1: Viên nhiên liệu, thanh nhiên liệu và vòng tuần hoàn chính (mẫu lò AES-2006).
Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?
Hình 2: Lớp bên trong và lớp bên ngoài hệ thống boong-ke lò - cấu trúc ngăn chặn sản phẩm phân hạch ra môi trường (mẫu lò AES-2006).

Các rào cản này được quan trắc liên tục. Vỏ nhiên liệu được quan trắc bằng cách đo lượng phóng xạ trong nước làm mát. Hệ thống làm mát áp suất cao được quan trắc bằng tốc độ rò rỉ nước và cấu trúc ngăn chặn được quan trắc bằng cách định kỳ đo tốc độ rò rỉ không khí ở áp suất gấp khoảng 5 lần áp suất khí quyển.

Xét về mặt chức năng, ba chức năng an toàn cơ bản ở lò phản ứng hạt nhân là:

1. Kiểm soát độ phản ứng.

2. Làm mát nhiên liệu.

3. Ngăn chặn vật liệu phóng xạ.

Các tính năng an toàn chính của hầu hết các lò phản ứng là an toàn nội tại (hệ số nhiệt độ âm và hệ số rỗng âm). Hệ số nhiệt độ âm - có nghĩa là khi đã vượt quá mức tối ưu, thì nhiệt độ tăng kéo theo độ phản ứng giảm. (Trên thực tế, điều này được sử dụng để kiểm soát mức công suất trong một số thiết kế mới). Hệ số rỗng âm - có nghĩa là nếu có bất kỳ hơi nước nào hình thành trong nước làm mát, thì hiệu ứng làm chậm sẽ giảm để nơtron có thể gây ra phân hạch sẽ ít hơn và độ phản ứng cũng giảm.

Ngoài các thanh điều khiển được lắp vào để hấp thụ neutron và điều chỉnh quá trình phân hạch, các biện pháp an toàn chính được thiết kế là hệ thống làm mát lõi lò khẩn cấp dự phòng (ECCS) để loại bỏ nhiệt dư và hệ thống ngăn chặn.

Hệ thống an toàn lò phản ứng truyền thống là ‘chủ động’ - theo nghĩa là chúng liên quan đến hoạt động điện, hoặc cơ học theo ‘lệnh’. Một số hệ thống được thiết kế hoạt động thụ động (ví dụ như van giảm áp). Cả hai đều yêu cầu các hệ thống dự phòng song song. Thiết kế an toàn thụ động (an toàn nội tại), hoặc hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào các hiện tượng vật lý như đối lưu, trọng lực, hoặc khả năng chống lại nhiệt độ cao, chứ không phụ thuộc vào hoạt động của các thành phần được thiết kế.

Tất cả các lò phản ứng đều có một số yếu tố an toàn nội tại như đã đề cập ở trên, nhưng trong một số thiết kế gần đây, các tính năng thụ động, hoặc an toàn nội tại thay thế cho các hệ thống chủ động trong việc làm mát v.v... Một thiết kế như vậy sẽ ngăn chặn được tai nạn Fukushima, khi mất điện dẫn đến mất chức năng làm mát.

Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế có các cảm biến để tự động tắt lò khi có động đất.

Quản lý tai nạn nghiêm trọng:

Ngoài kỹ thuật và quy trình giúp giảm thiểu rủi ro và mức độ nghiêm trọng của tai nạn, tất cả các nhà máy đều có hướng dẫn về quản lý, hoặc giảm thiểu tai nạn nghiêm trọng (SAM). Những hướng dẫn này được đưa vào áp dụng sau tai nạn Fukushima, khi mất điện và hệ thống làm mát bị vô hiệu hóa sau thiệt hại do sóng thần gây ra. Kinh nghiệm sau vụ tai nạn đó không chỉ được áp dụng trong thiết kế, mà còn trong các hướng dẫn đối với nhân viên nhà máy.

Vào giữa năm 2011, Trung tâm Sự cố và Khẩn cấp của IAEA đã ra mắt một nền tảng truyền thông an toàn mới dựa trên web để thống nhất và đơn giản hóa việc trao đổi thông tin trong các trường hợp khẩn cấp về hạt nhân, hoặc phóng xạ. Hệ thống thống nhất về trao đổi thông tin sự cố và khẩn cấp (USIE) đã được phát triển từ năm 2009, nhưng thực tế đã được đưa ra trong quá trình ứng phó khẩn cấp với tai nạn tại Fukushima.

Trong cả hai vụ tai nạn TMI và Fukushima, các vấn đề bắt đầu sau khi lò phản ứng ngừng hoạt động - ngay tại TMI và sau một giờ tại Fukushima, khi sóng thần ập đến. Nhu cầu loại bỏ nhiệt phân rã khỏi nhiên liệu không được đáp ứng trong mỗi trường hợp, vì vậy lõi lò bắt đầu tan chảy trong vòng vài giờ. Làm mát đòi hỏi phải tuần hoàn nước và một bộ tản nhiệt bên ngoài. Nếu máy bơm không thể chạy (do thiếu điện), phải dựa vào trọng lực, nhưng khi đó lại không đưa được nước vào hệ thống áp suất - bình chịu áp suất lò phản ứng, hoặc bình chứa. Do đó, cần có biện pháp giảm áp không cần điện (ví dụ như thông hơi). Nhưng bộ lọc, hoặc máy lọc của hệ thống thông hơi lại có thể bị tắc do chất rắn theo hơi thoát ra.

Sau Fukushima, người ta đã thiết kế và lắp đặt được các hệ thống thông gió ngăn chặn có lọc (FCVS) có các tính năng đó. FCVS có khả năng xả hơi nước, không khí và các khí không ngưng tụ như hydro vào khí quyển bất kể tình trạng của lò phản ứng, để bảo đảm không xảy ra hư hại nghiêm trọng của cấu trúc che chắn.

Vụ tai nạn TMI năm 1979 đã chứng minh tầm quan trọng của các tính năng an toàn nội tại. Mặc dù thực tế là khoảng một nửa lõi lò phản ứng đã tan chảy, các chất phóng xạ thoát ra từ nhiên liệu tan chảy chủ yếu được giữ lại bên trong nhà máy. Tòa nhà bao bọc lò phản ứng đã ngăn chặn bất kỳ sự giải phóng phóng xạ đáng kể nào. Vụ tai nạn được cho là do hỏng hóc cơ học và sự nhầm lẫn của người vận hành. Các hệ thống bảo vệ khác của lò phản ứng cũng hoạt động theo thiết kế. Hệ thống làm mát lõi lò khẩn cấp ngăn chặn mọi thiệt hại cho lò phản ứng (dù không có sự can thiệp của người vận hành).

Tại Fukushima Daiichi vào tháng 3 năm 2011, ba lò phản ứng đang hoạt động đã tự động tắt và được làm mát theo thiết kế của hệ thống loại bỏ nhiệt dư thông thường bằng cách sử dụng năng lượng từ các máy phát điện dự phòng, cho đến khi sóng thần nhấn chìm chúng một giờ sau đó. Các hệ thống làm mát lõi lò khẩn cấp sau đó đã hỏng. Vài ngày sau, một vấn đề riêng biệt đã xuất hiện - khi các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng bị mất nước.

Phân tích vụ tai nạn cho thấy: Cần phải có các tiêu chí lựa chọn địa điểm thông minh hơn so với những tiêu chí được sử dụng vào những năm 1960 và cần có nguồn điện dự phòng tốt hơn và làm mát sau khi tắt, cũng như cung cấp thông gió cho hệ thống ngăn chặn và các quy trình quản lý khẩn cấp khác.

Các nhà máy điện hạt nhân có Hướng dẫn giảm thiểu tai nạn nghiêm trọng (SAMG, hoặc tại Nhật Bản là SAG) và hầu hết các hướng dẫn này (bao gồm tất cả các hướng dẫn ở Hoa Kỳ), đều đề cập đến những việc cần làm đối với các tai nạn vượt quá cơ sở thiết kế và khi một số hệ thống có thể bị vô hiệu hóa.

Bài học Chernobyl:

Thảm họa tháng 4 năm 1986 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine là kết quả của những thiếu sót lớn về thiết kế trong lò phản ứng loại RBMK, vi phạm các quy trình vận hành và không có văn hóa an toàn. Thiết kế sai soát của RBMK là sự cố chất làm mát có thể dẫn đến sự gia tăng công suất đầu ra từ quá trình phân hạch (hệ số rỗng dương). Lẽ ra như ở trên đã đề cập, hệ số rỗng phải âm theo thiết kế. Lò phản ứng Chernobyl cũng không có cấu trúc ngăn chặn như những cấu trúc được sử dụng ở phương Tây, hoặc trong các thiết kế của Liên Xô sau năm 1980 (như ở hình 2). Vụ tai nạn đã phá hủy lò phản ứng, và các chất cháy bên trong không được che chắn đã phát tán các chất phóng xạ ra khắp nơi. Khái niệm ‘phòng thủ theo chiều sâu’ đã không có ở Chernobyl và thực tế cho thấy nó có tầm quan trọng sống còn đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân.

Sau tai nạn Chernobyl, Hiệp hội Các nhà Điều hành Hạt nhân Thế giới (WANO) đã ra đời để đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm tốt của thiết kế và vận hành của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Theo Rosatom: Sau khi Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ công bố Tiêu chuẩn Thiết kế Chung cho Nhà máy điện Hạt nhân vào năm 1971, các thiết kế PWR của Nga đã tuân thủ. Đặc biệt, các lò phản ứng VVER-440/V-213 Loviisa ở Phần Lan được thiết kế vào thời điểm đó và được sửa đổi để tuân thủ. Lò đầu tiên (trong số hai lò này) đã đi vào hoạt động vào năm 1977.

Scrams, dừng lò do địa chấn:

Scram là khi lò phản ứng dừng hoạt động đột ngột. Khi lò phản ứng tự động dừng hoạt động do địa chấn, hoặc do một số trục trặc, hoặc thủ công vì bất kỳ lý do gì, phản ứng phân hạch tạo ra nhiệt chính sẽ dừng lại. Tuy nhiên, nhiệt đáng kể vẫn tiếp tục được tạo ra bởi phân rã phóng xạ của các sản phẩm phân hạch trong nhiên liệu. Ban đầu, là khoảng 7% mức trước khi ngừng hoạt động. Sau đó giảm xuống còn khoảng 1% sản lượng nhiệt bình thường sau hai giờ, còn 0,5% sau một ngày và 0,2% sau một tuần. Khi đó, lò phản ứng vẫn phải được làm mát, nhưng chỉ cần ngâm trong nhiều nước là có thể hoàn thành hầu hết công việc sau một thời gian. Khi nhiệt độ nước dưới 100°C ở áp suất khí quyển, lò phản ứng được cho là “tắt lạnh”.

Động đất và núi lửa:

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có Hướng dẫn An toàn về Rủi ro Động đất cho Nhà máy Điện hạt nhân. Nhà máy Bataan ở Philippines chưa bao giờ hoạt động và nhà máy của Armenia tại Metsamor - hai nhà máy được biết là nằm gần núi lửa có khả năng hoạt động tiềm tàng.

Lũ lụt, bão, thủy triều và sóng thần:

Các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng gần các vùng nước, vì mục đích làm mát. Giấy phép xây dựng có tính đến các tình huống lũ lụt tồi tệ nhất, cũng như các thảm họa thiên nhiên khác có thể xảy ra và gần đây hơn là các tác động có thể xảy ra của biến đổi khí hậu. Do đó, tất cả các tòa nhà có thiết bị liên quan đến an toàn đều được đặt trên nền đủ cao. Ví dụ, tiêu chí của Quy định an toàn của Pháp đối với các địa điểm ven sông xác định mức an toàn là trên mức lũ có khả năng xảy ra với một cơ hội trong một nghìn năm, cộng với 15% và tương tự đối với thủy triều đối với các địa điểm ven biển.

Trong quá khứ, một số tòa nhà được xây dựng quá thấp, do đó, chúng dễ bị lũ lụt, hoặc thủy triều dâng làm ngập. Vì vậy, các biện pháp đối phó được thiết kế đã được xây dựng. Nhà máy điện hạt nhân Blayais của EDF ở miền Tây nước Pháp sử dụng nước biển để làm mát và bản thân nhà máy được bảo vệ khỏi bão dâng bằng đê. Tuy nhiên, vào năm 1999, một cơn lũ dâng cao 2,5 mét ở cửa sông đã tràn qua đê - vốn đã được xác định là điểm yếu và đã có kế hoạch nâng cấp (nhưng chưa kịp thực hiện) đã làm ngập một trạm bơm. Vì lý do an ninh, người ta đã quyết định đóng cửa ba lò phản ứng khi đó đang hoạt động (lò phản ứng thứ tư đã dừng hoạt động trong quá trình bảo trì thông thường). Sự cố này được xếp hạng 2 trên thang đo INES.

Năm 1994, Nhà máy điện hạt nhân Kakrapar gần bờ biển phía Tây Ấn Độ đã bị ngập do mưa lớn, cùng với sự cố kiểm soát đập tràn cho một kênh nước liền kề, làm ngập thiết bị tầng hầm của tòa nhà tua bin. Các máy phát điện diesel dự phòng tại chỗ cho phép làm mát lõi lò bằng nước chữa cháy, một nguồn dự phòng để xử lý nước, vì nguồn cung cấp điện bên ngoài bị hỏng. Sau đó, nhiều rào chắn lũ đã được lắp đặt tại tất cả các điểm vào, các cửa vào dưới mức lũ thiết kế đã được bịt kín và các quy trình vận hành khẩn cấp đã được cập nhật.

Vào tháng 12 năm 2004, Nhà máy điện hạt nhân Madras và địa điểm Kalpakkam PFBR ở bờ biển phía Đông Ấn Độ đã bị ngập do sóng thần từ Sumatra. Việc xây dựng Nhà máy Kalpakkam chỉ mới bắt đầu, nhưng Nhà máy Madras đã đóng cửa an toàn và duy trì được khả năng làm mát. Tuy nhiên, các khuyến nghị (bao gồm hệ thống cảnh báo sớm về sóng thần và cung cấp thêm các nguồn nước làm mát để làm mát trong thời gian dài hơn) đã được thực hiện.

Vào tháng 3 năm 2011, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một trận sóng thần lớn như đã biết. Chiều cao của sóng thần theo thiết kế là 5,7 mét đối với Daiichi và 5,2 mét đối với Daini liền kề (thực tế được thiết lập cao hơn một chút so với mực nước biển). Chiều cao của sóng thần ập vào bờ là khoảng 14 mét đối với cả hai nhà máy. Tổ máy 3 của Daini không bị hư hại và tiếp tục ở trạng thái ngừng hoạt động lạnh, nhưng các tổ máy khác bị ngập vào các phòng bơm - nơi có thiết bị truyền nhiệt từ lò phản ứng ra biển (bộ tản nhiệt cuối cùng).

Đối với các địa điểm trũng thấp, kỹ thuật xây dựng dân dụng và các biện pháp đặc biệt được thực hiện để giúp các nhà máy điện hạt nhân chống chịu được lũ lụt. Bài học từ Blayais và Fukushima đã được đưa vào các tiêu chí quản lý. Các bức tường chắn biển đã và đang được xây dựng, hoặc gia tăng tại các nhà máy Hamaoka, Shimane, Mihama, Ohi, Takahama, Onagawa và Higashidori.

Hydro:

Trong lò phản ứng điện hạt nhân nước nhẹ, hydro được hình thành do phân hủy phóng xạ của nước. Cần phải xử lý vấn đề này để tránh nguy cơ nổ, và nhiều lò phản ứng đã được lắp thêm bộ tái hợp hydro thụ động bên trong boong-ke lò (xem hình 3). Ngoài ra, trong một số loại lò phản ứng, đặc biệt là các loại nước sôi sớm, boong-ke được làm trơ bằng cách tiêm nitơ.

Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?
Hình 3: Hệ thống tái hợp hydro thụ động, chống hình thành hỗn hợp nổ bên trong boong-ke lò.

Trong tình huống tai nạn như ở Fukushima - nơi nhiên liệu trở nên rất nóng, rất nhiều hydro được hình thành do quá trình oxy hóa lớp vỏ nhiên liệu zirconi trong hơi nước ở nhiệt độ khoảng 1.300°C. Điều này nằm ngoài khả năng xử lý của các bộ kết hợp hydro thông thường và phải dựa vào việc thông hơi ra khí quyển, hoặc làm trơ lớp chứa bằng nitơ.

Tính dôi dư của hệ thống làm mát được thể hiện như ở hình 4 (mẫu lò AES-2006): Có 4 vòng làm mát độc lập, mỗi một trong 4 vòng đó có khả năng bảo đảm 100% yêu cầu an toàn cho lò phản ứng (4 hệ thống được thể hiện bằng 4 màu phân biệt ở hình vẽ).

Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?
Hình 4: Tính dôi dư của hệ thống làm mát (mẫu lò AES-2006) với 4 vòng làm mát độc lập.

Hợp tác quốc tế để cải thiện an toàn:

Có rất nhiều sự hợp tác quốc tế, nhưng nó đã phát triển từ dưới lên, và chỉ trong những năm 1990 mới có sáng kiến thực sự từ trên xuống. Trong ngành hàng không, Công ước Chicago vào cuối những năm 1940 đã khởi xướng một cách tiếp cận quốc tế mang lại mức độ hợp tác thiết kế cao giữa các quốc gia và việc tiếp thu nhanh chóng các bài học từ các vụ tai nạn trên toàn thế giới. Có những lý do về văn hóa và chính trị - có nghĩa là ngay cả sự hợp tác an toàn quốc tế cao hơn nhiều kể từ những năm 1990 vẫn ít hơn trong ngành hàng không. Điều này cần phải được cải thiện.

Hiệp hội các nhà điều hành hạt nhân thế giới:

Hợp tác quốc tế về các vấn đề an toàn hạt nhân diễn ra dưới sự bảo trợ của WANO được thành lập vào năm 1989. Trên thực tế, đây là phương tiện quốc tế hiệu quả nhất để đạt được mức độ an toàn rất cao thông qua bốn chương trình chính:

1. Đánh giá ngang hàng.

2. Kinh nghiệm vận hành.

3. Hỗ trợ và trao đổi kỹ thuật.

4. Phát triển chuyên môn và kỹ thuật.

Đánh giá ngang hàng của WANO là cách chủ động chính để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn. Đến cuối năm 2009, các nhà máy điện hạt nhân thương mại trên thế giới đều đã được đánh giá ngang hàng ít nhất một lần. Sau thảm họa Fukushima, những đánh giá này đã được tăng cường lên một lần sau mỗi bốn năm tại mỗi nhà máy, với các chuyến thăm theo dõi trong khoảng thời gian đó và phạm vi mở rộng từ an toàn vận hành sang (bao gồm nâng cấp thiết kế nhà máy). Các đợt đánh giá trước khi khởi động của các nhà máy mới đang được tăng cường.

Công ước IAEA về an toàn hạt nhân:

Công ước IAEA về An toàn Hạt nhân (CNS) được soạn thảo trong một loạt các cuộc họp cấp chuyên gia từ năm 1992 đến năm 1994 và là kết quả của công sức đáng kể của các chính phủ, các cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia và Ban thư ký IAEA. Mục đích của công ước là cam kết hợp tác của các quốc gia tham gia vận hành các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền để duy trì mức độ an toàn cao bằng cách thiết lập các chuẩn mực quốc tế mà các quốc gia sẽ tuân thủ.

Nghĩa vụ của các Bên phần lớn dựa trên các nguyên tắc có trong tài liệu Cơ sở an toàn của IAEA. Các nghĩa vụ này bao gồm: Địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, khả năng cung cấp đủ nguồn tài chính, nhân lực, đánh giá, xác minh an toàn, đảm bảo chất lượng và chuẩn bị ứng phó khẩn cấp.

Công ước là một công cụ khuyến khích. Công ước không được thiết kế để đảm bảo các Bên thực hiện nghĩa vụ thông qua kiểm soát và trừng phạt, mà dựa trên lợi ích chung của họ là đạt được mức độ an toàn cao hơn. Các mức độ này xác định theo các chuẩn mực quốc tế được xây dựng và thúc đẩy thông qua các cuộc họp thường kỳ của các Bên. Công ước yêu cầu các Bên báo cáo về việc thực hiện nghĩa vụ của mình để được đánh giá ngang hàng quốc tế. Cơ chế này là yếu tố đổi mới và năng động chính của Công ước.

Theo chương trình Nhóm đánh giá an toàn hoạt động (OSART) có từ năm 1982, các nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành đánh giá chuyên sâu về hiệu suất an toàn hoạt động tại một nhà máy điện hạt nhân. Họ xem xét kế hoạch khẩn cấp, văn hóa an toàn, bảo vệ bức xạ và các lĩnh vực khác. Các phái đoàn OSART được chính phủ yêu cầu và có sự tham gia của nhân viên từ các cơ quan pháp quy, về những khía cạnh này, khác với các đánh giá ngang hàng của WANO.

Công ước có hiệu lực vào tháng 10 năm 1996. Tính đến tháng 3 năm 2021, đã có 91 quốc gia ký kết Công ước, trong đó có 65 quốc gia là bên ký kết (bao gồm tất cả các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân đang vận hành).

Hội nghị chung của IAEA vào tháng 9 năm 2011 đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân. Kế hoạch này xuất phát từ các cuộc tham vấn chuyên sâu với các quốc gia thành viên, nhưng không phải với ngành công nghiệp. Kế hoạch này (bao gồm các đề xuất để làm cho an toàn hạt nhân hiệu quả hơn trước) mà không loại bỏ trách nhiệm của các cơ quan và chính phủ quốc gia. Kế hoạch này nhằm mục đích đảm bảo “các phản ứng đầy đủ dựa trên kiến thức khoa học và minh bạch”. Ngoài các đánh giá ngang hàng của IAEA được tăng cường và thường xuyên hơn (bao gồm cả các đánh giá về hệ thống quản lý), và có thêm 12 hành động được khuyến nghị các quốc gia cam kết thực hiện.

Đánh giá an toàn thiết kế của IAEA và đánh giá an toàn lò phản ứng chung:

Đánh giá an toàn thiết kế (DSR) của IAEA được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức quốc gia thành viên để đánh giá tính đầy đủ và toàn diện của hồ sơ an toàn của lò phản ứng do một nhóm chuyên gia cao cấp quốc tế thực hiện. Đánh giá này dựa trên các yêu cầu an toàn do IAEA công bố.

DSR đã được thực hiện tại Armenia (năm 2003, 2009), Bangladesh (năm 2018), Bulgaria (năm 2008), Pakistan (năm 2006) và Ukraine (năm 2008, 2009). GRSR đã được thực hiện trên ACP100, ACP1000, ACPR-1000+, ACR1000, AES-2006, AP1000 (Hoa Kỳ và Vương quốc Anh), APR1000, APR1400, Atmea1, CAP1400, EPR, ESBWR và VVER-TOI.

Tuy nhiên, đánh giá này không thể bao gồm, hoặc thay thế hoạt động cấp phép, hoặc cấu thành bất kỳ loại chứng nhận thiết kế nào.

Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên?

Về các yêu cầu an toàn, IAEA đã xuất bản các tài liệu sau đây:

1. Các nguyên tắc an toàn cơ bản, SF-1, 2006.

2. Khung quản trị, luật pháp và pháp quy đối với an toàn, GSR Phần 1 (Sửa đổi 1), 2016.

3. Lãnh đạo và quản lý đối với an toàn, GSR Phần 2, 2016.

4. Bảo vệ bức xạ và an toàn nguồn phóng xạ, Phần 3, 2014.

5. Đánh giá an toàn đối với cơ sở và các hoạt động, GSR Phần 4 (Sửa đổi 1), 2016.

6. Quản lý trước khi chôn cất chất thải phóng xạ, GSR Phần 5, 2009.

7. Chấm dứt hoạt động của cơ sở, GSR Phần 6, 2014.

8. Chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp hạt nhân và bức xạ, GSR Phần 7, 2015.

9. Đánh giá địa điểm công trình hạt nhân, SSR-1, 2019.

10. An toàn nhà máy điện hạt nhân: Thiết kế, SSR-2/1 (Sửa đổi 1), 2016.

11. An toàn nhà máy điện hạt nhân: Vận hành thử và vận hành, SSR-2/2 (Sửa đổi 1), 2016.

12. An toàn lò phản ứng nghiên cứu, SSR-3, 2016.

13. An toàn cơ sở chu trình nhiên liệu hạt nhân, SSR-4, 2017.

14. Chôn cất chất thải phóng xạ, SSR-5, 2011.

15. Pháp quy đối với vận chuyển an toàn vật liệu hạt nhân, SSR-6 (Sửa đổi 1), 2018.

Các yêu cầu an toàn tại các tài liệu nêu trên của IAEA là các quy định bắt buộc phải thực hiện đối với các quốc gia thành viên.

Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân của Việt Nam cần rà soát Luật Năng lượng Nguyên tử, các nghị định, thông tư dưới luật (sau đây gọi là các văn bản pháp luật và pháp quy) hiện có của chúng ta, xem đã có các yêu cầu an toàn nào từ các tài liệu nêu trên của IAEA có trong các văn bản pháp luật và pháp quy của Việt Nam, các yêu cầu an toàn nào còn thiếu. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam trình phương án bổ sung các quy định còn thiếu để triển khai dự án điện hạt nhân. Phương án có thể là trình ban hành các văn bản được sửa đổi, văn bản mới, hoặc đề nghị cho phép áp dụng các tiêu chuẩn của IAEA.

Tổ chức được giao làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân (sau đây gọi là chủ đầu tư) phải lập kế hoạch phát triển nhân lực tham gia lập và triển khai thực hiện dự án, đào tạo nhân viên vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Chủ đầu tư phải dự kiến các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ triển khai thực hiện dự án và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân. Các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật có thể thuộc tổ chức gắn kết về hành chính - tổ chức với chủ đầu tư (gọi là Internal TSO), hoặc tổ chức khoa học công nghệ bên ngoài (gọi là External TSO). Phải có đủ chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật có chuyên môn, trình độ cao (ít nhất bao gồm một số các chuyên môn theo định hướng các yêu cầu của IAEA):

1. Bảo vệ bức xạ và an toàn nguồn phóng xạ.

2. Quản lý trước khi chôn cất chất thải phóng xạ.

3. Chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp hạt nhân và bức xạ.

4. Đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân.

5. An toàn thiết kế nhà máy điện hạt nhân.

6. An toàn vận hành thử và vận hành.

Trong đó (ở giai đoạn đầu), cần nhiều hơn các chuyên gia về đánh giá địa điểm và có kiến thức về an toàn thiết kế nhà máy điện hạt nhân. Về các chuyên môn đặc thù, cần các chuyên gia có năng lực phân tích an toàn như: Phân tích an toàn tất định (DSA), phân tích an toàn xác suất (PSA) và các chuyên gia đánh giá tác động môi trường bức xạ.

Khi đàm phán ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài về việc khảo sát địa điểm và thiết kế nhà máy điện hạt nhân, nên có điều khoản về việc có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam về các chuyên môn nêu trên để đào tạo nâng cao, đào tạo theo công việc.

Về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm và các hướng dẫn kỹ thuật:

1. Sau khi chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân được phê duyệt, Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý nhà nước có liên quan rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm và các hướng dẫn kỹ thuật thuộc lĩnh vực được giao quản lý, đề xuất áp dụng cho dự án nhà máy điện hạt nhân.

2. Trong trường hợp chưa đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm và các hướng dẫn kỹ thuật cần thiết để triển khai dự án, thì Chính phủ chỉ đạo áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm và các hướng dẫn kỹ thuật của quốc gia đối tác, của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính tương thích với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm và các hướng dẫn kỹ thuật hiện có của chúng ta, phù hợp với điều kiện thực tế, khả thi tại Việt Nam.

Kết luận:

Việt Nam có nhiều việc cần làm để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Nhưng với kinh nghiệm và hợp tác quốc tế hiện có, các việc đều đã rõ. Chỉ cần các cơ quan, tổ chức, lãnh đạo và các cá nhân có liên quan vào cuộc khẩn trương, quyết tâm cao, đặt ra mục tiêu rõ ràng cần đạt.

Vượt qua các điểm nghẽn thể chế, điểm nghẽn nhân lực, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được vận hành an toàn như nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng khác!

[*] TS. LÊ CHÍ DŨNG - CHUYÊN GIA PHÁP QUY HẠT NHÂN (VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM)


Nguồn tham khảo:

https://world-nuclear.org/information-library/safety-and-security/safety-of-plants/, 23 Aug 2024.

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động