RSS Feed for Công ước quốc tế về hạt nhân và các dự án nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 31/03/2025 08:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Công ước quốc tế về hạt nhân và các dự án nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam

 - Không giống như các nguồn năng lượng khác, điện hạt nhân (gần như duy nhất) cần đáp ứng đầy đủ các quy định giám sát và hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân. Đây là một cơ chế góp phần giúp các nhà máy điện hạt nhân đấu nối vào hệ thống điện quốc gia một cách an toàn, hoạt động hiệu quả, đảm bảo tính bảo mật và có trách nhiệm... Vì vậy, Việt Nam (cũng như các quốc gia lần đầu phát triển nguồn điện này) nên nghiên cứu, xem xét để có thể tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về hạt nhân.
Các chuyên gia gợi ý với Thủ tướng một số giải pháp ban đầu cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 Các chuyên gia gợi ý với Thủ tướng một số giải pháp ban đầu cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

Tập thể các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp (từ các bài báo phản biện trong chuyên đề “phát triển điện hạt nhân Việt Nam trong bối cảnh mới”) gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong báo cáo, các chuyên gia đã đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định một số vấn đề liên quan trong giai đoạn đầu thực hiện đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2. Dưới đây là nội dung chính được đề cập trong báo cáo này.

Quản lý chất thải phóng xạ - Yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững điện hạt nhân, gợi ý cho Việt Nam Quản lý chất thải phóng xạ - Yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững điện hạt nhân, gợi ý cho Việt Nam

Bài viết dưới đây của TS. Vũ Minh Ngọc - Viện Nghiên cứu và Quản lý Chất thải Phóng xạ của Cộng hòa Pháp [*] viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình quản lý chất thải hạt nhân hiện nay trên thế giới, vai trò của quản lý chất thải phóng xạ đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của điện hạt nhân. Cuối bài viết, tác giả gợi ý cho Việt Nam về sự cần thiết tính toán chi phí quản lý chất thải hạt nhân trong giá trị tổng đầu tư dự án điện hạt nhân, hoặc đưa vào giá thành bán điện... Rất mong nhận được sự chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia và bạn đọc.

I. Các công ước quốc tế về hạt nhân Việt Nam đã tham gia:

Không phải đến bây giờ, vấn đề tham gia các công ước quốc tế về hạt nhân mới được đặt ra với Việt Nam. Là thành viên chính thức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ năm 1957, Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động trong các công ước quốc tế do IAEA bảo trợ, được chia theo ba lĩnh vực: An toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cụ thể như sau:

1. An toàn hạt nhân:

- Công ước Thông báo sớm về tai nạn hạt nhân (năm tham gia 1987).

- Công ước Trợ giúp trong trường hợp tai nạn hạt nhân, hoặc khẩn cấp phóng xạ (năm 1987).

- Công ước An toàn hạt nhân (năm 2010).

- Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ (năm 2013).

2. An ninh hạt nhân:

- Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (năm 2012).

- Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân (năm 2016).

3. Không phổ biến vũ khí hạt nhân:

- Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (năm 1982).

- Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và IAEA về việc áp dụng thanh sát theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Hiệp định Thanh sát) - năm 1989.

- Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (năm 1997).

- Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (năm 2006).

- Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định Thanh sát (ký năm 2007 và phê chuẩn năm 2012).

(Danh mục và văn bản các công ước quốc tế mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bảo trợ có thể tìm thấy theo địa chỉ link https://www.iaea.org/resources/treaties/treaties-under-IAEA-auspices).

II. Một số hiệp ước quốc tế quan trọng mà Việt Nam tham gia:

1. Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (1982):

Như chúng ta đã biết, sau khi đất nước thống nhất vào tháng 4/1975, Việt Nam đã tiếp quản Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt, được thiết kế theo công nghệ TRIGA - MARK II có công suất định danh 250 kW đã bị Mỹ rút hết các thanh nhiên liệu mang về nước và thùng lò phản ứng đã bị hư hỏng nặng. Để tiếp tục sử dụng cơ sở nghiên cứu này, Việt Nam đã triển khai dự án khôi phục và mở rộng Lò phản ứng Đà Lạt với sự hỗ trợ của Liên Xô. Khi ấy, theo khuyến cáo của Liên Xô, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (1982) để thuận lợi cho triển khai Hiệp định hỗ trợ của Liên Xô nhằm khôi phục và mở rộng Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt.

Nhưng tại sao khi đó chưa vận hành trở lại lò phản ứng Đà Lạt, Việt Nam đã cần phải tham gia hiệp ước này?

Nếu nhìn lại lịch sử hạt nhân thế giới, có thể thấy, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 12/6/1968, mở đường cho ba nước cùng ký kết Hiệp ước vào ngày 1/7/1968 tại các thành phố: Moskva, Washington, London và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/3/1970.

Theo đó, các nước Liên Xô, Mỹ và Anh được giao trọng trách theo dõi thực thi Hiệp ước. Trong hội nghị tổng kết thường kỳ công tác thực thi Hiệp ước (diễn ra từ ngày 17/4 đến ngày 12/5/1995 tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở thành phố New York), quyết định mở rộng Hiệp ước không giới hạn và không điều kiện được thông qua. Căn cứ theo Hiệp ước, các cường quốc hạt nhân được chính thức công nhận là các quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước ngày 1/1/1967 gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Có hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Ấn Độ, Pakistan), không tham gia Hiệp ước và cũng không được quốc tế thừa nhận là cường quốc hạt nhân, vì tiến hành thử nghiệm vũ khí sau ngày 1/1/1967.

Ngoài ra, còn có Israel không thừa nhận, cũng như không phản đối thông tin mình sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng phản đối việc xây dựng tại khu vực Trung Đông một vùng lãnh thổ không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hiệp ước này có vai trò quan trọng với hầu hết mọi quốc gia (kể cả quốc gia có vũ khí hạt nhân, lẫn phi vũ khí hạt nhân).

Điều 1 của Hiệp ước có nội dung buộc các cường quốc hạt nhân “không được chuyển giao vũ khí hạt nhân, hoặc chuyển quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân dù trực tiếp, hay gián tiếp cho bất kỳ ai, không được giúp đỡ các quốc gia phi hạt nhân sản xuất, hay sở hữu vũ khí hạt nhân, không cổ vũ, hay xúi giục các quốc gia đó sở hữu cũng như kiểm soát vũ khí hạt nhân”.

Điều 2 có quy định đối với các quốc gia phi vũ khí hạt nhân “không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ bất kỳ ai, hoặc kiểm soát chúng, cũng như không được sản xuất, hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào, không được tiếp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào để sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, Hiệp ước cũng khẳng định quyền của các quốc gia thành viên “được tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình”, cũng như việc trao đổi rộng rãi trên trường quốc tế thiết bị máy móc, nguyên liệu, các thông tin khoa học, kỹ thuật về sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Hiệp ước cũng đề cập đến việc các nước có thành tựu phát triển cao ở lĩnh vực này sẽ chia sẻ hợp tác với các nước phi hạt nhân để phát triển năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình (có tính đến đặc thù của từng khu vực).

Cũng phải nói thêm rằng, việc tham Hiệp ước này thể hiện cam kết của Việt Nam đúng tinh thần Hiệp ước đã trở thành một nhân tố quan trọng dẫn đến việc IAEA hỗ trợ Việt Nam duy trì Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và hỗ trợ triển khai nhiều ứng dụng hạt nhân quan trọng trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và an toàn bức xạ sau này.

2. Hiệp định Thanh sát (ký năm 1989, có hiệu lực năm 1990) và Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định Thanh sát (ký năm 2007 và phê chuẩn năm 2012):

Theo Điều 3 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân: Mỗi quốc gia không có vũ khí hạt nhân được yêu cầu ký kết một thỏa thuận Thanh sát hạt nhân với IAEA. Là một thành phần thiết yếu của hệ thống an ninh quốc tế, Thanh sát hạt nhân của IAEA có mục tiêu ngăn chặn sự lan truyền vũ khí hạt nhân bằng cách phát hiện sớm việc sử dụng sai mục đích vật liệu, hoặc công nghệ hạt nhân.

Nói một cách đơn giản, thanh sát hạt nhân là một tập hợp các biện pháp kỹ thuật do IAEA áp dụng để thông qua đó, IAEA tìm cách xác minh độc lập là các cơ sở hạt nhân không bị sử dụng sai mục đích và vật liệu hạt nhân không bị chuyển hướng khỏi mục đích sử dụng hòa bình.

Ngày 23/2/1990, Hiệp định Thanh sát toàn diện giữa Việt Nam và IAEA có hiệu lực. Từ đó, chúng ta đã báo cáo với IAEA về vật liệu hạt nhân mà Việt Nam có và hằng năm cơ quan này tiến hành thanh tra hạt nhân tại Đà Lạt.

Tuy nhiên, những hạn chế của hệ thống thanh sát truyền thống theo các Hiệp định Thanh sát đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nhất là trong bối cảnh an ninh khu vực và quốc tế có tác động trực tiếp, mạnh mẽ và sâu rộng tới mỗi quốc gia.

Cụ thể, việc phát hiện ra chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iraq vào năm 1991 đã cho thấy các hiệp định thanh sát toàn diện thông thường đã không cho phép IAEA có đầy đủ phương tiện để xác minh sự không có mặt của các vật liệu hạt nhân và hoạt động hạt nhân không khai báo tại các quốc gia thành viên. Do đó, vào tháng 5/1997, Hội đồng Thống đốc IAEA đã phê chuẩn Nghị định thư mẫu nhằm cung cấp thêm công cụ cho các thanh tra viên của IAEA.

Nghị định thư bổ sung (yêu cầu khai báo về xuất nhập khẩu vật liệu, thiết bị hạt nhân - gọi tắt là AP) yêu cầu các quốc gia phải khai báo tất cả các hoạt động hạt nhân của mình từ khai thác mỏ đến thải chất thải, và vì thế giải quyết được những khiếm khuyết của hệ thống cũ. Các chuyên gia của IAEA cho rằng: AP cần thiết cho việc tăng cường an ninh và an toàn vật liệu hạt nhân trong nước và quốc tế. AP giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong kiểm soát vật liệu hạt nhân và các hoạt động liên quan đến hạt nhân ở trong nước, tăng cường việc kiểm soát xuất khẩu, giúp phòng chống buôn bán hạt nhân bất hợp pháp, bảo đảm bản chất hòa bình của chương trình phát triển hạt nhân của Việt Nam.

Công ước quốc tế về hạt nhân và dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2
Thùng Škoda VPVR/M do IAEA cung cấp, chứa nhiên liệu uranium độ giàu cao (HEU) đã qua sử dụng, được đóng gói vận chuyển TUK-145/C tại một sân bay quân sự ở TP. Hồ Chí Minh trước khi máy bay rời Việt Nam để đưa tới Liên bang Nga. Ảnh tư liệu.

Việc ký Hiệp định thanh sát và Nghị định thư bổ sung (AP) và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên cho thấy sự minh bạch của Việt Nam trong phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; tạo điều kiện để Việt Nam được IAEA đưa vào danh sách các quốc gia được ưu tiên hỗ trợ các Dự án hợp tác kỹ thuật (TC).

Cụ thể, giai đoạn 2018-2023, Việt Nam đã được IAEA trực tiếp hỗ trợ 17 dự án quốc gia với tổng kinh phí khoảng 3 triệu Euro, tham gia vào 67 Dự án vùng (RCA và Non-RCA) và liên vùng. Trong đó, mỗi dự án có kinh phí từ khoảng 400.000 tới 1 triệu Euro cho chu kỳ 2-4 năm dành cho tất cả các nước. Qua đó, giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng an toàn và an ninh, đạt được nhiều thành tựu trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế, xã hội.

Trong khuôn khổ phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thống đốc IAEA (tại Viên, Áo, ngày 3/3/2025), chúng ta đã thông tin tới bạn bè quốc tế về quyết định của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục triển khai xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các mục tiêu bảo vệ môi trường. Đồng thời đề nghị IAEA hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu của IAEA.

3. Thỏa thuận/hiệp định hợp tác song phương về hạt nhân dân sự của Việt Nam với các quốc gia:

Ngoài các công ước quốc tế mà IAEA bảo trợ, có thể kể đến các thỏa thuận/hiệp định hợp tác về hạt nhân dân sự mà Việt Nam đã ký song phương với một số quốc gia. Các thỏa thuận/hiệp định song phương này rất quan trọng, nếu hai bên có liên quan mong muốn tiếp tục hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ví dụ, thỏa thuận/hiệp định hợp tác về hạt nhân dân sự mà Việt Nam đã ký với Liên bang Nga và Nhật Bản được xem là văn bản nền tảng cho hợp tác của của chúng ta trong triển khai dự án điện hạt nhân giai đoạn 2009-2016: Ninh Thuận 1 (với Liên bang Nga) và Ninh Thuận 2 (với Nhật Bản).

Năm 1912-1913, Việt Nam đã đàm phán và ký thỏa thuận hợp tác về hạt nhân dân sự với Mỹ. Hiệp định Việt Nam - Mỹ đã được ký tắt giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry vào ngày 10/10/2013 tại Brunei (trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Thượng đỉnh liên quan) được tổ chức tại Brunei. Hiệp định này được ký kết trên tinh thần của Mục 123 về “Hợp tác với các quốc gia khác” trong Luật Năng lượng Nguyên tử năm 1954 của Mỹ, nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác Mỹ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Hiệp định là cơ sở để Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ hạt nhân tiên tiến, hiện đại (trực tiếp, hoặc có nguồn gốc từ Mỹ) cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam.

Có một kỷ niệm đáng nhớ trong việc ký Hiệp định này, khi tôi được cử làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia kỹ thuật đàm phán với Mỹ. Dự thảo ban đầu do Mỹ đưa ra có những câu chữ mà Việt Nam rất khó chấp nhận. Để có thể đi tới một điểm chung trong vấn đề này, hai bên đã phải thảo luận với nhau trong vòng gần một tuần lễ. Chúng tôi đã phải kiên trì giải thích cho họ hiểu lý do phía sau những câu chữ mà Việt Nam không thể chấp nhận, đồng thời cũng chân thành thể hiện sự mong muốn phát triển năng lượng hạt nhân nhằm mục đích hòa bình. Rất may là đến một thời điểm mà mọi thứ trở nên thông suốt, Mỹ đã chấp nhận toàn bộ đề xuất của Việt Nam, dẫn đến việc văn bản được trình cho cấp cao hai phía xem xét và ký kết.

Sau thời điểm đó, Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đã tư vấn hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếc rằng, khi đó, dự án đã tạm dừng và phải tới 8 năm sau, chương trình mới được tái khởi động.

Nhắc lại những câu chuyện này để thấy rằng, ngành năng lượng nguyên tử đã tư vấn cho Chính phủ những bước chuẩn bị rất bài bản, chắc chắn từng bước một để có thể đáp ứng những yêu cầu của các công ước quốc tế cho dự án như thế nào. Tuy đã để lỡ về mặt thời gian (trước khi đi đến quyết định tái khởi động vào cuối năm 2024), những bước chuẩn bị như vậy vẫn còn nguyên giá trị cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam hiện tại.

Công ước quốc tế về hạt nhân và dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2
Nhà máy điện hạt nhân Rostov - một trong những cơ sở năng lượng lớn nhất ở miền Nam nước Nga. Ảnh Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

III. Các công ước Việt Nam nên nghiên cứu, xem xét để có thể tham gia:

1. Công ước về trách nhiệm hạt nhân:

Người ngoài lĩnh vực năng lượng nguyên tử, ít ai để ý đến những hiệp ước về hạt nhân mà Việt Nam cần tuân thủ. Cách đây hơn 10 năm, khi Lò phản ứng Đà Lạt thực hiện chuyển đổi nhiên liệu có độ làm giàu cao (HEU) sang nhiên liệu có độ làm giàu thấp (LEU), Việt Nam đã từng phải ký Hiệp định thay thế và chuyển đổi nhiên liệu. Đặc biệt là tháng 2/2012, khi ký Hiệp định hợp tác đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Lò phản ứng Đà Lạt về Nga, đối tác đã yêu cầu quy định về việc áp dụng Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân 1963 (Công ước Viên) nếu có xảy ra thiệt hại hạt nhân trong quá trình thực hiện các công việc theo Hiệp định (dù Việt Nam chưa là thành viên của Công ước Viên).

Nga cũng có yêu cầu tương tự với Việt Nam về việc áp dụng Công ước Viên khi hai bên ký Hợp đồng thực hiện dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia với lò phản ứng nghiên cứu mới.

Giờ đây, khi chính thức đặt vấn đề phát triển điện hạt nhân, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần đáp ứng thêm một số yêu cầu khác theo thông lệ quốc tế. Ở giai đoạn trước, Việt Nam đã hợp tác với Nga thực hiện dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và với Nhật Bản thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Khi đó, Nga khuyến cáo Việt Nam tham gia Công ước Viên, còn Nhật Bản khuyến cáo Việt Nam tham gia Công ước về Đền bù bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (gọi tắt là Công ước CSC).

Liên bang Nga từng ký Công ước Viên ngày 8/5/1996, phê chuẩn ngày 13/5/2005, có hiệu lực ngày 13/8/2005. Nhật Bản ký Công ước CSC ngày 15/1/2015, chấp nhận cùng ngày ký, có hiệu lực ngày 15/4/2015. Đó là lý do vì sao cùng là đối tác thực hiện dự án điện hạt nhân của Việt Nam, mà Liên bang Nga và Nhật Bản lại khuyến cáo Việt Nam tham gia hai công ước về trách nhiệm hạt nhân khác nhau.

Vì vậy, để không chậm trễ về thủ tục hợp tác với các đối tác trong việc thực hiện dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục các nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép tham gia các Công ước quốc tế về trách nhiệm hạt nhân.

2. Công ước Viên (1963), Công ước Paris (1960):

Năm 1963, Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân ra đời dưới sự bảo trợ của IAEA. Công ước Viên được mở ký cho mọi quốc gia, chính thức có hiệu lực từ năm 1977 và được sửa đổi năm 1997.

Năm 1960, Công ước Paris về trách nhiệm của bên thứ ba trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân 1960 ra đời dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Công ước Paris mở ký cho các quốc gia thành viên OECD và các quốc gia khác khi được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực từ năm 1968 và được bổ sung bởi Công ước bổ sung Brussels 1963. Công ước Paris năm 1960 được sửa đổi, bổ sung bởi các Nghị định thư ngày 28/01/1964 và ngày 16/11/1982 về trách nhiệm bồi thường thiệt hạt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Về cơ bản, 2 công ước trên đều có chung các nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường đối với sự cố hạt nhân gồm:

- Trách nhiệm bồi thường đối với sự cố hạt nhân thuộc về chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân.

- Trách nhiệm của chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân là tuyệt đối.

- Trách nhiệm bồi thường của chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân có giới hạn về định mức.

- Trách nhiệm bồi thường có giới hạn về mặt thời gian.

- Chủ thể vận hành cơ sở hạt nhân phải mua bảo hiểm, hoặc có hình thức bảo đảm tài chính khác để thực hiện trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có thiệt hại hạt nhân.

- Quyền tài phán đối với các yêu cầu đòi bồi thường thuộc về tòa án có thẩm quyền của quốc gia xảy ra sự cố hạt nhân.

Với vai trò là cầu nối giữa Công ước Viên và Công ước Paris, Nghị định thư chung về việc áp dụng Công ước Viên và Công ước Paris ra đời năm 1988 đã xóa đi ranh giới địa lý giữa hai Công ước trên.

3. Công ước Bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (CSC):

Năm 1997, bên cạnh việc thông qua Nghị định thư sửa đổi Công ước Viên, IAEA đã thông qua Công ước Bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (CSC). CSC được thông qua ngày 12/9/1997 nhằm hiện đại hóa và tăng cường chế độ pháp lý quốc tế sau ảnh hưởng của tai nạn Chernobyl năm 1986.

Công ước có hai mục đích chính:

Thứ nhất: Xây dựng “một chế độ trách nhiệm trên toàn thế giới” mà tất cả các nước đều có thể tham gia. CSC không chỉ dành cho các quốc gia tham gia Công ước trách nhiệm đối với hạt nhân hiện có, mà còn cho các quốc gia khác với điều kiện luật pháp của họ phù hợp với các quy tắc thống nhất về trách nhiệm dân sự quy định tại Phụ lục của Công ước.

Thứ hai: CSC cũng nhằm mục đích tăng số tiền bồi thường hiện có trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân bằng cách thiết lập một số tiền bồi thường tối thiểu cấp quốc gia và một quỹ quốc tế - mà ở đó, các bên ký kết dự kiến sẽ đóng góp khi xảy ra tai nạn hạt nhân.

Quy định của quỹ quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân cũng chính là điểm khác biệt lớn của CSC đối với Công ước Viên và Công ước Paris. Theo đó, các quốc gia thành viên của CSC ngoài việc đảm bảo trách nhiệm tài chính đối với thiệt hại hạt nhân xảy ra do sự cố hạt nhân ở mức không dưới 300 triệu SDR (quyền rút vốn đặc biệt - đơn vị tiền tệ do Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác định và được sử dụng cho các hoạt động, giao dịch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế), còn có nghĩa vụ đóng góp cho Quỹ bồi thường thiệt hại hạt nhân quốc tế.

Quỹ bồi thường được hình thành khi xảy ra sự cố hạt nhân tại các quốc gia thành viên với mức bồi thường từ trên 300 triệu SDR trở lên. Tỷ lệ đóng góp của các quốc gia thành viên CSC cho Quỹ bồi thường 90% dựa trên tổng công suất của các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại mỗi quốc gia và 10% dựa trên tỷ lệ đánh giá của Liên Hiệp Quốc (UN).

Như vậy, đối với quốc gia thành viên chưa có nhà máy điện hạt nhân và có tỷ lệ đánh giá của UN thấp, tỷ lệ đóng góp là bằng 0.

Chắc hẳn, có một câu hỏi mà ai cũng đặt ra: Vậy khi tham gia các công ước quốc tế về trách nhiệm hạt nhân, Việt Nam thu được lợi ích gì? Có lẽ, một điều dễ nhận thấy là việc tham gia như vậy sẽ giúp Việt Nam đồng bộ luật pháp quốc gia với thông lệ quốc tế và đảm bảo nạn nhân ở cả các nước khác được bồi thường công bằng theo cơ chế thống nhất, không phân biệt quốc tịch, hay nơi cư trú​.

Bên cạnh đó, các công ước (đặc biệt là CSC) cho phép Việt Nam và các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân tiếp cận các quỹ bồi thường bổ sung từ cộng đồng quốc tế trong trường hợp xảy ra sự cố và việc đền bù vượt quá khả năng. Cơ chế quỹ chung này giúp chia sẻ gánh nặng tài chính, đảm bảo nạn nhân được đền bù ngay cả khi thiệt hại vượt quá khả năng chi trả trong nước.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân ở nhiều quốc gia, việc có được một khung trách nhiệm thống nhất và có giới hạn rõ ràng theo tiêu chuẩn quốc tế còn thu hút đầu tư quốc tế và hỗ trợ bảo hiểm trách nhiệm hạt nhân. (Các nhà đầu tư và công ty bảo hiểm sẽ yên tâm hơn khi rủi ro pháp lý đã được định rõ và giới hạn hợp lý).

Trên thực tế, có một số quốc gia đã phát triển điện hạt nhân (như Hàn Quốc, Trung Quốc) chưa tham gia bất cứ cơ chế bồi thường thiệt hại hạt nhân nào, nhưng trong nội luật của họ đã quy định rõ vấn đề này và cơ bản tuân theo các nguyên tắc cơ bản của các công ước.

Với tầm quan trọng như vậy đối với mục tiêu lớn xây dựng và vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam nên nghiên cứu để có thể tham gia Công ước về trách nhiệm hạt nhân, cũng như nghiên cứu thực hiện trách nhiệm của quốc gia đã tham gia các công ước quốc tế, trong đó có Công ước An toàn hạt nhân.

Một số thông tin trong Sổ tay Luật Hạt nhân của IAEA với các quy định chung về bồi thường thiệt hại hạt nhân:

Trên thế giới hiện nay có 5 điều ước quốc tế quy định về nội dung bồi thường thiệt hại hạt nhân:

1. Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân 1963 (Công ước Viên).

2. Công ước Paris về trách nhiệm của bên thứ ba trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân 1960 (Công ước Pari).

3. Nghị định thư chung về việc áp dụng Công ước Viên và Công ước Pari.

4. Công ước Viên sửa đổi 1997 (là bản tích hợp của Công ước Viên 1963 và Nghị định thư sửa đổi 1997).

5. Công ước bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân 1997 (CSC).

Mặc dù các công ước này có những điểm khác biệt như đối tượng áp dụng, định mức bồi thường, quy định về trường hợp miễn trừ, nhưng đều thống nhất một số quy định chung về bồi thường thiệt hại hạt nhân.

Năm 2010, IAEA đã xuất bản Sổ tay Luật Hạt nhân, trong đó tổng hợp các quy định chung của luật quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Theo đó, khi xây dựng các quy định về bồi thường thiệt hại hạt nhân, các quốc gia thành viên cần phải đảm bảo nội luật có các quy định phù hợp với luật quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Cụ thể:

1. Trách nhiệm của tổ chức vận hành:

Tổ chức vận hành cơ sở hạt nhân phải có trách nhiệm hoàn toàn đối với thiệt hại hạt nhân gây ra bởi sự cố hạt nhân. Trách nhiệm của tổ chức vận hành là tuyệt đối, cả khi không có lỗi đối với thiệt hại hạt nhân phát sinh từ sự cố hạt nhân xảy ra tại cơ sở hạt nhân của tổ chức vận hành, hoặc sự cố hạt nhân xảy ra có nguồn gốc phát sinh từ cơ sở hạt nhân đó. Ngoài tổ chức vận hành, không có cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm đối với việc bồi thường thiệt hại hạt nhân.

2. Bảo đảm tài chính:

Tổ chức vận hành phải mua bảo hiểm, hoặc có hình thức an ninh tài chính phù hợp để đảm bảo kinh phí cho việc bồi thường thiệt hại hạt nhân khi xảy ra sự cố hạt nhân. Tổ chức vận hành có thể thực hiện trách nhiệm này thông qua việc ký kết hợp đồng với các công ty bảo hiểm, với chính phủ, hoặc với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước để có được mức an ninh tài chính theo quy định nhằm đảm bảo có đủ nguồn kinh phí để chi trả cho việc bồi thường thiệt hại hạt nhân trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân.

3. Định mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân:

Trách nhiệm của tổ chức vận hành đối với thiệt hại hạt nhân cho mỗi sự cố hạt nhân tối thiểu là 5 triệu SDR và tối đa là 300 triệu SDR. Chính phủ phải đảm bảo chi trả cho mức bồi thường vượt quá giới hạn trách nhiệm của tổ chức vận hành đến mức bồi thường thực tế (nếu mức bồi thường thực tế dưới 300 triệu SDR và đến 300 triệu SDR, nếu mức bồi thường thực tế vượt quá 300 triệu SDR, hoặc đến mức bồi thường thực tế).

Bên cạnh những quy định trên, Sổ tay Luật Hạt nhân cũng có các quy định khác về bồi thường thiệt hại hạt nhân như các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi thường; thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hạt nhân; tòa án thẩm quyền.../.

TS. LÊ CHÍ DŨNG - CHUYÊN GIA PHÁP QUY HẠT NHÂN (VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM)

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động