RSS Feed for Điện hạt nhân - Sự lựa chọn của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 05:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân - Sự lựa chọn của Việt Nam

 - Việt Nam, cũng như các nước châu Á khác, là những quốc gia đang công nghiệp hóa rất cần đảm bảo an ninh năng lượng. Những nguồn phát điện có công suất đủ lớn để đóng vai trò động lực cho nền kinh tế hiện nay bao gồm: than, dầu, khí, thủy năng và hạt nhân. Các dạng năng lượng tái tạo khác như: Mặt trời, gió, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt… đều đáng quan tâm nghiên cứu và từng bước sử dụng một cách hợp lý.

>> Điện hạt nhân Ninh Thuận: "Tác động sóng thần là rất nhỏ"
>> IAEA giúp Việt Nam đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân
>> Hoàn thành báo cáo khả thi điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2013

TS. Võ Văn Thuận
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Hạt nhân

Triển lãm quốc tế điện hạt nhân 2012

Tuy nhiên, chẳng có nguồn nào trong các dạng năng lượng tái tạo trên phát được công suất đủ lớn và ổn định, nhằm đáp ứng cho một nền công nghiệp quy mô cấp quốc gia trung bình trở lên.

Trong đó, điện gió và điện mặt trời là những nguồn điện đáng chú ý nhất, nhưng có hai điểm yếu khiến chúng khó cạnh tranh được với những nguồn chính, phổ biến hiện nay, ít nhất trong vài ba chục năm sắp tới. Các điểm yếu đó, ngoài quy mô công suất là giá thành. Suất đầu tư cho điện gió và đặc biệt điện mặt trời còn rất đắt. Có thể hy vọng là trong tương lai xa hơn, chúng sẽ dần dần hạ giá nhờ ứng dụng công nghệ mới.

Chính vì vậy, dù ưu tiên quan tâm ứng dụng năng lượng tái tạo đến đâu thì cũng phải có quan điểm thực tế khi xét tới năng lực của chúng và chỉ nên giới hạn ở mục tiêu góp phần cân đối vừa phải, hợp lý trong tổng sơ đồ nguồn phát điện, chủ yếu nhằm phục vụ cho những nhu cầu quy mô nhỏ và ưu tiên cho những vùng hẻo lánh, xa xôi mà lưới điện quốc gia khó với tới.

Trở lại với nguồn điện truyền thống. Trên thế giới phần lớn các nguồn điện này cũng không phải là vô tận. Thủy điện đã được khai thác rất triệt để; các nguồn hóa thạch là than, dầu, khí có nguy cơ cạn kiệt. Như vậy việc tìm kiếm các dạng tiềm năng khác đủ lớn để bổ sung hoặc thay thế cho những nguồn truyền thống này là hết sức cấp bách. Gần đây nước Mỹ tìm cách khai thác thêm khí đốt ép từ đá lớp, tạo hy vọng có thể bổ sung nguồn phát điện khí, nhưng chưa biết chắc trữ lượng kinh tế kéo thêm được bao năm, có lẽ khó vượt được trữ lượng những túi khí truyền thống.

Tình hình Việt Nam không phải là ngoại lệ, cả thủy năng và dầu khí đều đang đi tới giới hạn khai thác ngay trong thập niên này. Hệ thống đập Sơn La - Lai Châu là những dự án thủy điện lớn nhất sẽ hòa mạng đúng tiến độ từ nay đến 2015, nhưng sau đó chỉ còn những nguồn thủy điện nhỏ lẻ. Trữ lượng than khai thác có hiệu quả kinh tế cũng là một dấu hỏi lớn, trong đó có dự báo lạc quan cho rằng có thể khai thác hơn 50 năm nữa, nhưng mức bi quan thì không vượt quá 20 năm. Gần đây người ta tìm thấy dấu hiệu bể than nâu dưới nền đồng bằng sông Hồng, có thể là một nguồn bổ sung tiềm năng nhưng chưa rõ ràng cả về hiệu quả khai thác và phát triển bền vững.

An toàn môi trường-sinh thái là vấn đề lớn bắt buộc phải tính đến. Trong 30 năm nay, toàn nhân loại ngày càng nhận thức rõ hơn mặt trái tàn phá môi trường do quy mô và tốc độ công nghiệp hóa. Nguồn lớn nhất gây ra hiệu ứng nhà kính mang tính toàn cầu là nhiệt điện than. Hai nước có tổng lượng phát thải cacbonic lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó Trung Quốc vừa là nước phát triển nóng trên đà công nghiệp hóa với tốc độ tăng GDP nhiều năm lên tới 12 - 13%, cũng là quốc gia mà theo số liệu của Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA), đã đóng góp đến 14% tổng phát thải trong thập niên này và còn có thể tăng lên đến 19% tổng phát thải khí vào năm 2030.

Nếu so sánh thì đầu tư cho điện than khá rẻ (khoảng 700 - 1.200 USD/kWe), chỉ khoảng 30 - 50% đầu tư cho điện hạt nhân. Nhưng nếu tính cả phí vận hành thì điện than bị đội giá lên đáng kể và vấn đề chính là cái giá phải trả do hậu quả ô nhiễm môi trường có thể sẽ lớn vượt bậc ngoài dự tính.

Bây giờ nếu so với than, dầu và cả các nguồn khác sạch hơn như thủy điện và điện khí, chúng ta sẽ thấy ngoài điện hạt nhân thì không có nguồn công suất lớn nào đáp ứng được thách thức có tính toàn cầu hiện nay về cắt giảm khí nhà kính, bảo vệ cho Trái Đất khỏi nóng nhanh lên trong thế kỷ 21.

Điện hạt nhân đã phát huy hiệu quả kinh tế ở nhiều nước. Trong châu Âu hiện nay, Pháp và Phần Lan là hai nước với tỉ lệ điện hạt nhân cao nhất, đồng thời cũng có giá bán điện rẻ chỉ khoảng 40%-50% so với nhiều nước khác như Đức, Ý, Hà Lan.

Hiện nay, suất đầu tư ban đầu của điện hạt nhân còn khá cao, từ 1500 đến 3000 USD/kWe, thậm chí có thể cao hơn do chi phí bổ sung nâng cấp an toàn hạt nhân đủ phòng ngừa những tình huống tai nạn nghiêm trọng hiếm gặp.

Có ý kiến lo ngại rằng các lò thế hệ 3 và 3+ đạt được độ an toàn cao thì lại nâng giá thành quá đắt so với lò thế hệ cũ. Điều đó chỉ đúng một phần, vì công nghệ mới hiện đại khi đưa ra thương mại, lúc đầu bao giờ cũng cao giá, nhưng sẽ dần dần bình ổn sau khi được chế tạo tối ưu hóa.

Có thể thấy rõ mấy yếu tố minh họa như các nhà máy điện mới có xu hướng vừa hiện đại, nhưng lại lược giản đáng kể kết cấu thiết kế vừa giúp tăng độ tin cậy vận hành, đồng thời cũng làm giảm giá thành. Nếu tính cả khả năng nâng hiệu suất nhiệt, hiệu quả thiêu kết nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ v.v. đưa vào tổng vốn đầu tư ban đầu và chi phí vận hành, bao gồm cả dự báo chi phí tháo dỡ lâu dài, người ta thấy điện hạt nhân vẫn có khả năng cạnh tranh.

Cũng như bất cứ công nghệ nào khác, muốn phát triển điện hạt nhân nghĩa là phải chấp nhận và từng bước khắc phục những nhược điểm của nó, đó là phải nâng cao độ an toàn để loại trừ tai nạn hạt nhân gây phát thải vào môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và làm chủ việc bảo quản xử lý nhiên liệu phóng xạ sau khi đã thiêu kết. Cân nhắc so sánh các mặt lợi-hại của từng loại nguồn phát sẽ đưa đến quyết sách cho từng quốc gia có nên phát triển điện hạt nhân hay không.

Có nhiều nước sẽ chưa cần đến điện hạt nhân trong nhiều thập niên tới, nhưng trên bình diện chung toàn thế giới, chắc chắn trong 50 năm nữa sẽ chưa có nguồn năng lượng nào khác đủ năng lực thay thế hoàn toàn điện hạt nhân trong một chiến lược phát triển bền vững.

Vì vậy, sự lựa chọn khả thi hơn cả đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam sẽ là sự kết hợp tối ưu các dạng điện năng khác nhau. Trong đó, điện hạt nhân là một thành phần bình đẳng, sẽ từng bước được cải tiến và hoàn thiện theo xu hướng an toàn và sạch.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Trung Quốc "tự mang vạ vào thân"
Cuộc mặc cả Nga - Mỹ thời kỳ "hậu Assad"
Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Việt Nam
Obama nhượng bộ Đảng Cộng hòa vì “vực thẳm tài khóa”
Không kích B-52 vào Hà Nội và những sai lầm của người Mỹ

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động