RSS Feed for Vietsovpetro đã sẵn sàng cung ứng dịch vụ và vai trò nhà đầu tư điện gió ngoài khơi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 29/06/2024 11:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vietsovpetro đã sẵn sàng cung ứng dịch vụ và vai trò nhà đầu tư điện gió ngoài khơi

 - Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu và quan trọng để nhìn về một tương lai bền vững và phát triển. Nắm bắt được xu thế, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã và đang đẩy mạnh công tác marketing, tìm kiếm dịch vụ, đầu tư nâng cấp các nguồn lực, cũng tiếp tục hoàn thiện chuỗi cung ứng để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho điện gió ngoài khơi (cung cấp dịch vụ và vai trò là nhà đầu tư vào các dự án).
Vietsovpetro phát triển nguồn nhân lực theo xu hướng chuyển dịch năng lượng Vietsovpetro phát triển nguồn nhân lực theo xu hướng chuyển dịch năng lượng

Trong bối cảnh ngành năng lượng toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và xanh sạch, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới nói chung, cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) nói riêng, đứng trước nhiều thách thức lẫn cơ hội. Sự thích ứng và tái cấu trúc nguồn nhân lực trở thành yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững và thành công của doanh nghiệp dầu khí trong tương lai.

Chuyển dịch năng lượng được hiểu là sự chuyển đổi các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt…) sang các dạng năng lượng sạch hơn (như năng lượng gió, mặt trời, thủy triều…), từ đó giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức sâu sắc được vấn đề đó, Việt Nam đã và đang triển khai những bước đầu của việc chuyển dịch năng lượng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ lâu đã xác định chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu toàn cầu. Ngày 1/7/2020, Tổng giám đốc PVN đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-DKVN về thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác về chuyển đổi năng lượng của PVN và định kỳ tổ chức các cuộc họp để báo cáo, cập nhật tình hình chuyển dịch năng lượng tại các đơn vị trong Tập đoàn.

Định hướng chung của PVN là nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ năng lượng mới, thân thiện với môi trường để giảm phát thải từ các hoạt động sản xuất sử dụng nguồn năng lượng truyền thống.

Để thực hiện những định hướng về chuyển dịch năng lượng nói trên, PVN đã ban hành nhiều kế hoạch và chương trình hành động như: Kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu của PVN (giai đoạn 2018 - 2030); sổ tay tuyên truyền về biến đổi khí hậu (phấn đấu đến 2025 sẽ giảm phát thải 15,55 triệu tấn CO2 và đến 2030 giảm phát thải được 25,53 triệu tấn CO2).

Ở lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK), PVN đã ký các thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng quốc tế, phối hợp cùng các địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng… cũng như làm việc với các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh việc được cấp thẩm quyền cho phép PVN và một số đơn vị thành viên đầu tư vào lĩnh vực điện gió.

Vietsovpetro đã sẵn sàng cung ứng dịch vụ và vai trò nhà đầu tư điện gió ngoài khơi
Vietsovpetro ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam, ngày 22/7/2020, tại Hà Nội.

Ngoài việc hoàn thành các mục tiêu về thăm dò, khai thác dầu khí, với nguồn lực dồi dào cả về nhân lực, cũng như cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, Vietsovpetro đã và đang chuẩn bị tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng một cách mạnh mẽ, nhất là ngành điện gió ngoài khơi ở cả hai vai trò (cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió và vai trò là nhà đầu tư vào các dự án).

Ở vai trò cung cấp dịch vụ cho ngành điện gió: Vietsovpetro đã và đang chủ động thiết lập chuỗi cung ứng nội địa cung cấp dịch vụ (bao gồm các đơn vị trong và ngoài ngành dầu khí) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng của các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới cho thấy: ĐGNK chính là tổng nguồn lực của dầu khí và chuỗi cung ứng (ĐGNK = dầu khí + chuỗi cung ứng).

Nắm bắt được xu hướng chuyển dịch năng lượng thế giới, ngay từ năm 2017, Vietsovpetro đã bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp ĐGNK. Vietsovpetro đã tổ chức và tham dự nhiều hội nghị, hội thảo về chuyển dịch năng lượng và ĐGNK. Đã liên hệ, tiếp cận, trao đổi thông tin dự án để tiến tới ký kết thỏa thuận với các chủ đầu tư và nhà phát triển các dự án điện gió như: Enterprise Energy, REGS, Novasia Energy, Asia Petro, COP/CIP, Trung Nam Group, Mainstream Phú Cường, Deme Concessions Wind, Zarubezhneft…

Song song với công tác chuẩn bị và xây dựng các điều kiện cần thiết để mở rộng cung cấp dịch vụ cho các dự án điện gió, Vietsovpetro đã ký nhiều thỏa thuận với nhiều đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng cho ĐGNK như: PVCMS, Sao Mai Bến Đình, Bason, PVShipyards, Petrosetco, Doosan, EEW, Deme Offshore, Jan de Nul, POSCO E&C… Đã chào nhiều gói thầu về EPCI cho nhiều dự án điện gió như: Hai Long, Formosa tại Đài Loan, dự án điện gió phao nổi của Petronas, dự án Phú Cường Sóc Trăng của Mainstream - Phú Cường, dự án Aomori của RWE tại Nhật Bản, dự án Neart na Gaoithe (NnG) tại Scotland…

Với định hướng mở rộng lĩnh vực hoạt động sang năng lượng tái tạo, trong những năm gần đây, Vietsovpetro đã từng bước nghiên cứu môi trường đầu tư ĐGNK tại Việt Nam qua các dự án như điện gió Thăng Long, Vĩnh Phong. Việc tìm hiểu các dự án này đã mang lại những kiến thức nhất định để xem xét đề xuất hướng đi mới trong chuyển dịch năng lượng.

Từ các kinh nghiệm thực tiễn, ban lãnh đạo Vietsovpetro đã kết luận rằng: Việc tham gia đầu tư vào dự án điện gió là phù hợp với xu hướng và có tiềm năng đem lại lợi ích kinh tế cho Vietsovpetro.

Ngày 27/11/2020, Tổng giám đốc Vietsovpetro đã ký Quyết định số 1327/QĐ-KH về việc “thành lập tổ công tác nghiên cứu tiềm năng tham gia góp vốn vào các dự án điện gió”. Tính đến nay đã thu được các kết quả khá đầy đủ về tiềm năng phát triển ĐGNK của Vietsovpetro, cũng như cơ sở tài chính cho việc tham gia đầu tư góp vốn.

Từ kỳ họp Hội đồng thứ 53 (tháng 12/2020), Vietsovpetro đã đề xuất Hội đồng xem xét các định hướng về tham gia, đầu tư góp vốn vào các dự án ĐGNK trong chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2045. Từ đó đến nay, Vietsovpetro đã và đang tiếp tục phối hợp với PVN và các cấp có thẩm quyền để xây dựng hành lang pháp lý cho phép PVN và Vietsovpetro tham gia đầu tư vào các dự án ĐGNK.

Hiện nay, Vietsovpetro vẫn đang theo sát và cập nhật thông tin về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch điện VIII bổ sung công suất ĐGNK tới 6 GW đến năm 2030 và đây chính là cơ hội để Vietsovpetro là tổng thầu, hoặc đứng đầu trong chuỗi cung ứng, thực hiện thi công chế tạo, vận chuyển lắp đặt cho các công trình điện gió.

Nhằm đáp ứng các yêu cầu chuyên biệt, Vietsovpetro đã và đang tiếp tục thực hiện các công việc chuẩn bị, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị, nhân lực để thực hiện các dịch vụ cho các dự án ĐGNK như:

- Từ 6/2023 được Tổ chức gió Thế giới (GWO) công nhận là đơn vị có đủ năng lực chuyển dịch năng lượng đào tạo an toàn trong ngành công nghiệp điện gió, bước đầu đã tổ chức được một số khóa học BST cho các khách hàng trong ngành điện gió.

- Tiếp tục xem xét đầu tư nâng cấp cẩu bánh xích 1.350 tấn để phục vụ thi công lắp đặt các thiết bị điện gió.

- Đã mua sắm và lắp đặt lidar phục vụ đo gió và khảo sát ngoài khơi, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị phục vụ công tác vận hành, bảo dưỡng cho các dự án điện gió.

Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã ký và thực hiện thành công các hợp đồng dịch vụ thiết kế, chế tạo hộp nối cáp ngầm 22 kV, lắp đặt hộp nối và sửa chữa tuyến cáp ngầm, hợp đồng bảo dưỡng sửa chữa tua bin, cánh quạt điện gió…

Về các dịch vụ khảo sát biển cho các công trình điện gió, Vietsovpetro đã được trao thầu hợp đồng khảo sát địa chất và địa vật lý đáy biển cho dự án điện gió La Gàn của liên danh nhà đầu tư COP-Petro Asia-Novasia Energy.

Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu và quan trọng để nhìn về một tương lai bền vững và phát triển. Nắm bắt được xu thế, Vietsovpetro đã và đang đẩy mạnh công tác marketing và tìm kiếm dịch vụ, đầu tư nâng cấp các nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện chuỗi cung ứng để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho ĐGNK.

Có thể hy vọng và tin tưởng rằng, việc Vietsovpetro sớm được phép đầu tư vào ĐGNK trong thời gian tới sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn nữa cho lĩnh vực năng lượng nói chung và người lao động Vietsovpetro nói riêng - giúp Vietsovpetro vừa giữ vững vị thế là cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam, vừa là đội quân tinh nhuệ tiên phong trong quá trình chuyển dịch năng lượng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động