RSS Feed for Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 22:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)

 - Gần đây, báo chí đưa nhiều thông tin liên quan đến nhà máy nhiệt điện đốt than (NĐT). Chính nhờ sự đưa thông tin này mà tất cả những ai liên quan đến nhà máy NĐT ở Việt Nam phải xem xét lại một cách toàn diện về những mặt được, chưa được để có những biện pháp hiệu quả nhất trong việc phát triển nhiệt điện than. Chỉ đáng phàn nàn là các tổ chức mang tên "khoa học", các "nhà khoa học" khi cung cấp thông tin cho báo chí đã không cung cấp đầy đủ, không nói rõ nguồn gốc, nguyên nhân và phạm trù xảy ra, khiến cho cộng đồng hiểu sai về nhiệt điện than. Điều đáng chú ý là những thông tin có tính chất suy diễn chủ quan, thể hiện người cung cấp thông tin hiểu biết rất nông cạn về lĩnh vực năng lượng và trách nhiệm công dân với nền kinh tế đất nước... Để phân tích, làm rõ nhiều vấn đề dư luận quan tâm, Tạp chí Năng lượng Việt Nam thực hiện loạt bài phản biện khoa học: Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?

Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết

BÀI 1: CÔNG BỐ THÔNG TIN KHÔNG CHUẨN XÁC VỀ NHIỆT ĐIỆN THAN

Ví dụ, có thông tin nói rằng, theo nghiên cứu của Trường Đại học Harvard (Mỹ), ở Việt Nam mỗi năm có 4.300 người chết yểu vì ô nhiễm do NĐT. Không rõ Trường Đại học Harvard nghiên cứu như thế nào, hay chỉ là suy diễn? Chúng tôi có chất vấn lại là nếu Trường Harvard có kết quả nghiên cứu như vậy thì tại sao không cảnh báo cho nước Mỹ có tới 40% tổng sản lượng điện là do NĐT, gấp 50 lần (xin nhấn mạnh là gấp 50 lần) sản lượng điện than của Việt Nam (hơn 2.000 tỷ kWh)? Sao không cảnh báo cho nước Úc có tới 70%, nước Đức có tới 45% tổng sản lượng điện là nhiệt điện than? Còn Việt Nam mới chỉ có 25% (mà 25% của tổng sản lượng nhỏ bé hơn nhiều so với họ).

Ví dụ, thông tin nói rằng, nước Mỹ đóng cửa 165 nhà máy NĐT (mà lại không nói rõ đó là những nhà máy điện còn niên hạn, hay đã hết niên hạn sử dụng (niên hạn của nhà máy nhiệt điện than trung bình là 30 năm). Việc đóng cửa này xảy ra trong bao lâu, trong 1-2 năm, hay trong vài chục năm? Nếu đóng cửa 165 nhà máy NĐT nghĩa là sẽ mất đi 165 triệu kW, vậy thì nước Mỹ đã bù đắp sự thiếu hụt này như thế nào?

Hoặc, nước Mỹ đã ngăn chặn không cho đầu tư mới 179 dự án NĐT, nhưng lại không cho biết sự ngăn chặn này đã xảy ra trong bao nhiêu năm. Chẳng lẽ trong 1-2 năm mà dự kiến đầu tư tới 179 nhà máy NĐT, công suất nhà máy nhiệt điện và tổng công suất của 179 nhà máy điện này là bao nhiêu?

Cứ coi công suất trung bình mỗi nhà máy điện là 1.000.000 kW và với suất đầu tư thấp là 1.500 USD/kW thì nước Mỹ cần tới 2.700 tỷ USD để đầu tư cho 179 nhà máy điện này.

Tốc độ tăng trưởng điện năng hằng năm của nước Mỹ trong 20 năm gần đây (1995-2015) là dưới 1,5%/năm và với tỷ lệ NĐT 40% thì mỗi năm nước Mỹ cũng chỉ cần xây dựng mới 4 - 5 nhà máy công suất 1.000.000 kW. Vậy thì 179 dự án mới là ở đâu, những bang nào và trong bao lâu (phải khoảng 40 năm mới đầu tư hết 179 nhà máy điện này).

Hơn nữa, nước Mỹ phát thải 25% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới.

Cũng có thông tin cho rằng, 14 nhà máy NĐT ở Đồng bằng sông Cửu Long mỗi ngày sẽ thải ra 70 triệu m3 nước nóng 40 độ C, gây hủy hoại môi sinh. Không rõ họ tính toán hay suy diễn từ đâu để có trị số nhiệt độ nước thải 40 độ C (hiểu theo nghĩa là thường xuyên có nhiệt độ 40 độ C).

Còn Việt Nam, theo các thông báo về kiểm kê khí thải nhà kính mới chỉ là 0,5 % tổng lượng phát thải của thế giới và không phải là quốc gia trong diện phải giảm phát thải khí nhà kính.

Ở Việt Nam, nguồn thủy năng đã khai thác triệt để, tỷ lệ thủy điện theo sự tăng tổng sản lượng điện ngày càng giảm, nhiệt điện khí cho giá điện đắt gấp 2 lần giá điện than. Nước ta cũng đã phải nhập khẩu khí đốt. Nếu không phát triển điện hạt nhân (mà tỷ lệ điện hạt nhân cũng không thể cao được) thì chỉ còn nhiệt điện than. Chả lẽ điện tái tạo sẽ là chủ yếu? Liệu có đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế đất nước hay không?

Cứ theo các thông tin như đã đề cập ở trên, các nhà máy NĐT ở Việt Nam cũng như thế giới phải bị đóng cửa từ lâu, môi sinh ở các nơi cấp nước làm mát cho các nhà máy NĐT sẽ bị hủy diệt hết. Theo tôi, việc thông tin như vậy là quá nguy hiểm và không đúng!

Trên thế giới, tỷ lệ nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện năng của thế giới tới 41%, gấp 2 lần so với nguồn điện đứng thứ hai, nghĩa là nhiệt điện than vẫn là chủ yếu, thậm chí ở những nước phát triển như: Úc, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, tỷ lệ nhiệt điện than còn cao hơn trung bình của thế giới.

Nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn, các biện pháp xử lý các chất phát thải cũng rất hiện đại và triệt để. Tuy nhiên, ở một vài nhà máy nhiệt điện đốt than cũng có vấn đề, cũng cần phải có các giải pháp khắc phục. (Phản biện khoa học kỳ tới:  Nhiệt điện than và "bài toán" năng lượng điện Việt Nam)

PGS, TS. TRƯƠNG DUY NGHĨA

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động