RSS Feed for Vai trò kho dự trữ quốc gia dầu thô, xăng dầu một số nước ASEAN - Nhìn về Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 09:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò kho dự trữ quốc gia dầu thô, xăng dầu một số nước ASEAN - Nhìn về Việt Nam

 - Như chúng ta đều biết, mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề xuất Chính phủ (cơ hội đầu tư) Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn. Để bạn đọc tham khảo và có cái nhìn thực tế hơn vấn đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp vài nét về vai trò đầu tư dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu ở một số nước ASEAN.
Đề xuất đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu, kho dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia Việt Nam Đề xuất đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu, kho dự trữ dầu thô và xăng dầu quốc gia Việt Nam
‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam ‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Đánh giá khả năng gia tăng trữ lượng dầu khí của Việt Nam (giai đoạn 2022-2025) Đánh giá khả năng gia tăng trữ lượng dầu khí của Việt Nam (giai đoạn 2022-2025)
Biến động giá năng lượng toàn cầu - Nhìn về giá điện Việt Nam Biến động giá năng lượng toàn cầu - Nhìn về giá điện Việt Nam
Nhập, xuất dầu thô của Việt Nam sao cho có lợi nhất? Nhập, xuất dầu thô của Việt Nam sao cho có lợi nhất?

Tầm quan trọng dự trữ năng lượng đối với phát triển kinh tế:

Theo Viện Đại học Oxford, Anh: Tương lai của thị trường dầu khí thế giới trông khác xa so với 15 năm qua, nhất là ở các nước đang phát triển, do đó cần phải điều chỉnh kỳ vọng và điều chỉnh các lựa chọn chính sách của chính các quốc gia này.

Địa chính trị và dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Có hai thị trường dầu, thị trường thùng ướt - nơi các thùng dầu thô thực sự được mua và bán, và thị trường thùng giấy - nơi những lời hứa (viết trên giấy) trong giao dịch dầu. Để hiểu thùng ướt cần tới ‘Kinh tế học 101’ (Economics 101) còn thị trường thùng giấy thì cần tới ‘Tâm lý học 101’ (Psychology 101). Mối quan hệ giữa hai thị trường này rất phức tạp và gây tranh cãi liên quan đến nhận thức. Những hợp đồng đàm phán trong thị trường thùng ướt sẽ xem xét thị trường thùng giấy để đưa ra dấu hiệu về giá cụ thể là bao nhiêu. Những người trong thị trường thùng giấy quyết định đầu tư vào đâu phải xem xét thị trường thùng ướt để biết dấu hiệu thừa, hoặc thiếu.

Có hai vấn đề ở đây làm trầm trọng thêm sự biến động giá dầu:

Đầu tiên, nhiều người chơi trên thị trường giấy không thực sự hiểu về ngành công nghiệp dầu mỏ và thường hiểu sai về trạng thái của thị trường thùng ướt, thường cho rằng thiếu hụt khi không có. Trong khi điều này nghe có vẻ không thể xảy ra, một tình huống tương tự cũng tồn tại trong thị trường ngoại hối, được gọi là ‘lý thuyết vật tế thần’ (Bacchetta và Van Wincoop 2004). Do đó, các nhà kinh tế cố gắng dự đoán tỷ giá hối đoái bằng cách sử dụng các thước đo kinh tế thông thường sẽ thường mắc sai lầm vì những người thiết lập tỷ giá - tức là các nhà giao dịch, nhìn vào một bộ số liệu hoàn toàn khác.

Nguồn thứ hai của sự biến động giá là nhận thức có thể thay đổi trong chớp mắt và cùng với đó là giá cả.

Trong bối cảnh này, có thể dễ dàng nhận thấy sự liên quan của địa chính trị đối với giá cả. Bất kỳ sự mất mát nào về nguồn cung dầu do các sự kiện địa chính trị (chẳng hạn như chiến tranh), đều ảnh hưởng đến nguồn cung vật chất trên thị trường thùng ướt.

Chính trị, rõ ràng đã ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ, những lo ngại về an ninh cung cấp thúc đẩy các chính sách năng lượng của các quốc gia nhập khẩu năng lượng, do đó sẽ tác động đến mức tiêu thụ năng lượng và sự kết hợp năng lượng. Tương tự, những lo ngại về an ninh thúc đẩy sự trỗi dậy (hoặc sụp đổ) của chủ nghĩa dân tộc tài nguyên. Thế kỷ này đã có một sự trỗi dậy đáng kể trong chủ nghĩa dân tộc tài nguyên, trùng với sự trỗi dậy của siêu chu kỳ hàng hóa. Điều này cho thấy vai trò dự trữ năng lượng không kém phần quan trọng như dự trữ lương thực, hay dự trữ tiền tệ… Vai trò này đã được chứng minh thực tế trong những năm gần đây- đó là đại dịch Covid-19 bùng phát, chiến tranh tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát… khiến nhiều quốc gia chơi vơi giữa dòng xoáy tìm kiếm năng lượng cho người dân của mình.

Cách dự trữ quốc gia dầu thô, xăng dầu của người Thái Lan:

Ngày 11/3/2022, Bộ Năng lượng Thái Lan (EMT) thông báo yêu các công ty dầu mỏ ở nước này tăng dự trữ từ 60 ngày lên 70 ngày để đảm bảo có đủ nhiên liệu cho nhu cầu sử dụng trong nước trong bối cảnh khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu gây ra bởi xung đột Nga - Ukraine. Chính phủ Thái Lan cũng thông báo họ cũng sẽ nâng dự trữ dầu thô của quốc gia từ 4 lên 5% và dự trữ dầu thành phẩm từ 1 đến 2%.

Theo trang tin Worldometers.info: Năm 2016, dự trữ dầu của Thái Lan là 404.890.000 thùng, đứng thứ 50 trên thế giới, còn về sản xuất dầu mỗi ngày đạt 531.329 thùng, xếp thứ 29 trên thế giới. Tiêu thụ dầu mỗi ngày 1.302.000 thùng, đứng thứ 17 trên thế giới. Về nhập khẩu dầu, Thái Lan nhập 875.446 thùng/ngày, xuất khẩu 33.237 thùng/ngày, nhập khẩu ròng 842.209 thùng/ngày.

Dự trữ dầu ở Thái Lan chiếm khoảng 0,02% tổng trữ lượng dầu của thế giới (1.650.585.140.000 thùng). Tổng trữ lượng dầu ở Thái Lan chưa bằng một năm tiêu thụ dầu (475.230.000 thùng tính đến năm 2016), khiến Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu để duy trì mức tiêu thụ.

Cách dự trữ dầu thô, xăng dầu của Indonesia:

Trữ lượng dầu của Indonesia dài 9,5 năm và khí đốt 19,9 năm với mức khai thác hiện nay - đó là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) Arifin Tasrif nêu tại cuộc họp của Ủy ban VII DPR RI tại Jakarta hồi cuối tháng Giêng. “Điều này giả định rằng: Không có phát hiện mới và mức sản xuất hiện tại là 700 nghìn thùng dầu mỗi ngày (bopd) và 6 tỷ feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày (bscfd)” - Bộ trưởng Tasrif cho biết thêm.

Nếu năm 2016, Indonesia nắm giữ 3.692.500.000 thùng trữ lượng dầu đã được chứng minh, đứng thứ 27 trên thế giới, chiếm khoảng 0,2% trong tổng trữ lượng dầu 1.650 tỷ thùng của thế giới, tương đương 6,2 lần mức tiêu thụ hàng năm thì đến năm 2020 con số này đã khác xa so với năm 2016. Dữ liệu dự trữ tính đến năm 2020 ghi nhận là 2,44 tỷ thùng. Trong khi đó, trữ lượng khí đốt tự nhiên được ghi nhận là 62,4 nghìn tỷ feet khối, với tổng trữ lượng đã được chứng minh là 43,6 nghìn tỷ feet khối.

Hiện tại, Chính phủ Indonesia đang cố gắng duy trì tuổi thọ của trữ lượng dầu khí bằng cách tăng cường các hoạt động thăm dò. Vào năm 2020, ESDM đã tiến hành một cuộc khảo sát địa chấn 2 chiều với tuyến 28.349,83 km dài, cũng như khảo sát địa chấn 3 chiều là 1.250,97 km dài.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt liên tiếp được các bên liên quan áp đặt cho nhau đã gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế thế giới, nhất là lĩnh vực năng lượng, bởi nước Nga giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng khí đốt, dầu mỏ, than đá và urani.

Theo tờ The Economist (ngày 12/3/2022): Đây là cú sốc lớn nhất trên thị trường hàng hóa toàn cầu kể từ khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, thậm chí hậu quả của các chính sách cấm vận sẽ còn tệ hại hơn cả đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới. Tính đến cuối tháng 3/2022, giá dầu thế giới vẫn quanh ngưỡng cao kỷ lục (trên 100 USD/thùng) và dự kiến giá dầu tháng 10/2022 đứng ở mức 96,75 USD/thùng. Điều này cho thấy, các quốc gia và những nền kinh tế phương Tây vẫn chưa có cách nào thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ nước Nga, thậm chí có nước đã đàm phán nhập khẩu lại khí đốt Nga như Hungary chẳng hạn.

Đối với Indonesia - quốc gia phát hiện dầu khí đầu tiên vào năm 1885, và là thành viên của khối OPEC - nơi có ngành dầu khí ra đời sớm nhất ở Đông Nam Á. Năm 2011, Indonesia được xếp hạng thứ 20 trong số các nước sản xuất dầu thô trên thế giới. Ngành công nghiệp dầu khí của Indonesia từ lâu đã phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, từ lĩnh vực thượng nguồn đến hạ nguồn, hoạt động trong nước lẫn ở nước ngoài.

Từ 2009 trở về trước, sản lượng nội địa của Indonesia luôn trên 1 triệu thùng/ngày, phần lớn dành cho xuất khẩu. Tuy vậy, từ năm 2003 trở đi, nước này trở thành nước nhập khẩu dầu ròng, vì nhu cầu trong nước không ngừng tăng, hiện nay nhu cầu trong nước thiếu gần khoảng 400.000 thùng/ngày so với sản lượng nội địa và không còn là thành viên của OPEC nữa.

Indonesia cũng là nước đầu tiên đưa ra mô hình hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) còn đang được áp dụng rộng rãi trong quan hệ giữa nước chủ nhà với các công ty dầu khí nước ngoài và mô hình này đã có nhiều cải tiến để phù hợp với điều kiện của từng nước.

Cùng với đầu tư dự trữ dầu thô, Indonesia thúc đẩy tìm kiếm mỏ mới, hay đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để bắt kịp xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Công ty dầu mỏ quốc gia Indonesia Pertamina có kế hoạch tăng cường nỗ lực để hỗ trợ mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2060. Tỷ trọng năng lượng mới và năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng lên 17% tổng sản lượng năng lượng vào năm 2030.

Theo Pertamina: Kế hoạch này không chỉ giúp Indonesia thực hiện tốt cam kết trung hòa carbon với cộng đồng quốc tế mà còn đảm bảo tốt an ninh năng lượng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo, bởi từ lâu, Indonesia được ví là 'xứ sở vạn đảo', với tổng cộng 13.487 hòn đảo lớn nhỏ, dân số hơn 274,1 triệu người.

Đầu tư kho dự trữ quốc gia dầu thô, xăng dầu và những câu hỏi cho Việt Nam:

Với bối cảnh thế giới biến động từng ngày, nên vấn đề an ninh năng lượng, một khái niệm phức tạp liên quan nhiều lĩnh vực, gắn chặt với an ninh kinh tế, an ninh quốc gia là vô cùng quan trọng, và cần được nhận thức một cách toàn diện. Những khó khăn trong cung ứng xăng dầu trong nước giai đoạn vừa qua làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém cần phải sửa đổi của hệ thống cung ứng và bảo đảm năng lượng.

Theo báo Nhân Dân: Giống như những lần khủng hoảng toàn cầu khác, Việt Nam khó có thể đứng ngoài khi chúng ta đã là nền kinh tế lớn thứ 40 của thế giới. Tuy là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô về để chế biến và tiêu thụ.

Tại Việt Nam, năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, nên chúng ta vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước, nên việc thiếu hụt sản phẩm xăng dầu trong tương lai là điều khó tránh.

Theo thống kê, khả năng sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% cho nhu cầu sản phẩm xăng dầu ở thời điểm hiện nay và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Khi đó Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn sản phẩm xăng dầu (ước tính 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045).

Cụ thể hơn, dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay mới đáp ứng chưa tới 10 ngày tiêu dùng, nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Chưa kể, mặt hàng xăng dầu, sản phẩm hóa dầu có tính đặc thù nên cần có thời gian đặt hàng trước. Vì vậy đầu tư kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu trong nước thời điểm này dựa trên các bài học quốc tế nói trên là rất thiết thực và cần thiết.

Theo giới chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu nên được vận hành theo quy luật thị trường và xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần có lộ trình và có cơ chế bảo đảm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu tìm đến các nguồn cung có giá cả cạnh tranh, thực hiện quản trị doanh nghiệp hiện đại để cắt giảm chi phí, chống thất thoát lãng phí để có giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng.

Trước mắt, việc xây dựng cơ sở dự trữ xăng dầu chiến lược vẫn theo hình thức gửi nhờ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như hiện nay để tiết kiệm chi phí. Nhưng về lâu dài, cần đầu tư kho dự trữ dầu mỏ và sản phẩm xăng dầu quốc gia. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa đề xuất phát triển kho dự trữ dầu thô và sản phẩm dầu quốc gia đi kèm với tổ hợp lọc hóa dầu ở Long Sơn, Vũng Tàu. Đó là hướng đi cho xây dựng dự trữ xăng dầu quốc gia./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

THEO: ACC/WI/BPC/CCC/EC/SNV- 8/2022

Link:

1. https://academic.oup.com/book/27405/chapter/197217823

2. https://www.worldometers.info/oil/thailand-oil/

3. https://www.idnfinancials.com/news/37810/indonesia-oil-reserves-gas

4. https://www.bangkokpost.com/thailand/general/2277235/fuel-stockpile-raised-as-crisis-continues

5. https://www.worldometers.info/oil/thailand-oil/#google_vignette

6. https://countryeconomy.com/energy-and-environment/crude-oil/reserves/thailand

7. https://www.economist.com/leaders/2022/03/12/war-and-sanctions-have-caused-commodities-chaos

8. https://special.nhandan.vn/baodamanninh/index.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động