RSS Feed for Biến động giá năng lượng toàn cầu - Nhìn về giá điện Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 14:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Biến động giá năng lượng toàn cầu - Nhìn về giá điện Việt Nam

 - Trong bối cảnh tái cấu trúc thương mại năng lượng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng năng lượng nên dự báo giá năng lượng khó có thể ổn định trong tương lai gần, đặc biệt là giá điện. Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Singapore tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao Singapore tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao

Theo báo The Straitstimes Singapore: Cơ quan điều hành lưới điện SP Group thuộc sở hữu của nhà nước Singapore vừa có thông báo về việc tăng giá điện tiêu dùng trong 3 tháng của quý 2/2022, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 6/2022, với mức tăng trung bình là 10%.

Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025) Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo lên Chính phủ về những khó khăn trong đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc (giai đoạn 2022 - 2025). Phần lớn khó khăn là do thiếu hụt nguồn cấp điện... Nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.


Giá điện thị trường Âu - Mỹ:

Theo Tập đoàn ING, chuyên về lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia của Hà Lan: Giá điện tăng do nhiên liệu đầu vào tăng. Từ năm 2021, giá năng lượng tăng vọt và dự kiến sẽ ở mức cao vào năm 2022. Thị trường năng lượng châu Âu biến động trong suốt năm 2021. Giá điện tăng gấp 4 lần, giá khí đốt tăng gấp 3 và giá dầu gần như tăng gấp đôi. Vào giữa tháng 12/2021, lúc cao điểm, giá khí đốt và điện đã tăng gấp 7 lần, đạt mức chưa từng có trong lịch sử.

Theo trang tin trực tuyến Mỹ Cnbc.com, không phải đến bây giờ, mà giá năng lượng nói chung và điện nói riêng tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỷ lục từ giữa 2021. Năm 2021, giá điện tăng báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt hơn với người dân EU. Giá điện của Pháp đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, do sự kết hợp của các yếu tố từ sự phục hồi kinh tế của châu Á khiến giá than và khí đốt tăng mạnh.

Theo Reuters, giá điện chuẩn của EU, tính theo giá bán buôn của Đức kỳ hạn năm 2022 đã lập mốc mới vào ngày 10/9/2021, đứng ở mức 97,25 euro (115,09 USD)/MWh. Trong thành phần giá điện của Đức, có khoảng 25% là phí đấu nối lưới điện, kể cả bao gồm đo đếm và các dịch vụ kèm theo. Tỷ lệ cơ cấu nguồn điện hiện nay của nước Đức với 27% gió, 24% than, 12% hạt nhân, 12% khí tự nhiên, 10% mặt trời, 9,3% sinh khối, 3,7% thủy điện.

Riêng tại Pháp, giá điện bán buôn cũng đang áp sát mức cao kỷ lục 100,4 euro/MWh. Giới phân tích cho rằng, giá điện ở châu Âu đang tăng theo chiều xoắn ốc lên mức cao nhất trong nhiều năm. Lý do như đã được đề cập, rất đa dạng như giá hàng hóa và nhu cầu giảm thiểu carbon cho đến xung đột chiến sự hay sản lượng gió thấp… Ngoài ra, giá điện tăng còn có lý do mô hình cung cấp điện gió và năng lượng mặt trời vẫn chưa ổn định tại thị trường EU, khiến giá điện không giảm.

Về giá điện Mỹ, theo trang tin trực tuyến Statista.com (SC) cập nhật đầu tháng 4/2022, giá bán lẻ điện năng tại Mỹ đứng ở mức trung bình 11,18 US cent/kWh vào năm 2021. Đây là con số cao nhất được báo cáo và thể hiện mức tăng trưởng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một trong những quốc gia có giá điện thấp nhất trên toàn cầu. Lý do, Mỹ là nước sản xuất năng lượng sơ cấp lớn, giá năng lượng tương ứng thấp hơn so với các nước phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu hoặc áp thuế cao hơn. Trung bình, giá điện bán lẻ ở Mỹ đã tăng hơn 60% kể từ đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng bị ảnh hưởng như nhau bởi sự tăng giá nói trên. Giá điện tại Mỹ cho khách hàng dân cư đã tăng mạnh hơn nhiều trong giai đoạn này, trong khi giá điện công nghiệp vẫn tương đối không đổi trong thập kỷ qua.

Theo Statista.com, giá điện tăng cao là do chi phí sản xuất điện và bảo trì lưới điện. Mặc dù giá thành sản xuất điện từ các nguồn than, khí đốt tự nhiên và hạt nhân vẫn tương đối ổn định, nhưng việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư vào công nghệ lưới điện thông minh, nhu cầu cao điểm ngày càng tăng và tình trạng mất điện do thiên tai tiếp tục gây khó khăn cho các công ty điện lực ngành trong những năm gần đây. Giá điện trung bình của Mỹ trên mỗi tiểu bang cũng biến thiên, riêng cư dân Hawaii phải chịu mức giá điện cao nhất trong cả nước. Theo đó, vào tháng 8/2021, giá bán lẻ điện trung bình cho các khu dân cư Hawaii lên tới 34,3 US cent cho mỗi kilowatt giờ. Massachusetts và California đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba, với lần lượt là 23,48 và 23,44 cent mỗi kilowatt giờ.

Giá điện thị trường châu Á:

Theo Globalpetrolprices.com tại khu vực châu Á, do giá năng lượng tăng nên giá điện được xem là “cuốn theo chiều gió” tăng theo. Tại Nhật Bản, giá điện tháng 9 năm 2021 là 0,241 USD/ kWh cho hộ gia đình và 0,184 USD cho doanh nghiệp. Còn tại Trung Quốc, giá điện tháng 9 năm 2021 là 0,088 USD/kWh cho hộ gia đình và 0,099 USD cho doanh nghiệp. Tại Ấn Độ, giá điện tháng 9 năm 2021 là 0,079 USD/kWh cho hộ gia đình và 0,109 USD/kWh cho doanh nghiệp.

Cơ sở tính bao gồm tất cả các thành phần của hóa đơn điện như chi phí điện, phân phối và thuế. Để so sánh, giá điện trung bình trên thế giới tại thời điểm tháng 9 năm 2021 là 0,138 USD/kWh đối với hộ gia đình và 0,128 USD đối với doanh nghiệp.

Theo Bloomberg và Straitstimes, đầu tháng 4/2022, Singapore đã công bố mức tăng tăng giá điện 10% do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Đây là thông báo của SP Group - công ty điều hành lưới điện quốc gia thuộc sở hữu nhà nước. Theo thông báo, SP Group sẽ tăng giá điện tiêu dùng trong 3 tháng quý 2/2022, với mức tăng trung bình 10%. Cụ thể, đối với các hộ gia đình, giá điện chưa bao gồm thuế sẽ tăng từ 25,44 cent/kWh (Đô la Singapore) lên 27,94 cent/kWh kể từ ngày 1/4/2022 (khoảng hơn 4.600 đồng/kWh, tức gấp 2,5 lần giá điện bình quân hiện tại Việt Nam chúng ta.

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Singapore mua điện từ SP Group theo biểu giá quy định. Theo SP Group, với mức tăng này, một hộ gia đình với căn hộ 4 phòng tiêu thụ khoảng 349 kWh điện/tháng thì khi tăng giá, hóa đơn tiền điện bình quân hàng tháng sẽ tăng thêm 8,73 USD (200 ngàn đồng tiền VN) chưa tính thuế hàng hóa và dịch vụ (thuế GST).

Theo các chuyên gia, giá điện ở Singapore được tính toán dựa trên 4 tiêu chí, trong đó chi phí nhiên liệu phản ánh chi phí khí đốt tự nhiên nhập khẩu và giá dầu, chiếm khoảng nửa biểu giá điện. Phần còn lại là các chi phí khác liên quan như bảo trì nhà máy điện, hệ thống đo đếm điện năng và truyền tải, phân phối điện, phí phát sinh... Giá điện tăng chủ yếu là do chi phí năng lượng cao hơn phát sinh từ giá khí đốt và giá dầu toàn cầu tăng cao đáng kể do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nga là quốc gia nắm giữ 12% thị phần cung dầu và 17% khí đốt tự nhiên của thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với khí đốt và dầu mỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu như Singapore, nơi có tới 95% lượng điện sản xuất từ khí đốt nhập khẩu.

Theo Ngân hàng OCBC Singapore thì mức giá điện mới phản ánh giá nhiên liệu đầu vào của ngành điện, như than, dầu khí đốt tăng cao. Nó tồn tại không chỉ ở Singapore mà trên toàn cầu, do sự tái cấu trúc của thương mại năng lượng quốc tế ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, do nhu cầu tăng sau đại dịch Covid-19… Dự báo thế giới sẽ còn phải phụ thuộc vào các nguồn này, giá năng lượng khó có thể bình ổn trong 2 đến 3 năm nữa.

Giá điện Việt Nam ở mức nào?

Theo Globalpetrolprices.com, giá điện trung bình trên thế giới ở thời điểm tháng 3/2021 là 0,136 USD/kWh đối với khách hàng hộ gia đình và 0,124 USD/kWh đối với khách hàng là doanh nghiệp. Giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101/147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện) có trong báo cáo. Quốc gia có giá điện bình quân cao nhất thế giới là nước Đức với mức giá 0,372 USD/kWh.

Biến động giá năng lượng toàn cầu - Nhìn về giá điện Việt Nam
Theo Globalpetrolprices.com, giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101/147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện) (Nguồn: GPC).

Số liệu nói trên là để so sánh, theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (cũng tương đương mức 0,083 USD/kWh) - tức là tương đương khoảng 66% so với mức giá điện trung bình của thế giới và cũng chỉ ở mức trung bình thấp so với giá điện bình quân của thế giới (101/147).

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).

Trong ASEAN hiện nay, Lào là nước có giá điện thấp nhất khu vực, tuy nhiên, quốc gia này có tới 70% điện năng sản xuất từ thủy điện và khoảng 25% từ nhiệt điện than.

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Mức giá điện của Việt Nam năm 2021 còn thấp so với mặt bằng thế giới và khu vực do một số đặc điểm:

Thứ nhất: Tỷ lệ điện sản xuất từ thủy điện chiếm hơn 31% tổng sản lượng, trong khi giá thành của thủy điện khá thấp so với các nguồn điện khác.

Thứ hai: Tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 46% sản lượng điện, trong đó có ½ là sử dụng than trong nước, khi giá than cho điện đang được Nhà nước quy định mức ổn định, không điều chỉnh theo biến động giá quốc tế.

Thứ ba: Các nguồn điện gió, mặt trời tuy phát triển rất nhanh và có cơ chế giá FIT cao hơn mặt bằng giá điện chung, nhưng vì số giờ vận hành đầy tải thấp (khoảng 1.500 - 2.300 giờ/năm) nên tỷ lệ mới chiếm khoảng 11,5% tổng sản lượng điện.

Thứ tư: Nhà nước còn một số cơ chế hỗ trợ giá điện cho người dân có thu nhập thấp, nhất là Việt Nam đang trải qua tác động lớn của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên, xu thế tăng giá điện thời gian tới ở Việt Nam là không thể tránh, bởi vì:

1/ Theo thời gian, tỷ lệ thủy điện trong cơ cấu nguồn sản xuất điện sẽ giảm dần vì chúng ta đã khai thác gần hết các công trình thủy điện có hiệu quả kinh tế, “dư địa” giá thành thấp sẽ mất dần.

2/ Công việc khai thác than trong nước sẽ ngày càng khó khăn do càng ngày càng phải khai thác các mỏ ở độ sâu lớn hơn, chi phí sẽ tăng lên, dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá than cho điện.

3/ Các nhà máy nhiệt điện hiện nay sử dụng than nhập khẩu chắc chắn đang và sẽ bị tác động bởi cơn sốt giá nhiên liệu thế giới, gây tăng thêm giá thành sản xuất điện.

4/ Hầu hết các nhà máy nhiệt điện mới xây dựng sẽ phải nhập khẩu than và khí hóa lỏng (LNG) từ nước ngoài. Như vậy, khi tham gia vào thị trường nhiên liệu quốc tế, Việt Nam sẽ phải chấp nhận mặt bằng giá chung. Bất kể cuộc khủng hoảng nhiên liệu do xung đột Nga - Ukraina chấm dứt sớm hay không, giá nhiên liệu sẽ có xu thế tăng cao hơn.

Để giảm bớt tác động của giá điện, các doanh nghiệp và người dân cần hiểu rõ bối cảnh, xu hướng của tăng giá, có các hành động tăng cường tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả hơn và đầu tư vào các công nghệ, thiết bị điện tiên tiến, tiêu hao năng lượng thấp./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: NST/BC/TIC/STRAITSIMES/SC/GC/EVN - 4/2022)


Link tham khảo:

1/ https://www.nst.com.my/business/2022/03/781312/no-escape-soaring-energy-prices

2/ https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-03-31/singapore-sp-raises-electricity-tariffs-fifth-time-in-15-months

3/ https://think.ing.com/articles/the-ripple-effects-of-soaring-energy-prices

4/ https://www.cnbc.com/2021/09/16/europes-energy-crisis-is-making-the-market-nervous-ahead-of-winter.html

5/ https://www.statista.com/statistics/183700/us-average-retail-electricity-price-since-1990/

6/ https://www.straitstimes.com/singapore/singapore-electricity-tariffs-rise-by-10-per-cent-amid-ukraine.

7/ https://www.globalpetrolprices.com/China/electricity_prices.

8/ https://www.evn.com.vn/d6/news/Gia-dien-binh-quan-cua-Viet-Nam-dang-o-dau-so-voi-the-gioi.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động