RSS Feed for Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 05:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025)

 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo lên Chính phủ về những khó khăn trong đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc (giai đoạn 2022 - 2025). Phần lớn khó khăn là do thiếu hụt nguồn cấp điện... Nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Giá LNG tăng cao và vấn đề phát triển nguồn điện khí ở Việt Nam Giá LNG tăng cao và vấn đề phát triển nguồn điện khí ở Việt Nam

Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021 - 2045) đề xuất phát triển điện khí LNG nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện than là định hướng hợp lý, ngoài việc điện khí có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi công suất khi cần theo nhu cầu phụ tải, lượng phát thải khí CO2 ra môi trường thấp hơn 50% so với nhiệt điện than. Tuy nhiên, giá LNG liên tục tăng trong năm 2021 đến đầu năm 2022 và tăng chóng mặt sau khi xảy ra xung đột Nga - Ucraina. Khi giá khí tăng cao, liệu việc phát triển nguồn điện này của nước ta có còn phù hợp? Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.


Tổng cục Thống kê cho thấy: Quý 1/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 năm 2020 và 2021. Đó là tín hiệu tốt cho thấy kinh tế nước ta đang trên đà hồi phục sau hai năm tăng trưởng thấp vì đại dịch Covid-19. Trong những quý tiếp theo, việc loại bỏ các rào cản cách ly y tế đối với khách du lịch và người dân có khả năng sẽ đẩy tăng trưởng lên cao hơn nữa để đạt 6,5 - 7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Với mức tăng trưởng 6,5 - 7%, kịch bản phụ tải cơ sở của EVN dự báo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện tăng trưởng ~9% vào năm 2022. Kịch bản tăng trưởng phụ tải cao đến 11,5% hàng năm cũng có thể xảy ra nếu kinh tế phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trước đại dịch Covid-19.

Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025)

Ngay cả với kịch bản phụ tải cơ sở, tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc của EVN cho thấy: Việc đảm bảo cung ứng điện mùa hè năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng sản lượng điện cả năm sẽ không thiếu, nhưng công suất sẽ thiếu hụt tại một số thời điểm, đặc biệt là trong đợt nắng nóng kéo dài.

Đặc biệt khó khăn là ở miền Bắc - nơi nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Khu vực miền Trung, miền Nam cơ bản sẽ đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022 - 2025, nhưng vẫn có thể thiếu điện nếu xảy ra kịch bản cao, hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.

Trong hai đợt nắng nóng tháng 5 và tháng 6 năm 2021, phụ tải đỉnh của hệ thống đã đạt 42,5 GW. Điện miền Bắc đã thiếu nguồn và phải yêu cầu bên mua điện đáp ứng phát nguồn dự phòng hoặc cắt điện cục bộ. Các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc đã chạy hết công suất, nhưng vẫn không đủ vì trời nóng kéo dài, nước không làm mát kịp, làm giảm một phần công suất. Thủy điện chạy cũng phải dè chừng vì cuối mùa khô, nguồn nước không đủ. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải đường dây 500 kV Bắc - Trung.

Góc nhìn chuyên gia về cung ứng điện Việt Nam (giai đoạn 2022 - 2025)

Một loạt các nhà máy điện lớn ngoài EVN đã không đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phát triển nhanh trong ba năm qua, nhưng một phần vì không có đường truyền tải, một phần vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên chưa bù đắp được sự thiếu hụt nguồn điện truyền thống.

Theo bản tin nhận định xu thế khí hậu 2022 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Mùa hè năm 2022 dự báo vẫn có những đợt nắng nóng vào tháng 6, với nhiệt độ có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 0 đến 0,5 độ C. Với xu thế biến đổi khí hậu những năm gần đây (năm sau luôn nóng hơn năm trước). Vì vậy, mùa hè năm nay và ba năm tới tiếp tục căng thẳng về cung cấp điện.

Mùa hè năm nay còn chịu tác động của tình hình thế giới làm giá dầu mỏ và than tăng cao. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng gặp khó khăn trong khai thác do lượng công nhân bị Covid-19 cao, không đủ nhân công khai thác. Kết quả gây thiếu hụt hơn 1 triệu tấn than cấp cho các nhà máy điện (trong quý 1) so với kế hoạch. Than nhập về để phối trộn có giá cao, trong khi giá bán không đổi. Nếu than tăng giá kéo dài, áp lực tăng giá điện sẽ rất lớn, hoặc không đủ tiền nhập than gây thiếu hụt nhiên liệu.

Trong tình hình đó, EVN đặt ra các giải pháp, chia thành bốn nhóm:

Thứ nhất: Các giải pháp về vận hành: Nâng cao độ tin cậy, khả dụng của các tổ máy phát điện. Đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện. Không bố trí lịch sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022. Các năm tiếp theo bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý. Kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc nhằm đảo bảo tích nước các hồ thủy điện miền Bắc lên mức nước cao nhất vào cuối năm, nhất là các thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà.

Thứ hai: Các giải pháp về bổ sung nguồn cung: Đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư của EVN như: Thủy điện Hòa Bình (mở rộng), Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc. Tiếp tục nhập khẩu điện Trung Quốc qua đường dây 220 kV hiện hữu và đàm phán tăng công suất nhập khẩu lên 2.000 MW từ năm 2025. Nghiên cứu đầu tư hệ thống pin tích trữ tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh. Khuyến khích phát triển các nguồn điện NLTT tại miền Bắc.

Thứ ba: Các giải pháp về tăng cường năng lực truyền tải: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối (năm 2024 - 2025). Sau khi hoàn thành tuyến này sẽ tăng năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức ~2.200 MW hiện nay lên khoảng 5.000 MW. Đầu tư các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và NLTT miền Trung, miền Nam.

Thứ tư: Các giải pháp tiết kiệm và điều khiển phụ tải: Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ tại miền Bắc. Đẩy mạnh thực hiện DR (đáp ứng bên cầu) tự nguyện tại khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 hàng năm. Chủ động thông báo trước cho khách hàng lớn trường hợp có khả năng thiếu công suất đỉnh để khách hàng chủ động sản xuất.

Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét một loạt các biện pháp để đảm bảo cung ứng điện. Đó là việc đảm bảo tiến độ vận hành các nguồn điện lớn tại miền Bắc như: Thái Bình 2, An Khánh Bắc Giang, Công Thanh, BOT Vũng Áng 2, phát triển Chuỗi khí - điện Lô B.

Bên cạnh đó, NLTT ở miền Bắc cũng có thể đóng góp 5.500 MW vào năm 2025 nếu có cơ chế phù hợp và có lưu trữ điện năng để đáp ứng nhu cầu cao điểm tối. Các nguồn cung ứng than cũng phải đảm bảo than cho sản xuất điện.

Nếu giá điện không thể tăng được thì giá than cũng nên giữ nguyên. Đồng thời, các dự án truyền tải điện cấp bách cần được bổ sung vào Quy hoạch VII nếu Quy hoạch VIII chưa được phê duyệt.

EVN và các công ty phát điện sẽ cố gắng hết mức để đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn 2022 - 2025. Nhưng ngành điện cũng cần sự hợp tác của các ngành, các cấp mới có thể đảm bảo nguồn điện năng cho sự tăng trưởng của đất nước./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động