RSS Feed for ‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 12:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam

 - Từ tác động của khủng hoảng nguồn cung xăng, dầu và bối cảnh địa chính trị thế giới, giá xăng trong nước có những biến động khó lường trong thời gian qua. Với vai trò là một trong những nguồn năng lượng quan trọng nhất của nền kinh tế, việc thay đổi giá xăng kéo theo nhiều biến chuyển quan trọng trong biểu đồ giá cả trong nước và đời sống của từng người dân. Bài viết chia sẻ cùng bạn đọc một góc nhìn của tác giả với những phân tích khách quan và định lượng, cùng những dự báo diễn biến tiếp theo của cơn bão giá xăng ở Việt Nam.
So sánh giá điện và giá xăng ở Việt Nam So sánh giá điện và giá xăng ở Việt Nam

Xăng và điện là hai dạng năng lượng phổ biến nhất hiện nay. Xăng có ưu điểm là mật độ tập trung năng lượng cao và có thể lưu trữ bảo quản thời gian dài. Điện có ưu điểm dễ chuyển đổi thành dạng năng lượng khác nhưng không thể bảo quản dài hạn. Xăng lại chịu nhiều thứ thuế và phí hơn điện. Một khi đã cùng là năng lượng thì có thể so sánh với nhau. Muốn so sánh, chúng ta phải đưa về cùng một đơn vị, đó là VND/MJ.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng tại Việt Nam đã phải thay đổi đến 15 lần [1]. Vậy là cứ 1 tháng có 2 lần rưỡi thay đổi giá, cuộc sống hàng ngày của gần trăm triệu dân Việt Nam thấp thỏm theo sự lên xuống của chỉ số ấy. Và từ khi chiến trường Ukraina đỏ lửa, kinh tế còn chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19, những lo lắng về giá xăng tăng và những hệ lụy làm thành những giông bão hiện hữu quét qua cả những mâm cơm gia đình Việt.

Nhưng bạn đã thực sự đem tâm tìm hiểu một cách vẹn tròn về thứ "vàng đen" này chưa? Xăng dầu quan trọng như thế nào trong nền kinh tế? Nó có thực sự đang đắt lên chưa từng có như người ta vẫn nói trên báo đài không? Sự biến động thời gian vừa rồi là thực, hay chỉ là nỗi lo cảm tính? Cơn bão này liệu có đi qua không, và trong bao lâu nữa?

1. Vàng đen:

Dầu nhập vào cuộc đua về năng lượng sơ cấp của loài người từ năm 1900 - buổi đầu của thời kỳ công nghiệp. Với tỷ lệ năng lượng trên khối lượng rất lớn, cùng dạng lỏng thuận lợi cho việc vận chuyển và sử dụng, dầu mất khoảng 50 năm để vượt qua gỗ và thêm 20 năm nữa để qua nốt than đá, chiếm ngôi vị số 1 trong danh sách những nguồn năng lượng sơ cấp được sử dụng (tính theo kWh trên đầu người) [2].

Có một thực tế là, dù lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên (ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn sau khủng hoảng dầu lửa 1979), tỷ trọng dầu trong cơ cấu năng lượng cũng như lượng dầu sử dụng tính trên đầu người có xu hướng giảm do nguồn cung có hạn.

Năm 2020, dầu chiếm 33% trong tổng cơ cấu năng lượng thế giới (Hình 1), so với gần 50% năm 1979. Hơn 60% lượng dầu sản xuất ra phục vụ cho mục đích đi lại và sưởi ấm của con người. Với 40% còn lại, nguồn tài nguyên này và các sản phẩm từ nó, đặc biệt là phân bón, là rường cột số một của sự phát triển của các ngành công - nông nghiệp trên toàn thế giới. Cùng với than và khí đốt, 3 nguồn năng lượng "không sạch" (thải nhiều CO2) này đang đóng góp đến 80% tổng năng lượng tiêu thụ của con người.

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Hinh1: Các nguồn năng lượng sơ cấp trên thế giới.

Bức tranh cơ cấu các nguồn năng lượng của Việt Nam mang một màu hơi khác (Hình 2). Thời kỳ hậu chiến tranh 1975 - 1979, Việt Nam chịu cấm vận nên cơ cấu năng lượng có những biến động lớn. Bước vào thời kỳ đổi mới cuối thập kỷ 80, dầu vẫn là nguồn năng lượng số 1 kéo lên nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh của Việt Nam. Mặt khác, với nhu cầu về điện tăng không ngừng để theo kịp đà phát triển kinh tế, than đá (tạo ra đến hơn 60% tổng sản lượng điện của Việt Nam) dần chiếm ưu thế và đẩy dầu xuống vị trí số 2. Đặc thù của một nước nhiệt đới nên sự thiếu vắng của những hệ thống sưởi ấm chạy dầu góp phần giải thích sự khác biệt cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam so với các nước khác, đặc biệt là châu Âu và Mỹ.

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Hình 2: Các nguồn năng lượng sơ cấp tại Việt Nam.

2. Xăng có đang đắt không?

Biến động giá dầu thế giới, những sự kiện địa chính trị ở nước nọ, nước kia, cơ cấu xuất, nhập dầu thô - dầu tinh, chính sách thuế, v.v... Cả tỷ thứ tác động lên giá những lít xăng đổ vào xe hàng ngày bạn chạy. Sẽ là một câu chuyện rất dài để nói cho cặn kẽ những nguồn cơn ấy. Trong khuôn khổ của bài viết nho nhỏ này, tôi chỉ dụng tâm góp một góc nhìn cá nhân để trả lời cho câu hỏi tưởng như đơn giản: Ở nước mình, xăng mua hàng ngày tại cây xăng có đắt không?

Không gì đơn giản hơn là nhìn cái bảng giá treo lủng lẳng ngoài cây xăng mà thở than (Hình 3). Sau những ngày trăng mật ngắn ngủi đầu năm 2020 với giá xăng E92 loanh quanh 11.000 đ/lít, giá xăng leo thẳng đứng đến tận ngày tôi ngồi gõ những dòng này (7/2022) và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá xăng tăng gần 3 lần chỉ trong vòng 2 năm! Cái giá hơn 31.000 đ/lít E92 bỏ xa kỷ lục 25.000 đ/lít của năm 2014 và nghiễm nhiên chiếm vị trí số 1 trong lịch sử giá xăng tại Việt Nam. Số liệu điên rồ ấy khiến người tỉnh táo nhất cũng thành ra hoang mang.

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Hình 3: Giá xăng E92 theo số liệu của Petrolimex [3].

Và bởi hoang mang, ta hồ như quên đi mất giá hiện thời của thứ nhiên liệu quý giá ấy, cũng như giá cả của tất cả các mặt hàng, không hoàn toàn phản ánh giá trị thực trả. Vì đồng tiền mất giá theo lạm phát, 1.000 đồng của năm 2008 thực ra đáng giá hơn khá nhiều so với 1.000 đồng năm 2022. Hệ quả là, giá một nắm xôi, một cân thịt, hay một lít xăng tự động bị kéo lên theo đà trượt giá ấy. Độ mất giá của đồng tiền Việt, hay lạm phát, được đo lường một cách tương đối qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) [4]. Khi hiệu chỉnh giá xăng theo chỉ số ấy (Hình 4), ta thu được một đường biến thiên theo thời gian rất khác. Giá xăng "kỷ lục" của năm 2022 thực ra vẫn thấp hơn khoảng 15% so với đỉnh cao năm 2008 - đại khủng hoảng kinh tế thế giới.

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Hình 4: So sánh giá xăng E92 theo số liệu của Petrolimex [3] (đường xanh) và giá điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) (đường cam) [4].

Cần thêm một lần hiệu chỉnh nữa để đưa giá xăng về gần nhất với "giá trị thực" của nó. Xin nhắc nhớ rằng, từ 2008 đến 2021, thu nhập bình quân đầu Việt Nam tăng 3 lần (từ 1.100 USD lên 3.300 USD). Và sức mua của mỗi người Việt cũng tăng một cách tương xứng. Giá trị thực của một món hàng cần quy đổi về sức mua tại thời điểm tính. Giả thiết số ngày làm việc mỗi năm là 250 và số giờ làm việc mỗi ngày là 8, giá xăng được quy về số giờ làm việc cần bỏ ra để mua 1 lít. Kết luận từ một vài con tính ấy có thể khiến bạn bất ngờ (Hình 5): "Giá xăng thực" có chiều hướng giảm đều từ năm 2008 đến 2020 và chỉ mới quay đầu tăng trở lại trong 2 năm trở lại đây. Và dù với đà tăng đáng lo ngại ấy, "giá xăng thực" năm 2022 vẫn rẻ hơn 2,5 lần so với năm 2008! Một cách dễ hình dung, câu khẩu quyết "Đầy bình em đi!" tại cây xăng có sức nặng rất khác giữa hai mốc thời gian ấy: Để đổ đầy bình một xe Wave dung tích 3,5 lít, cần hì hụi 7 giờ vào năm 2008 và chưa đến 3 giờ vào năm 2022.

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Hình 5: Giá xăng E92 tính theo số giờ làm việc / lít (đường đỏ, trục trái) và thu nhập bình quân đầu người (đường tím, trục phải) [5].

Có điều, tác động của giá xăng lên túi tiền dân Việt không thể chỉ tính trên giá MỘT lít xăng. Bởi trong khoảng thời gian 14 năm (từ 2008 đến 2022), không chỉ có thu nhập đầu người thay đổi đáng kinh ngạc: Trong khi dân số Việt Nam "chỉ" nhích lên 14% [6], lượng xe máy lưu hành tăng gấp 2,5 lần và với ô tô là 3,5 lần [7]! Việc cải thiện vượt bậc của điều kiện đường xá và mức sống, cùng với việc phát triển có phần hạn chế của phương tiện công cộng, khiến nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân của người Việt tăng vọt. Hãy làm một phép tính đơn giản, với giả sử rằng:

- Quãng đường di chuyển trung bình trong năm 2008 và 2022 của mỗi xe giữ nguyên: 5.000 km cho xe máy và 10.000 cho xe ô tô (với việc các đường cao tốc được xây dựng, tôi đoán chắc quãng đường di chuyển của 2022 sẽ nhỉnh hơn).

- Lượng xăng tiêu thụ trung bình trong năm 2008 và 2022 của mỗi xe giữ nguyên: 2 lít/100 km cho xe máy và 8 lít/100 km cho xe ô tô (dù có cải thiện về hiệu suất sử dụng, việc lạm dụng các xe "gầm cao máy thoáng" khiến cho việc giảm lượng xăng tiêu thụ trung bình còn là một quá trình gian nan).

Ta thấy gì qua phép tính ấy? Lượng xăng tiêu thụ để vận hành toàn bộ lượng xe lưu hành trên mảnh đất chữ S tăng 3 lần (từ 2008 đến 2022). Chia đầu người cũng tăng đến 2,6 lần (Bảng 1)! Và dù "giá trị thực" của mỗi lít xăng đã giảm 2,5 lần qua 14 năm, phần thu nhập mà người Việt phải cắn răng trả cho xăng xe năm 2022 vẫn cao hơn 2008: 3,7% so với 3,3%. Chỉ số này đo lường một cách thực tế nhất tác động đến ảnh hưởng của việc xăng tăng giá lên cuộc sống người dân. Và khi chỉ số ấy đang vượt qua cái mốc đáng lo ngại của cuộc đại khủng hoảng kinh tế, thì xăng ở Việt Nam đang thực sự đắt!

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Bảng 1: So sánh lượng xăng tiêu thụ 2008 - 2022.

3. Giá xăng sẽ tăng đến bao giờ?

Xăng dầu là một mặt hàng "kỳ lạ": Dù ai cũng biết trữ lượng dầu mỏ trên thế giới có hạn, và lượng tiêu thụ của con người thì tăng không ngừng, nhưng giá dầu thô thế giới không hề là một đường đồng biến theo quy luật cung cầu [2]. Với việc cân đối sản lượng của các quốc gia OPEC, xăng dầu có cơ chế tự điều chỉnh giá và vẽ lên những đường lên xuống khó lường qua rất nhiều sự kiện địa chính trị trong lịch sử loài người. Liệu ta có thể một lần nữa hy vọng với cái cơ chế kỳ diệu ấy để thoát hiểm như đợt 2008? Tiếc là bối cảnh 2022 đã rất khác (suy thoái hậu đại dịch, chiến sự Nga - Ukraina), cố nhiên cái van đóng - mở của những rốn dầu thế giới không thể linh hoạt như trước. Nguồn cung dầu mỏ ngày càng khan hiếm là điểm yếu chí mạng, khiến dự cảm về một cơn bão sẽ còn kéo dài và khốc liệt hơn trong thời gian tới rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi mà nhà cung cấp xăng dầu số 1 Pháp - Total Energies đã phải treo biển kêu gọi người dân hạn chế dùng các mặt hàng của mình (Hình 5), người ta biết là cái tận cùng của kho vàng đen đã ở rất gần rồi.

Chưa nói đến tác dộng đến "biến đổi khí hậu" như trong thông điệp của Total Energies, việc hạn chế sử dụng xăng, dầu gần như là điều bắt buộc để hạn chế đến mức tối đa tác dộng tiêu cực của việc tăng giá xăng đến cuộc sống thường ngày: Sử dụng phương tiện công cộng (metro, bus), đi tàu hỏa thay vì xe cá nhân, hạn chế mua và sử dụng những loại xe quá tiêu tốn năng lượng v.v... Và vai trò của chính sách nhà nước trong công cuộc "thắt lưng buộc bụng" ấy là vô cùng quan trọng: Điều phối chính sách xăng, dầu, hỗ trợ việc chuyển sang xe điện…

‘Cơn bão’ giá xăng ở Việt Nam
Hình 5: "Sử dụng xăng dầu có nguồn gốc chính từ năng lượng hóa thạch dẫn đến biến đổi khí hậu, HÃY TIẾT KIỆM" - thông điệp của Total Energies tại một cây xăng Pháp

PHẠM TUẤN HIỆP - KỸ SƯ NGHIÊN CỨU - VIỆN NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN CỘNG HÒA PHÁP; TỔNG THƯ KÝ HỘI KỸ SƯ ĐIỆN VÀ NĂNG LƯỢNG TẠI PHÁP


Trích dẫn:

[1] https://laodong.vn/infographic/dien-bien-gia-xang-tu-dau-nam-2022-den-nay-6-thang-tang-8505-donglit-1056019.ldo

[2] https://www.bp.com/content/dam/bp/business-sites/en/global/corporate/pdfs/energy-economics/statistical-review/bp-stats-review-2021-full-report.pdf

[3] https://public.petrolimex.com.vn/nd/minh-bach-xang-dau.html

[4] https://www.gso.gov.vn/cpi-vi/

[5] https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=VN

[6] https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.TOTL?locations=VN

[7] http://www.vr.org.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động