RSS Feed for Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam

 - Ngày 7/4/2022, tại Hà Nội, với sự tham gia, chủ trì của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, Uỷ Ban khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế… Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Hai) với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021”.
Kiến nghị ‘ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng’ đang được Bộ Công Thương xử lý Kiến nghị ‘ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng’ đang được Bộ Công Thương xử lý

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 39/PC-VPCP, ngày 6/1/2022, chuyển báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả “Hội thảo khoa học ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam và một số đề xuất, kiến nghị” của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đến Bộ Công Thương để xem xét, xử lý theo quy định.

Sau lời giới thiệu của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu có phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Tiếp đến, ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu chào mừng: Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng tốt, vào loại cao trong khu vực. Ngành điện cũng tăng trưởng cao nhằm đáp ứng tăng trưởng kinh tế. Đóng góp của ngành điện trong phát thải khí nhà kính CO2 có tỷ lệ cao trong tổng phát thải của Việt Nam. Việt Nam đã cam kết rất cao cắt giảm CO2 và methane. Các cam kết đó cần được luật hóa. Luật Năng lượng tái tạo (NLTT) có thể mở đường cho sự tham gia của toàn xã hội vào thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không trong dài hạn.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội.

Sắp tới, các đại biểu Quốc hội sẽ thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) cho phép tư nhân tham gia lưới truyền tải nhằm giải tỏa công suất NLTT và bán điện trực tiếp cho khách hàng. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội sẵn sàng lắng nghe các ý kiến của đại diện quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học phát biểu tại Diễn đàn để tham mưu cho Quốc hội về các chính sách phù hợp.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Toàn cảnh Diễn đàn.

Đại diện Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Với tốc độ phát triển như hiện nay và tương lai, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao (8,5%/năm đến 2030 và 4%/năm giai đoạn 2031- 2045). Vì vậy, nguồn điện phải tăng cao đáp ứng nhu cầu. Dự báo năm 2045 điện thương phẩm phải đạt 886 tỷ kWh. Dự thảo Quy hoạch điện đã điều chỉnh để phù hợp với cam kết trung hòa các bon của Việt Nam vào năm 2050, trong đó, nguồn NLTT (không kể thủy điện) sẽ đóng góp 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương.

Cùng với nguồn điện, lưới truyền tải cần được nâng cấp và xây dựng mới đảm bảo cung cấp điện. Vốn đầu tư cho kịch bản trung hòa các bon tăng 33% so với kịch bản trước COP26, dẫn tới giá điện trong quy hoạch cũng tăng trung bình 30%. Để phát triển tốt NLTT, cần xây mới các đường truyền tải với sự đóng góp của đầu tư tư nhân. Cơ cấu nguồn điện cũng phải đa dạng, tính đến lưu trữ, sản xuất các loại nhiên liệu mới như hydro “xanh”, Amoniac - NH3 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Cần thực hiện DSM để giữ cân bằng công suất điện trong hệ thống.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục Biến đổi Khí hậu giới thiệu Kịch bản phát thải khí nhà kính thông thường (BAU) của Việt Nam vào năm 2030 trong bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020. Ngay cả tính toán lạc quan nhất cũng cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục tăng phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Do vậy, để đạt trung hòa các bon vào năm 2050 Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Năng lượng lại là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất (65%) nên cần có những thay đổi căn bản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia để xây dựng Chiến lược Quốc gia về biển đổi khí hậu. Chuyển dịch từ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo và điện khí được coi là biện pháp trọng tâm của Chiến lược, bên cạnh việc nghiên cứu các biện pháp thu giữ các bon.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực dẫn giải Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo, Nghị Quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và hàng loạt các cơ chế khuyến khích phát triển điện tái tạo. Các cơ chế giá FIT đã được áp dụng cho điện gió, điện mặt trời, điện từ chất thải, sinh khối. Ngoài ra, các doanh nghiệp NLTT còn được hưởng các hỗ trợ khác như ưu đãi thuế, sử dụng đất và tiếp cận tài chính.

Tuy nhiên sự tăng trưởng “nóng” của điện gió và điện mặt trời trong các năm vừa qua đã dẫn đến mất cân đối nguồn - tải theo vùng - miền và gây ra nghẽn lưới truyền tải. Về điện khí, mới chỉ có các dự án Nhơn Trạch 3 và 4 là có khả năng đưa vào vận hành khoảng năm 2023 - 2024. Rất nhiều thủ tục trong quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án BOT, dẫn đến thời gian cấp phép kéo dài. Các dự án đều vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Giá điện từ nguồn NLTT hiện đang cao nên gây ảnh hưởng tăng giá thành điện.

Về kỹ thuật, nguồn dự phòng hiện nay chưa đủ để có thể hấp thụ nhiều nguồn NLTT vốn phụ thuộc vào thời tiết. Ngay cả với Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 vẫn hết sức khó khăn.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương phát triển năng lượng sạch, NLTT của Chính phủ, ban hành quy định thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương cho NLTT. Còn một số khó khăn về nguồn vốn do đầu tư NLTT có thời gian hoàn vốn 5 - 10 năm, trong khi đó, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn quá ngắn nên các nhà đầu tư, cũng như tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư. Thời gian quan trắc dữ liệu tốc độ gió các dự án điện gió còn quá ít để có thể đánh giá một cách tin cậy sản lượng điện hàng năm trong dự toán.

Ngân hàng Nhà nước nêu ra các kinh nghiệm quốc tế về thu hút nguồn đầu tư cho dự án năng lượng sạch như: Luật riêng cho NLTT, hỗ trợ tín dụng, giá FIT, trái phiếu xanh, chính sách thuế, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học... Các đề xuất cho chính sách bao gồm phân loại danh mục năng lượng sạch, NLTT, giá điện nhất quán, hợp đồng mẫu với EVN phù hợp với đánh giá của tổ chức tín dụng.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn (B) - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam có đóng góp tham luận với những nội dung gợi mở cho Diễn đàn thảo luận. Tham luận cập nhật những diễn biến mới nhất trong phát triển NLTT ở Việt Nam, nội dung sửa đổi mới của dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp với vai trò của ngành năng lượng trong trung hòa các bon vào năm 2050. Liệu giá FIT có còn phù hợp nữa không? Vấn đề an ninh năng lượng trong tình hình hiện nay trở nên quan trọng hơn so với những mục tiêu khác.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T & T.

Tập đoàn T&T giới thiệu về doanh nghiệp và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ năng lượng sạch. T&T Group đã đưa vào vận hành gần 1.000 MW các nguồn điện từ NLTT và có kế hoạch đầu tư khoảng 12 - 15 GW NLTT và điện khí LNG.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc T&T Group kiến nghị Việt Nam cần có những giải pháp đột phá về hành lang pháp lý để tháo gỡ điểm nghẽn trong truyền tải điện (như việc ban hành các văn bản pháp lý rõ ràng về thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải).

Về lâu dài, Phó Tổng giám đốc T&T Group đề xuất cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực NLTT cần được thông suốt, có tính liên tục chứ không đứt gãy sau một vài mốc thời gian. T&T cũng mong muốn Việt Nam sớm có Quy hoạch điện gió ngoài khơi, không gian biển để huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp - Ngân hàng HD Bank.

Về phía bên cho vay vốn, đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết: Đang tài trợ các dự án điện mặt trời tập trung, điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 1278 MW. Bên vay bao gồm cả nhà đầu tư, nhà thầu lẫn hộ gia đình. Dư nợ tín dụng cho NLTT hiện hơn 15 ngàn tỷ VND. Thời hạn cho vay của ngân hàng lên đến 12 năm, dài hơn so với thời gian hoàn vốn của điện mặt trời. Gói tài trợ cho lắp điện mặt trời mái nhà có nhiều điều khoản hấp dẫn, bao gồm dạng Thẻ Xanh cho gia đình Việt.

HDBank cũng băn khoăn vì hiện chúng ta chưa có giá FIT3 hay chính sách mua điện dài hạn cho điện gió và điện mặt trời. Nhiều dự án điện mặt trời bị cắt giảm công suất vì gây mất ổn định lưới gây thiệt hại cho nhà đầu tư và bên cấp tín dụng.

Trung hòa carbon - Cơ chế nào cho các dự án điện khí, điện gió, mặt trời Việt Nam?
Ông Nguyễn Thành Minh - Phó phòng Tiếp thị & Dịch Vụ - Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam. Với thế mạnh sẵn có về cơ sở vật chất, đội tàu biển, năng lực thiết kế, chế tạo, vận hành và bảo dưỡng các công trình khai thác dầu ngoài khơi, Vietsovpetro có thể làm nhà thầu EPCI cho điện gió ngoài khơi, nhận vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng trên biển.

Đến nay Vietsovpetro có thể cung cấp các dịch vụ kiểm tra, sửa chữa và O&M cho điện gió và cáp truyền tải bằng các thiết bị chuyên dụng tiên tiến. Việc hình thành chuỗi cung ứng thiết bị điện gió ngay tại Việt Nam sẽ góp phần giảm giá thành và đẩy nhanh tiến độ xây dựng điện gió ngoài khơi, tăng giá trị chế tạo trong nước. Chuyển đổi từ dầu khí sang điện gió là xu thế chung của nhiều công ty dầu khí.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Bà Ngô Quỳnh Lan - Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh, Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình IPC.

Công ty Cổ phần IPC E&C giới thiệu các dịch vụ và các công trình NLTT đã tham gia. IPC E&C không chỉ là nhà thầu EPC thuần túy, mà còn có thể hỗ trợ chủ đầu tư trong giai đoạn phát triển dự án, thu xếp tài chính, giải phóng mặt bằng và dịch vụ O&M sau khi hoàn tất công trình. Doanh nghiệp đề xuất cần có cơ chế tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng nội địa, ưu tiên phát triển tổng thầu EPC trong nước. Cùng với đó là chính sách rõ ràng hơn trong giải phóng mặt bằng, đền bù khu vực quanh dự an điện gió và đường vận chuyển cánh và tháp tua bin, trụ điện.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nêu bật sự cấp bách phải chuyển đổi cơ cấu điện năng trên toàn thế giới để chống lại biến đổi khí hậu. Việt Nam có mức tăng trưởng điện cao trong khi nguồn thủy điện đã dùng gần hết. Cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy giá dầu khí lên cao khiến cho các nước thấy an ninh năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để thực hiện điều này, năng lượng hạt nhân đóng một vai trò quan trọng.

Trên thế giới hiện có 441 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với công suất lắp đặt 394 GWe và 51 lò đang xây dựng. Có 32 nước sở hữu điện hạt nhân và trong 10 năm tới sẽ có thêm khoảng 10 nước nữa phát triển điện hạt nhân. Các lò nước nhẹ thế hệ III+ đã rất khác so với thế hệ II và đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn mới nhất, ban hành sau sự cố Fukushima. Tuy nhiên liệu hạt nhân phải nhập khẩu nhưng có thể tích trữ lâu dài cho hàng chục năm nên đảm bảo an ninh năng lượng. Lò SMR tuy thời thượng nhưng chưa phù hợp cho Việt Nam.

Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần giữ các địa điểm đã quy hoạch xây dựng các nhà máy ĐHN, để một khi chúng ta dự kiến tái khởi động chương trình điện hạt nhân sẽ không mất rất nhiều thời gian và nguồn lực cho tìm địa điểm mới.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Trần Huỳnh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển (PECC2).

Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn năng lượng. Tại Diễn đàn, PECC2 trình bày xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu với các công nghệ như xe điện, hydro xanh, lưu trữ; nhìn nhận những thách thức kỹ thuật của tích hợp NLTT trong thời gian thực, cả trung hạn và dài hạn. PECC2 không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn, mà còn làm nhà thầu EPC, sản xuất thiết bị, đầu tư vào các dự án điện và đầu tư cả vào nghiên cứu ứng dụng (như dự báo công suất phát điện mặt trời).

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Tú - Giám đốc Phát triển thị trường Việt nam Solis.

Tham gia Diễn đàn, Công ty Ginlong Technologies giới thiệu loạt biến tần (inverter) thương hiệu Solis mới, dòng sản phẩm thông minh với độ tin cậy cao, nhiều chức năng tiên tiến và an toàn. Sản phẩm Ginlong Technologies đáp ứng từ nhu cầu gia đình đến nhu cầu nhà máy. Ginlong Technologies đã lắp đặt cho 40 GW điện mặt trời trên toàn thế giới.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Giáo sư Hà Tôn Vinh.

Trong phần thảo luận, Giáo sư Hà Tôn Vinh - người có hơn 30 năm làm việc với các tổ chức tài chính cơ sở hạ tầng quốc tế ở nhiều nước phát triển, đặc biệt các nước ở vùng châu Á và châu Phi; chuyên gia tài chính cơ sở hạ tầng cho Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, Phlippines và Việt Nam phát biểu ý kiến.

Theo GS. Vinh, EVN hiện đảm nhiệm hai vai, vừa kinh doanh vừa làm công tác xã hội (như cấp điện nông thôn, hỗ trợ giá điện, hỗ trợ xây dựng lưới cho các dự án NLTT…). Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa phát triển xã hội. Ông cho biết, hiện có rất nhiều công ty lớn ở Trung Đông mong muốn đầu tư hạ tầng sản xuất hydro tại Việt Nam.

Ông cũng cho rằng, chuyển đổi sang năng lượng sạch cần đào thải dần ô tô dùng xăng dầu; và hydro “xanh” có thể sản xuất từ các nguồn NLTT, chính là tương lai của các phương tiện giao thông.

Ý kiến khác cho rằng, các dự án điện LNG quá tập trung ở miền Nam. Điện LNG nên phát triển ở Hải Phòng, hay Quảng Ninh và cần xem xét năng lượng hạt nhân trong tương lai.

Đại diện tổ chức Hội đồng Năng lượng Thế giới đóng góp ý kiến cho rằng: Không thể tiến đến trung hòa các bon 2050 chỉ bằng điện gió và mặt trời mà cần xem xét thêm hydro. Hiện chúng ta đang thiếu điện miền Bắc, nhưng chưa có cơ chế khuyến khích điện mặt trời ở miền Bắc.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Vinh danh “TOP 10 nhà đầu tư IPP năng lượng sạch uy tín ở Việt Nam 2021” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021”.

Tập đoàn Trung Nam gửi bài đến Diễn đàn nêu những khó khăn về cơ chế cho NLTT. Đó là Quy hoạch điện 8 vẫn chưa được thông qua, kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng, hợp đồng mua bán điện vẫn duy nhất qua EVN. Mặt khác lưới truyền tải còn chưa đồng bộ.

Tiểu ban Tăng trưởng xanh của Eurocham góp ý về việc Việt Nam có những lý do cần nhanh chóng chuyển sang năng lượng xanh. Nhiều công ty châu Âu sẽ đòi hỏi chuỗi cung ứng xanh và bền vững. Các nguồn lực tài chính của châu Âu cũng sẽ chấm dứt hỗ trợ dự án năng lượng hóa thạch; đề xuất Chính phủ Việt Nam cần có chính sách cho công nghệ mới cởi mở hơn, dài hạn hơn về giá cả và đấu thầu, để NLTT có thể dễ tiếp cận với các nguồn đầu tư lớn từ châu Âu.

Trung hòa carbon 2050 - Cơ chế cho các dự án điện sạch ở Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn (A), Thường trực Hội đồng Khoa học Năng lượng Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Kết luận Diễn đàn, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, đóng góp tại Diễn đàn, mặc dù thời lượng hạn chế, chưa đủ để thảo luận thêm. Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và làm văn bản gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam theo định hướng của Đảng và Chính phủ, cũng như theo các cam kết quốc tế./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động