Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 5]: Chính sách của Philippine
09:23 | 25/12/2022
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 4]: Chính sách của Nepal Trong bài viết kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu quá trình phát triển thủy điện ở Nepal nhằm đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 một cách bền vững vào năm 2045 như Chính phủ của quốc gia này đã cam kết tại COP26. |
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 3]: Chính sách của Indonesia Trong bài viết kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu quá trình phát triển thủy điện ở Indonesia nhằm góp phần đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 như Chính phủ quốc gia này đã cam kết tại COP26. |
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 2]: Chính sách của Ấn Độ Trong bài viết kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu quá trình phát triển thủy điện ở Ấn Độ, trong đó có thủy điện tích năng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống điện, đáp ứng mục tiêu sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 như cam kết của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại COP26. |
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 1]: Xu hướng trên toàn cầu Hội nghị thường niên lần thứ ba về thủy điện ở châu Á tổ chức vào ngày 7-8 tháng 11/2022 tại Hà Nội đã mang tới thông điệp về vai trò của thủy điện trong việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 - Lộ trình cho ngành năng lượng toàn cầu. Trong kịch bản không phát thải ròng này, trong khi điện gió, mặt trời được dự đoán là tạo ra phần lớn điện năng toàn cầu trong tương lai thì việc phát triển thủy điện sẽ giúp ổn định hệ thống điện thông qua hệ thống phụ trợ dịch vụ. Tạp chí Năng lượng Việt Nam lần lượt giới thiệu chính sách phát triển nguồn điện này trên toàn cầu, các nước trong khu vực châu Á, trong đó có thủy điện tích năng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống điện, đáp ứng mục tiêu Net Zero. |
Vài nét về Philippines:
Cộng hoà Philippines gồm có 7.107 hòn đảo (được gọi là Quần đảo Philippines). Trong đó có gần 700 đảo có người ở, với tổng diện tích xấp xỉ 300.000 km2, là quốc gia rộng lớn thứ 64 trên thế giới, có 36.289 km bờ biển, chiều dài bờ biển đứng thứ 5 thế giới.
Philippines có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học ở mức độ cao. Dân số hiện tại của quốc gia này là 113.140.727 người (theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc ngày 6/12/2022).
Phát triển ngành năng lượng ở Philippines:
Các kế hoạch dài hạn của Chính phủ Philippines về phát triển ngành năng lượng, bao gồm việc phát triển nguồn năng lượng trong nước và cải cách ngành điện bằng cách tư nhân hóa các lĩnh vực sản xuất, truyền tải điện. Các kế hoạch mở rộng nguồn cung cấp năng lượng, bao gồm việc phát triển các nguồn năng lượng nội địa (như than đá, khí tự nhiên, địa nhiệt, thủy điện và năng lượng tái tạo) đầy tiềm năng, đồng thời tăng cường thăm dò nguồn dầu mỏ tiềm ẩn.
Trong tương lai, năng lượng nhập khẩu vẫn giữ vị trí quan trọng. Nhập khẩu các sản phẩm như dầu mỏ và than đá sẽ vẫn là chủ yếu, mặc dù các kế hoạch khởi động chương trình nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) để mở rộng sản xuất điện năng, cung cấp nhiều hơn năng lượng sạch cho Thủ đô Manila và các khu công nghiệp ngoại vi đang bị trì hoãn do giá LNG tăng cao bởi tác động của cuộc chiến Nga - Ucraina.
Nhu cầu công suất đặt của hệ thống điện Philippines (giai đoạn 2003 - 2021) được thống kê ở hình 1:
Việc phát triển các nguồn năng lượng mới, bao gồm nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo (NLTT) sắp tới sẽ nhận được sự trợ giúp của nhà nước thông qua việc áp dụng các kế hoạch khuyến khích đầu tư khác nhau. NLTT sẽ là nguồn điện quan trọng trong việc thực hiện chương trình của nhà nước về điện khí hoá nông thôn, vì nhiều vùng quê xa xôi ở xa các đường dây truyền tải điện và cần tự sản xuất điện tại chỗ để cung cấp cho nhu cầu địa phương.
Để có cơ sở phát triển nguồn NLTT, năm 2008 quốc gia này đã ra đời Đạo luật Năng lượng Tái tạo và Cục quản lý Năng lượng Tái tạo (REMB) được thành lập để thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình liên quan đến tăng tốc phát triển, chuyển đổi, sử dụng, thương mại hóa tài nguyên và công nghệ NLTT. Ủy ban Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREB) cũng được thành lập để giám sát, theo dõi và xem xét các chính sách được thực hiện theo luật NLTT.
Cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống giai đoạn 2001 - 2020 (hình 2) cho thấy nguồn điện than vẫn là chủ đạo trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện Philippines:
Nguồn NLTT được tăng thêm trong giai đoạn 2009 - 2021, trong đó công suất từ thủy điện là 267,94 MW, chiếm tỷ lệ 9,92% cơ cấu nguồn điện của hệ thống (xem hình 3).
Tổng công suất đặt của hệ thống điện Philippines năm 2021 đạt 26.882 MW và điện lượng đạt 102.191 GWh, trong đó nguồn điện từ NLTT đạt 7.914 MW, chiếm tỷ lệ 29% cơ cấu nguồn và điện lượng đạt 22.523 GWh, chiếm tỷ lệ 22% (xem hình 4).
Tính đến cuối năm 2021, công suất thủy điện chiếm 14% và điện lượng chiểm 9% của toàn hệ thống điện (xem hình 5).
Tính đến hết tháng 6/2022, cập nhật công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện của Philippines đạt 3.781 MW, chiếm 13,66% cơ cấu nguồn điện của hệ thống. Chi tiết cơ cấu nguồn điện, tính đến tháng 6/2022 (xem hình 6).
Các dự án NLTT được cấp phép đầu tư:
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số 959 dự án NLTT đã được được trao hợp đồng cho các chủ đầu tư với công suất lắp đặt là 5.584 MW trong tiềm năng có thể phát triển đến 48.069 MW (xem hình 7), trong đó thủy điện có 416 dự án.
Về phân loại thủy điện, Philippines căn cứ vào công suất của nhà máy. Theo đó, thủy điện lớn với quy mô công suất từ 50 MW trở lên, thủy điện vừa có quy mô công suất từ 10 đến 50 MW, thủy điện nhỏ có dải công suất từ 100 kW đến 10 MW, còn thủy điện siêu nhỏ có công suất dưới 100 kW.
Năm 2022, Philippines đang xây dựng 25 dự án thủy điện với tổng công suất đặt là 169,693 MW, trong đó nhà máy có công suất nhỏ nhất là 522 kW và nhà máy có công suất lớn nhất đạt 60 MW. Công suất và vị trí các nhà máy thủy điện đang vận hành bao gồm: Thủy điện cực nhỏ (xem hình 8), thủy điện nhỏ (xem hình 9), thủy điện vừa (xem hình 10) và thủy điện lớn (xem hình 11).
Phát triển thủy điện tích năng:
Philippines đã xây dựng Nhà máy Thủy điện Tích năng Kalayaan với quy mô công suất 736 MW, gồm 4 tổ máy. Dung tích nước hồ trên chứa 120 triệu m3, dung tích hồ dưới chứa 2. 250 triệu m3. Nhà máy đã đưa vào vận hành thương mại năm 1982 với mục đích phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống điện.
Thay cho lời kết:
Nhằm phát triển nguồn điện linh hoạt khi xu thế nguồn điện từ NLTT tăng nhanh trong cơ cấu nguồn, ngành điện của Philippines đã xây dựng và đưa vào vận hành nhiều nhà máy thủy điện với quy mô công suất khác nhau, từ công suất cực nhỏ (phục vụ nhu cầu tại chỗ cho những vùng lưới điện chưa vươn tới) cho đến công suất vừa và lớn, và nhà máy thủy điện tích năng để phủ đỉnh biểu đồ phụ tải.
Tính đến tháng 6/2022 công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện của Philippines đạt 3.781 MW, chiếm 13,66% cơ cấu nguồn điện của hệ thống. Trong tương lai, các dự án thủy điện đã được quy hoạch và đã được cấp phép đầu tư sẽ tiếp tục thi công cùng với sự tăng trưởng công suất từ NLTT nhằm đảm bảo tính linh hoạt và ổn định trong vận hành hệ thống.
Đón đọc kỳ tới...
TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
Country Plans and Perspective for Hydropower Development: Philippines Winifredo S. Malabanan Supervising Science Research Specialist Hydropower and Ocean Management Division Renewable Energy Management Bureau Department of Energy, Philippines. Hydro Power Asia Conference 2022. November 7-8 at Sheraton (Hanoi), Vietnam.