Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 4]: Chính sách của Nepal
06:18 | 21/12/2022
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 3]: Chính sách của Indonesia Trong bài viết kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu quá trình phát triển thủy điện ở Indonesia nhằm góp phần đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 như Chính phủ quốc gia này đã cam kết tại COP26. |
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 2]: Chính sách của Ấn Độ Trong bài viết kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu quá trình phát triển thủy điện ở Ấn Độ, trong đó có thủy điện tích năng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống điện, đáp ứng mục tiêu sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 như cam kết của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại COP26. |
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 1]: Xu hướng trên toàn cầu Hội nghị thường niên lần thứ ba về thủy điện ở châu Á tổ chức vào ngày 7-8 tháng 11/2022 tại Hà Nội đã mang tới thông điệp về vai trò của thủy điện trong việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 - Lộ trình cho ngành năng lượng toàn cầu. Trong kịch bản không phát thải ròng này, trong khi điện gió, mặt trời được dự đoán là tạo ra phần lớn điện năng toàn cầu trong tương lai thì việc phát triển thủy điện sẽ giúp ổn định hệ thống điện thông qua hệ thống phụ trợ dịch vụ. Tạp chí Năng lượng Việt Nam lần lượt giới thiệu chính sách phát triển nguồn điện này trên toàn cầu, các nước trong khu vực châu Á, trong đó có thủy điện tích năng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống điện, đáp ứng mục tiêu Net Zero. |
KỲ 4: CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN CỦA NEPAL
Nepal là quốc gia có vị trí địa lý nằm kín trong lục địa tại vùng Himalaya ở Nam Á có phần chồng gối với Đông Á, giáp biên giới với Tây Tạng của Trung Quốc ở phía Bắc và Ấn Độ ở phía Nam, Đông, Tây. Nepal đa dạng về địa lý, có các đồng bằng phì nhiêu, các đồi rừng cận núi cao, và có 8 trong số 10 núi cao nhất thế giới, trong đó có núi Everest.
Nepal có diện tích 147.181 km2 (gần bằng một nửa diện tích Việt Nam), dân số trên 30 triệu người, thủ đô là Kathmandu. GDP bình quân đầu người của Nepal vào năm 2021 là 1.222,88 USD/người (theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới). Theo đó chỉ số GDP bình quân đầu người Nepal tăng 75,41 USD/người so với con số 1.147,47 USD/người trong năm 2020. Ước tính GDP bình quân đầu người Nepal năm 2022 là 1.303,25 USD/người (nếu vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như năm 2021).
Tổng quan ngành điện Nepal:
Tổng công suất lắp đặt hiện nay của cả nước đạt 2.319 MW, trong đó, tổng công suất nối lưới là 2.247 MW (bao gồm thủy điện nối lưới đạt 2.135,8 MW và điện mặt trời nối lưới đạt 54,72 MW). Công suất nhiệt điện nối lưới đạt 56,4 MW, trong đó nhiệt điện là 53,4 MW và đồng phát 3 MW.
Năng lượng tái tạo (bao gồm micro/mini hydro, năng lượng mặt trời, gió) là 72 MW. Công suất đỉnh đạt 1.748 MW. Tổng công suất các trạm biến áp là 7.149 MVA. Hiện nay, tổn thất năng lượng trên hệ thống điện bình quân hàng năm chiếm 15,38 % (năm trước đó là 17,18%). Tổng điện năng tiêu thụ đạt 8.823 GWh. Xuất khẩu điện đạt 493 GWh (44 GWh trong năm tài chính 2020/2021 (tăng khoảng 11 lần). Nhập khẩu điện đạt 1.543 GWh (2.826 GWh trong năm tài chính 2021/2022 - nhập khẩu giảm 45,4%). Cả nước tổng cộng có 32 trạm biến áp lưới điện cao thế với tổng công suất là 9.686 MVA đang được xây dựng.
Ngoài ra, tổng cộng có 29 trạm biến áp lưới điện cao thế được quy hoạch và đề xuất với tổng công suất 8.797 MVA. Người dân Nepal được sử dụng điện đạt 95%, trong đó sử dụng điện nối lưới là 92,51%, điện không nối lưới là 2,49%. Tiêu thụ điện bình quân đầu người đạt 351 kWh/người/năm.
Tình hình phát triển thủy điện ở Nepal:
Nepal có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với hơn 6.000 con sông và lạch nhỏ, có điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn rất thuận lợi cho việc phát triển, xây dựng các công trình thủy điện phục vụ cho nền kinh tế quốc dân. Hiện tại công suất khai thác từ nguồn thủy điện đã chiếm hơn 92% tổng công suất toàn hệ thống điện của Nepal và khoảng 5.000 MW công suất từ các dự án thủy điện đang được thi công.
Dự án Thủy điện Tanahu của Nepal (công suất 150 MW, dự kiến vận hành phát điện vào năm 2024) - công trình đập thủy điện cao nhất Nepal (tính tới thời điểm hiện tại). Gói thầu tư vấn thiết cho dự án này do Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC 1) của Việt Nam thực hiện. |
Tiềm năng lý thuyết thủy điện của Nepal được đánh giá khoảng 83.290 MW, trong đó tiềm năng kinh tế - kỹ thuật là 42.130 MW. Tính đến thời điểm hiện tại đã xây dựng và đưa vào sử dụng mới đạt 2.135,8 MW, chỉ chiếm 5% tiềm năng kinh tế - kỹ thuật.
Như vậy, khả năng khai thác công suất từ thủy điện hiện vẫn còn rất lớn, trong đó hệ thống sông lưu vực Sapta Koshi có thể khai thác 10,86 GW, lưu vực Sapta Gandaki dự kiến khai thác được 5,27 GW, hệ thống sông lưu vực Karnali và Mahakali có thể khai thác được 25,1 GW. Còn lại các sông phía Nam dự kiến khai thác được 880 MW.
Nepal đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000 MW thủy điện vào năm 2028 (không bao gồm 6 các dự án định hướng xuất khẩu tương đương với 4.169 MW), trong khi các dự án của Nepal với mục tiêu phát điện là 15.000 MW trong cùng khung thời gian.
Sản xuất thủy điện của Nepal có thể được sử dụng cho cả nhu cầu trong nước tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ quan Điện lực Nepal (NEA) là đơn vị duy nhất được quyền mua điện từ nguồn phát các nhà máy do IPP (nguồn phát điện độc lập) phát triển và để xuất/nhập khẩu năng lượng theo Đạo luật NEA (năm 1984). Sau Luật Điện lực ra đời năm 1992, khu vực tư nhân bắt đầu được phép đầu tư, xây dựng các dự án điện.
Hợp đồng mua bán điện (PPA) đầu tiên được ký kết là cho dự án Thủy điện Khimti, vốn FDI có công suất 60 MW vào năm 1996. Các nhà máy thủy điện được xây dựng cho đến thời điểm hiện tại phần lớn kiểu nhà máy thủy điện dòng sông. Do lượng nước thừa trong những tháng mùa mưa (tháng 6 đến tháng 11) nên vào thời gian này Nepal xuất khẩu năng lượng sang nước láng giềng Ấn Độ và Nepal bắt đầu trở thành một nước xuất khẩu điện đáng kể, trong khi một năm trước, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu điện từ Ấn Độ trong mùa khô (lưu lượng giảm đáng kể trên các dòng sông và thiếu các nhà máy thủy điện có hồ chứa lớn).
Hiện tại, 11 đường dây truyền tải xuyên biên giới trong 6 hành lang được xác định theo đường dây truyền tải Ấn Độ - Nepal đã được phê duyệt. Theo đó, Quy hoạch tổng thể đã xem xét các dự án thủy điện vận hành trong các khung thời gian khác nhau ở Nepal để xác định khối lượng và thời gian bán điện cho Ấn Độ. Mua bán điện xuyên biên giới đang diễn ra giữa Nepal và Ấn Độ, trong khi Nepal là quốc gia đầu tiên ở Nam Á bắt đầu giao dịch tại thị trường điện Day-Ahead của IEX của Ấn Độ.
Tổng số PPA đã ký cho các dự án điện của IPP và các công ty con của NEA là 361 dự án với tổng công suất là 6.426 MW. Tổng số đăng ký các dự án thủy điện sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi là 11.380 MW. Đóng góp của IPP vào năng lượng lưới điện là 1115,3 MW (chiếm 49,7%). NEA là 653,6 MW (chiếm 29%) và công ty con của NEA là 478,1 MW (chiếm 21,3%).
Năm 2018, Bộ Năng lượng, Tài nguyên nước và Thủy lợi Nepal công bố Sách trắng với mục tiêu tăng công suất nguồn điện 10.000 MW cho mục đích nội địa và 5.000 MW cho xuất khẩu vào năm 2028 và 100% dân số được sử dụng điện. Tăng mức tiêu thụ điện bình quân đầu người lên 1.500 kWh vào năm 2028 với tỷ lệ tổn thất điện năng sẽ được duy trì ở mức 12,3% và ký kết các hiệp định thương mại mua, bán điện song phương và đa phương với Ấn Độ và các nước khác trong khu vực.
Cải cách chính sách:
Chính sách tài nguyên nước quốc gia năm 2020 quy định về kế toán/ngân sách nước, tổng thể giám sát của Ban Thư ký Ủy ban Nước và Năng lượng (WECS). Bộ/sở ngành chịu trách nhiệm thực hiện, khái niệm về tối ưu hóa quản lý lưu vực và tổng hợp tài nguyên nước đã được thông qua.
Đối với hệ thống liên kết lưới điện cần đẩy nhanh quá trình điện khí hóa thông qua các nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời, gió.
Còn dự luật tiết kiệm và hiệu quả năng lượng yêu cầu tập trung tăng cường sản xuất với việc giảm thiểu tổn thất tài nguyên năng lượng và những nỗ lực khác nhau để bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu:
Chính phủ Nepal mong muốn giảm thiểu lượng khí thải và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 một cách bền vững vào năm 2045. Các lĩnh vực giảm thiểu bao gồm năng lượng, quy trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU), nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất khác và chất thải. Dự kiến đến năm 2030, mở rộng sản xuất năng lượng sạch lên 15.000 MW, trong đó 5 -1 0% được tạo ra từ thủy điện nhỏ, siêu nhỏ, năng lượng mặt trời, gió và năng lượng sinh học. Đến năm 2030, đảm bảo 15% tổng nhu cầu năng lượng được cung cấp từ năng lượng sạch và đảm bảo 25% hộ gia đình sử dụng bếp điện là phương thức sinh hoạt chính trong nấu nướng.
Giao dịch năng lượng:
Hiệp định mua bán điện (PTA) giữa Nepal và Ấn Độ được ký năm 2014 cung cấp một khung pháp lý để Nepal để tiếp cận thị trường Ấn Độ và cuối cùng là thị trường khu vực. Thỏa thuận khung SAARC về Hợp tác năng lượng (điện) được thông qua vào năm 2014 đã mở đường để các tổ chức có liên quan ở các quốc gia tương ứng phát triển kết nối lưới truyền tải trong khu vực nhằm cho phép mua bán điện xuyên biên giới. Biên bản ghi nhớ BIMSTEC (MOU) ký tháng 8/2018 quy định ngày thiết lập kết nối lưới điện BIMSTEC mở ra con đường thương mại năng lượng trong khu vực.
Cải cách cấu trúc cơ quan điện lực Nepal (NEA):
- Tái cấu trúc chức năng của Cơ quan Điện lực Nepal (NEA): 5 năm phát triển doanh nghiệp, kế hoạch được chuẩn bị để tách NEA khỏi các hoạt động độc quyền của nó (phát điện, truyền tải, phân phối, mua bán điện).
- Hoàn thiện đầy đủ chức năng của Ủy ban Điều tiết Điện lực độc lập (ERC).
Thay cho lời kết:
Với tỷ trọng công suất từ nguồn thủy điện chiếm ưu thế tuyệt đối trong tổng cơ cấu nguồn điện của Nepal, dự báo đến cuối năm 2023, các dự án thủy điện với công suất khoảng 800 MW dự kiến sẽ được đưa vào vận hành. Tiếp theo trong 3 năm tới, sẽ phát triển thêm khoảng 3.000 MW và đến năm 2028 sẽ tiếp tục đưa vào vận hành các dự án với, tổng công suất khoảng 10.000 MW.
Ngoài ra, với ưu thế hệ thống sông có nguồn thủy năng phong phú, nên dự kiến sẽ thành lập nhiều đơn vị phát triển dự án thủy điện nhằm xây dựng các dự án quy lớn để cung cấp năng lượng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời kiểm soát lũ lụt, tăng cường khai thác lợi ích hàng hải nội địa.
Có thể nói, phát triển thủy điện là ngành công nghiệp thế mạnh của Nepal, vừa phục vụ điện khí hóa đất nước, vừa tăng khả năng xuất khẩu năng lượng cho các nước láng giềng để tạo ra nguồn thu ngoại tệ bền vững, vừa đảm bảo thực hiện cam kết giảm thiểu lượng khí thải và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 một cách bền vững vào năm 2045.
Đón đọc kỳ tới...
TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
Country Plans and Perspective on the Power Sector of Nepal. Madhu Prasad Bhetuwal. Ministry of Energy, Water Resources and Irrigation. Hydro Power Asia Conference 2022. November 7-8 at Sheraton (Hanoi), Vietnam.