RSS Feed for Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 22:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ cuối]

 - Xét trên mọi phương diện, quy mô tiêu dùng năng lượng sơ cấp, quy mô phát thải CO2, kể cả tính theo bình quân đầu người, thì Việt Nam còn rất thấp so với bình quân của thế giới và quá thấp so với nhiều nước trong khu vực, cũng như mức phát thải cho phép. Do đó, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam thời gian tới tiếp tục tăng cao, kéo theo mức phát thải khí nhà kính tăng lên là xu thế tất yếu.

Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ 1]
Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ 2]


 

KỲ CUỐI: XÉT THEO TỪNG NƯỚC, ASEAN VÀ VIỆT NAM


Xét theo từng nước

1/ Về quy mô phát thải CO2:

Trước hết, lớn nhất là Trung Quốc 9428,7 triệu tấn (chiếm 27,8% tổng phát thải toàn cầu), năm 2018 vẫn tăng 2,2% so với 2017. Tiếp theo là các nước: Mỹ tương ứng là: 5145,2 triệu tấn (15,2%) và tăng 2,6%; Ấn Độ: 2479,1 triệu tấn (7,3%) và tăng 7,0%; Nga: 1550,8 triệu tấn (4,6%) và tăng 4,2%; Nhật Bản: 1148,4 triệu tấn (3,4%) và giảm 2,0%; Đức: 725,7 triệu tấn (2,1%) và giảm 4,8%; Hàn Quốc: 697,6 triệu tấn (2,1%) và tăng 2,8%.

Tổng cộng 7 nước chiếm 62,5% tổng phát thải CO2 toàn cầu. Nguyên nhân chính là tổng tiêu dùng năng lượng sơ cấp (NLSC) cao.

2/ Về mức phát thải bình quân đầu người (tấn CO2/người):

Cao nhất là Xing-ga-po 39,7 (mức phát thải năm 2018 giảm 0,5% so với 2017). Tiếp theo là các nước: Úc 17,29 (nhưng mức phát thải năm 2018 vẫn tăng 1% so với năm 2017); Mỹ 15,69 (2018 vẫn tăng 2,6%); Ca-na-đa 14,79 (2018 vẫn tăng 0,1%); Ka-dắc-xtan 13,48 (2018 vẫn tăng 12,9%); Hàn Quốc 13,47 (2018 vẫn tăng 2,8%); Đài Loan 12,02 (2018 giảm 0,8%); Nga 10,53 (2018 vẫn tăng 4,2%); Đức 8,76 (2018 giảm 4,8%); Ba Lan 8,40 (2018 vẫn tăng 2,3%); Nhật Bản 9,08 (2018 giảm 2,0%).

Đây là các nước có mức phát thải bình quân đầu người cao nhất, cao gấp gần từ 2 đến 3,6 lần bình quân của thế giới (riêng Xing-ga-po gấp 9 lần).

Nguyên nhân chính là mức tiêu dùng NLSC bình quân đầu người cao. Vấn đề là đa phần các nước này trong năm 2018 vẫn tăng phát thải tiếp, chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng NLSC vẫn tăng.

3/ Về mức phát thải bình quân trên 1 Toe NLSC tiêu dùng (tấn CO2/Toe):

Cao nhất là các nước: Nam Phi 3,47; Ka-dắc-xtan 3,25; Ba Lan 3,07; Ấn Độ 3,06; In-đô-nê-xi-a 2,93; Úc 2,89; Trung Quốc 2,88; Phi-lip-pin 2,84; Xing-ga-po 2,63; Việt Nam 2,62; Thổ Nhĩ Kỳ 2,54; Nhật Bản 2,53; Ma-lai-xi-a 2,52.

Nguyên nhân chính là do tỷ trọng than trong cơ cấu tiêu dùng NLSC cao. Cụ thể là: Nam Phi 70,8%; Ka-dắc-xtan 53,4%; Ba Lan 48,0%; Ấn Độ 55,9%; Trung Quốc 58,3%; In-đô-nê-xi-a 33,2%; Úc 30,7%; Việt Nam 40,0%, v.v... Riêng Xing-ga-po do tỷ trọng dầu quá cao, chiếm tới 86,5%.  

Các nước ASEAN và Việt Nam

Tình hình phát thải CO2 từ tiêu thụ năng lượng năm 2018 của một số nước ASEAN đại diện được nêu trong bảng 2.

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

In-đô-nê-xi-a

Ma-lai-xi-a

Phi-lip-pin

Xing-ga-po

Thái lan

Việt Nam

Tổng CO2

106T

543,0

250,3

133,7

230,0

302,4

224,5

- So với 2017

%

5,2

3,6

3,8

-0,5

0,8

14,8

B/q đầu người

Tấn

2,05

7,7

1,25

39,7

4,57

2,37

B/q trên Toe NLSC

Tấn

2,93

2,52

2,84

2,63

2,27

2,62


Bảng 2 cho thấy, nói chung các nước trong khối ASEAN đều có quy mô phát thải và mức phát thải bình quân đầu người còn thấp so với bình quân của thế giới, trừ Xing-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Tổng cộng phát thải của 6 nước là 1683,9 triệu tấn CO2, chỉ chiếm 5% tổng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, mức phát thải CO2 bình quân trên 1 Toe NLSC tiêu dùng của một số nước lại cao. 

Việt Nam năm 2018 tuy có tốc độ tăng phát thải cao nhất, song quy mô tăng chỉ là 29 triệu tấn CO2, chỉ bằng 22,2% lượng tăng của Mỹ, 17,9 % của Ấn Độ và 14,6% của Trung Quốc. Phát thải của Việt Nam tăng chủ yếu là do tiêu thụ NLSC tăng, tới 13,1%.

Xét trên mọi phương diện, quy mô tiêu dùng năng lượng sơ cấp, quy mô phát thải CO2, kể cả tính theo bình quân đầu người, thì Việt Nam còn rất thấp so với bình quân của thế giới và quá thấp so với nhiều nước trong khu vực, cũng như mức phát thải cho phép. Do đó, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế,xã hội của Việt Nam thời gian tới tiếp tục tăng cao, kéo theo mức phát thải khí nhà kính tăng lên là xu thế tất yếu. Vấn đề là, cần kiểm soát để giảm tốc độ tăng phát thải so với tốc độ tăng tiêu dùng năng lượng trên cơ sở tìm cách giảm lượng phát thải CO2 bình quân trên 1 Toe NLSC tiêu dùng hiện đã ở mức bình quân của khối các nước ngoài OECD và cao hơn mức bình quân của thế giới để không vượt quá giới hạn mức phát thải cho phép nhằm chung tay góp phần cùng toàn thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt bảo vệ Hành Tinh Xanh của chúng ta./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động