RSS Feed for Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 15:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ 2]

 - Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng, xét theo khối nước, thì khối OECD đa phần là các nước có xu hướng giảm phát thải, song năm 2018 một số nước phát thải vẫn cao như: Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Úc... nên mức phát thải của toàn khối tăng lên. Còn khối các nước ngoài OECD, do nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng, kéo theo mức phát thải CO2 tăng lên. Với EU, mức phát thải có giảm, do cơ cấu tiêu dùng năng lượng sơ cấp chuyển dịch theo hướng sạch hơn...

Phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng: Nhìn và suy ngẫm từ mọi góc độ [Kỳ 1]


KỲ 2: PHÁT THẢI CO2 - XÉT THEO KHỐI NƯỚC


1/ Khối các nước OECD:

Năm 2018 tổng mức phát thải CO2 là 12.405,0 triệu tấn, chiếm 36,6% tổng mức phát thải toàn cầu, so với năm 2017 tăng 0,4%, trong khi bình quân 10 năm từ 2007-2017 giảm 1,0%/năm. Mức phát thải CO2 bình quân đầu người là 9,51 tấn, cao gấp 2,15 lần bình quân của thế giới và hơn 2,8 lần bình quân của khối các nước ngoài OECD.

Nguyên nhân chính là do mức tiêu dùng năng lượng sơ cấp (NLSC) của khối này rất cao, bình quân đầu người tới 4,35 Toe, cao gấp 2,4 lần bình quân của thế giới và gần 3,4 lần bình quân của khối ngoài OECD. Tuy nhiên, mức phát thải CO2 bình quân trên Toe NLSC tiêu dùng của khối OECD chỉ là 2,19 tấn, bằng gần 90% bình quân của thế giới và 83,6% bình quân của khối các nước ngoài OECD. 

Nguyên nhân chính là do tỷ trọng than trong cơ cấu NLSC tiêu dùng của khối này thấp, chỉ là 15,2% và tỷ trọng của NLTT cao: 5,8%, trong khi bình quân của thế giới tương ứng là 27,2% và 4,2%, của các nước ngoài OECD là 35,5% và 2,8%.

Chính vì vậy, năm 2018 tiêu dùng NLSC của khối này tăng 1,5%, nhưng mức phát thải CO2 chỉ tăng 0,4%.

Nhìn chung, trong khối này đa phần là các nước có xu hướng giảm phát thải, song năm 2018 một số nước có quy mô phát thải lớn có mức tăng phát thải tương đối cao (như Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Úc) nên làm cho mức phát thải của toàn khối tăng lên.

2/ Khối các nước ngoài OECD:

Tổng mức phát thải CO2 năm 2018 là 21.485,8 triệu tấn, chiếm 63,4% tổng mức phát thải toàn cầu, tăng 2,9% so với năm 2017 và cao hơn 0,5% so với mức tăng trưởng bình quân trong 10 năm (từ 2007-2017) là 2,4%/năm. Mức phát thải CO2 bình quân đầu người là 3,38 tấn, bằng 76,5% bình quân của thế giới và bằng 35,5% bình quân của khối các nước OECD.

Nguyên nhân có mức phát thải CO2 bình quân đầu người còn thấp chủ yếu là do mức tiêu dùng NLSC bình quân đầu ngưới còn rất thấp, chỉ là 1,29 Toe/người, bằng 71,3% bình quân của thế giới và bằng 29,7% bình quân của khối OECD. Tuy nhiên, mức phát thải bình quân trên Toe NLSC tiêu dùng của khối các nước ngoài OECD tương đối cao: 2,62 tấn/Toe, cao hơn 7,4% so với bình quân của thế giới và 19,6% so với bình quân của khối OECD.

Nguyên nhân chính là do tỷ trọng than trong cơ cấu NLSC tiêu dùng của khối này cao và tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) thấp như đã nêu trên.

Nhìn chung, đa phần các nước khối ngoài OECD có trình độ phát triển kinh tế còn thấp, thuộc các nước có thu nhập thấp và trung bình, đang trong quá trình công nghiệp hóa, do vậy mức tiêu dùng năng lượng còn thấp, cho nên nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng là điều tất yếu, kéo theo mức phát thải CO2 tăng lên.

3/ Khối các nước EU:

Tổng mức phát thải CO2 năm 2018 là 3.479,3 triệu tấn, chiếm 10,3% tổng phát thải toàn cầu, giảm 2% so với năm 2017, giảm hơn 0,3% so với mức giảm bình quân 10 năm (từ 2007-2017) là 1,7%/năm.

Nguyên nhân chính là do cơ cấu tiêu dùng NLSC chuyển dịch theo hướng sạch hơn, cụ thể là tỷ trọng than trong cơ cấu NLSC tiêu dùng năm 2018 giảm 0,6%, trong khi tỷ trọng thủy điện tăng 0,6% và NLTT tăng 0,5% so với năm 2017. Ngoài ra, do tổng tiêu dùng NLSC giảm 0,2%.

Mức phát thải CO2 bình quân đầu người là 6,81 tấn/người, cao gấp 1,54 lần bình quân của thế giới và hơn 2 lần bình quân của khối ngoài OECD, nhưng chỉ bằng 71,6% bình quân của khối OECD.

Nguyên nhân chính là do mức tiêu dùng NLSC bình quân đầu người của khối này là 3,30 Toe/người, cao gấp 1,82 lần bình quân của thế giới và 2,56 lần bình quân của khối các nước ngoài OECD và bằng 75,9% bình quân của khối OECD.

Đặc biệt, mức phát thải CO2 bình quân trên 1 Toe NLSC tiêu dùng của khối này tương đối thấp: 2,06 tấn/Toe, bằng 84,4% bình quân của thế giới, 78,6% bình quân của khối ngoài OECD và 94,1% bình quân của khối OECD.

Nguyên nhân chính là do tỷ trọng than trong cơ cấu NLSC tiêu dùng thấp và tỷ trọng điện hạt nhân và NLTT cao, tương ứng là: 13,2%; 11,1% và 9,5%, trong khi bình quân của thế giới là: 27,2%; 4,4% và 4,1%; của khối ngoài OECD: 35,5%; 2,0% và 2,8%; của khối OECD: 15,2%; 7,9% và 5,8%.

Nhìn chung, đa phần các nước EU là các nước phát triển, nước giàu, có mức tiêu dùng năng lượng và phát thải tương đối cao, nhiều nước đã qua thời kỳ vàng son của than do tài nguyên than đã cạn kiệt (trừ Đức và một số nước Đông Âu như Séc, Ba Lan, Bun-ga-ri, Hy Lạp, Hung-ga-ri còn có trữ lượng than đáng kể). Về trữ lượng dầu mỏ chỉ còn Na Uy có 1,1 tỷ tấn và Vương quốc Anh 300 triệu tấn, về trữ lượng khí đốt Na Uy có 1,6 ngàn tỷ m3 và Hà Lan 600 tỷ m3, một số nước khác tuy còn dầu, khí nhưng không đáng kể.

Nói chung, các nước EU đều phải nhập khẩu dầu, khí đốt và than. Hiện nay, khối này đi đôi với tăng cường phát triển NLTT, giảm tiêu dùng than là đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giảm thiểu phát thải khí CO2 xuống mức cần thiết./.

(Kỳ tới: Xét theo từng nước, các nước ASEAN và Việt Nam)

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động