RSS Feed for Những sửa đổi cần có để Việt Nam xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 19:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những sửa đổi cần có để Việt Nam xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore

 - Liên danh PTSC - Sembcorp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khảo sát vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án điện gió ngoài khơi, xuất khẩu sang Singapore. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến chủ trương xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tóm tắt nội dung báo cáo để bạn đọc tham khảo.
Khởi động dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore Khởi động dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore

Ngày 29/8/2023, tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, PTSC đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giấy phép khảo sát phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore. Còn đối tác của PTSC là công ty Sembcorp Utilities Ltd (SCU) cũng đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) trao Ý định thư (LOI) về việc cấp phép có điều kiện nhập khẩu điện sạch từ Việt Nam.

Khởi động kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore Khởi động kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam để xuất khẩu sang Singapore

Sáng ngày 10/2, trong chương trình chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tow Heng Tan - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sembcorp và chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Sembcorp và đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.

Cơ sở pháp lý:

Chính sách năng lượng nêu ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW một mặt đánh giá: “Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn”, một mặt đặt mục tiêu: “... Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý”. Nhưng trong mục tiêu cụ thể đặt ra cho giai đoạn 2021 -2030 lại không có nội dung xuất khẩu điện.

Trong khi đó, Quy hoạch điện VIII có đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 5.000 - 10.000 MW vào năm 2030.

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số: 893/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2023) cũng có mục tiêu xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Luật Điện lực (sửa đổi) tại Khoản 6 Điều 1 quy định: “Đầu tư phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực chỉ được thực hiện khi cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lực trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép”.

Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực quy định tại Khoản1 Điều 22 chỉ quy định về mua bán điện với nước ngoài qua hệ thống điện quốc gia. Chưa có quy định về mua bán điện ngoài hệ thống điện quốc gia.

Thủ tướng Chí phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp về xuất khẩu điện. Trong đó có Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 3 tháng 2 năm 2023 về Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, trong đó giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau lập “Đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi tỉnh Cà Mau” và Bộ Công Thương thẩm định.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hợp tác năng lượng với Singapore, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1592/QĐ-BCT ngày 29 tháng 6 năm 2023 về việc thành lập Nhóm công tác năng lượng Việt Nam - Singapore. Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã có hai buổi làm việc về liên kết hệ thống và mua, bán điện (vào tháng 1 năm 2023 và tháng 6 năm 2023 tại Hà Nội).

Các dự án đang được đề xuất:

Hiện tại, Bộ Công Thương nhận được một số đề nghị xuất khẩu điện sang Singapore:

1/ Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau, công suất từ 2.000 - 5.000 MW.

2/ Đề án xuất khẩu điện tỉnh Trà Vinh, công suất 1.000 MW.

3/ Đề xuất của Liên danh Công ty TNHH Sembcorp Utilities (SCU) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), công suất 2.300 MW.

Cả ba đề xuất trên đều bao gồm nhà máy điện không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

Khó khăn, thách thức:

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 9,7%/năm. Hai năm (2020 - 2021) tăng trưởng có giảm do Covid-19. Theo đề án Quy hoạch điện VIII, dự báo tăng trưởng nhu cầu điện bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8,8%. Như vậy, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao dẫn đến thách thức trong đảm bảo cung ứng điện cho đất nước giai đoạn tới. Giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho phát điện.

Do đang trong tình trạng thiếu điện và sẽ còn thiếu điện, việc xuất khẩu điện ở quy mô lớn cần được cân nhắc kỹ lưỡng về tác động đến an ninh năng lượng đất nước.

Đến nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa được phê duyệt, do đó việc lựa chọn các vị trí điện gió ngoài khơi và giải pháp, xuất khẩu điện gặp nhiều khó khăn.

Luật Đầu tư năm 2020 chưa quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nằm ngoài khu vực biển 6 hải lý (như dự án điện gió ngoài khơi). Chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư điện ngoài khơi trên biển.

Đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất: Xin chủ trương cụ thể từ Bộ Chính trị về việc xuất khẩu điện quy mô lớn và giao các bộ, ngành xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa chủ trương, làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Thứ hai: Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc về pháp luật điện lực nêu trên trong hồ sơ Luật Điện lực đang được thực hiện.

Thứ ba: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án trên biển và nghiên cứu bổ sung quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, cáp ngầm vượt biển đi qua khu vực lãnh hải, đặc quyền kinh tế biển của nhiều nước.

Thứ tư: Giao Bộ Quốc phòng đưa ra các tiêu chí, yêu cầu để đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo trong quá trình phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Thứ năm: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình lập, thẩm định phê duyệt các hồ sơ (dưới hình thức đề án) để Bộ Công Thương có căn cứ thẩm định đề án xuất khẩu điện do UBND tỉnh Cà Mau trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Văn bản số: 1400/VPCP-CN ngày 20 tháng 2 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ)./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động