RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 07:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40

 - Cuối tháng Năm vừa qua, Thống đốc tỉnh Fukui đã tuyên bố đồng ý tái khởi động 3 tổ máy điện hạt nhân đã vận hành trên 40 năm, gồm tổ máy số 1, 2 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama và tổ máy số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Mihama, thuộc Công ty Điện lực Kansai.


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1


Theo báo cáo cập nhật, cả 3 tổ máy này đã vượt qua đánh giá an toàn của Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) và được cho phép kéo dài thời gian vận hành. Tuy nhiên, người dân địa phương tỉnh Fukui yêu cầu Cơ sở lưu trữ tạm thời nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng là một địa điểm nằm bên ngoài tỉnh, điều này đã làm cho mọi việc dẫm chân tại chỗ và không nhận được sự đồng ý tái khởi động.

Vào tháng 2 năm nay, đại diện Công ty Điện lực Kansai đã giửi thích với Thống đốc tỉnh Fukui rằng: Muộn nhất vào cuối năm 2023 sẽ quyết định địa điểm. Trong trường hợp không thực hiện được, Công ty Điện lực Kansai sẽ cho dừng vận hành ngay cả khi 3 tổ máy đang tái khởi động cho đến khi quyết định được địa điểm.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng của các nhà máy điện hạt nhân có tuổi thọ cao ở Nhật Bản không còn nhiều chỗ trống. Có một số nhà máy điện hạt nhân chọn phương pháp Lưu trữ trong thùng khô (Dry cask) đặt trong nhà máy, nhưng tỉnh Fukui chủ trương đưa nhiên liệu đã qua sử dụng ra bên ngoài tỉnh. Tuy nhiên, có ít tỉnh sẵn sàng tiếp nhận nhiên liệu đã qua sử dụng này, nên hiện tại vẫn chưa quyết định được địa điểm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có kế hoạch hỗ trợ cho các nhà máy điện hạt nhân đã vận hành trên 40 năm với khoản trợ cấp là 2,5 tỷ Yên/tổ máy cho tỉnh đặt nhà máy điện hạt nhân đó.

Hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân đã vận hành trên 40 năm là tổ máy số 1, 2 của nhà máy điện hạt nhân Takahama, tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Mihama, đều thuộc Điện lực Kansai, và 4 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2, thuộc Công ty Điện hạt nhân Nhật Bản. Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 đã vượt qua đánh giá an toàn của Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA), nhưng còn cần thời gian để đạt được sự đồng thuận của địa phương, nên chưa rõ thời gian được tái khởi động lại. Ba tổ máy được tái khởi động lần này là chưa có trong tiền lệ, vì đã "lão hóa" do vận hành trên 40 năm và đã ngừng hoạt động gần 10 năm từ sau thảm họa động đất phía Đông Nhật Bản năm 2011. Hơn 40 năm vận hành thường làm chúng ta liên tưởng tới sự cũ kỹ và hư tổn, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Những thiết bị chủ chốt như bình sinh hơi, nắp trên của bình áp lực lò phản ứng, đường ống của bình ngưng hơi v.v... đã được thay thế và ở trạng thái gần như mới.

Vào ngày 12 tháng 5, Công ty Điện lực Kansai đã thông báo trước tiên sẽ tái khởi động tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Mihama vào cuối tháng 6.

Từ lúc khởi động lò phản ứng cho tới khi có thể vận hành ổn định, nhà máy điện hạt nhân Mihama sẽ tăng gấp đôi số lượng công nhân và tăng cường hệ thống giám sát. Điều này cũng là nỗ lực chưa từng có từ trước đến nay, nên Công ty Điện lực Kansai sẽ hết sức thận trọng trong việc đảm bảo an toàn cho việc tái khởi động.

Ngay cả khi được cho phép tái khởi động, vẫn có nhiều vấn đề sau đó. Việc xây dựng các Cơ sở chống khủng bố là bắt buộc ở cả 3 tổ máy được tái khởi động lần này đang bị chậm trễ.

Cơ sở chống khủng bố chính thức được gọi là "Cơ sở ứng phó sự cố nghiêm trọng đặc thù" (Cơ sở đặc thù), là những thiết bị đặc biệt của Nhật Bản để ngay cả khi lò phản ứng bị phá hủy nghiêm trọng do va chạm của máy bay lớn hoặc khủng bố, vẫn duy trì làm mát thông qua điều khiển từ xa và hạn chế việc chất phóng xạ bị rò rỉ. Đó là một cơ sở lớn được bố trí trong tòa nhà kiên cố có khả năng chống động đất tốt cách lò phản ứng 100m, có lắp đặt phòng điều khiển, thiết bị làm mát lò phản ứng, nguồn điện sử dụng lúc khẩn cấp, đường ống, cáp điện được kéo dài đến lò phản ứng. Theo quy định của Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA), phải xây dựng Cơ sở chống khủng bố trong vòng 5 năm kể từ khi công trình Cơ sở đặc thù theo Tiêu chuẩn quy định mới được phê chuẩn. Đây là những thiết bị lần đầu được đưa vào và thiết kế thay đổi 2, 3 lần, kỳ hạn thi công cơ sở chống khủng bố ngắn, nên rất nhiều trường hợp không kịp với kế hoạch tái khởi động nhà máy.

Theo Điện lực Kansai, vì tổ máy số 1, 2 của nhà máy điện hạt nhân Takahama không thể hoàn thành Cơ sở chống khủng bố đúng kỳ hạn 5 năm vào ngày 9/6 tới nên việc tái khởi động trước đó là rất khó. Tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Mihama có kế hoạch tái khởi động vào cuối tháng 6 cũng sẽ đến kỳ hạn hoàn thành Cơ sở chống khủng bố vào tháng 10. Nếu quá kỳ hạn 5 năm thì nhà máy điện hạt nhân sẽ không được hoạt động cho đến khi hoàn thành lắp đặt Cơ sở chống khủng bố, giả sử đã tái khởi động thì cũng có khả năng bị tạm dừng trong thời gian ngắn.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động