Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, thực thi Luật năng lượng tái tạo - Hàm ý cho Việt Nam
06:59 | 10/10/2022
Kinh nghiệm quốc tế khi chuyển từ FIT sang đấu thầu năng lượng tái tạo Để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon nhằm giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, năng lượng tái tạo trở thành ngành “điểm nhấn”. Nhằm hậu thuẫn cho nguồn năng lượng này phát triển, cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ra đời. Nhưng khi FIT hết hạn, đấu thầu rộng rãi từng vòng sẽ được thế chân. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật kinh nghiệm đã được một số quốc gia thực hiện thành công sau khi FIT chấm dứt. |
Kinh nghiệm của Malaysia:
Theo trang tin trực tuyến Hồng Kông www.law.asia: Với mục tiêu ưu tiên năng lượng tái tạo (NLTT) trong hỗn hợp năng lượng quốc gia, Malaysia đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giúp nguồn năng lượng này phát triển ổn định và bền vững. Lãnh thổ Malaysia bao gồm Bán đảo Malaysia và Đông Malaysia, mỗi khu vực đều có các công ty công ích riêng (cung cấp những tiện nghi cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên…) để sản xuất điện dựa trên các nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Luật năng lượng tái tạo hiện hành của Malaysia bao gồm:
1/ Đạo luật Cung cấp Điện năm 1990 (Electricity Supply Act- ESA).
2/ Đạo luật Năng lượng Tái tạo năm 2011 (Renewable Energy Act- REA).
Theo luật REA, tài nguyên tái tạo được định nghĩa là “các nguồn tài nguyên, hoặc công nghệ bản địa lặp lại định kỳ và không cạn kiệt”. Trong đó, xem khí sinh học, sinh khối, thủy điện nhỏ, hoặc điện mặt trời là những nguồn tài nguyên tái tạo có thể ứng dụng. Điện năng được tạo ra, hoặc sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo được gọi là năng lượng tái tạo.
Theo REA, một người muốn tạo ra và cung cấp điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo (RE) phải nộp đơn xin phê duyệt mới có quyền khai thác NLTT. Quy mô của nhà máy phát điện có thể từ 1 MW đến 30 MW đối với khí sinh học, sinh khối và thủy điện nhỏ, còn điện mặt trời (PV) có thể từ 1 kW đến 30 MW. Các doanh nghiệp muốn nhận được phê duyệt giá FIT thì phải nộp đơn lên cho Cơ quan Phát triển Năng lượng Bền vững (SEDA).
Đối với Đạo luật Năng lượng Tái tạo, SEDA là cơ quan quản lý biểu giá FIT cho các nhà sản xuất điện được tạo ra từ các dự án NLTT theo thỏa thuận mua bán điện năng lượng tái tạo (RePPA) với Công ty Điện lực Tenaga Nasional của Malaysia. Theo REA và Đạo luật Cung cấp điện (ESA), bất kỳ nhà phát triển, hoặc nhà đầu tư nào muốn thành lập nhà máy phát điện NLTT (trên 30 MW) phải được cấp phép theo Đạo luật Cung cấp điện.
Gần đây, nhằm tăng lượng điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo, Ủy ban Năng lượng của Malaysia đã đưa ra yêu cầu đề xuất (RFP) cho các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn lên đến 100 MW. Kể từ năm 2017, Ủy ban đã phát hành ba RFP và chương trình hiện đang ở chu kỳ thứ tư (được gọi là chu kỳ đấu thầu điện mặt trời quy mô lớn). Việc lựa chọn các nhà thầu trong các chương trình năng lượng mặt trời quy mô lớn dựa trên chào giá cạnh tranh.
Theo Đạo luật Cung cấp điện, khách hàng mua điện là một đơn vị, hoặc bộ phận của Tenaga Nasional và được trao quyền để thực hiện các chức năng cung cấp điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo ở Bán đảo Malaysia. Khách hàng mua cũng hoạt động dưới sự giám sát của Ủy ban Năng lượng và chịu trách nhiệm giám sát việc đàm phán và thực hiện các PPA.
Về chính sách đầu tư nước ngoài, Malaysia cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 49% vốn cổ phần trong một công ty được thành lập tại Malaysia để sản xuất điện, có thể là từ nguồn tái tạo, hoặc nguồn khác. Theo giới phân tích năng lượng: Dù theo Đạo luật Năng lượng Tái tạo, hay Đạo luật Cung cấp điện, nhà đầu tư thường nhận được khoản vay từ các tổ chức tài chính Malaysia hoàn toàn bằng đồng ringgit Malaysia. Thời gian trả nợ thường là 12 - 15 năm. Chương trình bảo hiểm cũng dựa trên đồng ringgit của Malaysia.
Tương lai sản xuất điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo ở Malaysia tăng chủ yếu từ điện mặt trời và thủy điện. Bang Sarawak có một số lượng lớn các nhà máy thủy điện do điều kiện khí hậu và địa hình. Malaysia luôn coi trọng các khía cạnh của luật và dùng nó để kiểm soát, thực thi các giao dịch từ giai đoạn phát triển cho đến khi hoạt động thương mại, còn nhà phát triển thì coi đây là chìa khóa để giúp họ tồn tại, nhất quán, ổn định và bền vững.
Kinh nghiệm của Đài Loan:
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): Năm 2018, Đài Loan xếp thứ 15 thế giới và thứ 4 châu Á về phát triển NLTT. Mục tiêu NLTT của Đài Loan là nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hữu hạn, giảm lượng khí thải CO2 và xa hơn là ngăn chặn những thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra.
Kể từ năm 2016, Đài Loan đã theo đuổi chương trình nghị sự về chuyển đổi năng lượng và trở thành nơi không có hạt nhân vào năm 2025, với mức tăng NLTT từ 5% năm 2016 lên 20% năm 2025. Chưa hết, Đài Loan đã tăng tốc năng lượng gió ngoài khơi, mục tiêu lên 5,7 GW vào năm 2025 từ 2 tua bin 4 MW giữa năm 2016.
Chính phủ Đài Loan đưa ra mức giá FIT cao nhất thế giới để thu hút sự chú ý của các nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn trên toàn cầu. Nếu thành công, Đài Loan sẽ trở thành quốc gia có công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi lớn thứ ba và có thể đạt được mức này nhanh nhất, mặc dù năng lực nền kinh tế hiện nay về gió trên bờ và ngoài khơi còn thấp.
Năm 2009, Đài Loan đã ban hành Đạo luật Phát triển Năng lượng Tái tạo (Renewable Energy Development Act - REDA), mở đường cho NLTT Đài Loan phát triển, quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia tích cực như: Sun Rise E&T Corporation, Swancor Renewable Energy (SRE) và Sysgration Ltd.
Về cơ bản, mục tiêu ban hành REDA nhằm để:
Thứ nhất: Khai thác nhiều nguồn NLTT (gió, mặt trời, địa nhiệt và những nguồn khác), đặc biệt là tăng công suất lắp đặt. Cuối năm 2021, công suất đặt điện mặt trời của Đài Loan đạt 7,7 GW.
Về năng lượng gió, nhờ REDA, Đài Loan đã có 347 hệ thống điện gió được xây dựng, mang lại tổng cộng 684,4 MW trên toàn quốc với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài như: New Zealand, Đan Mạch, Nhật Bản và Hàn Quốc... Mục tiêu chuyển đổi mô hình năng lượng của Đài Loan là tăng tỷ lệ phát điện năng lượng xanh lên 20%.
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo Đài Loan được luật hóa. Năm 2017, Đài Loan sửa đổi Đạo luật Kinh doanh điện (Taiwan Electricity Act - TEA) để tự do hóa thị trường điện và thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo. Những sửa đổi chính trong TEA bao gồm tách hoạt động kinh doanh phát điện của Công ty Năng lượng Đài Loan thuộc sở hữu Nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh truyền tải và phân phối vào năm 2026 và cho phép năng lượng tái tạo được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.
Năm 2019, Đài Loan tiếp tục sửa đổi đối với đạo luật REDA để tiếp tục tự do hóa thị trường. Cùng với việc thiết lập mục tiêu NLTT 27 GW vào năm 2025, các thủ tục đăng ký cho các cơ sở tái tạo có công suất dưới 2 MW đã được đơn giản hóa và các nguồn điện NLTT tự dùng nhỏ hơn 500 kW được phép không tuân thủ nhiều thủ tục về kỹ thuật điện. Các máy phát điện được phép lựa chọn bán điện thông qua cung cấp trực tiếp, bán buôn, bán lẻ cho Công ty Năng lượng Đài Loan.
Ngoài ra, người sử dụng điện phải có nghĩa vụ mua một phần nguồn cung cấp năng lượng nhất định từ các nguồn tái tạo, hoặc trả một khoản riêng dành cho phát triển NLTT.
Thứ hai: REDA muốn đưa ra chính sách tín dụng và ưu đãi về thuế, giảm thuế để khuyến khích đầu tư, chuyển tiền, hoặc tăng tốc độ khấu hao. Chính phủ hỗ trợ đến 13% cơ sở vật chất, được khấu trừ thuế cho tất cả các khoản thuế từ lợi nhuận trong kinh doanh, nhận tín dụng thuế từ 10 - 20% chi phí đầu tư vào thị trường chứng khoán của ngành, kéo dài tốc độ khấu hao 2 năm, được vay với lãi suất thấp.
Thứ ba: Qua REDA, Đài Loan muốn cung cấp mức trợ giá, sử dụng mức hỗ trợ cố định, không liên quan đến giá điện. Đài Loan cho rằng giá điện FIT nếu quá cao, hoặc quá thấp đều không có lợi. Nếu quá cao thì sẽ dẫn đến lạm phát giá điện ở Đài Loan, còn nếu quá thấp thì sẽ không khuyến khích được người dân tham gia đầu tư vào NLTT. Cơ chế FIT của Đài Loan giúp nguồn năng lượng tái tạo được bán lên lưới, hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện.
Thứ tư: Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thị trường NLTT thông qua việc thiết lập các dự án xây dựng công cộng có sự tham gia của các doanh nghiệp. Xây dựng các đô thị quang điện, thành phố giải trí quang điện, xây dựng trần năng lượng mặt trời với công suất 1 MW... Chính phủ ban hành các quy định về NLTT, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí CO2 thông qua kiến trúc để các doanh nghiệp tham khảo khi xây dựng các công trình công cộng nói trên.
Ngoài ban hành đạo luật REDA và áp dụng cơ chế FIT phù hợp, Đài Loan hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị, công khai danh mục các dự án đầu tư. Mặt khác, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Quỹ nghiên cứu phát triển năng lượng bền vững được thành lập, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu từ phí môi trường với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài các chính sách kinh tế, Đài Loan còn áp dụng chính sách phi kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát huy nguồn năng lượng tái tạo, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo.
Tăng cường công tác tuyên truyền, đưa vào chương trình giáo dục năng lượng ở các trường học, giúp các trường tuyên truyền chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả và xa hơn là chọn nhân tài cho lĩnh vực năng lượng, môi trường trong tương lai.
Bài học kinh nghiệm hàm ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Từ kinh nghiệm của Đài Loan và Malaysia cho thấy: Xây dựng Luật năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp “điểm nhấn” then chốt, tiên quyết cho việc phát triển NLTT. Cần có chính sách xây dựng Luật năng lượng tái tạo rõ ràng dựa trên thực tế và xu hướng thế giới. Phân loại chi tiết ngành năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, điện sóng, điện hải lưu, điện sinh khối, tích hợp các loại nguồn khác.
Thứ hai: Tập trung cho R&D để phục vụ phát triển NLTT, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo. Cần đưa R&D về NLTT là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, nhất là công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió. Cùng với đó là cơ chế tài chính xanh, carbon xanh cho phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ ba: Khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường NLTT. Mở rộng đầu tư lưới điện có kiểm soát theo hình thức đối tác công tư (PPP) thông qua đấu thầu cạnh tranh. Khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm sử dụng NLTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững. Ứng dụng mô hình BLT (xây dựng - thuê - chuyển giao), giúp doanh nghiệp sử dụng điện sạch với chi phí thấp mà không cần bỏ vốn đầu tư, chỉ tận dụng phần mái nhà xưởng đang nhàn rỗi, nhất là khi FIT hết hạn.
Thứ tư: Thu hút vốn FDI để triển khai NLTT và sửa đổi cơ chế bền vững cung cấp tài trợ để khuyến khích đầu tư tư nhân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển NLTT. Ưu tiên phân bổ vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ODA và vốn vay theo hiệp định song phương cho đầu tư vào các dự án thăm dò, phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài những kinh nghiệm từ các nước đang phát triển tương tự Việt Nam, chúng ta cũng cần học kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, như Đức chẳng hạn, để phát triển bền vững nguồn NLTT. Đó là việc tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Nên chăng, có thể chuyển sang cơ chế đấu thầu như Đức, hay Nam Phi đã thực hiện thành công. Nếu đấu thầu cạnh tranh, chúng ta sẽ chọn được nhà đầu tư tốt nhất, họ có thể đưa ra giá bán điện tái tạo ở mức hợp lý, được khách hàng chấp nhận bởi “đôi bên cùng có lợi”./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: LA/AO/SDC/PNC/BC/TGV - 9/2022)
Link tham khảo:
1/ https://law.asia/renewable-energy-regulations-malaysia/
3/ https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2211467X21001322