Hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án năng lượng sạch
08:14 | 17/08/2018
Phát triển bền vững và thách thức năng lượng Việt Nam
Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Đề án là hướng đến từng bước tăng tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đề án cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các hoạt động ngân hàng; phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, sẽ có 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Đề án cũng nêu rõ giải pháp xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh; nghiên cứu các cơ chế và công cụ ưu đãi, hỗ trợ áp dụng cho các ngân hàng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh/tín dụng xanh. Theo đó, Ngân hàng sẽ xem xét ưu tiên nguồn vốn cho phát triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và mục tiêu lạm phát trong từng thời kỳ; xem xét ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển thông qua Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao.
Cạnh đó, Quyết định 1604 cũng đề ra các giải pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế (kết hợp với biện pháp hành chính) nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.
Còn đối với các tổ chức tín dụng, Đề án yêu cầu tập trung xây dựng khung chiến lược về ngân hàng xanh tùy thuộc vào định hướng kinh doanh, phân khúc thị trường, sản phẩm và khách hàng mục tiêu, cùng năng lực và thế mạnh của mình, từng tổ chức tín dụng xây dựng khung chiến lược và lộ trình hướng tới phát triển ngân hàng xanh theo cấp độ phù hợp trên cơ sở tham chiếu 5 cấp độ.
Xây dựng chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm như nông nghiệp, đồ da, năng lượng tái tạo, dệt may, theo dõi chặt chẽ và có biện pháp giảm dần việc cho vay đối với các hoạt động gây hại môi trường.
Lộ trình thực hiện gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2018 đến 2020 và giai đoạn 2 từ 2021 đến 2025.
Về tổ chức thực hiện, Đề án yêu cầu Viện Chiến lược Ngân hàng làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo về chủ đề liên quan, tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập số liệu của các tổ chức tín dụng để phục vụ cho việc đánh giá hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm đầu mối tham mưu, xây dựng và ban hành hướng dẫn để định hướng phát triển ngân hàng xanh cho các tổ chức tín dụng.
Vụ Chính sách tiền tệ nghiên cứu, tham mưu về việc hỗ trợ nguồn vốn thông qua các công cụ chính sách tiền tệ, bổ sung trong báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước nội dung về hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM