RSS Feed for Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/12/2024 14:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)

 - Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4) với chủ đề “Cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện rác, năng lượng sinh khối theo Quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp tháo gỡ” được tổ chức ngày 11/7/2024, tại TP. Hồ Chí Minh.
Triển vọng, rào cản phát triển điện gió trên thế giới, Việt Nam trong ngắn và trung hạn Triển vọng, rào cản phát triển điện gió trên thế giới, Việt Nam trong ngắn và trung hạn

Trong phân khúc năng lượng tái tạo, điện gió có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong hơn một thập kỷ qua và sẽ đạt ngưỡng 3 TW vào cuối thập kỷ này. Dưới đây là dự báo của POWER (Mỹ) về triển vọng, trở ngại của phân khúc này từ năm 2024. Tạp chí Năng lượng Việt Nam lược dịch, cập nhật những thông tin chính để chúng ta cùng tham khảo.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp và một số khuyến nghị ban đầu cho các bên, đơn vị liên quan Cơ chế mua bán điện trực tiếp và một số khuyến nghị ban đầu cho các bên, đơn vị liên quan

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Dưới đây là nội dung chính của Nghị định, kèm theo một số nhận định, khuyến nghị ban đầu của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về khung giá thủy điện tích năng Đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về khung giá thủy điện tích năng

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo “Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá thủy điện tích năng”. Rõ ràng, việc xây dựng và ban hành khung giá thủy điện tích năng là rất cấp thiết. Bởi đây là cơ sở để các nhà đầu tư xem xét tính hiệu quả, lợi ích khi quyết định đầu tư xây dựng dự án nguồn điện này.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4) với chủ đề “Cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện rác, năng lượng sinh khối theo Quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp tháo gỡ”.

Diễn đàn chia thành 3 phiên với các chủ đề:

- Phiên 1: Những bất cập về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng kho, cảng và mua, bán LNG cho các dự án điện khí (giai đoạn 2021 - 2030) - Đề xuất giải pháp tháo gỡ.

- Phiên 2: Cơ chế, chính sách cho phát triển các dự án điện gió (trên bờ và ngoài khơi) theo Quy hoạch điện VIII - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.

- Phiên 3: Cơ chế, chính sách cho phát triển các dự án điện rác, năng lượng sinh khối theo Quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp tháo gỡ.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc và chỉ đạo Diễn đàn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi đã khai mạc Diễn đàn và chỉ ra các điểm cần tập trung trình bày và thảo luận trong Diễn đàn.

Chủ đề của Diễn đàn là các vấn đề “hết sức nóng”, có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số: 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Cao Đức Huy - Phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng).

Bài trình bày của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho thấy: Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 với các mục tiêu cụ thể về công suất đặt của từng loại hình phát điện cho đến năm 2030 đã được tính toán nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII đang gặp nhiều thách thức, đe dọa đến an ninh cung cấp điện.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Nguyễn Anh Tuấn (A) - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Nguồn điện khí được lên kế hoạch phát triển mạnh để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng. Thế nhưng, ngoài các dự án dùng khí của Lô B có một số tiến triển, một loạt các dự án điện khí trong nước đang gặp khó khăn lớn, hầu như không đồng bộ được với dự án khai thác khí, vì bản thân các dự án khai thác khí cũng gặp khó khăn trong triển khai.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Trần Anh Khoa - Phụ trách Ban nguồn và Phát triển Thị trường của PV GAS.

Giai đoạn đến năm 2030, dự kiến phát triển 13 dự án/22.400 MW điện khí hóa lỏng (LNG), nhưng tất cả đều đang vướng mắc về cơ chế mua điện và giá bán. Ngoài dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 và Hiệp Phước (giai đoạn 1), các dự án khác đều chưa khởi công và khó có khả năng phát điện trước năm 2030.

Dự án tiên phong của điện LNG là Nhơn Trạch 3 và 4 dự tính sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối 2024, nhưng chưa thỏa thuận được cam kết sản lượng điện phát hàng năm (Qc) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Chi phí nhập khẩu, lưu trữ và tái hóa LNG chưa có quy định nên hai bên khó thỏa thuận được việc chuyển ngang giá khí sang giá điện.

Các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 6.000 MW chưa thể bắt đầu thi công, nên có rủi ro lớn không thể hoàn thành vào năm 2030. Điện gió trên bờ với công suất xây mới 17.890 MW đang giải quyết nốt các dự án chuyển tiếp (khoảng 4.000 MW) và chưa có cơ chế giá cho dự án đầu tư mới. Dự án điện gió trên bờ có thể triển khai nhanh, nên nếu có cơ chế phù hợp có thể đạt được công suất theo kế hoạch.

Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển điện lực theo Quy hoạch điện VIII là 13,5 tỷ USD/năm, trong đó đầu tư cho nguồn điện là 12 tỷ USD/năm. Để có được nguồn vốn to lớn đó cần huy động đa dạng các nguồn vốn trong và ngoài nước, các cam kết quốc tế hỗ trợ Việt Nam đạt Net Zero, đa dạng hóa hình thức đầu tư công, tư, FDI, kết hợp công - tư...

Việc đầu tư theo Quy hoạch điện VIII đang chậm trễ. Trong các năm 2021 - 2024 mới huy động được khoảng 63% vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện so với trung bình nhu cầu theo Quy hoạch. Giai đoạn tới cần huy động tối đa nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, còn những thách thức cần tháo gỡ: Giá bán lẻ điện tăng chậm không thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào nguồn và lưới điện; thị trường điện cạnh tranh triển khai chậm; các cơ chế cụ thể cho tư nhân đầu tư vào lưới điện vẫn chưa rõ ràng.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Nguyễn Bá Cao - Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Môi trường Biển khu vực phía Nam.

Cục Biển và Hải đảo cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được hơn 70 đề xuất đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển để phục vụ cho lập dự án điện gió. Trong đó diện tích lớn nhất là 715.572 ha, nhỏ nhất 0,03 ha. Quy hoạch không gian biển quốc gia vừa được Quốc hội thông qua (ngày 28/6/2024), nhưng sẽ cần thời gian để làm rõ, có quy định cụ thể về việc giao không gian biển cho các hoạt động khảo sát và xây dựng điện gió ngoài khơi.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Trưởng phòng phương thức Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Báo cáo tham luận của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy: Dự kiến công suất đặt cho năm 2030 của Quy hoạch điện VIII là hợp lý, nhưng tiến độ nguồn điện đến năm 2025 có nguy cơ không theo được quy hoạch đã đề ra. Nguồn điện cả nước đến năm 2025 tăng trưởng chậm hơn nhu cầu, nhất là ở khu vực miền Bắc, nên cung ứng điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ đặt ra là phải có cơ cấu nguồn điện hợp lý, đủ độ linh hoạt, nhưng vẫn phải đáp ứng lộ trình theo JETP. Do đó, phải đảm bảo tiến độ nguồn điện chạy nền theo Quy hoạch điện VIII, phát triển điện năng lượng tái tạo ở phía Bắc và tăng cường nhập khẩu điện hợp lý, đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện trong nước và nhập khẩu. Nguồn LNG ngày càng quan trọng, cần có cơ chế để cung cấp LNG cho các nhà máy điện khí hiện đang thiếu hụt cung cấp khí trong nước. Còn thủy điện cần được vận hành tiết kiệm nước để cung cấp cho cao điểm mùa khô. Điện mặt trời mái nhà sẽ tiếp tục được phát triển, nhưng chủ yếu phải tự sản, tự tiêu.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc phát triển dự án Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình IPC.

Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình IPC (IPC E&C) trình bày những bước đi cần thiết để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị điện gió và điện mặt trời. Từ việc chấp nhận làm nhà thầu phụ cho một công việc nhỏ để học hỏi, tiếp theo chủ động sắm cần cẩu lớn để thi công các dự án điện gió, đến nay IPC E&C đã có thể chủ động nhận hợp đồng EPC cho các dự án điện gió và mặt trời. Hơn nữa, IPC E&C đã học hỏi để có thể nhận công việc vận hành và bảo dưỡng các dự án điện gió, mặt trời, giảm chi phí so với thuê chuyên gia nước ngoài.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Stuart Livesey - Tổng Giám đốc tại Việt Nam, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Parter (CIP).

Đại diện tập đoàn CIP của Đan Mạch chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về phát triển điện gió ngoài khơi với các mô hình giá FIT, hay đấu thầu, hoặc kết hợp với mô hình thử nghiệm. Việc chọn cơ chế có một vài đối tác tin cậy, có năng lực và kinh nghiệm quốc tế để hợp tác với công ty nhà nước thử nghiệm những dự án đầu tiên là cần thiết nếu muốn đạt mục tiêu quy mô điện gió ngoài khơi vào năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII. Thời gian không còn nhiều, cơ chế đó phải đảm bảo độc quyền phát triển dự án điện gió trên vùng biển sau khi đã khảo sát, bảo đảm quyền mua bán điện để chắc chắn lợi nhuận khi đầu tư.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Markus Bissel - Giám đốc dự án Đối tác năng lượng Việt Nam Đức (GIZ).

Đại diện cho GIZ, ông Markus Bissel - Giám đốc dự án Đối tác năng lượng Việt Nam - Đức cho biết: Để đạt được chuyển đối hệ thống điện cần đầu tư rất lớn cho hạ tầng. Tích hợp nguồn phát thải carbon thấp vào hệ thống điện sẽ làm cho giá thành điện cao hơn nguồn truyền thống. GIZ đã có những nghiên cứu về các vấn đề của chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam và sẵn sàng cung cấp giải pháp hiệu quả cho các đối tác.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Đào Nhật Đình - Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam trình bày về huy động các nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cho phát triển nguồn điện; khung pháp lý cho các hoạt động phân loại xanh, tín dụng xanh, tài trợ xanh và trái phiếu xanh để thực hiện đầu tư các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII.

Về huy động FDI, nguồn vốn đăng ký FDI vẫn tăng đều qua các năm gần đây. Tuy nhiên, FDI cho ngành điện không phải là nhiều, chỉ có 2,36 tỷ USD trong năm 2023 với các dự án đã chuẩn bị từ nhiều năm trước. FDI trong nguồn điện rất quan trọng, nhưng các ngân hàng Việt Nam chưa đủ sức cấp vốn cho cùng một lúc các dự án có quy mô lớn, thời gian hoàn vốn dài.

Các dự án FDI phải tuân thủ theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau. Các văn bản này chất lượng chưa cao và chồng chéo nhau. Chính phủ cần rà soát các luật, nghị định về đầu tư và phải có chính sách ổn định, có thể dự đoán được.

Mặc dù đã được định nghĩa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định hướng dẫn, việc phân loại công nghệ xanh, tín dụng xanh vẫn chưa có quy định chi tiết. Đồng thời, nếu quy định chi tiết quá cũng có thể cản trở việc đầu tư cho các công nghệ phát điện hỗ trợ năng lượng tái tạo.

Nếu các nguồn vốn định hướng tăng trưởng xanh như JETP chỉ cấp cho năng lượng tái tạo mà không cấp cho điện khí, trong khi lưu trữ điện còn ngoài tầm với của hệ thống điện thì năng lượng tái tạo dù có vốn ưu đãi cũng không phát triển được, vì không có nguồn điện hỗ trợ.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Trần Hoàng Anh - Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ.

Công ty Everbright (Trung Quốc) có công nghệ phát điện rác đã được chứng minh ở Nhà máy Điện rác Cần Thơ đang vận hành và đang triển khai dự án tương tự tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại diện Nhà máy Điện rác Cần Thơ (thuộc Công ty Everbright) cũng chia sẻ quan ngại về thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian ở Việt Nam. Các rủi ro cho nhà đầu tư còn có thể tăng thêm, nếu thời gian hợp đồng bán điện của dự án điện rác bị giảm xuống dưới 20 năm và tiền thu từ xử lý rác bị trừ tiền thu từ phát điện.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Các đại biểu phát biểu ý kiến.

Phần thảo luận đã có nhiều ý kiến và đề xuất được đưa ra. Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã nêu lý do lớn nhất đang cản trở phát triển nguồn điện Việt Nam là giá điện. Ông gợi ý Chính phủ cần có lộ trình tăng giá điện rõ ràng để các nhà đầu tư có thể tính toán được hiệu quả đầu tư.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4)
Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Chủ tịch VEA điểm qua các nội dung đã trình bày và thảo luận cùng các đề xuất về luật pháp, cũng như về kỹ thuật. Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến và báo cáo gửi lên cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết các vướng mắc hiện nay về cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện rác, năng lượng sinh khối theo Quy hoạch điện VIII./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động