Triển vọng, rào cản phát triển điện gió trên thế giới, Việt Nam trong ngắn và trung hạn
05:53 | 10/07/2024
‘Đường cong con vịt California’ đã xuất hiện ở Việt Nam? Trong bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích về đường cong con vịt California trong tích hợp năng lượng mặt trời vào hệ thống điện và làm rõ thêm câu hỏi: Vịt California đã đến Việt Nam chưa? Các tác động, hệ lụy của hình dáng đồ thị này thế nào? Những vấn đề gì chúng ta cần quan tâm? |
Tăng kỷ lục trong năm 2023, nhưng giảm mạnh các tháng đầu năm 2024:
Theo Global Wind Report 2024 (Báo cáo gió toàn cầu năm 2024), gọi ngắn GWR 2024 của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC): Năm 2021, thế giới chứng kiến lượng lắp đặt điện gió mới trên bờ cao nhất trong lịch sử (hơn 100 GW) và là năm cao thứ hai đạt kỷ lục về điện gió ngoài khơi (11 GW).
Gần 200 quốc gia tham gia COP28 ở Dubai vào tháng 12/2023 đã đặt ra các mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030. Trong khi đó, cột mốc mang tính biểu tượng là 1 TW trong tổng công suất điện gió lắp đặt toàn cầu đã được thông qua.
GWEC cho biết: Với tốc độ hiện tại, hy vọng thế giới sẽ đạt 2 TW trước năm 2030. Nhưng đó không phải là mục tiêu đã đặt ra trong COP28.
Theo Jonathan Cole - Chủ tịch của GWEC: Mức tăng trưởng hàng năm trong lắp đặt điện gió là đáng kinh ngạc (đạt trên 50%). Tốc độ tăng trưởng này tuy đạt cao, nhưng vẫn còn kém xa mục tiêu tăng gấp ba lần. Lý do có nhiều, trong đó có áp lực lạm phát toàn cầu, chiến sự tại Ukraine, chi phí vốn tăng cao và sự mong manh trong chuỗi cung ứng… đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng của ngành điện gió tại nhiều nước.
“Việc kết nối 117 GW công suất điện gió vào lưới điện trong 1 năm không chỉ thể hiện khả năng phục hồi và thích ứng vượt trội của ngành điện gió mà còn cho thấy thế giới đang đi đúng hướng trong việc chống biến đổi khí hậu” - Jonathan Cole nhấn mạnh.
Theo GWEC: Trung Quốc đứng đầu bảng, với kỷ lục khi vận hành hơn 69 GW công trình điện gió mới trên đất liền và trở thành thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2023. Tiếp theo là Mỹ, Brazil, Đức, Ấn Độ. Năm ‘ông lớn’ này chiếm 82% tổng số lượng công suất lắp đặt điện gió mới trên toàn cầu vào năm 2023.
Trong khi Trung Quốc đứng đầu, thì điện gió tại Mỹ lại có phần mờ nhạt, đặc biệt là gió trên đất liền. Theo GWEC: Mặc dù việc lắp đặt điện gió ở Mỹ được xếp hạng cao so với các quốc gia khác, nhưng thực tế vẫn trì trệ trong năm nay.
Đầu tháng 5/2024, Hội điện sạch Mỹ (ACP) đã công bố báo cáo Clean Power Quarterly Market Report (Báo cáo thị trường điện sạch hàng quý) cho biết: “Gió trên đất liền có một quý mờ nhạt, chỉ có hai dự án gió được đưa vào hoạt động”. Hai dự án này đều nằm ở vùng gió tốt của Texas, đưa tổng cộng 449 MW công suất điện gió mới trên đất liền vào hoạt động trong quý 1 năm 2024.
Công suất lắp đặt trong quý đầu năm 2024 giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý đầu tiên chậm nhất mà ngành điện gió Mỹ đã trải qua kể từ năm 2018.
Ngoài ra, công suất lắp đặt điện gió trên đất liền giảm 90% so với quý trước. ACP đổ lỗi cho sự chậm trễ là do các vấn đề với chuỗi cung ứng, địa điểm, cấp phép, cũng như thời gian chờ đợi lâu trong hàng đợi kết nối. Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho việc triển khai dự án tổng thể giảm mạnh.
South Fork Wind là một dự án gió ngoài khơi chung của Ørsted và Eversource. Dự án bao gồm 12 tua bin gió (11-MW SG 11-200 của Siemens). Nó được xây dựng ngoài khơi bờ biển Long Island, New York, cung cấp điện cho Cơ quan Điện lực Long Island thông qua hợp đồng mua bán điện 20 năm.
Dự báo năng lượng gió từ sau năm 2024:
Theo dự báo của GWEC: Phân khúc điện gió sẽ phát triển lạc quan hơn, cả ngắn lẫn dài hạn nhờ mục tiêu cam kết trong COP28, dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 3 lần.
“Với môi trường chính trị thuận lợi trên toàn cầu, GWEC tin rằng sẽ có thêm 791 GW công suất mới có thể sẽ được bổ sung trong 5 năm tới dựa trên các chính sách hiện hành. Con số này tương đương với 158 GW công suất lắp đặt mới mỗi năm cho đến năm 2028” - Feng Zhao -người đứng đầu Bộ phận Chiến lược và Tình báo Thị trường của GWEC nhấn mạng trong báo cáo GWR 2024.
Dưới đây là những động lực thúc đẩy cho sự tăng trưởng của điện gió:
1. Tăng tốc phát triển ở châu Âu nhằm đạt được an ninh năng lượng sau khi xảy ra chiến sự tại Ukraine.
2. Đầu tư được thúc đẩy bởi Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
3. Cam kết “30-60” của Chính phủ Trung Quốc. Trong đó, cùng với những cam kết khác, đặt mục tiêu các nguồn năng lượng không hóa thạch sẽ chiếm hơn 80% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2060.
4. Sự tái khẳng định của một số chính phủ và nhà phát triển về việc xây dựng thêm nhiều điện gió ngoài khơi - công nghệ gió nổi và các giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch, trọng tâm tới năng lượng gió ngoài khơi.
5. Các thị trường mới nổi từ Đông Nam Á và Trung Á đến các nước Trung Đông, Bắc Phi được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh.
GWEC dự đoán tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của điện gió trên bờ sẽ là 6,6% trong 5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ vẫn là trụ cột. Tốc độ CAGR dự kiến của điện gió ngoài khơi sẽ tăng cao hơn (khoảng 28% trong 5 năm tới). Trung Quốc và châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục thống trị thị trường điện gió cho đến năm 2025.
Riêng nước Mỹ và các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có thị trường lớn hơn từ năm 2026 trở đi.
Theo ACP: Năng lượng gió trên đất liền của Mỹ đã đạt tổng công suất khoảng 25,3 GW vào cuối quý 1 năm 2024, tăng hơn 5 GW so với cùng kỳ năm ngoái. Năng lượng gió trên bờ đang được xây dựng đã tăng 3,7 GW so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng đáp ứng định nghĩa về phát triển tiên tiến của ACP tăng 1,3 GW.
Riêng gió ngoài khơi của Mỹ có 22,9 GW đang được triển khai vào cuối quý 1 năm 2024.
Tuy nhiên, ACP cho biết: Ba dự án bị hủy ở New York có thể tác động đến thị trường điện gió của quốc gia này gồm: Attentive Energy One 1.404-MW; Community Offshore Wind 1.314 MW và Excelsior Wind 1.314-MW khiến công suất điện gió tổng thể của Mỹ giảm khoảng 4 GW.
Những rào cản chính đối với điện gió:
Trước tiên là các vấn đề tiềm ẩn về chuỗi cung ứng có thể cản trở ngành này. Những đánh giá từ báo cáo của Baringa công bố hồi tháng 4/2024 cho thấy một số hạn chế đáng lo ngại. Mặc dù nghiên cứu của Baringa được thực hiện thay mặt cho Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero của Vương quốc Anh, nhưng nó có thể áp dụng cho các thị trường toàn cầu. Báo cáo này được hãng Baringa Partners LLP - một công ty thuộc Tập đoàn Baringa của Anh soạn thảo.
Rob Gilbert (đối tác tại Baringa) nói với POWER: Gần đây, Mỹ đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng là 30 GW gió ngoài khơi vào năm 2030 và 110 GW vào năm 2050. Nhiều người cho rằng, những mục tiêu này là “không thực tế”. Lý do, những thiết bị cần thiết để đạt được các mục tiêu nói trên là rất quan trọng, nhưng do ngành công nghiệp gió ngoài khơi ở các bang còn non trẻ, nên thiếu năng lực sản xuất trang thiết bị tại chỗ.
“Phần lớn các linh kiện phải nhập khẩu. Ví dụ, từ nay đến năm 2030 cần hơn 1.000 tua bin gió, hơn 50% công suất lắp đặt dự kiến sẽ phải nhập khẩu. Đây là một thách thức khi xem xét chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh vốn đã quá tải” - Rob Gilbert nói thêm.
Cũng theo Rob Gilbert: Tại Mỹ, một số nhà máy mới liên quan đến gió được công bố lại bị giãn tiến độ, hoặc hủy bỏ. Ví dụ, Siemens Gamesa đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất tua bin ở Portsmouth, Virginia. GE Vernova và LM Wind Power đã mất khoản tài trợ trị giá 300 triệu USD mà chính quyền bang New York từng cam kết hỗ trợ nay bị hủy bỏ. Dự án Tháp Marmen và Welcon đã bị trì hoãn do chi phí chuỗi cung ứng tăng vọt. Hãng Vestas cũng chưa đưa ra cam kết chắc chắn cho các dự án xây dựng các nhà máy điện gió mới ở New York và New Jersey.
Tất cả những trở ngại này có thể làm cho các dự án điện gió của Mỹ trong tương lai bị chậm lại.
Báo cáo của Baringa lưu ý: Việc sản xuất các bộ phận tua bin quan trọng lúc đầu có vẻ dư thừa, nhưng hiện đang thiếu hụt, đặc biệt là cánh và tháp. Dự kiến sẽ thiếu trầm trọng từ năm 2025 đến năm 2028 do nhu cầu tăng nhanh.
Theo các chuyên gia tư vấn độc lập: Sự thiếu hụt trầm trọng các trụ thép đơn dùng làm móng đáy cố định có thể kéo dài tới năm 2026, sau đó sẽ được cải thiện vào năm 2027. Sự thiếu hụt nghiêm trọng cáp truyền tải một chiều điện áp cao dự kiến sẽ giảm từ năm 2025, và sẽ vẫn còn kéo dài đến năm 2032.
Theo phân tích của Baringa: Mặc dù có sự dư thừa ban đầu của các tàu lắp đặt tua bin cỡ nhỏ và tàu làm móng cọc, sự thiếu hụt đáng kể của các tàu lắp đặt tua bin Loại 2 (12 MW đến 15 MW) và Loại 3 (lớn hơn 15 MW) sẽ kéo dài đến năm 2026.
Riêng tàu làm móng Loại 2 và 3 sẽ thiếu hụt nghiêm trọng đến năm 2029, còn tàu dùng cho lắp đặt cáp sẽ thiếu nghiêm trọng cho đến tận năm 2032.
Lợi thế và những trở ngại trong phát triển điện gió ở Việt Nam:
Việt Nam có lợi thế rất lớn về gió, với bờ biển dài hơn 3.000 km và nhiều hải đảo với tốc độ gió thổi bình quân quanh năm từ 5m/s trở lên. Về tiềm năng điện gió trên bờ của Việt Nam, ước tính tổng tiềm năng kỹ thuật lên tới 221 GW. Đến nay đã có trên 5.000 MW điện gió trên bờ, gần bờ được đưa vào vận hành.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam: Tiềm năng lượng gió ở tốc độ cao 80 m trên biển với tốc độ gió 8 m/s là 1.300 GW. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ điện gió vẫn chưa tương xứng với tiềm năng này.
Theo Quyết định số 500/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII:
“Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới”.
“Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý”.
Nhưng hiện tại, các cơ chế, chính sách của nhà nước để phát triển điện gió ngoài khơi của chúng ta còn nhiều vướng mắc.
Đặc biệt, trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII từ nay đến năm 2030 mới chỉ nêu quy mô công suất điện gió ngoài khơi theo vùng, nhưng chưa chọn chủ đầu tư để triển khai dự án cụ thể. Do đó, sẽ rất khó đảm bảo đưa các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 6.000 MW vào vận hành năm 2030 - bởi từ khi chuẩn bị đầu tư dự án cho đến lúc đưa vào vận hành nguồn điện này không dưới 7-8 năm, trong khi thời gian thực hiện Kế hoạch chỉ còn lại 6,5 năm.
Để đáp ứng được mục tiêu đề ra, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư. Trước mắt, Quốc hội cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù, thí điểm để vừa sớm triển khai, vừa rút kinh nghiệm mở rộng quy mô, trong khi tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cho nguồn điện này./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Link tham khảo:
1. https://www.powermag.com/measuring-the-prospects-for-wind-energy-in-2024-and-beyond/
2. https://assets.publishing.service.gov.uk/media/6617b12ed88c988e81b95af8/uk-renewables-deployment-supply-chain-readiness-study-executive-summary.pdf
3. https://nangluongvietnam.vn/danh-gia-tinh-hinh-phat-trien-dien-gio-o-viet-nam-27091.html