RSS Feed for Đánh giá tình hình phát triển điện gió ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 01:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đánh giá tình hình phát triển điện gió ở Việt Nam

 - Trăn trở trước những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp năng lượng sạch nước nhà, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam lập chuyên đề tuyên truyền: “Nguồn điện gió, mặt trời - Vướng mắc của tiến độ xây dựng và vấn đề tích trữ năng lượng” nhằm phân tích các khó khăn, vướng mắc trong đảm bảo tiến độ xây dựng, tìm các giải pháp khắc phục và tăng tối đa khả năng phát điện các nguồn năng lượng tái tạo “phi thủy điện” của Việt Nam. Đây được coi là hoạt động truyền thông phản biện khoa học ‘mở đường’ cho Hội thảo khoa học về “ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo Việt Nam” được tổ chức vào đầu tháng 9/2021 tại Hà Nội và Văn bản kiến nghị cơ chế, chính sách ứng dụng, lắp đặt pin tích năng tại công trình, hoặc tại điểm phù hợp trên lưới truyền tải, cũng như gia hạn thời gian áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió... Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của bạn đọc.


Khi nào thích hợp cho đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Việt Nam?

Khảo sát năng lượng gió của Việt Nam và thế giới theo Global Wind Atlas


Nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện từ than đá, dầu khí đang ngày dần cạn kiệt. Phát triển năng lượng bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng/điện lâu dài và giảm thiểu các tác động đến môi trường. Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió với tiềm năng rất lớn đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đang được biết đến như một mẫu hình trong khu vực về chính sách khuyến khích và sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo. Nội dung bài viết đầu tiên của chuyên đề, chúng tôi sẽ nêu tóm tắt tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam (bao gồm chính sách, ưu đãi đối với điện gió, đặc điểm tiềm năng gió và đánh giá tiến độ các dự án điện gió đang triển khai).

1/ Chính sách mua điện và ưu đãi đối với điện gió:

Tại Việt Nam, Chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện từ năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện gió đã có các chính sách ưu đãi từ 10 năm trước: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Các ưu đãi trong Quyết định 37/2011/QĐ-TTg nói trên bao gồm:         

Trách nhiệm mua điện từ các dự án điện gió: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý. Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện. Thời gian hợp đồng là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Bên bán điện có thể kéo dài thời gian hợp đồng, hoặc ký hợp đồng mới với Bên mua điện theo quy định hiện hành.

Ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí:

- Nhà đầu tư được huy động vốn dưới các hình thức pháp luật cho phép từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện gió.

- Các dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và các quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Dự án điện gió được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.         

Ưu đãi về hạ tầng đất đai: Các dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.                  

Hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại thời điểm giao nhận (tương đương 7,8 UScents/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 1,0 UScents/kWh (đã bao gồm trong 7,8 UScents/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

Đến năm 2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37. Theo đó, giá điện được điều chỉnh tăng lên, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), lần lượt là: Điện gió trong đất liền là 8,5 Uscent/kWh; điện gió trên biển là 9,8 Uscent/kWh. Chính phủ quy định bên mua điện - EVN, hay các đơn vị được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá tại điểm giao nhận điện là như trên. Mức giá này được tính trong vòng 20 năm. Đồng thời, bên bán điện có thể kéo dài thời gian hợp đồng, hoặc ký hợp đồng mới với bên mua điện. Áp dụng cho một phần, hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 11 năm 2021.

2/ Đặc điểm tiềm năng điện gió Việt Nam:

Việt Nam với đặc điểm địa lý lợi thế, đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, đã được khảo sát và đánh giá có tiềm năng gió lớn trong khu vực. Việc xây dựng các nhà máy điện gió là một giải pháp hợp lý, đóng góp tăng đáng kể nguồn sản xuất điện của Việt Nam trong những năm tới.

Theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện khi đó. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Dự thảo Quy hoạch điện VIII (đang được hoàn thiện) đã đưa mục tiêu phát triển điện gió lên tới trên 11.000 MW vào năm 2025.

Theo Bản đồ Gió Toàn cầu (Global Wind Atlas) ước tính, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW. Tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ vào khoảng 42 GW phù hợp với dự án điện gió quy mô lớn.

Tiềm năng gió ngoài khơi lớn hơn nhiều so với tiềm năng gió trên bờ do địa hình bờ biển dài và gió ngoài khơi thường có tốc độ cao, ổn định hơn. Hạ tầng cho điện gió ngoài khơi và lưới điện cũng ít bị hạn chế bởi vấn đề sử dụng đất.

Tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ.

Tiềm năng kỹ thuật điện gió trên biển.

Giữ liệu gió theo GIZ.


Điện gió trên bờ của Việt Nam được chia thành 6 vùng. Theo tổng hợp, công suất điện gió trên bờ đã được phê duyệt và đang trình bổ sung quy hoạch như sau:

Bảng Quy hoạch điện gió các vùng dự kiến tới năm 2030:

Tên vùng

Đã được bổ sung quy hoạch (MW)

Đã đăng ký đầu tư (MW)

Bắc bộ

   

Bắc Trung bộ

 

372

Trung Trung bộ

560

2.522

Tây Nguyên

286,8

10.174

Nam Trung bộ

2.030

2.461

Nam bộ

2.099

14.775

Toàn quốc

4.975,8

30.304


Điện gió ngoài khơi: Theo báo cáo của Viện Năng lượng năm 2020, tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của nước ta là khoảng 160 GW, trong đó Quảng Ninh (11 GW); Hà Tĩnh (4,4 GW); Ninh Thuận (25 GW); Bình Thuận (42 GW); Trà Vinh (20 GW).

Viện nghiên cứu Năng lượng bền vững (ISF) ước tính tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới 609 GW, giả thiết chỉ tính đến các khu vực ven biển với độ sâu tối đa là 50 m và khoảng cách tối đa từ bờ là 70 km (dựa trên dữ liệu khí tượng năm 2015). Hệ số công suất điện gió ở Việt Nam ước tính trung bình vào khoảng 36% cho khu vực trên bờ và 54% ngoài khơi.


3/ Quy hoạch và triển khai điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng điện gió lớn:

Quảng Trị: Năm 2015, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có 4 dự án với tổng công suất 110 MW. Nhưng để khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch 84 dự án điện gió, với tổng công suất trên 4.030 MW, trong đó 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 1.177 MW; 53 dự án với tổng công suất trên 2.853 MW đã được trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch.

Gia Lai: Với tốc độ gió nhiều nơi đạt 6 - 8 m/s, Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió, với 104 dự án điện gió, quy mô công suất 12.600 MW đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng và Bộ Công Thương. Sau khi xem xét điều kiện đấu nối và tình hình giải tỏa công suất, Bộ Công Thương đã xem xét trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch điện VII (Điều chỉnh) với 16 dự án điện gió, tổng công suất là 1.142 MW.

Đắk Lắk: Có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, với tổng công suất dự kiến có thể đạt khoảng 10.000 MW. Các dự án này sau khi được triển khai thực hiện và hoàn thành sẽ đóng góp tích cực, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên, cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Ninh Thuận: Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh có 5 khu vực được quy hoạch, với tổng diện tích 21.432 ha, công suất có thể lắp đặt 1.429 MW. Ngoài ra, với bờ biển dài 105 km, tốc độ gió cao trên 8 m/s, Ninh Thuận cũng có thể phát triển các dự án điện gió ven biển với công suất trên 1.000 MW.

Về điện gió ngoài khơi dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 15 vị trí dự án, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển tại 4 vị trí với quy mô 1.220 MW, giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục phát triển thêm 11 vị trí với quy mô công suất tăng thêm 3.160 MW. 

Bình Thuận: Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận. Trong đó, 14 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng công suất 598 MW. Đến tháng 5/2021 đã có 4 dự án vào vận hành với tổng công suất 100 MW và dự kiến tới cuối năm 2021 sẽ có thêm 6 dự án với tổng công suất 238 MW được đưa vào vận hành.

Về các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng của Bình Thuận, các chủ đầu tư đang đề xuất phát triển 8 dự án lớn, tổng công suất có thể lên tới 22.000 MW. Cụ thể: dự án Thăng Long Wind - 3.400 MW; La Gàn - 3.500 MW; Bình Thuận - 5.000 MW; Hàm Thuận Nam - 900 MW; Biển Cổ Thạch - 2.000 MW; Vĩnh Phong - 1.000 MW; AMI AC tỉnh Bình Thuận - 1.800 MW; Tuy Phong - 4.600 MW.

Bạc Liêu: Đã xây dựng “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” và đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trong đó xác định tiềm năng phát triển các dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của Bạc Liêu dự kiến là 2.507 MW.

Bến Tre: Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh được nghiên cứu ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi ven biển có diện tích khoảng 39.320 ha, quy mô công suất 1.520 MW.

Sóc Trăng: Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, có 20 dự án với tổng quy mô công suất 1.435 MW, đến nay đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án với tổng công suất 1.095,2 MW, 4 dự án còn lại Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định để xin chủ trương đầu tư. Hiện nay, có 9 nhà máy đang tiến hành thi công, sớm đưa vào vận hành.   

Trà Vinh: Tính đến nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án điện gió, với tổng công suất 570 MW, tổng vốn đầu tư hơn 27.300 tỷ đồng. Theo tiến độ được các nhà thầu cam kết, đến tháng 10 năm nay Trà Vinh sẽ có 5 dự án điện gió hòa vào lưới điện quốc gia.

Cà Mau: Cà Mau có vị trí địa lý rất thuận lợi với 3 mặt giáp biển, đường bờ biển dài trên 254 km, thềm lục địa rộng và khá bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển điện gió. Tổng tiềm năng quy hoạch là 3.600 MW cho các dự án đện gió gần bờ. Tính đến tháng 6/2021, tại Cà Mau có 11 dự án điện gió với tổng công suất 675MW. Ngoài ra, còn có 200 MW dự án điện gió đang xem xét cấp chủ trương đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại vào khoảng năm 2021 - 2023.

4/ Nhận định chung về tiến độ các dự án điện gió hiện nay:

Theo báo cáo của EVN, đến tháng 7/2021 có 144 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (hợp đồng PPA) với tổng công suất xấp xỉ 8.144,88 MW. Trong đó có 13 dự án đã vận hành thương mại với công suất gần 611,33 MW. Dự kiến đến trước ngày 1/11/2021, thời điểm còn hiệu lực của Quyết định 39 về giá mua điện theo cơ chế ưu đãi (FIT) sẽ có thêm 106 dự án vận hành với tổng công suất gần 5.621,5 MW.

Tuy nhiên mới có 61 nhà máy đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định là 90 ngày, còn 25 dự án với tổng công suất trên 1.912 MW có thể sẽ không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11 năm nay.

Như vậy, sau hơn 10 năm được ưu tiên phát triển với chính sách khuyến khích của Nhà nước, đến nay cả nước mới chỉ có 13 dự án đã vận hành thương mại, công suất gần 611,33 MW đi vào vận hành, chưa đạt mục tiêu 800 MW vào năm 2020 theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh.

Đợt sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang lan rộng hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam có dịch đang tiếp tục bùng phát, đa số các tỉnh có dự án điện gió đang thi công phải thực hiện giãn cách xã hội. Khách quan có thể dự kiến rằng: Số dự án điện gió ‘không kịp về đích’ còn lớn hơn ước tính của EVN nêu trên.   

Kỳ tới: Quy định và trình tự trong phát triển điện gió hiện nay

THS. NGUYỄN HỮU KHOA - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; TRƯỜNG CAO ĐẲNG ĐIỆN LỰC TP. HỒ CHÍ MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động