RSS Feed for Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi Việt Nam và lợi thế của PVN (số liệu tháng 7/2024) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 16:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi Việt Nam và lợi thế của PVN (số liệu tháng 7/2024)

 - Tổng hợp của Tạp chí Năng lượng Việt Nam từ báo cáo chuyên ngành dịch vụ kỹ thuật Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) [*] cho thấy: Với kinh nghiệm quản lý, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, PVN hoàn toàn có khả năng đảm nhận, quản lý tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, nhân lực trong đầu tư, xây dựng các trang trại gió ngoài khơi Việt Nam và quốc tế.
Truyền tải điện bằng cáp ngầm biển xuyên biên giới và các khuyến nghị cho Việt Nam Truyền tải điện bằng cáp ngầm biển xuyên biên giới và các khuyến nghị cho Việt Nam

Trong bối cảnh năng lượng tái tạo của chúng ta đang phát triển, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể thực hiện bằng cáp ngầm cấp điện cho một số đảo, hoặc để xuất khẩu, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp một số công trình truyền tải điện bằng cáp ngầm xuyên biên giới, cũng như mục tiêu, thách thức và gợi ý giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

Điện gió ngoài khơi Việt Nam (tháng 6/2024): Các thách thức và giải pháp chính sách Điện gió ngoài khơi Việt Nam (tháng 6/2024): Các thách thức và giải pháp chính sách

Điện gió ngoài khơi trên thế giới đã, đang và sẽ được đầu tư phát triển rất nhanh. Tính đến năm 2023 là 75 GW và có thể đạt 500 GW công suất lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050. Việt Nam có tiềm năng kinh tế - kỹ thuật điện gió ngoài khơi trên 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án. Bài báo dưới đây của TS. Dư Văn Toán [*] viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ đánh giá thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức mang tính pháp lý trong quá trình thúc đẩy điện gió ngoài khơi ở nước ta.

I. Bối cảnh thế giới và trong nước:

Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu các tác động biến đổi khí hậu, thế giới đang cho thấy những chuyển biến rõ nét từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch hơn. Cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26 vừa là cơ hội chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Để đạt được mục tiêu đó, sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc điều chỉnh chiến lược, hướng tới phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng, cùng với sự biến động phức tạp của thị trường dầu khí, hầu hết các công ty dầu khí lớn trên thế giới như: Total, BP, Orsted, Equinor, Shell, Eni, Repsol, Chevron, CNOC, Petronas... đã tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi (ĐGNK).

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Ngành công nghiệp dầu khí có thể đóng góp kinh nghiệm chuyên môn của ngành đến 40 - 45% chi phí cả đời của 1 dự án ĐGNK.

Để có thể phát triển ĐGNK quy mô lớn, các doanh nghiệp dầu khí quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng. Điều này đã được các chuyên gia, tổ chức tư vấn lớn trên thế giới, cũng như trong nước khẳng định. Với kinh nghiệm triển khai các dự án dầu khí ngoài khơi (chia sẻ chuỗi cung ứng và công nghệ), sự hiệp lực giữa 2 ngành công nghiệp (dầu khí và ĐGNK) sẽ đóng góp rất lớn cho các nhà phát triển ĐGNK.

Thực tế cho thấy, hiện nay các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới trong ngành công nghiệp ĐGNK đều đến từ các tập đoàn dầu khí như: Orsted, Equinor, Shell...

Từ năm 2019, PVN đã tập trung đánh giá, nghiên cứu vấn đề dịch chuyển năng lượng để điều chỉnh, bắt kịp các xu hướng, tận dụng tối đa thế mạnh. Trong đó, định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh, sạch thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất H2 và phát triển điện gió ngoài khơi.

II. Tổng quan năng lực và công việc đã triển khai của PVN liên quan đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi:

Trước năm 2015, PVN đóng góp trung bình hàng năm 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, PVN đóng góp trung bình 9 - 11% tổng thu ngân sách nhà nước và 10 - 13% GDP cả nước.

Năm 2020, trong các tập đoàn nhà nước, PVN là doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước lớn nhất (chiếm hơn 27% tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước). Bên cạnh đó, PVN còn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2020, nguồn cung năng lượng sơ cấp của PVN chiếm trung bình 25 - 27% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp Việt Nam, tỷ trọng nguồn năng lượng cuối cùng (NLCC) của PVN trong tổng nguồn NLCC Việt Nam chiếm trung bình 18 - 27%. Qua đó, có thể thấy, PVN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước và tiến trình chuyển dịch năng lượng quốc gia.

Cùng với lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, PVN đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, một đội ngũ nhân lực trên 60.000 người với chất lượng cao có thể làm chủ đầu tư, tổng thầu EPCI, nhà thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ các dự án ngoài khơi. PVN đã xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói (từ thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử trên bờ và ngoài khơi). Với hệ thống hạ tầng, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị vận chuyển, thi công được trang bị đầy đủ, có tính tự động hóa cao. PVN và các đơn vị thành viên luôn được các khách hàng tin tưởng lựa chọn, giao tổng thầu EPC, EPCI cho các dự án lớn ngoài khơi và cả trên bờ.

Với kinh nghiệm quản lý và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, PVN hoàn toàn có khả năng quản lý tốt các thách thức về hậu cần, kỹ thuật, nhân lực trong việc đầu tư, xây dựng các trang trại gió ngoài khơi tại Việt Nam. Khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nội địa cho ngành công nghiệp ĐGNK, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết nhằm giảm thiểu các tác động biến đổi khí hậu tại COP26. Cụ thể:

1. Cơ sở hạ tầng:

Với hạ tầng, cơ sở vật chất cho các dự án dầu khí ngoài khơi đã có - đây là thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp ĐGNK, cũng như thế mạnh của PVN nói riêng, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí đầu tư nguồn lực. Thậm chí, còn có thể xuất khẩu dịch vụ sang các nước trong khu vực. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Cảng và khu vực bãi chế tạo: PVN đang quản lý và vận hành hệ thống gồm các cảng dịch vụ trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng diện tích gần 400 ha như:

- Cảng PTSC Đình Vũ (15,2 ha).

- Cảng Nghi Sơn (35 ha).

- Cảng Hòn La (8,8 ha).

- Cảng Sơn Trà (10 ha).

- Cảng Dung Quất (4,2 ha).

- Cảng tổng hợp Phú Mỹ (26,5 ha).

- Cảng Sao Mai - Bến Đình (163 ha).

- Cảng Vietsovpetro (32ha).

- Cảng hạ lưu Vũng Tàu (82,2 ha).

- Cảng PVShipyard (23ha) và các cảng chuyên dụng khác.

Trong đó, có cảng có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 70.000 DWT (như Dung Quất, Nghi Sơn), và bãi chế tạo có công suất từ 20 - 50 nghìn tấn kết cấu/năm (như Cảng Vietsovpetro, Cảng PTSC, Cảng PVC-MS). Nhờ đó, PVN đã và đang đáp ứng đầy đủ các dịch vụ hậu cần cho tất cả các công ty, nhà thầu đang hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Thứ hai: Nhà xưởng và trang thiết bị chế tạo trên bờ: Dịch vụ cơ khí chế tạo và xây lắp công trình biển là một trong số những loại hình dịch vụ quan trọng đối với các dự án ngoài khơi. PVN hiện đang sở hữu các khu căn cứ thi công chế tạo công trình dầu khí tại Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa với điều kiện cơ sở vật chất, cảng bãi, kho hàng, thiết bị cẩu kéo, thiết bị nâng hạ, các máy móc thiết bị cơ sở khác… luôn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng. Các cơ sở này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho các dự án ĐGNK.

Thứ ba: Phương tiện thi công biển: Các đơn vị của PVN như: PTSC, Vietsovpetro, PVTrans... hiện đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ gần 100 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại như tàu cẩu 1200/600 tấn, tàu kéo, thả neo và xà lan vận chuyển, tàu định vị động học DP, tàu hỗ trợ lặn khảo sát, tàu chống cháy, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ… Được vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng tốt các dự án ĐGNK.

2. Nguồn lực tài chính:

Các chỉ tiêu toàn Tập đoàn năm 2023 như sau:

- Tổng doanh thu là 942,8 nghìn tỷ đồng.

- Nộp ngân sách nhà nước 151,8 nghìn tỷ đồng.

PVN đã được Fitch ratings xếp hạng tín dụng độc lập ở mức BB+. Vì vậy, trong giai đoạn tới, công tác thu xếp vốn cho các dự án đang và sẽ triển khai, cũng như các dự án nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư của PVN, đặc biệt là đầu tư vào các nguồn năng lượng mới, tái tạo hoàn toàn có thể đáp ứng được theo yêu cầu trong bối cảnh thị trường vốn quốc tế và trong nước ngày càng rộng mở với chi phí vốn hợp lý.

3. Những dự án, công trình trên bờ, ngoài khơi đã thực hiện:

Tính đến nay, PVN đã thực hiện hơn 100 các dự án lớn (từ trên bờ ra ngoài khơi) đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, được các khách hàng lớn trong và ngoài nước đánh giá cao. Các công trình, dự án ngoài khơi lớn mang tầm cỡ trong khu vực mà PVN đã thực hiện hoàn toàn bởi người lao động Việt Nam. Trong đó có một số công trình điển hình như:

- Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 (khả năng khoan tại độ sâu 90m nước) và Tam Đảo 05 (khả năng khoan tại độ sâu lên tới 130m nước).

- Giàn khai thác, xử lý khí Sao Vàng (Lô 05-1b và 05-1c) có tổng trọng lượng lên tới 26,6 nghìn tấn (chân đế 12,6 nghìn tấn và khối thượng tầng khoảng 14 nghìn tấn).

- Giàn khai thác, xử lý khí Hải Thạch (Lô 05-2) có tổng trọng lượng lên tới 24 nghìn tấn (chân đế 11,2 nghìn tấn, khối thượng tầng 12,5 nghìn tấn).

- Hàng chục các giàn khai thác có tổng trọng lượng nằm trong dải từ 2 - 10 nghìn tấn (như giàn nén khí Sư Tử Trắng và các giàn khai thác thuộc cụm mỏ Sư Tử Lô 15.1, các giàn BK tại khu vực mỏ Bạch Hổ, các giàn khai thác mỏ Tê Giác Trắng Lô 16.1, mỏ Chim Sáo Lô 12W, mỏ Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen Lô 15-2, mỏ Rạng Đông - Phương Đông Lô 15-2... Ngoài ra:

- Về công trình nổi, PVN đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm qua việc đóng mới, cải hoán và vận hành các kho nổi chứa dầu, công suất chứa từ 350 nghìn - 1,2 triệu thùng dầu tại Lô 09.1, Lô 05-2 và Lô 05-3, Lô 05-1b và 05-1c, Lô 01 và 02/17, Lô 01 và 02/97, Lô 12W, Lô 11.2...

Đặc biệt, PVN còn xuất khẩu dịch vụ ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam và được các chủ đầu tư, nhà thầu quốc tế đánh giá rất cao như:

- Khối thượng tầng giàn công nghệ HRD (khối lượng khoảng 9 nghìn tấn) cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC).

- Giàn khoan khai thác mỏ dầu lớn nhất của Qatar trong dự án Gallaf (tổng khối lượng khoảng 26 nghìn tấn, trong đó có chân đế nặng tới 12 nghìn tấn và các khối thượng tầng khoảng 3,5 nghìn tấn mỗi khối).

- Dự án EPCC Maharaja Lela South tại Brunei cho Total E&P (khoảng 2 nghìn tấn)...

Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi:

- Tháng 9/2021, PTSC M&C đã trúng thầu cung cấp 2 trạm biến áp ngoài khơi của dự án ĐGNK Hải Long 2 và 3 tại Đài Loan, với công suất hơn 1 GW, dự kiến vận hành trong năm 2025 - 2026.

- Tháng 5/2023, PTSC đã trúng thầu và ký hợp đồng với Tập đoàn Orsted để chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió cho dự án trang trại điện gió ngoài khơi CHW2204 tại Đài Loan có tổng công suất 920 MW.

- Tháng 10/2023, PTSC M&C đã trúng thầu và ký hợp đồng với CIP để cung cấp trạm biến áp ngoài khơi 500 MW cho dự án Fengmiao ở Đài Loan với giá trị khoảng 250 triệu USD.

- Trong năm 2023, PTSC đã được Chính phủ Singapore lựa chọn để hợp tác với đối tác Sembcorp (Singapore) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi 2,3 GW ở Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.

Hiện nay, PTSC đang tiếp tục tham gia chào thầu các gói thầu điện gió ngoài khơi tại Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu.

PVN cũng rất giàu kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng, vận hành hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển khí tự nhiên (cả ngoài khơi và trên bờ). Điển hình là các dự án đường ống Nam Côn Sơn và Nam Côn Sơn 2, đường ống Lô B - Ô Môn (đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư), đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố, đường ống thu gom khí bể Cửu Long, cũng như các đường ống nhánh, đường ống nội mỏ… (tổng cộng khoảng 2.500 km đường ống hiện hữu). PVN cũng đã thực hiện đầu tư các loại hình nhà máy điện khác nhau với tổng công suất đặt là 6.605 MW (chiếm khoảng 8% công suất đặt của cả nước).

4. Các công việc đã triển khai trong thời gian qua:

Trong thời gian qua, các đơn vị của PVN như: Vietsovpetro, PTSC... đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát/cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư ĐGNK trên thế giới. PVN đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới (Equinor, Orsted, CIP, Macquarie...) để liên kết phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. PVN hiện nay đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Na Uy Equinor và CIP của Đan Mạch để nghiên cứu cơ hội phát triển ĐGNK và các nguồn năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam.

PVN đã và đang chủ động xây dựng chuỗi cung ứng nội địa (bao gồm các đơn vị trong ngành) nhằm cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió như: VSP, PTSC, Viện Dầu khí, PVE, Petechim, Petrosetco, PVD Tech, PVC-MS, PV Shipyard, Cảng Sao Mai - Bến Đình, Dung Quất Shipyard… Việc thiết lập chuỗi cung ứng nội địa là rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp các công ty trong ngành dầu khí, tạo công ăn việc làm mới, góp phần làm giảm giá thành đầu tư về điện gió và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

PVN đã phối hợp với các bên liên quan và cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu đề xuất xây dựng hành lang pháp lý, quy trình thực hiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn... để thúc đẩy phát triển lĩnh vực ĐGNK.

5. Tính tương đồng giữa các dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi:

Hiện nay, đối với lĩnh vực ĐGNK, ngoài phần tua bin và cáp điện ngầm do một số ít các công ty nước ngoài độc quyền về công nghệ, nên Việt Nam chưa sản xuất được. Các phần còn lại đều tương đồng về công nghệ với ngành dầu khí ngoài khơi. PVN và các đơn vị thành viên đã có nhiều kinh nghiệm và hoàn toàn làm chủ về công nghệ.

Công trình dầu khí và ĐGNK đều là các dự án với kết cấu bằng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và được vân chuyển, lắp đặt ngoài khơi. Các dự án ĐGNK cũng phải thực hiện các công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công theo những yêu cầu khắt khe như các công trình dầu khí, đảm bảo an toàn khi thi công xây lắp.

Tương tự như các giàn khoan dầu khí, các dự án ĐGNK cũng cần xây dựng phần móng cho các tua bin gió và các trạm biến áp trên biển; rải và lắp đặt cáp ngầm kết nối hệ thống, cáp xuất điện... Khối lượng và kích thước của các móng tua bin gió (chân đế tua bin gió chỉ khoảng 0,8 - 1,2 nghìn tấn) là khá nhỏ so với móng cho các dự án khai thác dầu khí mà PVN đã thực hiện. (Chân đế giàn khoan dầu khí đã đóng tới 15 nghìn tấn và có khả năng đóng mới tới trên 20 nghìn tấn). Khối lượng và kích thước cáp ngầm cũng tương tự như khối lượng và kích thước cáp ngầm sử dụng tại các công trình dầu khí và dễ thi công hơn nhiều so với công tác rải ống (xét về cả quy mô và độ phức tạp).

III. Lợi thế của PVN trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi:

Các báo cáo của World Bank Group, tư vấn BVG Associates cho thấy: Đối với các dự án ĐGNK, PVN hoàn toàn có đầy đủ năng lực để thực hiện toàn bộ các công việc liên quan đến phát triển dự án ĐGNK (ngoại trừ phần việc cung cấp thiết bị chính như tua bin, cáp ngầm, máy biến áp, được thực hiện bởi các nhà cung ấp thiết bị, nhà chế tạo thiết bị gốc).

Nhờ vào thế mạnh về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, PVN có những lợi thế để tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn cho các dự án ĐGNK trong cả vai trò chủ đầu tư và tổng thầu. Cụ thể:

1. Giai đoạn khởi động, khảo sát:

PVN là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có các dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia, được thu thập và lưu trữ trong quá trình khảo sát, tìm kiếm thăm dò dầu khí. PVN có năng lực cần thiết để cung cấp các dịch vụ khảo sát (khảo sát đáy biển, khảo sát kỹ thuật vật lý… là các hạng mục công việc thực hiện thường xuyên trong hoạt động dầu khí) và nghiên cứu tiền khả thi dự án ĐGNK.

Ví dụ, hiện tại Vietsovpetro đã trúng thầu và đang thực hiện công việc khảo sát địa chất, môi trường cho dự án điện gió ngoài khơi La Gan, PTSC ký kết hợp đồng đo gió, sóng và dòng chảy cho dự án Thăng Long Wind...

2. Giai đoạn xây dựng, lắp đặt nhà máy ĐGNK:

PVN có đầy đủ năng lực trở thành chủ đầu tư, tổng thầu của các dự án ĐGNK. Cụ thể:

- Năng lực thiết kế: Với đội ngũ thiết kế dồi dào, chuyên nghiệp được đào tạo chính quy thuộc các lĩnh vực kết cấu công trình, được trang bị các phần mềm chuyên dụng có bản quyền, PVN đã và đang thực hiện toàn bộ các giai đoạn thiết kế (từ công tác soạn thảo phương án, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thiết kế thi công cho các công trình khai thác trên biển và hoàn toàn có thể hợp tác với các công ty thiết kế lớn để chuyển đổi từng bước đảm nhận các hạng mục thiết kế cho các dự án ĐGNK).

- Năng lực mua sắm: Tận dụng được mạng lưới mua sắm sẵn có với các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong lĩnh vực dầu khí, PVN có thể tìm kiếm nguồn vật tư, thiết bị đầu vào với chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh khi tham gia vào lĩnh vực ĐGNK.

- Năng lực thi công chế tạo: Hình dạng và khối lượng của các trụ ĐGNK tương tự đối với các kết cấu chân đế trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là đối với trụ điện gió dạng chân đế (jacket) và cọc đơn (monopile). Với bề dày kinh nghiệm chế tạo số lượng lớn các chân đế có khối lượng từ 5 - 20 nghìn tấn (so với chân đế tua bin ĐGNK chỉ khoảng 0,8 - 1,2 nghìn tấn), PVN có thể tận dụng được cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và mạng lưới chuỗi cung ứng hiện có để tham gia thi công chế tạo số lượng lớn các trụ ĐGNK.

- Năng lực vận chuyển và lắp đặt biển: Với năng lực về phương tiện nổi, trang thiết bị thi công và đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, PVN đã khẳng định được vị trí hàng đầu của mình tại Việt Nam trong lĩnh vực vận chuyển, lắp đặt các kết cấu, công trình ngoài khơi.

3. Giai đoạn vận hành và bảo dưỡng (O&M) nhà máy điện gió:

PVN có thế mạnh về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực và bề dày kinh nghiệm, gần 40 năm trong vận hành và bảo dưỡng các công trình điện và dầu khí biển. Cụ thể:

- Cơ sở cảng dịch vụ dầu khí.

- Đội ngũ tàu hỗ trợ vận hành trên biển.

- Cơ sở sửa chữa bảo dưỡng trên bờ.

- Nhân lực chất lượng cao đã phục vụ O&M cho các công trình dầu khí có tính chất tương đương ĐGNK...

Bên cạnh đó, PVN cũng có kinh nghiệm vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện khí, điện than, thuỷ điện, điện gió trên bờ (Phú Quý). Vì vậy, PVN hoàn toàn đảm bảo năng lực để vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện gió ngoài khơi./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


[*] Báo cáo chuyên ngành dịch vụ kỹ thuật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (cập nhật tháng 7/2024).

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động