Định hướng nội dung Nghị định cơ chế DPPA, điện mặt trời mái nhà và điện khí
06:53 | 09/05/2024
Khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu - Gợi ý của Tạp chí Năng lượng Việt Nam Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó có đề cập đến nội dung các dự án nối lưới điện, sản lượng ghi nhận, nhưng “không được thanh toán” cho hộ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài ý kiến chuyên gia, mang tính khoa học - kỹ thuật trao đổi dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc. |
Mua bán điện trực tiếp - Kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cho trường hợp Việt Nam Theo ước tính của IEA: Lượng điện năng tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu toàn thế giới đạt khoảng 240-340 tỷ kWh (lớn hơn điện năng tiêu thụ của cả nước Việt Nam). Phần lớn các trung tâm tuyên bố sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Họ làm như thế nào? Tổng hợp, phân tích và đề xuất của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Đàm phán giá mua bán điện LNG - Phân tích từ báo cáo của EVN gửi Chính phủ Do khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư các dự án điện khí LNG về lượng bao tiêu điện năng (Qc), trong khi Bộ Công Thương chưa ban hành khung giá phát điện đối với nhà máy điện LNG, mới đây EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các vướng mắc này. Sau khi nghiên cứu nội dung báo cáo và các tài liệu liên quan, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài phân tích, nhận định ban đầu dưới đây. |
Thông báo nêu: Việc xây dựng các Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Để xây dựng các Nghị định này, từ năm 2022 đến nay, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản này còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các Nghị định nêu trên, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương, các bộ liên quan phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu của Thường trực Chính phủ, trong đó lưu ý:
Thứ nhất: Đối với Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn: Trong quá trình xây dựng nghị định cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2024.
Thứ hai: Đối với tiến độ xây dựng 2 Nghị định: Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ cho rằng: Đây là 2 cơ chế, chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, sản xuất, phát triển xanh, góp phần giảm áp lực về nhu cầu cung ứng điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, để 2 Nghị định nêu trên đi vào cuộc sống, khuyến khích được người dân sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.
Cụ thể, đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các bộ: Xây dựng, Công an, Công Thương… trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành (không phải chờ Thông tư hướng dẫn). Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán, nhưng có điều kiện…
Đối với Nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ yêu cầu: Cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí, cũng như tác động của các chính sách, nhất là với giá và sản lượng…
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoàn thiện 2 Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2024.
Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo đề xuất các cấp có thẩm quyền về các vấn đề phát sinh./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM