RSS Feed for Hiện trạng về các phân ngành năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 20:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện trạng về các phân ngành năng lượng Việt Nam

 - Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam về các phân ngành năng lượng Việt Nam (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo…): Mặc dù khai thác năng lượng “sơ cấp nội địa” trong 10 năm qua có tăng (nhưng không đáng kể), trong khi đó, tiềm năng thủy điện đã dần cạn kiệt, khai thác than, dầu khí bắt đầu suy giảm... Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới, điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta cần xúc tiến nhanh kế hoạch nhập khẩu nhiên liệu than, LNG, tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo “phi thủy điện” (đện gió trên bờ, ngoài khơi), đồng thời xem xét đưa nguồn điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII.


Ý kiến trao đổi về Quy hoạch điện VIII

Năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của thế giới và kiến nghị cho Việt Nam


Dưới đây là số liệu cụ thể về hiện trạng năng lượng sơ cấp của Việt Nam trong báo cáo của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam (tháng 11/2020):


1/ Về cung cấp năng lượng sơ cấp (NLSC) toàn quốc trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng từ 52,49 triệu tấn dầu quy đổi - MTOE lên đến 92,40 MTOE, tăng bình quân 6,48%/năm. 

2/ Về khai thác năng lượng sơ cấp nội địa trong 10 năm qua tăng từ 54,0 MTOE đến 59,9 MTOE (cao nhất năm 2015), và các nguồn năng lượng truyền thống sẽ không có khả năng tăng cao hơn đáng kể, trong đó, khai thác dầu thô bắt đầu suy giảm, còn năng lượng tái tạo (NLTT) tăng trưởng nhanh với mức 9,3%/năm.

3/ Về tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (NLCC) tăng từ 42,21 MTOE lên 62.84 MTOE (tăng trưởng bình quân 4,52%/năm trong giai đoạn 2010-2019), trong đó tiêu thụ điện tăng bình quân 10,6%/năm, than và các sản phẩm dầu tăng khoảng 5%/năm.

Kết quả đánh giá của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 (VNEEP2) đã tiết kiệm được 11,2 MTOE, bằng 5,65%.

Việt Nam đã từ quốc gia xuất khẩu tịnh năng lượng chuyển sang nhập khẩu tịnh NL vào năm 2015 với mức chênh lệch nhập khẩu, xuất khẩu là 6%. Ước năm 2019 tỷ lệ này là 36,3%.

4/ Về ngành than, trong 5 năm gần đây có mức tăng nhẹ trong khai thác than. Cụ thể, khai thác đạt từ 34,9 triệu tấn năm 2016 lên đến 40,5 triệu tấn năm 2020 (ước), tăng bình quân khoảng 3,8%/năm. Tuy nhiên, lượng than nhập khẩu của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)  tăng nhanh, từ hơn 1 triệu tấn năm 2016 lên tới trên 10 triệu tấn năm 2020.

Hiện nay TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp than dài hạn cho 24 nhà máy nhiệt điện than trong nước, với tổng lượng than hàng năm khoảng trên 51 triệu tấn. 

5/ Về ngành dầu khí, hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nỗ lực đẩy mạnh điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí trong nước, nhất là tại những vùng nước sâu, xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời đẩy mạnh tận thăm dò tại các khu vực đang khai thác nhằm duy trì và gia tăng sản lượng khai thác. Nhưng thực tế, nguồn vốn cần thiết đang hạn chế, cộng với tác động rất bất lợi của dịch Covid-19 làm giá dầu giảm sâu. Sản lượng khai thác dầu thô trong nước đang suy giảm từ mức 15-17 triệu tấn/năm giai đoạn 2015-2017 đã giảm xuống khoảng 12 triệu tấn trong 2 năm gần đây, do các mỏ hiện tại đang cạn dần.

Việc khai thác và cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn đảm bảo ổn định với 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; khai thác khí duy trì được 10 - 11 tỷ m3/năm cung cấp cho các nhà máy điện.

Để sớm có nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, đồng thời tạo nguồn bổ sung LNG cho các nhà máy điện khí, PVN đang khẩn trương xây dựng cụm Cảng - Kho LNG Thị Vải để đưa vào vận hành trong năm 2022.

Đặc biệt, PVN đã, đang tập trung để phát triển các mỏ khí Lô B và Cá Voi Xanh, nhằm đưa thêm lượng khí mới khoảng 7-8 tỷ m3 cấp cho các nhà máy điện giai đoạn 2024 - 2025, tuy còn nhiều vướng mắc và các mốc tiến độ dự kiến gặp rất nhiều thách thức.

6/ Về ngành điện, chuyên ngành được coi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Kiểm điểm theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cho thấy: Giai đoạn 2016 - 2020, công suất nguồn điện đưa vào đạt 93,7% (tăng 8,7%/năm), điện thương phẩm 2016 - 2019 tăng bình quân 10,5%/năm, nhưng ước tính 2016 - 2020 chỉ đạt 8,6%/năm do tác động của dịch COVID-19 trong năm nay. Nhưng trong đó, các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6%, trong khi công suất các nguồn điện NLTT, nhất là điện mặt trời (đạt tới 205%), do tác động từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ. Tất nhiên, như chúng ta đã biết, vấn đề này cũng gây ra nghẽn lưới tại một số vùng phát triển “nóng”.

Cùng với hệ thống nguồn, lưới truyền tải cũng ước đạt kế hoạch với tỷ lệ khoảng 83% với lưới 220 kV và khoảng 80% với lưới 500 kV, trong đó có nguyên nhân của việc chậm tiến độ nhiều nguồn nhiệt điện.

Với việc phát triển mạnh hệ thống lưới truyền tải và phân phối điện, tăng cường giải pháp quản lý - kỹ thuật, các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện ngày càng cao. Cụ thể, tổn thất truyền tải và phân phối điện năng giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn 6,5% năm 2019. 

Theo số liệu cập nhật, cơ cấu các loại nguồn điện của Việt Nam đến cuối năm 2019: Tổng công suất đặt 55.960 MW, trong đó thủy điện 36,9% (gồm cả thủy điện nhỏ); nhiệt điện than 36,2%; nhiệt điện khí - dầu 16,1%; điện mặt trời 8,4%; điện gió 0,7%; sinh khối 0,6% và nhập khẩu 1%.

Dự kiến năm 2020, sản lượng điện sẽ đạt khoảng 244 TWh (giảm 12 tỷ kWh so với dự kiến kế hoạch trước dịch Covid-19), còn điện thương phẩm đạt khoảng 215,2 TWh./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động