RSS Feed for Ý kiến trao đổi về Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 07:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến trao đổi về Quy hoạch điện VIII

 - Như chúng ta đã biết, Bộ Công Thương cùng đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch - Viện Năng lượng đã tổ chức 2 hội thảo về Quy hoạch điện Quốc gia lần thứ 8 và 1 hội thảo về Quy hoạch tổng thể Năng lượng Quốc gia, các quy hoạch này đều có thời đoạn quy hoạch từ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trên tinh thần nghề nghiệp và trách nhiệm với ngành năng lượng nước nhà, người viết đã tìm đọc các báo cáo hội thảo và xin mạnh dạn trao đổi mấy ý kiến sau.


Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn

Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII

Bàn về nhu cầu và cơ cấu nguồn điện quốc gia trong vài thập niên tới



PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG KHOA  HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


1/ Về phương pháp thực hiện Quy hoạch VIII

Hai hội thảo đã trình bày các tài liệu được chuẩn bị rất công phu, tổ hợp nhiều nội dung, thể hiện đã tham khảo các tài liệu quốc tế và rút kinh nghiệm các lần xây dựng quy hoạch trước. Tuy nhiên, nhận thấy việc xây dựng Quy hoạc điện VIII (QHĐ VIII) vẫn chưa thật sự tuân thủ Luật Quy hoạch và Luật Điện lực (sửa đổi 2013), bởi lẻ, theo đó Quy hoạch điện phải được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (CLKTXH) và cân bằng năng lượng sơ cấp quốc gia (nội dung trong Quy hoạch tổng thể Năng lượng Quốc gia - QHTTNL). CLKTXH được biết đã có quyết định xây dựng từ hai năm nay, nhưng chưa có công bố bất cứ nội dung gì. Còn QHTTNL hiện đang nghiên cứu, mới hội thảo lần 1. Như vậy, QHĐ VIII chưa có chỗ dựa, nhiều tư liệu, số liệu đầu vào thiếu cơ sở, căn cứ.

Trong báo cáo về phương pháp luận, các hình vẽ, sơ đồ với nhiều nội dung, các mối quan hệ khá “nhộn nhịp”, nhưng chưa làm rõ các mối quan hệ và chưa chỉ rõ mô hình hóa toán học các mối quan hệ đó như thế nào để có thể tính toán với hàm mục tiêu đạt chi phí hệ thống cực tiểu (?)

Sự phối hợp tính toán giữa các phần mềm BALMOREL, PDPAT2E và PLEXOS như thế nào để đảm bảo tối ưu chung, chưa được giải thích rõ (?)

Tới đây, nguồn điện tái tạo sẽ có tỷ trọng lớn trong cơ cấu công suất nguồn, nhưng do đặc điểm của nó, công suất làm việc lại rất thấp, chúng tôi khá băn khoăn phương pháp tính nguồn, lưới đảm bảo tính ổn định, công suất dự trữ, tích trữ điện năng và các khoản đầu tư kèm theo; các kết quả định lượng về nguồn và lưới chưa giám trao đổi ở đây bởi cơ sở dữ liệu còn phải bàn thêm.

Ngoài ra, chúng tôi chưa thấy giải thích làm rõ mối quan hệ hai chiều giữa QHTTNL và QHĐ VIII, cũng như vai trò của ba phân ngành (điện, than, dầu - khí).

2/ Số liệu đầu vào cho tính toán

Như đã nói ở mục 1, kết quả từ CLKTXH, QHTTNL là đầu vào cho QHĐ VIII chưa có, đây là điều khó cho đơn vị tư vấn quy hoạch điện.

Bên cạnh đó các bộ số liệu về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; công nghệ; môi trường, v.v… gồm tư liệu hiện tại và dự báo, chưa được trình bày, phân tích rõ. Các số liệu sử dụng do đơn vị nào chuẩn bị, đã được thẩm định theo Luật chưa? Tất cả đều chưa chỉ rõ cơ sở số liệu.

Số liệu tính toán là nội dung cốt lõi, nhà bác học Pitagor đã từng nói rằng: Con số là bản chất sự vật. Những ai đã từng tính toán tối ưu sẽ thấy rõ chỉ cần thay đổi một con số, phương án tối ưu sẽ thay đổi ngay.

3/ Dự báo nhu cầu điện/năng lượng

Đây là bước then chốt trong quá trình xây dựng bất cứ một quy hoạch nào. Nếu phương pháp chưa tốt và đặc biệt là số liệu thiếu, chưa đủ tin cậy, kết quả dự báo nhu cầu sẽ sai lệch. Thực tế đã thấy ở các quy hoạch trước kết quả đều thiên cao, ảnh hưởng tới xây dựng nguồn, lưới điện sẽ tăng nhanh, tốn kém, khó đảm bảo tiến độ, kể cả biện pháp, chính sách cũng thiên lệch, không còn chính xác.

Báo cáo xây dựng quy hoạch cho biết đã sử dụng phối hợp phương pháp “trên -xuống” và “dưới - lên” để dự báo, đây là phương pháp thường được sử dụng và cần số liệu tin cậy, độ tin cậy thấp kết quả dự báo sẽ không chính xác.

Lưu ý rằng, tổng hợp số liệu tăng GDP từ các địa phương thường cho kết quả lớn hơn 1,5 - 2 lần so với kết quả tính của Tổng cục Thống kê Nhà nước. Tính “trên - xuống” mà chỉ sử dụng tổng hợp từ hệ số đàn hồi đối với GDP, đàn hồi giá… kết quả cũng không mấy khả quan.

Kết quả dự báo từ Báo cáo hội thảo cho thấy, nhu cầu điện giai đoạn 2021 - 2030 với tốc độ khoảng trên 8%/năm, giai đoạn 2031 - 2045 khoảng 6-5%/năm, điện năng sản xuất tương ứng năm 2030 và 2045 là 537 và 959 tỷ kWh, hệ số đàn hồi tương ứng là 1,15 và 0,58, công suất nguồn điện tương ứng 138 nghìn MW và 302 nghìn MW. Những con số vừa nêu là “khá đẹp”. Tuy nhiên, để đạt được không dễ, giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 13,3 tỷ USD mỗi năm; giai đoạn 2031 - 2045 mỗi năm cần khoảng 12,5 tỷ USD, những khoản đầu tư không hề nhỏ, trong đó đầu tư lưới khoảng 26 - 28%, có thấp không?

Nhìn chung, dự báo nhu cầu cho QHĐ VIII vẫn thiên cao (nhìn con số 959 tỷ kWh có người nói vui là “Việt Nam chuẩn bị gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ kWh”). Đồng thời cũng nên thấy rằng, giảm hệ số đàn hồi điện đối với GDP chỉ mới là một yếu tố, quan trọng hơn là giảm cường độ điện, chỉ tiêu này của Việt Nam đang ở mức 1 USD cần 1 kWh, cao gấp 2 - 3 lần ở các nước tiên tiến. Dự báo cần xem xét yếu tố sử dụng năng lượng hiệu quả, rẻ và sạch hơn tăng nguồn.

4/ Dự báo phát triển công nghệ năng lượng

Người viết đề xuất nên xây dựng nội dung này thành một mục riêng, bởi công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng trong giai đoạn toàn cầu đang và sẽ chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng từ các nguồn điện truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như gió, mặt trời, thủy năng, sinh khối...) và các nguồn năng lượng mới (hydro, nano, pin nhiên liệu...), vài ba thập niên tới sẽ có những phát triển nhanh chóng, cần dự báo nắm bắt. Trong các báo cáo hội thảo được chuẩn bị còn khá sơ lược, sẽ ảnh hưởng tới chọn chỉ tiêu cho tính toán.

Công nghệ NLTT, chỉ riêng gió, mặt trời, mười năm gần đây chúng ta đã chứng kiến phát triển ngoạn mục, tính toán quy hoạch cần chọn những số liệu nào, xu hướng công nghệ có tiếp tục cải tiến phát triển không.

Nhiệt điện than, khí, với những tiến bộ công nghệ sử dụng thông số hơi tới hạn và trên tới hạn, các chỉ tiêu KT-KT, môi trường, cần xem xét, dự báo thích hợp.

Đặc biệt, điện hạt nhân với khả năng công nghệ an toàn hơn, quy mô công suất lớn, nhỏ hợp lý, cần xem xét đưa vào tính toán sớm hơn.

Công nghệ sử dụng điện/năng lượng đã và đang đạt nhiều thành tựu về thiết bị tiêu thụ ít năng lượng, đồng thời cần xem xét hiệu quả năng lượng theo tính hệ thống đối với cơ cấu nền kinh tế quốc dân mới đạt hiệu quả cao.

Đề nghị tổ chức nghiên cứu kỹ hơn, tham khảo kết quả từ các viện nghiên cứu công nghệ của ASEAN, Mỹ, châu Âu, tổ chức các chuyên đề khoa học, biên tập thành tài liệu tham khảo. Báo cáo quy hoạch nên bổ sung một chương: Dự báo công nghệ năng lượng, xu hướng phát triển.

5/ Xây dựng các kịch bản tính toán

Đây cũng là nội dung rất cần lưu ý, các kịch bản (KB) được đề xuất tính toán sao cho bao quát được các điều kiện, đặc điểm, tính chất cần được xem xét tính toán, nhưng không quá nhiều kịch bản/phương án.

Báo cáo hội thảo cho biết đã xây dựng 7 KB chính với các giả thiết khác nhau, trong đó 3 KB với mức NLTT khác nhau; 1 KB cắt giảm khí nhà kính, 1 KB thêm nhiệt điện than; 1 KB có phát triển điện hạt nhân; và tiến hành tính 11 KB, là có thể chấp nhận. Tuy nhiên, người viết mong muốn mở rộng, từ các kịch bản chính có thể với các giả thiết bổ sung để bao quát thêm tình huống (như thay đổi lượng nguồn năng lượng cung cấp, công nghệ và giá thiết bị, giá năng lượng, mức phát thải, tiết kiệm năng lượng…) thay đổi trong phạm vi dự báo được. Như vậy, số KB tính sẽ tăng, nhưng điều kiện đánh giá phân tích sẽ có phổ rộng hơn.

6/ Đánh giá và chọn kịch bản quy hoạch đề nghị

Khi sử dụng phương pháp tính tối ưu, mỗi kết quả tính toán là một KB tối ưu ứng với điều kiện đã đặt ra, có thể có vài chục KB tối ưu được tính toán; vậy chọn KB tối ưu nào? Hay chọn một danh sách ngắn (short list), để kiến nghị? Cách thường thấy hiện nay, người ta dùng phương pháp chuyên gia đánh giá trực tiếp, hoặc phương pháp chuyên gia với trọng số khác nhau rồi tổ hợp lại, phân tích độ nhạy, rủi ro, báo cáo hội thảo cũng đã trình bày.

Cũng có nơi sử dụng toán tử mờ Lowa, để xác định “tỏ” trong một tập “mờ” (các KB cần chọn). Tuy nhiên, đây cũng là một bước khó để ra quyết định, vì vậy, nên kiến nghị một danh sách ngắn.

7/ Kết luận và kiến nghị

Tài liệu Quy hoạch điện quốc gia có thể hiểu như là “tuyên ngôn” của ngành, có tính pháp lý cao, tuy vậy không phải không thể hiệu chỉnh. Nhưng cũng cần rút kinh nghiệm các quy hoạch trước, chỉ mới thực thi (khoảng một hai năm) đã thấy bất hợp lý và phải sửa đổi kéo dài.

Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch mới, việc sửa đổi bổ sung sẽ rất khó khăn (phải thực hiện nội dung và quy trình như xây dựng một Quy hoạch toàn diện), vì vậy, QHĐ VIII cũng như QHTTNL cần được nghiên cứu cẩn trọng, tránh tối đa những thiếu sót.

Là một chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành, đã từng tham gia Hội đồng Thẩm định của cả 7 QHĐQG, xin khẩn thiết kiến nghị: Xây dựng QHĐ VIII và QHTTNL, cần tuân thủ tối đa Luât Điện lực, Luật Quy hoạch, không nên vội vàng, tập trung nhân lực thực hiện, tổ chức đánh giá, thẩm định các nội dung từ phương pháp, số liệu, các bước tính toán, kết quả và lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia các nhà khoa học.

Mặt khác, nội dung mục tổ chức thực hiện quy hoạch cần phải xây dựng nghiêm túc, tỷ mỷ, khoa học và đề xuất cơ chế chính sách thực thi, vì nội dung này quyết định tính khả thi của kết quả thực hiện quy hoạch./.

Hà Nội, tháng 10/2020

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động