Giấc mơ ‘có dầu’ của Campuchia đã thành hiện thực
10:54 | 31/12/2020
Vai trò của dầu mỏ qua dòng chảy thời gian
Vịnh Thái Lan tự hào có trữ lượng dầu đáng kể, với việc Chevron lần đầu tiên tìm thấy trữ lượng đã được chứng minh ngoài khơi Campuchia vào năm 2005.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất bị đình trệ do Chính phủ và Chevron của Hoa Kỳ đã không đạt được thỏa thuận chia sẻ doanh thu, khiến công ty phải bán cổ phần của mình cho KrisEnergy của Singapore vào năm 2014.
Ông Hun Sen ca ngợi việc khai thác dầu thô đầu tiên là "một thành tựu mới cho nền kinh tế Campuchia".
"Năm 2021 sắp đến và chúng tôi đã nhận được một món quà lớn cho quốc gia của chúng tôi - sản lượng dầu đầu tiên trên lãnh thổ của chúng tôi" - ông nói trong một bài đăng trên Facebook.
Việc Chevron phát hiện ra trữ lượng đã khiến vương quốc này được coi là quốc gia dầu khí tiềm năng tiếp theo của khu vực, với việc ước tính hàng trăm triệu thùng dầu thô nằm dưới đáy biển của nước này.
Hiện tại KrisEnergy nắm giữ 95% cổ phần của lô dầu này, trong khi Chính phủ nắm giữ phần còn lại.
Công ty dự kiến tốc độ sản xuất đỉnh cao là 7.500 thùng/ngày kể từ giai đoạn khởi đầu - một con số khiêm tốn so với các nước sản xuất dầu láng giềng của Campuchia là Việt Nam và Thái Lan.
Tuy nhiên, Chinh phủ có được khoản doanh thu đáng kể, ước tính vào năm 2017, Chính phủ thu được ít nhất 500 triệu đô la Mỹ tiền thuế tài nguyên và các loại thuế khác từ giai đoạn đầu tiên của dự án.
Phát hiện này cũng làm dấy lên lo ngại về cách Campuchia - một quốc gia từ lâu bị xếp hạng yếu kém về tính minh bạch - sẽ sử dụng tài sản mới tìm thấy của mình, nhưng Ông Hun Sen - nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Á bác bỏ chúng và gọi việc khai thác là "một may mắn" cho người Campuchia.
"Đó không phải là một lời nguyền rủa như nó đã được trích dẫn bởi một số người ác ý" - ông nói.
Mỏ dầu khí Lô A - giấc mơ sống còn của Campuchia.
Theo bình luận trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Lô A - tô nhượng dầu mỏ hứa hẹn nhất - giấc mơ sống còn của Campuchia. Mỏ dầu tô nhượng Apsara, nếu khai thác hết, sẽ giúp đa dạng hóa một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng may mặc và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc.
Giống như nhiều nước láng giềng khác ở Đông Nam Á, Campuchia đã nhận được hàng tỷ các khoản đầu tư và vay nợ liên quan đến việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng thuộc chương trình Vành đai và con Đường của Bắc Kinh. Xuất khẩu dầu có thể làm cho đất nước Campuchia trở nên mạnh mẽ hơn về tài chính, bao gồm cả việc giảm bớt thâm hụt 12% tài khoản vãng lai. Và một khi nhà máy lọc dầu đã bị trì hoãn lâu ngày được xây dựng, thì cũng có thể làm giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Đó là một con đường dài. Ngành dầu mỏ của Campuchia đã bị bao vây, trì trệ hàng thập kỷ khi các tập đoàn năng lượng có hạng trên thế giới, từ hãng Chevron (Hoa Kỳ) cho đến PTT (Thái Lan), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đến rồi đi.
Nhưng Chính phủ Campuchia đã đặt hy vọng vào KrisEnergy - một công ty có trụ sở tại Singapore.
Mặc dù sản lượng dầu của Lô A dự kiến ban đầu là khiêm tốn, nhưng Chính phủ hy vọng đây sẽ là bước đầu tiên trong việc phát triển ngành dầu khí của Campuchia. Cũng cần lưu ý rằng, các cuộc đàm phán với Thái Lan về các lĩnh vực ngoài khơi được cho là giàu tiềm năng dầu khí đã khởi động lại, trong khi một công ty Canada đang chuẩn bị tăng cường thăm dò trên đất liền.
Tuy nhiên, có một vấn đề với KrisEnergy - là năm 2014 Công ty này đã trả 65 triệu đô la cho cổ phần kiểm soát của Chevron tại Lô A hiện đang vật lộn để duy trì hoạt động và mới đây đã được tòa án cho phép ba tháng để cơ cấu lại gánh nặng nợ nần.
Vào ngày 29/10 vừa qua, một tia sáng xuất hiện sau khi KrisEnergy tuyên bố bán một tài sản dầu mỏ tại Indonesia và việc bán tài sản này là một phần trong chiến lược của Công ty "để tập trung nguồn lực tài chính hạn chế vào việc tối ưu hóa hoạt động tại các tài sản sản xuất hiện có".
Sự hấp dẫn đối với Campuchia là rõ ràng. Sản xuất từ trữ lượng dầu ước tính 30 triệu thùng của Lô A sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là khi nhà máy lọc dầu do Trung Quốc hậu thuẫn sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Campuchia đã tăng 10% trong năm 2018 lên 2,5 triệu tấn (số liệu chính thức được trích dẫn bởi chương trình truyền thông địa phương).
Cùng với KrisEnergy của Singapore, Công ty Tài nguyên Angkor (trước đây gọi là Angkor Gold) của Canada hiện đang giữ giấy phép thăm dò 01 trong 19 lô dầu khí trên đất liền ở Campuchia. Tuy nhiên, hiện triển vọng của nó cũng không rõ ràng./.
BIÊN DỊCH VÀ TỔNG HỢP: LÊ MỸ