RSS Feed for Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 2]: Những lo ngại của các quốc gia ở hạ lưu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 07:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 2]: Những lo ngại của các quốc gia ở hạ lưu

 - Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 65 năm hoạt động, nhưng những thách thức phía trước đối với Uỷ hội sông Mê Công quốc tế (MRC) là không hề nhỏ, đó là việc các quốc gia như Trung Quốc, Lào và Cămpuchia tiếp tục có kế hoạch phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 1]: Vai trò Uỷ hội sông Mê Công quốc tế Hợp tác lưu vực sông Mê Công [kỳ 1]: Vai trò Uỷ hội sông Mê Công quốc tế

Trong thời gian 65 năm qua, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế (Mekong River Committee - MRC) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển ở các nước thành viên, tăng cường hợp tác giữa các thành viên và với 2 nước thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar và nhiều đối tác quốc tế khác. Tuy nhiên, hợp tác Mê Công nói chung và vai trò của MRC đang đứng trước nhiều thách thức, cả do nguyên nhân chủ quan, khách quan, nên cần có sự cải tổ thực chất hơn nữa để đóng vai trò to lớn hơn...

KỲ 2: NHỮNG LO NGẠI CỦA CÁC QUỐC GIA KHU VỰC HẠ LƯU SÔNG MÊ CÔNG

Với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng lưu vực sông Mê Công, nhu cầu về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo từ thủy điện tăng lên nhằm đáp ứng sự gia tăng về dân số trong khu vực.

Các thách thức chính đối với lưu vực sông Mê Công bao gồm: Suy thoái môi trường, tác động của đập thủy điện và các dự án phát triển khác đến thủy sản và bồi lắng phù sa, biến đối khí hậu và đói nghèo. Nhu cầu tưới thâm canh cho nông nghiệp, sự gia tăng dân số, cũng như các kiểu khí hậu khó dự đoán gây ra lũ lụt và hạn hán thường xuyên đang tạo áp lực lên các nguồn tài nguyên của sông Mê Công.

Công tác quản lý lưu vực sông xuyên biên giới trở thành thách thức lớn đối với các nước ven sông Mê Công, đồng thời mang lại các cơ hội hợp tác lớn lao. Những sản phẩm của MRC kể từ khi thành lấp đến nay đã thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể như sau:

- Giai đoạn 1957 - 1975:

Một trong những sản phẩm quan trọng nhất của Uỷ ban Mê Công thời kỳ này là báo cáo “Quy hoạch chỉ đạo lưu vực 1970 (Indicative Basin Plan - 1970). Báo cáo Quy hoạch Chỉ đạo Lưu vực 1970 được đánh giá là một quy hoạch phát triển lưu vực khá toàn diện với tầm nhìn đến năm 2000.

Diện tích tưới dự kiến tăng từ 213.000 ha năm 1970 lên đến 3.000.000 ha năm 2000. Có 87 dự án thủy điện trên dòng nhánh và 17 dự án thủy điện lớn trên dòng chính đã được đề xuất. Toàn bộ 17 bậc thang thủy điện trên dòng chính đều là dự án thủy điện có hồ chứa lớn, trong đó có Nhà máy Thuỷ điện Pa Mông với dung tích hồ chứa lên đến 42 tỉ m3. Trong thời gian này các nhà tài trợ Quốc tế đã tài trợ để thực hiện một số dự án nghiên cứu và khoảng 10 dự án thuỷ lợi với quy mô nhỏ.

- Giai đoạn 1975 - 1995:

Trong giai đoạn này đã thực hiện nghiên cứu “Rà soát Quy hoạch Chỉ đạo Hạ Lưu vực”. Với bản quy hoạch rà soát, bậc thang các công trình thủy điện trên dòng chính đã có thay đổi khá lớn về quy mô do những thay đổi trong quan niệm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Năm 1994, Ủy ban Lâm thời sông Mê Công đã đưa ra nghiên cứu quan trọng về các bậc thang thủy điện trên dòng chính Hạ lưu vực sông Mê Công. Với nghiên cứu “Hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính 1994” đã đưa ra hơn 10 bậc thang thủy điện có hồ chứa không điều tiết nước với mục đích giảm thiểu tác động đến môi trường khi khai thác tiềm năng hợp lý của hạ lưu vực sông. Các bậc thang thủy điện trong nghiên cứu năm 1994 là cơ sở cho việc phát triển bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công ở Lào, Thái Lan và Cămpuchia hiện nay.

- Giai đoạn từ năm 1995 đến nay:

Hợp tác Mê Công sau khi ký Hiệp định Mê Công 1995 đã bước sang một giai đoạn mới. Nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng trong khuôn khổ MRC đã được 4 quốc gia ven sông ký kết, bao gồm:

1/ Thủ tục trao đổi và chia sẻ thông tin và dữ liệu (PDIES) (2001)

2/ Thủ tục về Theo dõi sử dụng nước (PWUM) (2003).

3/ Thủ tục thông báo, Trao đổi trước và thỏa thuận (PNPCA) (2003).

4/ Thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính (PMFMS) (2006).

Các văn kiện trên là những công cụ pháp lý quan trọng để các quốc gia thành viên MRC thực hiện tốt cam kết đã ký trong Hiệp định Mê Công 1995. Trung Quốc và Myanma không tham gia ký hiệp định Mê Công 1995 mà chỉ tham gia Ủy hội với tư cách là Các bên Đối thoại.

Thông qua hợp tác Mê Công nhiều chương trình/dự án nghiên cứu và phát triển đã được thực hiện bởi các quốc gia thành viên với sự tài trợ to lớn của các nước và cộng đồng quốc tế. Các chương trình/dự án được thực hiện đã giúp bảo vệ và phát triển tài nguyên nước sông Mê Công theo hướng bền vững, phục vụ cho lợi ích của khoảng 72 triệu dân (số liệu năm 2020) trong lưu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới.

Các hoạt động phát triển liên quan đến tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của sông Mê Công đến nay đều được thực hiện trên các dòng nhánh (trừ phần thượng nguồn sông Mê Công trên lãnh thổ Trung Quốc).

Có thể nói nguồn nước sông Mê Công đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam chưa bị tác động nhiều bởi việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng nhánh ở phần Hạ lưu vực. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện một số công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công thuộc lãnh thổ Trung Quốc và Lào đã có những tác động rất lớn đối với hạ lưu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Những thành tựu của MRC trong 65 năm qua được ghi nhận như sau:

(1) Xây dựng Chiến lược Phát triển Lưu vực sông Mê Công.

(2) Xây dựng năm bộ thủ tục phục vụ việc sử dụng tài nguyên nước.

(3) Triển khai đánh giá các kịch bản về kế hoạch phát triển sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia thành viên làm cơ sở cho các chiến lược và các chỉ dẫn.

(4) Cung cấp hướng dẫn sơ bộ về thiết kế xây dựng các đập trên dòng chính, đặt ra các tiêu chuẩn của Hệ thống thực hành tốt nhất.

(5) Xây dựng Hiệp định Vận tải Đường thủy giữa Cămpuchia và Việt Nam.

(6) Xây dựng chiến lược quản lý và phát triển thủy sản toàn lưu vực.

(7) Cung cấp dự báo lũ vào mùa mưa nhằm giúp các cơ quan có thẩm quyền giảm thiểu các ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.

(8) Xuất bản các báo cáo về Hiện trạng Lưu vực sông Mê Công về sự phát triển và sức khỏe hệ sinh thái của lưu vực.

(9) Tổ chức một loạt diễn đàn khu vực giữa các bên liên quan về vấn đề quy hoạch lưu vực, biến đổi khí hậu, thủy điện và thủy sản và,

(10) Thỏa thuận với Trung Quốc về chia sẻ thông tin, trao đổi kỹ thuật và thực hiện đánh giá chung.

Đặc biệt trong hơn 20 năm trở lại đây kể từ năm 2011, MRC đã hỗ trợ các quốc gia thành viên Ủy hội - Cămpuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng phát triển và quản lý hạ lưu sông Mê Công một cách bền vững.

MRC cũng thông qua Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho các giai đoạn: 2011 - 2015, 2016 - 2020 và 2021 - 2030 và các Chiến lược ngành cho hầu hết các lĩnh vực hợp tác của Ủy hội như môi trường, thủy sản, lũ, hạn, thủy điện, giao thông thủy, biến đổi khí hậu

MRC cũng hoàn thành xây dựng bộ quy chế sử dụng nước, bao gồm 5 Thủ tục:

(1) Trao đổi và Chia sẻ thông tin số liệu.

(2) Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận.

(3) Giám sát sử dụng nước.

(4) Duy trì dòng chảy trên dòng chínhchất lượng nước.

(5) Các hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các quy chế này.

Đặc biệt, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận đã giúp MRC triển khai rất hiệu quả quá trình tham vấn cho các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Ngoài ra, MRC đã hoàn thành “Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính” (2015 - 2017), góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông.

Là con sông xuyên biên giới nên việc đối thoại để sử dụng hiệu quả nguồn nước trong lưu vực rất quan trọng. Vì vậy MRC chủ trương tăng cường đối thoại giữa các quốc gia thành viên Ủy hội và giữa Ủy hội với các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các cơ chế hợp tác vùng (Mê Công - Lan Thương, Mê Công - Hoa Kỳ, Mê Công - Nhật Bản, Mê Công - Hàn Quốc…) nhằm tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của hợp tác Mê Công.

Dù mới bắt đầu từ năm 2016, nhưng Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) bước đầu đã thu được những kết quả khả quan và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Thách thức phát triển khu vực:

Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 65 năm hoạt động, nhưng những thách thức phía trước đối với MRC là không hề nhỏ, đó là việc các quốc gia như Trung Quốc, Lào và Cămpuchia tiếp tục có kế hoạch phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính Mê Công của Trung Quốc đã gây nên sự lo ngại sâu sắc của các quốc gia hạ lưu. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn trấn an là các đập thuỷ điện Trung Quốc là những hồ chứa điều tiết năm, về mùa lũ thì hồ thủy điện sẽ tích nước nên lưu lượng mùa lũ xuống hạ lưu sẽ giảm và xả nước vào mùa kiệt, do đó sẽ tăng lượng nước cho hạ lưu. Nhưng chính sự thay đổi này đã phá vỡ quy luật dòng chảy tự nhiên, tác động rất lớn đến môi trường kinh tế - xã hội khu vực hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Kết quả phân tích lợi ích - chi phí trong các kịch bản của Kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mê Công do MRC thực hiện đều đưa ra các kết quả tiêu cực về môi trường và xã hội. Vì vậy, kế hoạch Chiến lược MRC 2021 - 2025 bao gồm việc tiến hành đánh giá các giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí các phương án tích hợp hệ thống năng lượng cho các nước trong khu vực.

Theo đó, MRC kiến nghị các nước thuộc lưu vực sông Mê Công nên tìm nguồn năng lượng thay thế việc tiếp tục phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công bằng nguồn năng lượng khác như điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt, điện sinh khối... mà khu vực này có ưu thế hoặc có thể là điện hạt nhân.

Kỳ tới: Giải pháp nào cho Việt Nam?

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1. https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/MRC-General-leaflets-Viet.pdf

2. http://www.vnmc.gov.vn

3. Plans and Perspective of Mekong River Commission. Peeti Ngamprapasom. Sustainable Hydropower Specialist Planning Division MRC.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động