RSS Feed for Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ cuối]: Tác động và hướng xử lý | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 06:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ cuối]: Tác động và hướng xử lý

 - Giới chuyên môn dự báo, tại Việt Nam, kinh tế đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19, cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng trong trong mùa nắng và việc các mỏ than đang ngày càng cạn kiệt; cạnh đó, từ đầu năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh than gặp rất nhiều khó khăn đặc thù... đây là một trong những nguyên nhân khả năng dẫn đến giá than trong nước tăng cao trong năm 2022 và những năm sau.
Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu
Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 1]: Dự báo thị trường quốc tế Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 1]: Dự báo thị trường quốc tế

KỲ CUỐI: ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ THAN ĐẾN NGÀNH THAN, NHIỆT ĐIỆN THAN VÀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ

Như đã nêu trong kỳ trước, để đáp ứng nhu cầu than ngày càng tăng cao cần phải tăng cường khai thác than trong nước đi đôi với nhập khẩu than, nhất là than cho sản xuất điện. Vấn đề là:

(1) Do nguồn trữ lượng than nội địa có hạn và đã khai thác hơn 100 năm, nên đến nay phần trữ lượng có điều kiện khai thác thuận lợi, giá thành thấp đã khai thác hết, còn lại là phần trữ lượng có điều kiện khai thác khó khăn, chủ yếu là trữ lượng khai thác bằng phương pháp hầm lò, có giá thành tăng cao.

(2) Việc nhập khẩu than với nhu cầu ngày càng tăng, song là nước đi sau nên các nguồn than nhập khẩu trong khu vực và trên thế giới đã bị chiếm lĩnh, Việt Nam chủ yếu chỉ nhập khẩu theo kiểu “ăn xổi ở thì”, có thì nhập, không có lại đi tìm đối tác khác. Hơn nữa, giá than nhập khẩu biến động mạnh theo tình hình thị trường và quan hệ cung - cầu, khi tăng cao và khi xuống thấp. Ngoài ra, nguồn than nhập khẩu trước mắt cũng chỉ từ các nước: Úc; In-đô-nê-xi-a; Nga, Nam Phi.

(3) Có mâu thuẫn là người khai thác, kinh doanh than muốn có giá than cao, ngược lại, người tiêu dùng than, nhất là các hộ sản xuất điện lại muốn có giá than thấp; mâu thuẫn đó thường xuyên xảy ra thông qua quan hệ thị trường và điều chỉnh bằng chính sách điều tiết của Nhà nước.

(4) Việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có đáp ứng nhu cầu than phát điện của nền kinh tế quốc dân là ưu tiên hàng đầu và cấp thiết.

Để đối phó với các vấn đề nêu trên, nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện, cần phải:

Thứ nhất: Về công tác điều tra, thăm dò than:

- Tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có, đảm bảo độ tin cậy phục vụ thiết kế khai thác và đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò phải luôn đi trước một bước.

- Đổi mới và áp dụng công nghệ thăm dò tiên tiến, đặc biệt đối với những khu vực nằm ở độ sâu lớn, điều kiện địa chất phức tạp; tiếp tục tìm kiếm đối tác nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò thích hợp để thăm dò Bể than đồng bằng sông Hồng.

Thứ hai: Về phát triển mỏ và khai thác than:

- Tập trung phát triển, duy trì các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”. Phát triển các mỏ lộ thiên theo hướng nâng cao hệ số bóc giới hạn, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - kinh tế và quy hoạch chung của toàn khu vực; thực hiện đổ thải theo hướng sử dụng tối đa bãi thải trong.

- Liên thông các mỏ có quy mô nhỏ cạnh nhau, có điều kiện địa chất, địa lý, hạ tầng phù hợp thành các mỏ có sản lượng lớn.

- Phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả; khai thác an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, tận thu nguồn tài nguyên than.

- Đầu tư một số dự án thử nghiệm tại Bể than đồng bằng sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý.

- Khuyến khích các địa phương có các điểm than trữ lượng nhỏ đầu tư khai thác để phục vụ nhu cầu tại chỗ; chú trọng công tác khai thác than bùn làm nhiên liệu và phân bón phục vụ nhu cầu của ngành nông, lâm nghiệp.

- Nghiên cứu khai thác và sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng, làm vật liệu xây dựng, v.v... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, cải tạo phục hồi môi trường khu vực khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng than.

- Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài để thăm dò, khai thác than (loại than Việt Nam phải nhập khẩu) bảo đảm hiệu quả và phù hợp quy định của pháp luật.

Thứ ba: Về phát triển sàng tuyển và chế biến than:

- Duy trì, cải tạo các nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có kết hợp việc duy trì hợp lý các cụm sàng mỏ; tiếp tục đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển tập trung theo từng khu vực để đảm bảo yêu cầu chế biến than đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Chế biến than trong nước kết hợp với pha trộn than nhập khẩu theo hướng tối đa chủng loại than cho sản xuất điện; đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước phù hợp theo thị trường.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác chế biến than (chế biến than để dùng cho luyện kim, khí hóa than để sản xuất các loại khí phù hợp phục vụ trong các ngành năng lượng và công nghiệp...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ than đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và cam kết của Việt Nam tại COP 26.

- Thực hiện công tác sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ địa phương quản lý phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, công suất các dự án mỏ, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Xây dựng các cơ sở chế biến than bùn tập trung với công nghệ tiên tiến theo hướng ưu tiên chế biến ra các sản phẩm có chất lượng sử dụng cho ngành nông, lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Thứ tư: Về xuất - nhập khẩu và kinh doanh than:

- Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

- Tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn than và đa dạng hóa phương thức, nguồn than nhập khẩu dài hạn hợp lý.

Thứ năm: Về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh than:

- Hoàn thiện các công trình trên mặt bằng (các khu khai thác, đổ thải, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình BVMT…) phù hợp nhu cầu sử dụng của từng dự án khai thác, sàng tuyển, chế biến than và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi trường, phòng chống thiên tai, hiệu quả sản xuất than và đáp ứng linh hoạt nhu cầu phát triển quỹ đất trong tương lai.

- Tổ chức hệ thống vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, băng tải) phù hợp với năng lực sản xuất than từng khu vực với công nghệ hiện đại tự động hóa, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế; gắn các mỏ, các vùng than với các hộ tiêu thụ lớn trong khu vực phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng, quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng các khu vực có hoạt động khai thác than. Mặt khác, tăng cường sử dụng băng tải, đường sắt, đường thủy để vận tải than, hạn chế tối đa hình thức vận tải bằng ôtô để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.

- Cải tạo, mở rộng, xây dựng mới cảng tập trung tại các vùng sản xuất than và theo khu vực (phía Bắc, phía Nam) phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và các quy hoạch khác liên quan với loại hình cảng hợp lý, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường để phục vụ xuất, nhập, pha trộn than; xóa bỏ dần các bến nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

- Xem xét cải tạo, mở rộng cảng chuyên dùng hiện có của các hộ tiêu thụ để có thể trực tiếp nhập khẩu, trung chuyển than cho các tàu có trọng tải phù hợp khi chưa hình thành cảng tập trung tại các khu vực.

Thứ sáu: Về công tác an toàn và bảo vệ môi trường:

- Thực hiện theo tiêu chí mỏ “An toàn - hiện đại - thân thiện với môi trường”, tăng trưởng xanh, phát triển ngành than hài hòa và thân thiện với môi trường và cộng đồng.

- Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát hữu hiệu các yếu tố rủi ro trong sản xuất và sử dụng than. Chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao nhằm đề phòng và loại trừ các sự cố trong mỏ; tiếp tục hiện đại hóa bộ phận cấp cứu mỏ chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu cá nhân cho công nhân, đặc biệt là công nhân hầm lò để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức của người lao động trong công tác ATVSLĐ; nâng cao ý thức tự chủ an toàn, chấp hành quy trình kỹ thuật, biện pháp an toàn, kỷ luật lao động của người lao động.

- Bảo vệ môi trường ngành than gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam.

- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và môi trường trong thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và sử dụng than.

- Xây dựng kế hoạch và lộ trình dài hạn với các giải pháp đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh nhằm khắc phục, giải quyết tốt các vấn đề về môi trường trong thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng than đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, khu vực và thế giới.

- Thúc đẩy phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn từ khai thác - chế biến - sử dụng than đến quản lý chất thải; tăng cường tái chế, tái sử dụng các loại chất thải cho sản xuất và cung cấp cho các ngành kinh tế khác.

Thứ bảy: Giải pháp về cơ chế, chính sách đối với sản xuất, kinh doanh than:

- Nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến môi trường, khoáng sản; đất đai; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; thuế tài nguyên,... đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của đất nước trong tương lai.

- Nhà nước tổ chức điều tra, đánh giá đối với Bể than đồng bằng sông Hồng và một số bể than khác thuộc vùng thềm lục địa Việt Nam để đảm bảo yêu cầu cho công tác thăm dò, phát triển các dự án khai thác than.

- Các địa phương có tài nguyên than ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị ngành than trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để thăm dò, khai thác (nhất là các khu vực có công trình trên mặt cần bảo vệ) để khai thác tiết kiệm tài nguyên than.

- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài, tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.

- Huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau trong nước và nước ngoài, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than.

- Nhà nước ban hành chính sách khuyến khích các hộ sử dụng than đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm tài nguyên than và phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26.

- Nhà nước ban hành chính sách về tiền lương, bảo hiểm, thâm niên, nhà ở, chăm sóc y tế đối với trường hợp lao động làm việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm trong các mỏ than than hầm lò để hỗ trợ ngành than thu hút lao động.

- Chính phủ chỉ đạo, điều hành giá bán than sản xuất trong nước theo cơ chế thị trường, đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có mức lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than. Ban hành chỉ số giá than trong giao dịch than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ thị trường quốc tế.

- Dự trữ than phù hợp, trong đó thiết lập lại kho dự trữ than quốc gia, đáp ứng yêu cầu cho các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện và kịp thời đối phó với những rủi ro trong việc nhập khẩu, biến động cực đoan của thời tiết để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.

PGS,TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo tháng 6/2022).

2. Phạm Minh: https://markettimes.vn/gia-than-the-gioi-xo-do-moi-ky-luc-than-trong-nuoc-van-on-dinh-2347.html (Giá than thế giới “xô đổ" mọi kỷ lục, than trong nước vẫn ổn định).

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động